Những dịp Lễ, mình không đi du lịch, ở lại và cố níu kéo cho mình một chút riêng tư với Hà Nội. Tập trung đông người khu du lịch, phòng ốc thiếu thốn xập xệ, đồ ăn nhếch nhác kém vệ sinh, căng người ra mà chịu đựng những ngày nghỉ không phải chọn lựa của mình, lội ruộng sau mấy nghìn năm tổ tiên lội ruộng cũng chẳng vinh dự gì, vô nghĩa hoàn toàn.Những ngày chỉ ở trong nhà, mình nhớ Hà Nội ngay cả khi mình ở trong lòng Hà Nội.
---
Hà Nội, 4.4.2020, giãn cách xã hội.
Những ngày chỉ ở trong nhà, mình nhớ Hà Nội ngay cả khi mình ở trong lòng Hà Nội. 
Có những lúc, chúng ta về nhà và không thấy điều chúng ta tìm kiếm, ta lại lang thang phố xá, nhìn ngắm thành phố và tự hỏi người ta cứ đi đâu mà vội vã? Và cũng có trong mình một vài nỗi sợ, sợ hồ Gươm chẳng còn ở đó, sợ người ta quên mình, sợ không có sự kết nối. Nên nhiều khi dắt xe ra đường chỉ để kiểm tra phố Quang Trung đường Nguyễn Du còn đó chăng, hồ Tây vẫn đẹp đến nao lòng như vậy chứ? Những vàng thu nắng sớm trên đường Phan Đình Phùng vẫn thường thu hút giai nhân, những sớm lạnh cắt da khi thu chớm đông sang xuýt xoa cốc cà phê trứng, những ráng lam chiều nóng rẫy ngày hè... Hay chỉ là cứ đi, cứ đi, tiện dịp kiểm tra tay lái của một thị dân.
Và mình nhớ cái vỉa hè, cái vỉa hè ngồi ăn bún riêu, cái vỉa hè mà dựng xe không khéo là bị hốt đi liền, cái vỉa hè nơi tụ tập của các chú giang hồ, đeo trên mình cái vòng vàng to tướng, và có lẽ dân giang hồ cũng là một loại người lãng mạn.
Ai ở Hà Nội rồi cũng giá trót cho mình vài ba cuộc tình nơi đây, người tình có thể ra đi, nhưng cuộc tình sẽ ở lại mãi*. Những cuộc tình ấy là những thứ không được phép mất đi, và cũng không thể mất đi. Hà Nội có lẽ đẹp cũng vì lẽ ấy: mang trong mình những điều đã cũ. Người ta bảo người đàn ông thì có tương lai, một người đàn bà thì có kí ức, người đàn bà đẹp ấy mang tên Hà Nội, đẹp từ trong những tì vết của những lần khánh kiệt để đổi lấy vinh quang, đẹp từ những rêu phong, ẩm mốc của những căn tập thể. Một người đàn bà lặng lẽ và nhiều tâm tưởng, đủ mời gọi để lắm kẻ muốn ngồi lại với nàng, nhưng nàng vẫn gan góc giữ kín tâm sự.
Hà Nội lâu lắm rồi mới được ngơi nghỉ, người Hà Nội có lẽ từ lâu đã quên mất khái niệm con đường vắng. Ngày đó, Hà Nội chỉ có duy nhất một con đường vắng: đường Hoả Lò. Con đường có duy nhất một số nhà và người ra vào số nhà ấy chủ yếu là bắt vào, dân Hà Nội vẫn thường tránh con phố buồn cả mặt phố lẫn mặt người ấy. Hà Nội có cho mình một văn mình thành thị đầy kiêu hãnh, dần rồi chẳng còn con đường nào vắng. Những dịp Lễ, mình không đi du lịch, ở lại và cố níu kéo cho mình một chút riêng tư với Hà Nội. Tập trung đông người khu du lịch, phòng ốc thiếu thốn xập xệ, đồ ăn nhếch nhác kém vệ sinh, căng người ra mà chịu đựng những ngày nghỉ không phải chọn lựa của mình, lội ruộng sau mấy nghìn năm tổ tiên lội ruộng cũng chẳng vinh dự gì, vô nghĩa hoàn toàn.
Mình thi thoảng sống như một vị khách du lịch ngay tại Hà Nội. Đổ xăng đầy bình, ăn bát phở Khôi Hói như gói ghém mọi tinh hoa từ sáng sớm, ngồi cà phê phố xá từ bảy giờ phố xá vẫn vắng hoe cứ như chỉ dành cho riêng mình, lắm khi mộng mơ mình là một diễn viên. Lững thững chạy xe lên Hồ Tây, nắng lấp loá trên mặt sóng như một tấm màn bạc khổng lồ, dọc theo con đường đê về tận Nhà Hát Lớn có khi không phải đạp phanh lần nào. Góc phố Tràng Tiền vẫn im lìm, vui phơi phới ra Hồ Gươm, ngắm nhìn tháp Rùa mà mình có nhìn đến vạn lần vẫn thấy nó là một kiệt tác. Thong dong qua phố Nhà Thờ rồi vòng ra khu Hàng Cót thăm nhà cũ, lần nào đi qua cũng nhìn một lúc, thấy yêu. Về nhà rồi vẫn không khỏi mơ tưởng.
Nhưng lần này thì Hà Nội vắng hẳn, đìu hiu và buồn bã. Nỗi buồn như một tri kỷ, hiện lên tình tứ và trong trẻo. Mình thật mong nàng sớm thức giấc để những con dân yêu Hà Nội được đắm chìm, được sống và tận hưởng, như một sớm mai bừng tỉnh và chợt nhận ra mình có gì đó cho nhau...