HỌC LÀ GÌ?
Những năm cấp 1,2 mình vẫn thắc mắc và không hiểu tại sao phải đi học, việc học toán và chính tả có giúp mình nhiều không, thay vì tha hồ chơi khắp đầu làng cuối xóm thì lại phải chạy về nhà đúng giờ, mài đũng quần trên chiếc ghế nhựa mà đám nhóc hàng xóm thì cứ với tay qua cửa sổ réo gọi. Lên lớp 6, mình bắt đầu được dặn dò nên biết nấu ăn. Mình  lại tiếp tục sự học, học về cách vo gạo, cắt thịt và phi hành tỏi, bla bla...Rồi bắt đầu học về cách thức lễ nghi trong giao tiếp, ăn uống. Mình nhận ra để có thể  viết mình phải học chính tả, để có thể nói được một ngôn ngữ phải học về ngôn ngữ đó. Vậy theo mình, học là tò mò, tìm hiểu, tiếp thu tri thức cho bản thân với mục tiêu chung sống, làm việc để cống hiến cho xã hội. 
NÊN HỌC Ở ĐỘ TUỔI NÀO?
Việc học chưa bao giờ có giới hạn trong độ tuổi hay trong phạm vi kiến thức, phổ cập những kiến thức khoa học tự nhiên và đạo đức xã hội được thực hiện trong độ tuổi học sinh, sinh viên nhằm tạo ra nguồn lao động phát triển toàn diện, cung ứng cho xã hội phát triển không ngừng đều có lí do riêng. Vì đó là thời gian mà một con người bắt đầu nhận thức về xã hội xung quanh, đồng thời  tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng hơn với sức khỏe, thời gian còn dư dả. Việc tiếp nhận và học sớm hơn, giúp định hướng con người phát triển mà không có sự sai lệch về nhận thức. Tuy nhiên, dù trong độ tuổi nào, chúng ta cũng không ngừng học, không ngừng phát triển bản thân để trở nên xuất sắc hơn, đóng góp nhiều hơn. Điển hình là về chiếc điện thoại đời mới mang trong mình những thành tựu về công nghệ những năm 2000 của Nokia đã dần thay thế bởi chiếc điện thoại cảm ứng thông minh hơn với sự ra đời của Apple. Sự thay đổi ngoạn mục đó đã đánh đổ đế chế Nokia một cách tàn khốc, rồi nó lụi tàn theo sự chọn lọc tự nhiên. 

Suy cho cùng, ở độ tuổi nào, việc học không nên dừng lại. Vì nó hết sức cần thiết, kiến thức thì bao la rộng lớn, đời người lại không đủ dài để học hết. Từ kiến thức khoa học áp dụng vào đời sống hay đạo đức lối sống, dù nhỏ nhặt tới đâu. Con người vẫn nên  học hỏi mày mò không ngừng.
KHÔNG PHẢI LỚN SẼ ĐÁNH BẠI NHỎ NỮA, MÀ NHANH SẼ ĐÁNH BẠI CHẬM
SỰ PHÂN HÓA XÃ HỘI GIỮA NGƯỜI TRI THỨC VÀ NGƯỜI KHÔNG CÓ TRI THỨC
Sự phân hóa này là tất yếu, điển hình kể từ khi xã hội nguyên thủy trở thành chiếm hữu nô lệ đều bắt nguồn từ việc tư hữu hóa tài sản. Rõ ràng, người có tri thức làm những công việc đòi hỏi trí óc nhiều hơn lao động chân tay dẫn tới mức sống, chi phí tức là lương mà xã hội đưa ra cũng khác nhau. Việc này gây ảnh hưởng, mất cân bằng trong đời sống xã hội loài người. Nhưng xét về tính vĩ mô rộng lớn thì nó có ích cho loài người, lợi nhiều hơn hại. Áp lực cũng góp phần thúc đẩy con người phát triển hơn thông qua sự phân hóa ấy.