Thời gian qua, làng giải trí Hàn rúng động về bê bối diễn viên Yoo Ah-in sử dụng chất kích thích trong thời gian dài. Bê bối này có thể sẽ chấm dứt sự nghiệp của Ảnh đế Hàn Quốc này. Lập tức, mình chợt nhớ về một bộ phim xuất sắc do diễn viên này từng đóng vai chính. Bộ phim đã đưa Yoo Ah-in trở thành diễn viên trẻ nhất đoạt giải Rồng xanh trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc, và cũng là bộ phim đại diện cho Hàn Quốc tham gia tranh tài tại Oscar năm ấy. Bộ phim có tên tiếng Hàn là "Sado (Tư Điệu)", tên tiếng Việt là "Bi kịch triều đại". Nội dung bài viết này chỉ đề cấp đến bộ phim và những điều mình cảm nhận được sau khi xem phim.
"Bi kịch triều đại" là bộ phim dựa trên câu chuyện lịch sử có thật trong lịch sử Hàn Quốc, kể về cuộc đời của vị Thế tử nổi tiếng Tư Điệu, bị chính cha ruột của mình là vua Anh Tổ giết chết bằng cách nhốt trong thùng gạo và bỏ đói trong 8 ngày. Vì đâu mà dẫn tới bi kịch cha giết con như vậy?

“Lòng ta mừng rỡ và sướng vui cực độ, lòng càng nghĩ càng thấy hân hoan”.

Đó là những lời mà vua cha Anh Tổ đã nói với quần thần khi Thế tử Tư Điệu chào đời. Vì khi đó Hoàng tộc không có người nối dõi, do đó sự ra đời của 1 hoàng tử là một việc vui lớn. Vì vậy, vua cha Anh Tổ đã dành sự yêu thương hết mực và sự giáo dục đầy đủ từ nhỏ, mong sau này Thế tử kế vị mình trở thành một vị vua anh minh. Tuy nhiên, sự kỳ vọng lớn lao này chỉ vài năm sau đó dần biến thành nỗi thất vọng. Nguyên nhân từ đâu mà trở nên như vậy? Dưới đây là những nguyên nhân và bộ phim đã đưa ra.
Trước hết, vì muốn con mình trở thành một người kế vị tài năng, vua cha đã cho Thế tử học và đọc sách rất nhiều. Tuy vậy, Thế tử tỏ ra thích thú với vẽ tranh và võ nghệ hơn. Thế nên khi thấy như vậy thì Vua cha rõ ràng đã không thể hài lòng. Dần dần, sự ép buộc của Vua cha khiến Thế tử dần chán ghét với việc học.
Khi đến tuổi trưởng thành, Thế tử được Vua cha cho vào triều để tập xử lý chính sự. Thế tử sẽ ngồi trước ngai vàng, và Vua cha ngồi sau. Cả hai cùng nghe tấu chương của quần thần và Thái tử tự đưa ra cách xử lý và giải quyết, dưới sự giám sát của Vua cha Anh Tổ. Và tại đây, vị Thế tử trẻ tuổi đã chứng mình tài năng và năng lực của mình như thế nào. Dù còn rất trẻ, nhưng khả năng xử lý vấn đề cực kỳ thông minh và dứt khoát, khác hẳn với cha mình. Điều này đã khiến nhiều người trong triều cực kỳ hài lòng vì sự tài giỏi này, trong đó có Nhân Nguyên Vương hậu ( Dưỡng mẫu của Vua Anh Tổ, là người được trọng vọng trong triều). Tuy nhiên những quyết định sáng suốt này lại khiến Vua cha cực kỳ tức giận. Lý do là vì những quyết định này ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi giới quý tộc quan lại trong triều, mà họ chính là những người từng giúp vua Anh Tổ lên ngôi (nghi ngờ là đã giết chết vua Cảnh Tông - anh của vua Anh Tổ). Vì đã bị giới quý tộc "nắm đằng chuôi" như vậy nên vua Anh Tổ không muốn phật ý họ, do đó đã bác bỏ hết những quyết định của Thế tử. Điều này dẫn đến mâu thuẫn của Vua Anh Tổ và Nhân Nguyên Vương hậu, dẫn đến sự uất ức và sau đó là cái chết của bà. Chính cái chết này đánh dấu sự đi xuống tinh thần rõ ràng của Thế tử. Ông thường xuyên uống rượu, bỏ bê học hành, chán ghét mọi người, và đưa tăng ni vào cung cúng bái... Thậm chí, sau này khi Thế tử bị vu oan từ giới quý tộc, Vua cha không cho người điều tra mà tin những lời vu oan đó. Những điều này càng khiến khoảng cách cha con ngày càng xa.
Vào ngày đi tảo mộ tổ tiên, Vua cha, Thế tử cùng các quần thần cùng đi viếng mộ các Tiên vương. Thế nhưng, giữa đường đi thì Vua cha "giận cá chém thớt" nên đã gọi Thế tử lại và trách mắng ngay trước mặt quần thần. Trong đó, câu mắng nặng nề nhất là :"Sự ra đời của ngươi là một sai lầm". Sự sỉ nhục, coi thường của Vua cha trước mặt toàn thể văn võ bá quan có thể coi là giọt nước tràn ly cho quan hệ của 2 cha con.

Bi kịch xảy ra

Có thể thấy ở đây là sự kỳ vọng quá lớn của người cha, luôn ép con mình làm những điều với sự mong muốn của bản thân mà không hề để ý hay quan tâm cảm nhận của con cái như thế nào. Cùng với đó là sự phủ nhận những công lao, thành tích của người con và thái độ coi thường dẫn đến sự chán nản và thất vọng dành cho cả hai.
Vì làm điều gì cũng không khiến vua cha hài lòng đã dẫn đến sự phẫn uất và sợ hãi của Thế tử, từ đó dẫn đến chứng trầm cảm, luôn luôn trong tâm trạng lo sợ bị trách mắng.
Vào một đêm mưa gió, Thế tử dẫn quân vào cung với ý định giết cha mình. Tuy nhiên khi nghe thấy cuộc đối thoại giữa cha mình và con ruột của mình (Thế tôn), Thế tử đã buông kiếm. Ngày hôm sau, Thế tử Tư Điệu dưới áp lực và sự buộc tội của quần thần đã bị cha mình ban chết. Vào một ngày nóng bức của mùa hè năm Nhâm Ngọ, Anh Tổ ra lệnh cho con trai mình bước vào một thùng to rồi cho người bịt kín thùng lại. Tám ngày sau, Thế Tử Tư Điệu qua đời trong tình cảnh đau đớn vì đói khát. Đây có thể coi là một trong những sự kiện tranh cãi nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Kết

Ngày nay, thực sự Thế tử có tạo phản hay không hay chỉ là âm mưu vu oan từ giới quý tộc vẫn còn là tranh cãi. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, cái chết của Thế tử có nguyên nhân rất lớn từ thái độ của cha mình.
Chính hi vọng quá lớn của Anh Tổ vào đứa con trai quý giá đã chờ đợi suốt 7 năm đã góp phần tạo nên bi kịch về sau. Nếu khi ấy Anh Tổ chịu thấu hiểu hơn, cổ vũ con phát triển theo ý muốn trên con đường Võ học, có thể Triều Tiên đã sản sinh thêm một đời vua giỏi võ thuật, trận mạc. Nếu vua cha chịu nhìn nhận Thế tử một cách công bằng hơn thì cũng không có mâu thuẫn xảy ra.
Ở phân cảnh gặp nhau cuối cùng của 2 cha con, khi Thế tử đã gần chết, vua Anh Tổ ra lệnh phá thùng ra. Lúc này 2 cha con mới thổ lộ lòng mình với nhau. Vua cha thừa nhận bản thân khắt khe, kỳ vọng nhiều như vậy vì ông đã bị các đại thần nắm điểm yếu. Thế nên phải như vậy mới khiến Thế tử trở nên quyền lực để có thể lấn át các đại thần sau này. Thế nhưng Thế tử lúc này mới nói rằng bản thân không cần vương vị, thứ mình cần chỉ là ánh mắt ấm áp hay lời yêu thương từ Vua cha mà thôi. Cả 2 cùng khóc, thứ khiến họ khóc là khi cả 2 sắp âm dương cách biệt rồi mới có thể nói ra với nhau một cách thẳng thắn như vậy. Giá như trước đây cả 2 có thể ngồi lại nói chuyện với nhau một cách chân thành thì kết cục đã tốt hơn rất nhiều. Nó gợi về hình ảnh quan hệ gia đình ngày nay, khi nhiều bậc cha mẹ không để ý cảm nhận con cái mà chỉ muốn con làm những điều để hài lòng với bản thân và chưa một lần tâm sự, bầu bạn cùng con mình, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Khi về già, hối hận vì đã khiến con mình chết như vậy, vua Anh Tổ đã đặt thụy hiệu cho Thế tử là Tư Điệu (có nghĩa là đau buồn và thương nhớ). Sau này, con trai của Thế tử lên ngôi (Chính Tổ), đã cho người điều tra lại vụ án năm đó của cha mình, và đã cho giết hết những người đã vu oan và đẩy Thế tử vào đường chết.
Đây là một bộ phim rất hay của điện ảnh Hàn Quốc, với sự diễn xuất tài tình của dàn diễn viên nổi tiếng. Qua bộ phim, đạo diễn đã lấy câu chuyện của quá khứ để nhắc nhở những người của hiện đại - những người làm cha mẹ.