Khắp châu Á đã chứng kiến sự trỗi dậy và sụp đổ của các vương triều “cha truyền con nối”. Trong nhiều trường hợp, các triều đại sụp đổ giữa làn sóng biểu tình gay gắt. Hiện tượng này vừa là minh chứng cho sức bền bỉ của các triều đại chính trị ở châu Á, vừa là lời cảnh báo cho một số ít gia tộc đứng trên đỉnh cao quyền lực suốt hàng chục năm nay.
Giáo sư Vedi Hadiz, giám đốc Viện Châu Á tại đại học Melbourne, cho biết: “Dân chủ là một đức hạnh. Nó không thể phát huy ở những nơi cực kỳ bất bình đẳng về xã hội và kinh tế, khi mà cơ hội để gây dựng sức ảnh hưởng lại không chia đều cho mọi người”.
Cha con Thủ tướng Thái Lan thuộc gia tộc giàu có Shinawatra. Ảnh: Zuma Press, WSJ
Cha con Thủ tướng Thái Lan thuộc gia tộc giàu có Shinawatra. Ảnh: Zuma Press, WSJ
Các triều đại chính trị không phải là điều riêng biệt của châu Á. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 chính là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ năm 1976 mà không có tên Bush, Clinton và Biden trên những lá phiếu. Tuy nhiên, ở châu Á, ít nhất 7 quốc gia đang có nhà lãnh đạo là thành viên trong một gia tộc quyền lực, từng điều hành đất nước. 
Các lãnh đạo hiện tại của Thái Lan, Campuchia, Philippines, Lào và Brunei đều là con của một nhà cựu lãnh đạo.
Ở Pakistan, Thủ tướng Shehbaz Sharif là anh trai của cựu lãnh đạo Nawaz Sharif. Còn ở Indonesia, tổng thống Prabowo Subianto là con rể rũ của nhà độc tài Suharto.
Tiến sĩ Ken Setiawan, giảng viên chuyên nghiên cứu về Indonesia tại Đại học Melbourne, đã nêu một số lý do giải thích cho sự trường tồn của các gia đình nắm quyền lực chính trị ở châu Á. Ông nói, các đảng phái chính trị yếu kém, chi phí vận động tranh cử tốn kém, và mạng lưới chính trị khép kín… đều gây khó khăn cho sự vươn lên của các gương mặt mới.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines năm 2022, truyền thông địa phương đưa tin, người chiến thắng cuối cùng - ông Fernidand Marcos Junior đã chi hơn 11 triệu USD cho chiến dịch tranh lớn. Phần lớn số tiền đến từ các khoản đóng góp. 
Thêm vào rào cản về tài chính, tiến sĩ Setiawan cho biết thêm, ở nhiều nước châu Á, "rất dễ để thăng chức hoặc đề cử các thành viên gia đình vào vị trí mới. Điều đó khiến cho những ai có xuất thân bình thường gặp khó khăn lớn hơn nhiều nếu muốn bước vào chính trường”.
“Con vua thì được làm vua”?
Năm 2014, Indonesia đã thoát khỏi nhiều năm “gia đình trị” khi cử tri bầu ông Widodo làm Tổng thống đầu tiên không xuất thân từ quân đội hay giới tinh hoa chính trị Indonesia.
Nhà lãnh đạo thường được gọi với tên “Jokowi” đã vươn lên từ khởi đầu khiêm tốn trong nhà máy sản xuất đồ nội thất của ông nội mình. Tiếp đó, ông kinh qua các vị trí trong chính trường địa phương và lên đến chức thống đốc Jakarta. Vị thế là một “người ngoài cuộc” trong chính trường đã giúp ông giành được sự ủng hộ rộng rãi.
Nhưng 10 năm sau, trang bìa tạp chí Time đã đổi từ ảnh chụp chân dung ông Jokowi, sang hình ảnh dòng người biểu tình. Những người này xuống đường, cáo buộc ông Jokowi đã quay lại áp đặt “gia đình trị” và phá hoại nền dân chủ. Tháng 9/2024, hàng nghìn người Indonesia đã xuống đường để phản đối con trai út của ông Jokowi ra tranh cử. Tiến sĩ Setiawan cho biết: “Có rất nhiều sự tức giận với ông Jokowi, người mà 10 năm trước được coi là hy vọng cho nền dân chủ".
Một vụ bê bối tương tự đã xảy ra vào tháng 11/2023 khi tòa án ở Indonesia lật ngược một quy định, nêu rằng chỉ những ứng cử viên trên 40 tuổi mới được ứng cử vào các vị trí cao nhất. Điều này đã cho phép con trai cả của ông Jokowi ra tranh cử phó tổng thống.
Tiến sĩ Setiawan nói rằng, ông Jokowi đã cố gắng bảo vệ tầm ảnh hưởng chính trị của mình sau hai nhiệm kỳ tổng thống.
Chuyên gia nói thêm: “Việc củng cố các di sản liên quan rất nhiều đến các ưu tiên chính trị của cựu Tổng thống Jokowi và các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Nhiều dự án đã được khởi động, nhưng còn lâu mới hoàn thành”.
Cùng với những cáo buộc về chủ nghĩa gia đình trị, những câu hỏi về năng lực và kinh nghiệm của con trai cả của ông Jokowi đã xuất hiện tràn lan. Phó tổng thống đắc cử Gibran đã điều hành một chuỗi cửa hàng bán bánh kếp trước khi được bầu làm thị trưởng Solo năm 2020.
Trước cuộc bầu cử, ông đã bác bỏ những cáo buộc rằng về nhận điểm kém ở đại học. Thậm chí, một số người còn đặt câu hỏi về tính xác thực liên quan đến bằng cấp của ông. Cuối cùng, ông Gibran đã đưa ra tấm bằng tốt nghiệp trường Đại học Bradford (Vương quốc Anh), vô tình mở ra những đợt công kích mới từ những người chán ghét ông.
Giáo sư Vedi Hadiz cho biết, các triều đại chính trị “cha truyền con nối” góp phần duy trì mức độ bất bình đẳng cao ở châu Á, với các cơ hội giáo dục thường chỉ dành cho một số ít gia đình quyền lực.
“Con vua thì được làm vua”, việc xuất thân từ danh gia vọng tộc đã giúp nhiều người có cơ hội học tập trong môi trường tiên tiến nhất, và sau đó họ lại củng cố vị thế của bản thân và gia đình mình.
Giống như ông Gibran của Indonesia, đương kim Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cũng đến từ một gia đình quyền lực. Bà là thành viên thứ tư của gia tộc Shinawatra đã trở thành thủ tướng. Bà từng học ở Vương quốc Anh, tốt nghiệp ngành quản lý khách sạn tại Đại học Surrey.
Năm 2023, nhà lãnh đạo lâu năm của Campuchia - ông Hun Sen đã trao quyền lực cho con trai Hun Manet, người đã học tại Đại học Bristol nước Anh.
Tổng thống Philippines Marcos đã theo học Worth School ở West Sussex và Đại học Oxford, mặc dù ông không hoàn thành bằng cấp của mình.
Giáo sư Hadiz cho biết, mặc dù cử tri ở một số quốc gia thể hiện sự tức giận, nhưng họ không có nhiều lựa chọn. Phe đối lập vẫn tỏ ra rời rạc và thiếu tổ chức.
Từ năm 2001, Philippines đã có 4 tổng thống là hậu duệ của các gia đình quyền lực. Gần đây, Quốc hội Philippines đã chặn một dự luật nhằm xác định và cấm tình trạng tiếp quản quyền lực trong các triều đại chính trị. Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy, gần 80% thành viên quốc hội Philippines đến từ những gia đình có sức ảnh hưởng.
Nhưng ông Hadiz cho biết: “Giống như ở Indonesia, đôi khi, biểu tình sẽ bùng nổ. Nhưng sau đó, tranh cãi rồi sẽ lắng xuống. Và những người phản đối sẽ lại giải tán trở về nhà”.
**
SỰ TRỞ LẠI CỦA GIA TỘC SHINAWATRA QUYỀN LỰC NHẤT NHÌ THÁI LAN
Trong hai thập kỷ, giới chính trị Thái Lan đã thử mọi thủ đoạn để gạt sang một bên đối thủ cứng đầu nhất của mình - Thaksin Shinawatra, một ông trùm kinh doanh chuyển sang làm chính trị gia.
Giờ đây, họ lại cần ông ấy. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của một phong trào tiến bộ do thanh niên lãnh đạo đã thách thức cả quân đội và hoàng gia—những trung tâm quyền lực truyền thống của Thái Lan. Do đó, họ một lần nữa ngả về phía ông Shinawatra. Điều đó khiến ông tạm thời đi hết một chuyến “tàu lượn siêu tốc” - từ đỉnh cao quyền lực chính trị đến nhà tù, và rồi quay trở lại “kim tự tháp quyền lực”.
Ở tuổi 75, ông Thaksin một lần nữa trở thành nhân vật quyền lực của Thái Lan. Trong suốt một năm đầy biến động, tỷ phú tự thân lập dị này đã trở về nước sau 15 năm lưu vong. Tiếp đó, ông bị bỏ tù vì tội tham nhũng, rồi được ân xá “vừa kịp lúc” để chứng kiến ​​con gái út của mình, Paetongtarn Shinawatra, tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào mùa thu 2024.
Ông Thaksin mỉm cười rạng rỡ khi chứng kiến con gái trở thành thành viên thứ tư trong gia đình đảm nhiệm chức vụ đứng đầu chính phủ Thái Lan. Bản thân ông là người đầu tiên, khi ông “cưỡi” trên làn sóng dân túy để giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2001; nhưng rồi bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự 5 năm sau đó. Anh rể của ông, Somchai Wongsawat, đã nắm giữ vai trò này trong một thời gian ngắn vào năm 2008. Sau đó, em gái của ông Thaksin, bà Yingluck Shinawatra, đã kế thừa cơ sở chính trị là những cử tri trung thành ở nông thôn, và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011. Nhưng bà đã bị cách chức và bị buộc tội tham nhũng (những cáo buộc mà bà cho rằng có động cơ chính trị) trước thềm một cuộc đảo chính quân sự khác vào năm 2014.
Hiện giờ, bà Paetongtarn, 38 tuổi và không có kinh nghiệm chính trị, là nhà lãnh đạo trẻ nhất từ ​​trước đến nay của Thái Lan. Trước đó, bà được trao quyền lãnh đạo đảng chính trị hùng mạnh của người cha tỷ phú.
Nữ Thủ tướng đã được hỏi về sức ảnh hưởng của người cha đứng sau mình. Bà nói: “Tôi hy vọng có thể hỏi ý kiến ​​ông ấy bất cứ lúc nào. Nhưng tôi là chính tôi.”
Dù vậy, tờ Wall Street Journal viết, ở một đất nước mà cung điện là “trọng tài tối cao” về quyền lực và quân đội là người bảo vệ chính, câu hỏi đặt ra là bà Paetongtarn sẽ được họ ủng hộ trong bao lâu. Hay, liệu bà có gặp phải số phận giống như cha và cô của mình hay không?
Sự trỗi dậy đột ngột của bà nhấn mạnh xu hướng quyền lực kiểu “gia đình trị” trên khắp Đông Nam Á. Các chính phủ Campuchia và Philippines đều do con trai của các nhà lãnh đạo trước đây điều hành. Cho đến gần đây, Singapore và Myanmar cũng được lãnh đạo bởi thành viên của các gia tộc quyền lực. 
Bridget Welsh, nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham Malaysia, cho biết: “Quyền lực ở Đông Nam Á phụ thuộc vào tính cách. Các triều đại có được quyền lực từ các mối quan hệ và sự bảo trợ. Và sức hút của họ trong các cuộc bầu cử, bắt nguồn từ danh tiếng lâu đời. Thật sự rất khó để các thế lực mới chen chân vào”.
Con đường không bằng phẳng của ông Thaksin
Bản thân ông Thaksin đã tạo ra một con đường phi truyền thống để nắm quyền ở Thái Lan, nơi những người tinh hoa giàu có lâu đời có mối quan hệ chặt chẽ với chế độ quân chủ luôn được hưởng đặc quyền.
Theo ông Jakrapob Penkair, trợ lý lâu năm của cựu Thủ tướng Thaksin, gia tộc Shinawatra đã xây dựng một đế chế nhỏ từ những doanh nghiệp khác nhau bao gồm sản xuất hàng dệt lụa, một vườn cam, một trạm xăng, một quán cà phê và một đại lý xe máy.
Ông Thaksin vốn sinh ra trong gia đình giàu có và có ảnh hưởng, nhưng chính ông cũng nỗ lực rất lớn để vươn lên thành một trong những người giàu nhất Thái Lan, bằng cách thống trị ngành viễn thông của đất nước.
Khi quyết định tham gia chính trường, ông Thaksin là “người ngoài cuộc”, phải học cách làm việc của giới tinh hoa Thái Lan.
Ông Penkair, người phát ngôn của chính phủ trong thời gian ông Thaksin làm thủ tướng, cho biết: "Ban đầu, ông ấy bị đánh giá thấp. Những điều mà người ta không dạy bạn, có thể chấm dứt con đường của bạn về mặt chính trị và xã hội. Có nhiều quy tắc bất thành văn mà bạn cần phải học. Nhưng ông ấy là người học nhanh, và không mắc cùng một lỗi hai lần".
Ông đã nắm bắt được sự thất vọng của người dân đối với giới tinh hoa ở Bangkok. Sau khi phục vụ vào giữa những năm 1990 với tư cách là bộ trưởng ngoại giao và phó thủ tướng, vào năm 1998, ông đã thành lập đảng chính trị của riêng mình, Thai Rak Thai, có nghĩa là "Người Thái yêu người Thái". Năm 2001, đảng của ông đã đánh bại đảng cầm quyền và ông trở thành thủ tướng.
Sự nổi tiếng của ông Thaksin tiếp tục tăng lên trong thời gian tại nhiệm. Ông đã phân bổ các khoản tiền lớn vào các quỹ phát triển địa phương, mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng và đưa ra một chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân, chuẩn hóa giá khám bệnh ở mức 30 baht. Ông cũng có lập trường cứng rắn về các tệ nạn xã hội, tiến hành cuộc chiến chống chất cấm (gây ra nhiều tranh cãi).
Mối đe dọa ngày càng tăng
Khi ông tái đắc cử năm 2005, giới quân sự-bảo hoàng của Thái Lan biết rằng họ có một vấn đề lớn. Một Thaksin táo bạo, được hàng triệu người Thái ủng hộ, là mối đe dọa quá lớn đối với quyền lực của họ.
Quân đội và những người bảo hoàng đã phát động một phong trào quần chúng chống lại ông Thaksin, xoay quanh thương vụ mờ ám - vụ bán Shin Corp với giá 1,9 tỷ đôla vào đầu năm 2006. Ông Thaksin bị gắn mác là một kẻ đạo đức giả, đã bán đứng những cử tri nghèo trung thành với mình. Phong trào “áo vàng” đã diễn ra, yêu cầu ông từ chức.
Vào tháng 9 năm đó, khi ông đang ở New York để tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, quân đội đã lên nắm quyền, trong một cuộc đảo chính không đổ máu. Ông Thaksin đột nhiên phải sống lưu vong.
“Đó là lúc ông ấy nhận ra, cuộc chiến của mình với giới cầm quyền sẽ không dễ dàng như đã nghĩ. Sự ủng hộ của dân chúng không phải là tất cả”. Đó là nhận xét của ông Pavin Chachavalpongpun, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto, Nhật Bản. 
Trong 17 năm, ôn Thaksin vẫn đứng đầu phe đối lập ở Thái Lan. Ông chỉ đạo họ từ xa, bao gồm từ London và Dubai. Những người ủng hộ ông được gọi là phe “Áo đỏ”, đã nhiều lần tuần hành để phản đối phe “Áo vàng”. Đảng Thai Rak Thai của ông đã bị tòa án giải thể, và sau đó đổi tên thành Pheu Thai - do người em gái Yingluck lãnh đạo. Bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan vào năm 2011.
Bà Yingluck đã xây dựng được lực lượng người ủng hộ nhiệt thành - là những phụ nữ tôn sùng phong cách trang phục công sở nữ tính của bà, được may từ lụa Thái truyền thống. Nữ thủ tướng cũng ghi dấu ấn với mái tóc được chải chuốt hoàn hảo.
Bà Yingluck rất được lòng người nghèo vì đã tăng lương tối thiểu và bơm một lượng vốn lớn vào chương trình trợ cấp gạo. Nhưng vào năm 2014, bà bị truy tố về tội tham nhũng và bị cách chức, khi tòa án tuyên bà có tội lạm dụng quyền lực vì bãi nhiệm người đứng đầu an ninh quốc gia - một thành viên chủ chốt của phe quân đội, cũng là nhóm thách thức quyền lực của gia tộc Shinawatra.
Sau biến cố, bà Yingluck đã theo chân anh trai và sống lưu vong, trước khi phiên tòa xét xử tham nhũng của bà kết thúc. Giống như anh trai, bà cũng bị kết án vắng mặt.
Về mặt chính trị, gia tộc Shinawatra dường như đã biến mất. Cả ông Thaksin và bà Yingluck đều lưu vong. Một vị vua mới và bí ẩn - Quốc vương Vajiralongkorn - đã lên ngôi vào năm 2016. Chính quyền quân sự kế nhiệm chính phủ của bà Yingluck đã viết một hiến pháp mới, để bảo vệ quyền lực của mình.
Trong thời gian lưu vong, ông Thaksin thỉnh thoảng vẫn tạo nên tiếng vang ở quê nhà, chẳng hạn như việc ông mua lại đội bóng đá Manchester City của Anh vào năm 2007, hay xuất hiện thoáng qua trên mạng xã hội. Nhưng ông và gia đình ông đã “ngồi ngoài cuộc” suốt nhiều năm dài.
Sự trở lại thận trọng
Bà Paetongtarn đã được cho là niềm hy vọng mới của đảng Pheu Thai để trở lại ngôi vị quyền lực cao nhất. Trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2023, bà Paetongtarn ban đầu xuất hiện với tư cách một giám đốc ít được biết tới của công ty gia đình. Bà có diện mạo thu hút và am hiểu mạng xã hội khi bà tham gia chiến dịch tranh cử. Dù lúc đó đang mang thai, bà vẫn tỏ ra cực kỳ xông xáo. Các cuộc thăm dò đã dự đoán một chiến thắng vang dội.
Nhưng một đảng tiến bộ mới - có tên là “Tiến bước” (Moving Forward) - đã tạo nên một cú đảo ngược bất ngờ. Đảng “Tiến bước” nhận về sự ủng hộ của những thanh niên “vỡ mộng”, những người đã chán ngấy với cuộc tranh quyền đoạt vị của giới chính trị gia. Không giống như cách tiếp cận trung dung của gia tộc Shinawatra, đảng “Tiến bước” thúc đẩy việc hạn chế quyền lực của quân đội và chế độ quân chủ, khiến họ rơi vào tầm ngắm của quân đội và hoàng gia Thái Lan.
Quân đội đã ngăn cản đảng “Tiến bước” chọn thủ tướng, sau đó, tòa án cuối cùng đã giải tán đảng này.
Trong khi đó, đảng Pheu Thai đã đưa ra một ứng cử viên thỏa hiệp cho chức thủ tướng - người đã lãnh đạo chính phủ trong thời gian ngắn.
Một loạt các sự kiện diễn ra nhanh chóng, đã đưa chính gia tộc Shinawatra trở lại nắm quyền.
Tháng 8/2023, ông Thaksin trở về từ nơi lưu vong và ngay lập tức bị bỏ tù. Ông sớm được chuyển đến một bệnh viện của cảnh sát - nơi ông đã ở lại 6 tháng trước khi được ân xá vì tuổi cao, sức khỏe yếu.
Cuối tháng 8/2024, bà Paetongtarn đã được chọn làm thủ tướng. Ông Thaksin đã chính thức được ân xá, đúng một ngày trước khi bà tuyên thệ nhậm chức.
Các nhà phân tích chính trị cho biết, gia tộc Shinawatra - mặc dù trở lại nắm quyền - đang bị kiểm soát chặt chẽ.
Ông Thitinan Pongsudhirak, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết: "Ông ấy hiện giờ không có nhiều đòn bẩy, vì vẫn còn nợ ơn cung điện”.
Theo đó, gia tộc Shinawatra đúng là đã trở lại nắm quyền, nhưng phải tính toán từng "đường đi nước bước" vô cùng thận trọng.
Bài viết dịch từ các nguồn The Guardian, The Wall Street Journal.