Bàn về đạo đức
Khái niệm đạo đức gắn liền với sự phát triển của nhân loại, chính khả năng tư duy của giống loài chúng ta đã tạo nên một khái niệm...
Khái niệm đạo đức gắn liền với sự phát triển của nhân loại, chính khả năng tư duy của giống loài chúng ta đã tạo nên một khái niệm mà các loài khác không hề biết tới. Nhưng các chuẩn mực đạo đức có thực sự là thước đo chính xác nhất để đánh giá một con người?
Một trong những định nghĩa về đạo đức trong từ điển tiếng Việt là "những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội", trong từ điển Oxford là "concerned with the principles of right and wrong behaviour". Dựa vào các định nghĩa trên có thể thấy rằng các chuẩn mực đạo đức là một loạt các tiêu chuẩn do xã hội đặt ra, những hành vi tuân thủ các tiêu chuẩn đó được xem là đúng đắn và ngược lại. Đó cũng là bản chất của khái niệm đúng và sai: hoàn toàn mang tính tương đối, chỉ cần phần đông xã hội – bao gồm cả xã hội hiện nay và trước kia - khẳng định một cái gì là đúng thì nó đúng; ngôn ngữ cũng có tính chất này, người đầu tiên gọi trái cam là cam thì nó trở thành cam chứ từ cam hoàn toàn không có mối liên hệ gì với loại trái cây hình tròn có vị chua ngọt, do đó nếu cái người đầu tiên đó gọi chuối là cam thì chuối sẽ mãi mãi là cam.
Từ những điều trên dẫn chúng ta đến câu hỏi tiếp theo: Vậy đạo đức có luôn đúng? Hay đúng hơn là liệu đám đông có luôn đúng? Và như thế nào là đúng? Các câu hỏi khiến chúng ta lâm vào một cái bẫy logic: một điều là đúng khi đám đông công nhận nó là đúng, vậy điều mà được đám đông công nhận chẳng phải là luôn luôn đúng hay sao? Lưu ý là ở đây đám đông mang ý nghĩa toàn thể xã hội loài người, và mình sẽ tạm chia làm hai loại đúng là Đúng với xã hội và Đúng với cá thể - có thể là một nhóm nhỏ, một dân tộc, một nền văn hóa,..., cái đúng trong lập luận trên đương nhiên là Đúng với xã hội, vậy còn khi nào thì Đúng với cá thể? Đó là khi một người làm những việc trái với đạo đức; con người có nhận thức sẽ không làm gì trái đạo đức, cho đến khi... họ tạo ra đạo đức mới.
Trong lịch sử, trường hợp Đúng với cá thể dễ nhận thấy nhất là ở Đức: có thời kỳ 90% dân Đức tung hô Hitler như một vị thánh, một vị cứu tinh của dân tộc, và 10% còn lại đương nhiên bị chính dân tộc mình kỳ thị và xa lánh, là một đám thân-Do-Thái hạ đẳng. Ở thời điểm đó, rõ ràng đám đông 90% kia nắm trong tay quyền định đoạt đạo đức, họ có thể đánh đập và tàn sát dân Do Thái mà không bị pháp luật trừng trị, vì hành vi đó đối với bản thân họ là ĐÚNG, nhưng đối với phần còn lại của thế giới, hành vi đó là SAI. Vậy ai đúng ai sai? Vì phần còn lại của thế giới chắc chắn đông hơn hẳn 90% dân Đức đó nên lịch sử đã ghi nhận Holocaust như một tội ác kinh hoàng, chứ nếu như 90% kia là 90% nhân loại trên thế giới thì sách sử đã được viết theo một hướng hoàn toàn khác.
Trong văn học, cụ thể là trong "Chúa ruồi" của William Golding đã xây dựng nên một bối cảnh mà một nhóm trẻ con, đứa lớn nhất chỉ mới vị thành niên, lạc vào một hoang đảo; ở đây hoàn toàn không có người lớn – đại diện cho tầng lớp truyền bá các chuẩn mực đạo đức. Do đó sau một thời gian, xã hội toàn trẻ em này đã dần dần hình thành nên các chuẩn mực đạo đức riêng của mình: việc giết chóc không còn là sai trái! Rất nhiều độc giả và các nhà phê bình đánh giá việc này y hệt cách họ đánh giá Đức quốc xã, "Chúa ruồi" được xem là tác phẩm khắc họa cái ác tồn tại trong mỗi con người và "nhân chi sơ tính bản ác".
Chính vì sự phức tạp của việc phán định đúng sai nên con người mới sinh ra khái niệm đạo đức, một bảng tra cứu phán định dễ dàng hơn: anh bất hiếu với cha mẹ là anh sai, anh giết người là anh sai, anh kính trọng thầy cô là anh đúng, anh giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn là anh đúng,... Nhưng có một điều gây bối rối là đạo đức ở mỗi thời đại, mỗi nền văn hóa khác nhau lại khác nhau. Chẳng hạn như việc dân Mỹ quan hệ tình dục trước hôn nhân thì họ không cảm thấy có gì trái với đạo đức cả, nhưng liệu dân Việt Nam có thể nghĩ vậy không? Hay như dân ta vẫn thường xem thịt chó là món đồ nhắm trên bàn nhậu, thế dân Mỹ nghĩ gì về vấn đề đạo đức khi ăn thịt loài vật được ưu tiên hơn cả đàn ông? Vậy ở đây ai sai ai đúng đây?
Tiêu chuẩn để phân định đúng sai đã khiến rất rất nhiều nhà tư tưởng, triết gia từ phương Đông tới phương Tây phải suy ngẫm, nó là một phạm trù vô cùng phức tạp mà mình cũng chỉ có chút ý niệm nên không dám phân biệt đúng sai mà chỉ muốn chia sẻ một góc nhìn khác về đạo đức: một thứ chỉ mang tính tham khảo. Nếu ai nào muốn thuận theo xã hội thì tuân thủ nó, ai không muốn – dù rằng điều này có thể dẫn đến kha khá hệ lụy – thì cứ mặc xác nó.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất