“Bao giờ cho đến tháng Mười Lúa chín trên cánh đồng giông bão Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi Những mất mát hi sinh, chịu đựng, khổ đau Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu”
Tôi vừa trở về từ buổi công chiếu hiếm hoi của bộ phim điện ảnh Bao giờ cho đến Tháng Mười, trong khuôn khổ chương trình chiếu lại các bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh, mang một cái tên rất nghệ, và chỉ muốn được đi xem luôn: "Bây giờ đã đến Tháng Mười", được đồng tổ chức bởi Trigger Film Academy, Storii và Dcine.
Poster chương trình "Bây giờ đã đến tháng Mười"
Poster chương trình "Bây giờ đã đến tháng Mười"
Thiết nghĩ, nếu không đi, tôi đã bỏ lỡ một bộ phim xuất sắc. Và nếu bây giờ không viết đôi dòng, tôi đã bỏ lỡ một điểm nhấn rất quan trọng trong quá trình trưởng thành tư tưởng văn học-nghệ thuật của mình.
Bộ phim không hay theo cách mà tôi nghĩ, nhưng nó "HAY", và trên hết, nó hay vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Nó hay đến nỗi, sau nhiều năm tưởng đã bỏ bút, tưởng sẽ không viết bình, tôi lại bứt rứt không đừng được, phải tìm kiếm thông tin, phải được biết, và phải được viết về nó.
Câu chữ trong tôi như sống lại, và tha thiết được thở cùng nhịp thở với đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Thực lòng mà nói, tôi đã cố gắng tìm kiếm những dấu tích của một bài phân tích chuyên môn sâu sắc, rằng tại sao Bao giờ cho đến tháng Mười lại nhận được nhiều lời khen và sự công nhận cả trong nước lẫn quốc tế đến thế. Từ vị thế Top 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại được bình chọn bởi CNN, và đến cả lời bình của các nhà phê bình xuất sắc trong nước.
Nhưng không thấy...
Bạn cũng có thể nhận thấy điều tương tự, khi BTC chương trình "Bây giờ đã đến tháng Mười" thực hiện một clip phỏng vấn những đạo diễn có tiếng ở nước ta hiện tại. Đó là một cấu trúc khen ngợi quá đỗi bình thường, đầy tính cá nhân, mà tôi tin rằng bất kỳ ai cũng có thể nói được, ví như rất hay, rất tuyệt, là tượng đài bất diệt, đã đồng hành với tôi suốt tuổi thơ, hoặc là người chỉ đường dẫn lối cho tôi lúc lạc lối trong rừng định nghĩa về nghệ thuật của mình... Những lời khen ngợi tưởng rất hay, nhưng trên thực tế, nó không hề có một cơ sở rõ ràng nào, không về hình thức, không về nội dung. Bạn nghe tán thưởng xong vẫn không biết hình tích Đặng Nhật Minh trong điện ảnh là như thế nào? Bạn vẫn không hiểu rốt cuộc trường phái Đặng Nhật Minh là ra làm sao? Là những nét đặc trưng gì của ông, khiến tác phẩm điện ảnh của ông đứng vị thế hàng đầu trong điện ảnh của nước ta cho đến tận hôm nay? Và cũng có thể là rất nhiều năm về sau nữa...
Bạn có thể xem lại clip ở đây:
Xuyên suốt bộ phim, tôi cố gắng để đi tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao nói điện ảnh Đặng Nhật Minh là đại diện xuất chúng của điện ảnh Việt Nam?
Bản thân tôi, trước hết cũng không phải là người có đầy đủ chuyên môn về điện ảnh, nhưng tôi nghĩ, thôi thì cứ viết, dù sao, có thể sẽ có người chuyên môn hơn cùng thảo luận, vậy cũng tốt mà đúng không?

Một, dấu ấn đậm nhất đến từ lối dựng kịch bản đóng mở nhịp nhàng.

Thực ra, sống trong thời đại này, với sự bùng nổ thông tin, việc học lỏm được một vài tiêu chuẩn, mực thước của làng điện ảnh thế giới cũng không khó, ví dụ như lối xây dựng phim tuân theo 3 hồi của đa số các tác phẩm điện ảnh Hollywood, ví dụ như những tỉ lệ vàng 1:3, tỉ lệ vàng Fibonacci, tỉ lệ vàng phi Grid... ví dụ như một cú máy dài và hoàn chỉnh... Nhưng rõ ràng, Bao giờ cho đến tháng Mười không hề có những đặc sắc trên, hoặc nói một cách có lẽ chính xác hơn, về mặt hình thức, Bao giờ cho đến tháng Mười chỉ là sự thuận mắt, sự đẹp cảm quan theo góc nhìn của đạo diễn mà thôi...
Tôi thực sự phải nói rằng, tác phẩm này đạt đỉnh, ngoài việc có đầy đủ các yếu tố Việt Nam, và được kể một cách rất tuần tự, liên tục, ăn khớp, thì còn có một đặc điểm nữa, đó là đối với mỗi một cảnh, một bố trí, đạo diễn, cũng đồng thời là biên kịch của phim, đã rất khéo léo đóng một câu chuyện, hoặc một phần câu chuyện một cách hoàn toàn, đồng thời, gợi mở ra một câu chuyện, hoặc một phần câu chuyện hoàn toàn mới. Nó như là một con ngọc trai, đều đặn khép mở, để dòng nước tuôn qua, đẩy đi những cái cũ, tiếp nhận những cái mới, sau cùng hình thành ngọc trai vậy.
Tôi ví dụ ở đây một ý như vậy:
Lúc thầy giáo Khang đến thăm nhà, hỏi thăm Duyên vì anh là người đã vớt Duyên lên từ sông. Và thuận miệng hỏi về tấm ảnh liệt sĩ ở trên bàn thờ. Người bố đã chia sẻ về người con trai đầu, cũng hy sinh trên chiến trường, và người con dâu, vốn sợ miệng tiếng người đời, nên không dám đi bước nữa, dù có người nhớ thương. Chính ông đã động viên, (ý nghĩa của bối cảnh này thì không cần phải nói ở đây), và cũng nhờ bối cảnh giới thiệu rất mượt này, khi người con dâu lớn quay về, người ta chừng như bắt được mạch ngay lập tức.
Một ví dụ khác:
Khi nhận được thư của "anh Nam" gửi về, bố anh gọi Hải ra đọc thư cho cả nhà cùng nghe. (Tôi: Hải là ai?)
Kính thưa thầy, đơn vị con sắp hành quân về phía biên giới Tây Nam, con viết vội vài dòng về thăm thầy và họ hàng, mong rằng lá thư này sẽ đến kịp ngày giỗ mẹ con. Con vì bận không về được, nên không thể thắp hương lên bàn thờ mẹ con được, nhưng đã có nhà con và cháu Tuấn thay mặt. Vừa qua, nhà con vào trong này thăm, được biết tin tức của thầy, con rất mừng, con chỉ lo thầy tuổi già sức yếu mà con thì lại đi xa. Duyên cố gắng thay anh chăm sóc thầy chu đáo. Dẫu biết rằng vắng anh, ở nhà em sẽ vất vả. Tuấn ở nhà đã nhận được quà của bố chưa? Bố nhớ con lắm. Con ở nhà phải ngoan, không được quấy ông và mẹ. Bao giờ về, bố sẽ làm cho con cái diều thật to. Anh chị Long và các cháu vẫn khỏe cả chứ? Anh còn công tác ở trên tỉnh không? Nghe nhà con nói, cháu Hải năm nay thi vào đại học, không biết đã đỗ chưa?
Bởi vì Tuấn thích diều, mà mãi bố không về, nên mới có cái cớ sự là thầy giáo Khang làm hộ diều cho bé Tuấn...
(Còn những chi tiết khác nữa, nhưng xem xong về mình quên hết trơn rồi, cũng chưa có thời gian coi lại nữa, huhuhu!!!)

Hai, một câu chuyện với nhiều tuyến truyện ngầm.

Sự thực là tôi không biết phải dùng thuật ngữ gì để miêu tả ý tưởng này, vì vốn tôi cũng không phải là người chuyên môn. Nhưng tôi cũng hy vọng, sau khi đọc hết đoạn này, các bạn sẽ hiểu được ý tưởng mà tôi cố gắng mang đến.
Sau khi trở về từ buổi chiếu, em tôi như thường lệ hỏi tôi thấy phim thế nào. - Con bé là điển hình của việc có thể tiếp thu được cái hay, cái đẹp, nhưng khó có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của những điều đã cũ. Nó sợ nó buồn ngủ lúc xem phim! Nên không đi cùng. Nhưng nó vẫn muốn biết.

Chi tiết cánh diều

Tôi chần chừ với câu chuyện mà mình định kể. Tôi biết thừa tuyến truyện chính là thứ có thể tìm thấy được ở trên mạng, và là điều không quá hấp dẫn với người trẻ hiện đang có nhiều lựa chọn giải trí. Tôi muốn nói về một thứ gì đó đặc sắc hơn, riêng hơn. Và tôi nghĩ đến cánh diều. Là diều kiểu này các bạn ạ. Mặc dù chưa làm thử bao giờ, nhưng tôi nghĩ đó là một con diều khó làm hơn những con diều trong tuổi thơ tôi.
Diều ở làng Bá Dương Nội
Diều ở làng Bá Dương Nội
Phiền phức hơn là, tôi lại không biết kể từ đâu!
Vốn tôi chỉ định kể cái chi tiết mà tôi và người đi cùng bật thảo luận. Con diều mà Tuấn thả trong phân cảnh trên đồi cỏ đó ở đâu ra?
Vốn kề trước phân cảnh này, có một cảnh Duyên - nữ chính - cũng tức mẹ Tuấn, được Thần làng trao lại con diều đã từng bị Nam - chồng Duyên, đốt nhiều năm trước ở miếu làng. Đây là một yếu tố tâm linh, và trong khi phim đã bị kiểm duyệt tận 13 lần, không lý con diều được thần linh trả lại, lại đúng là một thực thể và còn có thể đem đi thả được sao?
Hoặc một góc độ khác. Trên thực tế, cảnh phim đã ngay lập tức lý giải, đó là con diều được thầy giáo Khang làm giúp bé Tuấn (tất nhiên trước đó đã có khung cảnh thầy nhận lời giúp bé, trước cả cảnh gặp Thần làng, nhưng bởi đã xa hơn, nên chưa kịp nghĩ tới, và đạo diễn cũng cố ý không chừa thời gian cho mình nghĩ thì phải!). Trên con diều là bài thơ được viết từ đầu phim. Là tờ giấy "thừa", giấy "nháp" được dùng. Rất hợp lý, nhưng cũng rất tình, rất thơ... Và Duyên ngẩn người ra nhìn con diều.
Phải nói rằng, cho dù kể từ góc độ nào trong cả hai góc độ, thì câu chuyện vẫn phải là một câu chuyện dài hơn những gì mà chỉ một phân cảnh thể hiện. Nó cần có lý giải, có liên kết. Sự hoàn thiện trong kết cấu kể chuyện này là một điểm rất kỳ diệu, mà tôi chỉ phát hiện khi định thuật lại cho em tôi. Nhưng nó đồng thời cũng chứng minh, có một tuyến truyện ngầm hết sức rõ ràng, mạch lạc xoay quanh con diều, có tác dụng làm dày thêm tổng thể câu chuyện.
Ở đây, tôi nghĩ, hay là cũng có thể dùng tính lặp lại.
Bỏ qua sự xuất hiện tuần tự trong mạch phim, chúng ta hãy nói về sự xuất hiện trong dòng thời gian thực của câu chuyện. Con diều xuất hiện như một biểu tượng thời trẻ của Nam. Anh đốt nó trước khi nhập ngũ, với ngụ ý xa rời một thời tuổi trẻ. Rồi nó ở lại với Thần làng. Và sau đó, con anh - Tuấn, cũng mê diều, để rồi tới mình, thầy Khang làm ra một con diều, và trên đó là những tờ giấy, những bài thơ. Bài thơ thật ra cũng không chỉ là bài thơ, nó còn là tấm lòng, là tâm sự, là nỗi niềm của một người đem ra giãi bày, rồi đem thả vào trong gió. mà chính đạo diễn đã chia sẻ trong buổi gặp mặt sau khi chiếu phim?
Một cánh diều, rất thân thuộc, nhưng đồng thời cũng diễn giải rất nhiều những ý tưởng và sắc độ khác nhau. Nó lặp lại, đồng thời cũng không tương đồng. Đó phải chăng là cái "cầu kỳ" mà chính đạo diễn đã tự nhận trong buổi gặp mặt online với ông sau khi kết thúc công chiếu?

Chi tiết vở chèo

Đó tưởng như là một chi tiết rất thường gặp trong phim ảnh hiện tại. Thông qua một vở chèo, mà Duyên là người diễn chính, trước bà con xóm giềng, trong một ngày hội làng nọ, nàng diễn một người vợ chuẩn bị tiễn chồng ra trận. Đang đau đớn trong nỗi đau mất chồng, nàng diễn thành công ngoài sức tưởng tượng ở đoạn đầu, để rồi bỏ dở đoạn sau, vì cảm xúc của nàng đã vượt tầm kiểm soát.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Sau khi Duyên chạy đi, chạy vào miếu Thần làng, gặp lại vị thần nọ, câu chuyện lại được tái phác họa thêm lần nữa.
Hoá ra, đó chính là vở chèo diễn về vị Thần làng. Rằng ông cũng là một trong bao nhiêu thanh niên không rõ tên tuổi, từng có vợ, có con, cũng ra chiến trường, với lời kêu gọi của đất nước, rồi cũng hy sinh, bỏ lại vợ con nơi quê nhà đằng đẵng. Lịch sử của Việt Nam, luôn là lịch sử nối dài của chiến tranh, của những mất mát như thế…
Tôi không kiềm lòng được mà phải trích ở đây một đoạn trong Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm...
Lại nói, tôi và bạn tôi thì thầm với nhau: chèo hay tuồng nhỉ? Chúng tôi đều là người Nam, biết đến chèo và tuồng chỉ là một cái tên mà thôi! Nhưng sau đó, may quá, đạo diễn cũng để người trong chính bộ phim nói, là chèo, còn chúng tôi, sau đó về có quyết tâm tìm hiểu một chút. Cách phân biệt dễ nhất hóa ra chèo thì Việt Nam hơn, còn tuồng thì có vẽ mặt, tương tự như Kinh Kịch của Trung Quốc.
Ở đây, tác phẩm chèo này đã được đặt vào rất đắt, đề tài của nó là một trong những đề tài hay được chèo sử dụng nhất, và đồng thời cũng phù hợp với ý cảnh của tác giả khi xây dựng mạch phim và chuyển tải những triết lý. 
Đến đây, tôi tự hỏi rằng: Phải mất bao nhiêu đêm trốn nhà (hoặc cũng không cần trốn) để đi xem chèo, để bác Đặng Nhật Minh kể một câu chuyện mượt mà như thế? Chèo đến, và dung nhập vào tác phẩm, như tất cả các yếu tố Việt Nam khác, hoàn hảo, không vết xước.

Ba, một tác phẩm đậm đặc tính Việt Nam.

Mặc dù đã có rất nhiều người đề cập đến tính Việt Nam thông qua các chi tiết cây đa mái đình, phiên chợ Âm Dương, hay vở chèo xưa cũ... nhưng với tôi, tác phẩm này còn đậm đặc tính Việt Nam hơn thế!

Tính nữ của dân tộc

Rất nhiều người trong số chúng ta, kể cả tôi, có lẽ đã từng nghĩ, Nho giáo và lễ giáo truyền thống khắc nghiệt đối với người phụ nữ cũng có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta. Nhưng qua một vài tư liệu, kèm thêm sự phán đoán riêng, tôi nghĩ, có thể, phụ nữ thôn quê Việt Nam vẫn còn phần nào ảnh hưởng bởi chế độ mẫu hệ đã rất cũ, và tín ngưỡng phồn thực vốn quen thuộc hơn.
Đó là lý do cả Duyên, cả Thơm, khi yêu đều chẳng mấy ngại tỏ bày. Và hơn nữa, tỏ ra những cảm xúc rất chân thật, không cần che giấu.

Chi tiết cái bóng

Thật hài hước khi kết thúc buổi công chiếu, một bạn trẻ hỏi về chi tiết cái bóng người phụ nữ trên tường, và chua thêm câu:
Liệu rằng đạo diễn Đặng Nhật Minh có kế thừa chi tiết chiếc bóng người phụ nữ từ câu chuyện Chuyện người con gái Nam Xương không?
(Hẳn người hỏi mới nghe xong album của Phương Mỹ Chi đúng không???)
Đạo diễn trả lời tương đối đơn giản, lúc ông đặt máy quay vào, thì nhìn thấy cái bóng ở đó, và đó là một cái bóng đẹp, nên từ đó chú tâm hơn mà thôi. Còn Chuyện người con gái Nam Xương thì ai mà chả biết!

Chi tiết cởi bỏ áo

Tôi sẽ không bàn luận về việc cái áo như gánh nặng... Tôi cũng sẽ chia sẻ một quan điểm khá hài hước ở đây, nhưng hy vọng mọi người có thể sẽ chia sẻ cùng tôi quan điểm này. Có lẽ, đây là phút bốc đồng duy nhất của tôi trong bài viết này!!!
Chiếc áo mà tôi không rõ lắm nó tên là gì, được khoác lên để diễn vở chèo, được Duyên cởi ra lúc chạy trên đường ven cánh đồng. Đó cũng là một cảnh diễn tốt. Tôi không bàn về gánh nặng của chiếc áo đó, sự cởi bỏ, hay gì khác, tôi nghĩ cũng không nhiều đến thế! Tôi chỉ muốn nói, thay vì cởi luôn, thả bay đi, và đạt hiệu quả (có lẽ tốt hơn) thì Duyên không cởi hết, và vẫn ôm theo cái áo đó vào đền. Đó có lẽ là một chi tiết tốt, dù sao thì nghèo mà, cởi áo, quăng áo trong trường hợp này, rồi ai đền? Đó là đời sống, là sự thực, nó không bỏ qua sự thực để thỏa hiệp với nét đẹp của điện ảnh!

Chi tiết khuôn mặt trắng ởn

Tôi đã từng đọc về phiên chợ Âm Dương. Đó có thể là sự thật, hoặc một sự sáng tạo của tâm thức người Việt. Tôi cũng tò mò, đối với một bộ phim trắng đen, và thời ấy còn chưa có nhiều kỹ xảo, không biết người ta định tạo hình cho một hồn ma như thế nào?
Ra là trang điểm cho trắng ởn.
Trắng ởn, là như lúc tử thi nhợt nhạt, rồi trắng lên ư? Đây là nguồn gốc của ý tưởng này, và sự định hình hễ mặt trắng ởn là biết là người đã khuất?
Mặc dù không biết các phim khác thế nào, ý tưởng này có vay mượn hay không, nhưng trước hết, xin được đề cập đến như là một ý tưởng tốt.

Sự lạc quan trong lòng dân tộc

Điểm nhìn đầu tiên của tôi là ở vở chèo.
Khi Duyên rời đi mà vở chèo còn chưa kết thúc, khác với những bộ phim khác, đại đa phần khán giả sẽ ngỡ ngàng, ngạc nhiên, hoặc có những thái độ sao đó, thì ở đây, đạo diễn chú trọng vào sự ngơ ngác của bạn diễn nam, và sau đó, ở dưới sân khấu, khán giả lại cười xòa, thậm chí cười nhiều, cười vì sự ngơ ngác của bạn nam. Cá nhân tôi nghĩ, đây là một nét biểu hiện rất Việt Nam, Việt Nam đến từng ngóc ngách.
Thứ nhất, trong đời sống thực tế, người Việt Nam gần như sẽ cư xử như vậy.
Thứ hai, người Việt Nam không quá hoàn toàn chìm đắm vào vở chèo. Đó là một câu chuyện, có thực, đã từng xảy ra, nhưng họ rất rõ, đây là đang diễn lại. Diễn viên thoát vai nhanh hay không thì không biết nhưng quần chúng thoát rất nhanh. Và họ không quá sầu lòng vì câu chuyện buồn, mà lại vui khi nhìn thấy vẻ thất thần của anh hơn.
Thứ ba, như đã nói, đó là một câu chuyện, về chiến tranh, về mất mát. Nhưng điều tốt đẹp ở đây là mọi người có thể khóc trong câu chuyện, có thể đau lòng trong đó, nhưng cũng rất chóng thoát ra. Chiến tranh và mất mát không vượt qua được niềm vui của những ngày độc lập, tự do. Chiến đấu để chiến thắng, để tiếp tục được tự do, dường như đã là thứ chảy tận tình trong huyết quản mỗi một người Việt Nam từ buổi lập quốc.
Một điểm nhìn khác là ở trong bài thơ.
Thực ra thì lúc đầu đọc bài thơ trên Wiki, tôi cũng không thấy sự gì hay cho lắm.
Tôi cũng không quá thích đọc về một phim điện ảnh trước khi ra rạp. Bởi vì điện ảnh thì biết chút gì có vẻ cũng đã là biết quá nhiều. Tôi chỉ định đi xem bối cảnh của trận chiến là 45, 54 hay 75, để lỡ như mà có thông tin gì, thì còn kịp tải mà thôi!
Bài thơ ấy đập vào mắt, vì nó là một thể trình bày khác, vậy thôi!
Nhưng kết thúc buổi công chiếu, nhờ một câu hỏi, đạo diễn đã nhắc lại về bài thơ, với sự bồi hồi da diết. Tại sao lại là lúa chín trên cánh đồng giông bão?
Bởi vì tháng Mười, cũng chính là thời điểm hiện tại, là tháng hay có bão bùng, giông tố. Một mùa thu hoạch sắp đến, công sức của cả nhiều người, nhiều tháng qua có thể sẽ được bội thu, hoặc là khi giông bão tới, sẽ chẳng còn sót gì cả. Đó là cái chờ đợi, thấp thỏm của tất cả người nông dân trong nền văn minh lúa nước. Nó chính là nối ý với câu những ngày dài chờ đợi. Còn những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau thì đã đổi qua một tầng nghĩa khác - tầng nghĩa về chiến tranh. Để rồi kết lại với trời thu xanh mãi trên đầu.
Bất kể có là như thế nào đi chăng nữa, trời thu vẫn xanh - xanh màu hy vọng, bất kể có gian khó thế nào đi nữa, và hy sinh thế nào đi nữa, cuối cùng, bầu trời vẫn xanh, tự do vẫn đầy, trên mảnh đất quê hương.
Tôi như nghẹn lại khi nghe những lời tâm huyết ấy.

Bốn, một lát cắt chứa đầy tính thời sự.

Một lần nữa, chúng ta trở về với bài thơ chủ đề trong phần bình luận này.

“Bao giờ cho đến tháng Mười Lúa chín trên cánh đồng giông bão Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi Những mất mát hi sinh, chịu đựng, khổ đau Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu”
Bản đầu tiên của bài thơ xuất hiện trong phim là: "Bao giờ cho đến tháng Mười, Lúa chín trên cánh đồng Năm Tấn."
Câu thơ nghe có vẻ cũng đã rất ổn nhưng lại bị chê vì không bám sát thực tế. Xưa, cánh đồng Năm Tấn có tên là bởi vì sản xuất mỗi vụ mùa được 5 tấn lúa. Nhưng nay, nhờ nhiều sự phấn đấu, đổi mới, mà đã được 7-8 tấn. Do vậy, dùng Năm Tấn cũng không còn đúng nữa, mà phải đổi. Mà đổi thành Bảy Tấn nó cứ tréo ngoe, nên đổi thành giông bão, quả là một nước đi đẹp, và hợp lý. Tất nhiên, chi tiết này diễn tả tính thời sự của thời đại mà bộ phim lấy làm chất liệu.
Một lần nữa, bài thơ lại xuất hiện trên cánh diều. Tổng cộng có 3 sắc độ mà bài thơ này mang đến cảm giác: sự lạc quan trong lòng dân tộc, tính thời sự, thời đại, và một đoạn tình cảm chưa quá rõ ràng. Hình như, tôi cũng đang đi theo hướng đắp nặn riêng rẽ như đạo diễn, hy vọng các bạn không bị chán quá!
Và bây giờ, như các bạn thấy, mỗi lần đọc lại bài thơ, là mỗi một cảm xúc khác nhau, chúng hỗn độn, nhưng không trộn lẫn. Chúng làm dày cho số lượng cảm xúc mà ta có. Cái kiểu làm dày này không biết có ý nghĩa gì về mặt cảm xúc. Tôi chưa biết phải dùng thuật ngữ gì, hoặc tìm kiếm điều tương tự ở đâu. Tôi chỉ biết, tương tự với cánh diều, việc nhiều tầng ý tứ như vậy rõ ràng tốt hơn là chỉ có một tầng ý.

Sự họp hành nhiêu khê và sự lo lắng cho đời sống của thương binh liệt sĩ

Trong đám giỗ của mẹ chồng nữ chính, có một vị lãnh đạo về trễ, với lý do là họp hành, sau đó lại xin đi sớm vì họp hành. Tất nhiên, là cái cớ cho phim, nhưng cũng khá phù hợp với bối cảnh. Đồng thời, những chính sách, và sự quan tâm đôi khi "quá mức" đối với đời sống người nhà của "thương binh liệt sĩ", vừa khiến cho người ta đồng cảm, lại cũng khiến người ta dở khóc dở cười, tạo nên một kiểu bi kịch ở đoạn cuối phim.
Ở đây, nhân tiện dặm thêm chút về sự lạc quan của dân tộc. Lúc người đàn ông còn chiến đấu ở chiến trường thì người phụ nữ chăm sóc gia đình, còn khi họ mất, thì tư tưởng của dân tộc ta cũng có vẻ thoáng. Tôi nghĩ, đó cũng là điều tốt cho cả hai, trời vẫn xanh, người vẫn phải sống, vậy thôi!

Công thức thành công của đạo diễn Đặng Nhật Minh

Tác phẩm chuyển thể + chất liệu đời sống + cảm quan hun đúc
Chính đạo diễn Đặng Nhật Minh tuyên bố, phim của ông không giống Tây, không giống Tàu, không giống ai cả. Chỉ là một bộ phim của Việt Nam, và rất Việt Nam.
Có lẽ, đó là một trong những lý do khiến phim đứng trong hàng ngũ kinh điển thêm rất nhiều năm nữa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, chất liệu Việt quả như ngọn hải đăng đơn độc giữa sóng xô gió vồ bốn phương tám hướng, từ hàng tá những nền văn hóa khác ập vào. Châu Âu, Mỹ, Trung, Hàn, Nhật... Mỗi một nền văn hóa, hoặc là lâu đời hơn, hoặc là phát triển nhanh hơn, đều dồn dập tấn công. Chúng ta không những cần học, cần phát triển, mà càng cần thiết hơn, là làm sao bảo trì được những giá trị cũ, trong khi vẫn tiếp thu tinh hoa của nhân loại, để giúp tác phẩm có vị thế tốt hơn trên trường quốc tế.
Đọc thêm về một số tác phẩm khác, để có thể hiểu thêm về vị đạo diễn này. Tôi phát hiện bởi vì là nhà văn, có thể tự viết thơ, và cũng có khả năng biên kịch như khá nhiều đạo diễn khác, nên đạo diễn Đặng Nhật Minh có thể tự xây dựng một tác phẩm tốt, logic, chuẩn mực, và phản ánh đa chiều. Chất liệu đời sống cũng quan trọng, bao gồm những mất mát mà tôi sẽ đề cập trong phần sau, và khả năng quan sát tốt trong thực tế của ông. Như khi được hỏi, tại sao ông lại dùng bài thơ làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch phim? Ông đã nói ông chọn nhân vật thầy giáo từ đầu, và những thầy giáo quanh ông đều viết thơ, gửi đăng báo Văn nghệ, vậy thì cớ gì ông không cho nhân vật Khang viết thơ chứ? Và là bài thơ chủ đề của phim?
Có chất liệu cũng tốt, nhưng quan trọng là biết cách chắt lọc và chuyển thể. Cá nhân tôi nghĩ, đạo diễn cũng đã làm rất tốt mảng này.
Bởi thế nên cũng như hai nền điện ảnh Trung và Hàn rất gần ta, cá nhân tôi nghĩ, việc sử dụng các tác phẩm văn học và chuyển thể chúng, có thể sẽ tốt hơn nhiều, nhất là đối với một nền điện ảnh thậm chí có thể dùng là non nớt, chứ không đến được hai chữ non trẻ, đối với các đạo diễn, diễn viên của nước ta hiện nay.
Bên cạnh đó, âm nhạc Phú Quang cũng là một trong những điểm sáng, có lẽ vậy, và tôi chuẩn bị đi xem "Cô gái trên sông", với phần âm nhạc được chấp bút bởi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lẽ cũng vậy. Có thể xem là may mắn khi họ ở cùng thời chăng? Hay là do bản chất của thời đại?

Điểm sơ những nỗi đau, mất mát trong đời đạo diễn Đặng Nhật Minh

Đọc về Bao giờ cho đến tháng Mười, tôi cũng đồng thời đọc đạo diễn Đặng Nhật Minh, những tác phẩm khác của ông, và đồng thời, cả một phần cuộc đời ông. Để thấy rõ những chất liệu đã được ông khai thác trong chính tác phẩm của mình.
Điều kiện quá gian khổ, khắc nghiệt khiến mẹ ông lâm bệnh nặng và mất ở Việt Bắc, kể cả bác sĩ Đặng Văn Ngữ và bác sĩ Hồ Đắc Di cùng hợp sức cũng không cứu nổi. Cha ông ở vậy nuôi con cho đến một năm nọ, trong trận oanh kích của B52 trên bầu trời Bình Trị Thiên, bác sĩ tài ba ấy đã nằm lại vĩnh viễn.
Hai năm sau ngày mất bác sĩ Đặng Văn Ngữ, cô em út Đặng Nguyệt Quý đang du học ở Liên Xô phần vì đất khách quê người, phần vì quá đau thương, cũng đổ bệnh rồi mất.
Đó đều là những mất mát trong chiến tranh, hoặc liên quan đến chiến tranh. Có lẽ, đó là những chất liệu khắc sâu nhất trong cuộc đời ông, để giúp ông có thể tạo ra được tuyệt tác như thế.
Không phải như hồi còn sinh viên, muốn là có thể nhấc chân lên đi. Bây giờ, tôi tự thấy mình có quá nhiều mối lo. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ cố gắng để thử thêm những bộ phim khác, và nếu cảm xúc vẫn mãnh liệt, vẹn nguyên như lần đầu, tôi hy vọng mình sẽ có thời gian để chia sẻ thêm nữa...
Mong được vậy!
---
Bạn thân yêu, nếu bạn quan tâm, có thể cân nhắc đăng ký tại đây, và donate cho chương trình, mình chỉ là người qua đường, nhưng nếu có thể đóng góp cho tác phẩm có giá trị như vậy, mình nghĩ cũng là một cách để điện ảnh thực sự có tiếng nói hơn tại: