Tôn giáo là một lĩnh vực gắn liền với đời sống từ xa xưa cho đến nay và sẽ còn mãi. Tôn giáo phản ảnh đời sống tinh thần của con người, được con người gửi gắm những nỗi niềm, giá trị, suy tư. Mặc dù tác động trong vô hình nhưng ảnh hưởng đến cách tương tác và định hình giá trị cá nhân. Tầm quan trọng của nó không thể phủ nhận. Trong bài viết này, tôi xin đứng từ khía cạnh một người quan sát để nêu lên quan điểm về điểm tích cực và hạn chế của tôn giáo. Xin đề xuất giải pháp nhận định và thực hành tôn giáo trong một bài viết khác.

1. Điểm mạnh

1.1. Tôn giáo giúp vượt thoát cá nhân, đi ra ngoài bản thân.

Tôn giáo củng cố mối liên kết xã hội, là môi trường để các cá nhân tương tác với nhau và trên hết là đối với thần linh. Tôn giáo giúp con người vượt thoát suy nghĩ về thế giới quan duy cá nhân, vươn lên những giá trị tốt đẹp như hăng hái, hy sinh, dũng cảm,vv... Có thể nói, tôn giáo kéo con người ra khỏi cái "tôi" bản ngã, hướng đến cái "siêu tôi" [1], mở rộng thế giới quan, đặt con người vào một thực tại lớn lao hơn. Đó chính là một cơ hội tốt để phát triển khả năng của bản thân, làm cho con người trưởng thành và có trách nhiệm với cộng đồng.

1.2. Tôn giáo soi vào cá nhân, đặt mình vào vị trí khác.

Sau khi đã hoàn thành cuộc hành trình vượt thoát bản thân, tôn giáo giúp con người ở một vị trí khác, nhìn từ góc nhìn bên ngoài. Nhờ đó, ta sẽ có cái nhìn phong phú hơn, hiểu rõ bản thân mình hơn. Bởi vì không chỉ nhìn từ bên trong ra, mà từ góc nhìn bên ngoài vào. Đặt mình vào một cách nhìn khác sẽ giúp mình khắc họa rõ nét về bản thân và thấu hiểu người khác hơn. Từ đó mà ta sẽ có nhận định khách quan hơn về bản thân.
Không chỉ đặt mình vào góc nhìn của người khác, tôn giáo giúp đặt mình nhìn với góc nhìn từ trên cao xuống. Đó là góc nhìn từ thần linh. Từ đó giúp bản thân mình đo được những giá trị, xem bản thân ở mức nào dựa trên thước đo của thần linh.
Sau khi đã đo từ góc độ tha nhân, rồi thì thần linh. Chúng ta sẽ nhận ra được bản thân đang có ưu điểm, nhược điểm nào, điểm nào cần khắc phục.

1.3. Những giá trị tôn giáo giúp bản thân tự soi chiếu chính mình

Sau khi đã đo từ nhiều góc độ, chúng ta trở lại tự mình đánh giá chính mình. Điều này ích lợi cho bản thân, nâng cao năng lực tự đánh giá.
Để soi chiếu chính mình, ta phải trở lại với tương tác yếu tố bên ngoài, những điều ta gặt hái, học hỏi được từ một thực tại tuyệt đối sẽ giúp ta hình thành nên thước đo cá nhân để phục vụ cho tư tưởng của mình.
Yếu tố tự soi chiếu chính mình cũng tác động ngược trở lại yếu tố bên ngoài. Chúng ta thực hành trong đời sống những quan điểm cá nhân, bày tỏ những khó khăn, kinh nghiệm trong hành trình hoàn thiện với cộng đồng tôn giáo của chúng ta. Từ đó giúp củng cố và trao đổi những giá trị trong cộng đồng.

2. Hạn chế

Tôn giáo có những mặt hạn chế riêng, việc nhận ra để khắc phục là việc làm cần thiết để duy trì và tồn tại trong cuộc sống. Những mặt hạn chế có thể kể đến như quá khép kín trong vỏ bọc cộng đồng, trạng thái an nghỉ, không vươn lên, sự quá tự tin, cho rằng mình sở hữu chân lý, sự chia rẽ.

2.1. Đóng khung trong vỏ bọc cộng đồng

Tôn giáo giúp cố kết mối liên kết xã hội, nhưng quá chặt chẽ có thể dẫn đến sự đóng khung và không mở ra đối với những nhóm cộng đồng khác. Nếu các cá nhân chỉ giao lưu và chia sẻ trong một nhóm có cùng chí hướng, sẽ có nguy cơ tù đọng, thiếu sự chia sẻ với những người khác ở ngoài nhóm. Thiếu sự tôn trọng khác biệt và bảo thủ chỉ giữ những quan điểm của mình là đúng, không có thái độ cởi mở giao lưu và học hỏi từ những điều khác.

2.2. Trạng thái an nghỉ

Tình trạng an nghỉ là tình trạng thường thấy của tôn giáo, dẫn đến mê tín. Họ có quan điểm chỉ dựa vào sức mạnh của lực lượng siêu nhiên mà không có ý thức cố gắng vươn lên, họ không dùng siêu nhiên như mục tiêu để vươn lên. Nhưng dùng nó như một công cụ toàn năng, có thể giải quyết mọi khó khăn của bản thân.

2.3. Sự quá tự tin, độc quyền, chia rẽ

Các tín đồ dễ sa vào tình trạng quá tự tin, cho rằng mình sở hữu mọi chân lý. Thái độ tự cao, coi rằng những ai không có điều như mình là thấp kém. Rơi vào tình trạng tự thỏa mãn những gì mình có, không biết rằng mình chỉ nắm bắt được một phần mà thôi.
Sự chia rẽ: thái độ tự cao, cho rằng mình biết mọi chân lý là mầm mống chia rẽ. Áp đặt quan điểm của tôi cho rằng điều này là tốt, mà không chịu lắng nghe đúng cách. Nếu thành viên nào có ý kiến khác nhóm hay bày tỏ quan điểm cá nhân sẽ bị nhóm coi là một người không lĩnh hội đủ, lạc giáo,vv...

3. Kết luận

Cũng giống như mọi lĩnh vực khác, tôn giáo đều tồn tại điểm mạnh và điểm yếu. Nhận định rõ là phương pháp để định vị và điều chỉnh tôn giáo cho lành mạnh. Trong tương lai, tôn giáo sẽ biến đổi theo cách không biết trước được.
Các bạn có suy nghĩ, quan điểm gì về giải pháp để lành mạnh hóa tôn giáo? Xin comment để tác giả bài viết và cộng đồng được biết và trao đổi với các bạn. Xin cảm ơn!
Nguồn tham khảo:
[1] Bản năng, bản ngã, và siêu ngã (The Id, The Ego and The Superego) – Exploring Psychology – Khám Phá Tâm Lý Học.