Cứ mỗi lần đọc quyển self-help nào có câu' hãy là chính mình' hay đại loại thế, tôi thầm nghĩ' thế rồi người đó không sợ bị phán xét ư?....
Hồi tôi còn học lớp 3, tôi đã bị một nhóm bạn nữ thực hiện bạo lực trong một thời gian dài. "Bạo lực" ở đây không hẳn là các bạn ấy đánh tôi máu me bê bết, cũng không phải là xé quần xé áo, mà là bạo lực tinh thần.
Đó là những lần bạn kéo nhau lại bàn của tôi lúc ra chơi, hùa nhau nghịch ngợm, dè bỉu mái tóc của tôi, chê chữ tôi viết xấu, rồi sau đó tôi xấu hổ đến rơm rớm nước mắt, bạn cười với nhau rồi nói" ôi chao, người ta sắp khóc rồi kìa!". Ngày nào cũng như ngày nào, kể từ đó tôi rất sợ giờ ra chơi, vì tôi sợ bạn lại bàn tôi. Về sau, cứ trống đánh là tôi và bạn thân tôi sẽ chạy thật nhanh ra sau ngọn núi phía sau trường. Ở đó, không có những cô bạn tóc dài, không có những lời đùa cợt, chê bai, dè bỉu của bạn.
Trong lớp tôi chỉ chơi thân với một bạn gần nhà, thay vì sợ bản thân bị ốm thì tôi lại sợ bạn ấy bị ốm, sợ bạn nghỉ học. Lúc đó, tôi sẽ chỉ có một mình.
Đó là lần bạn làm tổ trưởng tổ 1, bạn không ngần ngại đánh dấu tôi nói chuyện, trực nhật muộn dù bạn biết không phải. Tất cả chỉ vì bạn của bạn bảo bạn làm như vậy và cũng vì tôi không nói gì cả.
Đó là khi bạn tan trường cùng tôi, bạn thấy mẹ tôi đón tôi, bạn hét lớn" Cô ơi, hôm nay bạn A nói chuyện trong lớp bị cô giáo nhắc, bạn ấy còn đánh cháu vì cháu không cho bạn mượn thước cô ạ. Cô nhớ về mua thước cho bạn nha cô" Kèm theo đó là nụ cười hí hửng, và cậu cũng biết chắc rằng mẹ tôi sẽ cho tôi một trận nên thân, dù trước đó chính cậu là người bẻ gãy thước tôi làm đôi.
Sau này tôi và các bạn vẫn học chung trường, nhưng chấp nhận quên đi hết mọi chuyện từ hồi cấp 1, cũng chẳng nghĩ nhiều làm gì. Tôi cứ nghĩ chả có gì bận tâm nữa cả, nhưng thật ra không phải vậy. Qua những lần bị bạo lực tinh thần đã hình thành trong tôi một bóng ma tâm lí, một nỗi đau không tên. Tôi chần chừ mỗi lần muốn đứng dậy phát biểu ý kiến của mình. Tôi lo ngại mình là một kẻ ngoại đạo, không có người có chung suy nghĩ. Và tôi sợ mình là 'con bé đó', 'con nhỏ đó'. Cứ như thế, sống trong những nỗi sợ khiến tôi mất đi cái tôi muốn là.
Sau này, khi bạo lực học đường không phải là nỗi sợ trong tôi, nó ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi. Cứ mỗi lần đọc quyển self-help nào có câu' hãy là chính mình' hay đại loại thế, tôi thầm nghĩ' thế rồi người đó không sợ bị phán xét ư?, hay khi được ai đó nhờ góp ý về điều gì, tôi ngần ngại nói sự thật vì sợ mất lòng, vì sợ mình nói sai điều gì. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, chính sự không thật lòng ấy khiến tôi càng không ổn trong chính bản thân mình.
Tôi đi dạy và nghe học sinh của mình kể bạn bị bạo lực. Bạn bảo bạn bị mấy đứa trong lớp gọi là màu mè, đỏng đảnh vì bạn được mẹ sắm cho những cái áo, cái quần chỉnh chu, kết những kiểu tóc xinh xắn, gọn gàng. Khi bạn nói với mẹ, mẹ bạn bảo các bạn đùa con cho vui thôi. Mẹ bạn không coi đó là vấn đề. Tôi không nghĩ thế, tôi nghĩ bạn đã có những suy nghĩ không tốt, nhưng tôi bất lực vì không giúp được bạn. Và liệu rằng, sau này bạn vẫn ổn? Tôi không biết nữa.
Chị xin lỗi, vì đã không làm được gì cho em. Có lẽ chị biết sự buồn bã không rõ nguyên nhân mà mẹ em thỉnh thoảng hay nhắc đến là gì , điều mà chính em cũng không hiểu. Thế nhưng, chính chị đã không đủ can đảm...ở lại cùng với em.
trích nhật kí ngày X/10/2022