[HỌC TIẾNG ANH] Có nên đề cao việc nói giọng bản địa?
Hôm trước có bạn viết bài về việc có nên học nói tiếng Anh theo giọng bản địa hay không, thứ mà đợt này mình suy nghĩ khá nhiều. Vậy...
Hôm trước có bạn viết bài về việc có nên học nói tiếng Anh theo giọng bản địa hay không, thứ mà đợt này mình suy nghĩ khá nhiều. Vậy nên muốn biên lại vài dòng, hy vọng có thể đưa ra một quan điểm rõ ràng hơn về vấn đề này.
Đầu tiên, phải thú nhận rằng trước đây mình cũng khá là coi trọng giọng vùng miền, và vẫn thường hớn ha hớn hở tủm tà tủm tỉm khi em A thủ thỉ: "Anh là người Hà Nội à, em thích nghe giọng anh lắm" hay bạn Tàu B nhìn mình kiểu ngưỡng mộ: "Were you born here?" (vì mình nói giọng bản địa). Cho đến 1 ngày gần đây, trong chiến dịch tìm hiểu văn hóa nơi mà mình đã gắn bó 6 năm mà vẫn chả biết mie gì về nó (sau khi bị thằng bạn nói như tát vào mặt đợt về VN, bạn có thể xem lại tại đây), mình và 1 cậu bạn bản địa có 1 ngày tản bộ quanh vài địa điểm nổi tiếng trong thành phố. Chuyện đời anh, chuyện đời tôi các thứ xong xuôi, chs quay ra giọng Anh Anh, rồi sự khác biệt giữa các giọng được giãn rộng theo phương Bắc, kiểu giọng Sunderland Newcastle cứ "ey, ey ...", rồi đến giọng Scotland nghe xong mới biết họ nói tiếng Anh 😐 2 anh em cười đùa 1 lúc nói xấu người ta đủ kiểu, tự dưng hắn làm mặt nghiêm túc hỏi mình có biết vì sao có sự khác biệt như thế không? Mình vốn thật thà nên bảo tại bọn Scotland ghét bọn Anh vl, làm hắn mặt đần thối luôn. Nhưng sau hắn cười bảo: 1 nguyên nhân chính trước kia mà hắn biết là để những người đi làm xa nhà (nói xa nhà chứ chỉ là tỉnh lọ sang tỉnh chai thôi) khi nghe được giọng vùng mình sẽ nhận ra, và nếu có tình cờ hay bất ngờ tình yêu nảy nở thì biết mà check hàng, ah nhầm, check xem người ta có phải cùng họ nhà mình hay không. Hắn nói mà mình trố mắt, nhưng hóa ra điều này lại vô cùng quan trọng với dân bản xứ ở đây bạn ạ, đến nỗi chắc chắn cậu chàng trong tình yêu đẹp ấy sẽ phải bắt tàu về tận quê mà check lại, trước khi tính đến chiện hôn hít, bỏ mie lại nhầm, hôn nhân các thứ sau này.
Dài dòng, nhưng đại loại thì ý mình là: vẫn biết có những tự hào đối với mỗi miền quê, mỗi mảnh đất, và đôi khi nghe giọng người cùng miền cảm giác vẫn ấm lòng sao sao đó, nhưng nhiều khi mục đích ban đầu của việc lái giọng trở nên khác biệt đôi khi lại chả có gì đặc biệt, tức là bình thường hơn những gì chúng ta vẫn tưởng rất nhiều.
Quay lại tự hỏi bản thân: Biết vậy rồi liệu còn có gì để tự hào về giọng bản địa vùng miền không đây?
Vậy, tại sao 1 người Việt, ví dụ đến Mẽo, vẫn nên học giọng Mẽo?
Vì theo mình, điều đó tốt cho cả hai phía. Mình sẽ thử phân tích để các bạn hiểu thêm.
Có 1 điều mình nghiệm được sau 1 thời gian tham gia Toastmaster và thử thách bản thân với Public Speaking, đó là khán giả cực kỳ dễ mất tập trung với những gì bạn nói. Đối với 1 người nói, khi bạn đã vượt qua được giai đoạn đầu, tích lũy được 1 chút kinh nghiệm và bắt đầu có được nhận thức về khán giả của mình, một trong những điều thất vọng nhất chính là việc mất đi sự chú ý của khán giả với những điều bạn thực lòng muốn chia sẻ. Và nguyên nhân phần nhiều đến từ ngôn ngữ và giọng điệu của bạn (1 phần điều này được thể hiện rõ ràng hơn ở Toastmaster, vì bạn chỉ được đứng nói mà không dùng Powerpoint slides, vì vậy bạn có thể đoán được dễ dàng hơn nguyên nhân khiến khán giả mất tập trung trong bài nói của mình).
Điều này thực ra cũng không quá khó để lý giải, vì (1) con người phần nhiều chỉ cảm thấy thoải mái với những thứ họ thân thuộc, và (2) chắc không ai lạ gì cái nhận xét: Willpower của mỗi người là có hạn. Vì vậy, nếu như ý tưởng bạn muốn chia sẻ đã là cái họ phải suy nghĩ và cố gắng nắm bắt, ngôn ngữ và giọng điệu nói của bạn nên là thứ họ không cần phải quan tâm đến, hay phải cố gắng để dịch và hiểu bạn. Việc bạn càng nói giọng điệu giống họ, sử dụng ngôn ngữ của họ 1 cách chuẩn xác sẽ quyết định rất nhiều đến thành công của bài nói.
Và theo mình điều đó đúng với tất cả các dạng hội thoại, chỉ là bạn sẽ khó nhận ra nó hơn trong các cuộc nói chuyện phiếm 1 1 hoặc với 1 vài người bạn trong buổi nhậu mà thôi.
Vậy, đối với chính bạn, điều này có lợi gì?
Theo mình, nó là cơ hội để bạn thể hiện quan điểm của bản thân, và lắng nghe quan điểm của những người bản xứ. Khi giao tiếp bằng giọng bản địa không còn là vấn đề, họ sẽ tự dưng cởi mở hơn với bạn, và thậm chí tôn trọng bạn hơn rất nhiều vì họ có cơ hội được nghe những quan điểm của bạn dưới ảnh hưởng của nền giáo dục và văn hóa phương Đông. Chắc bạn cũng đồng ý với mình, đây có lẽ chính là mục tiêu lớn nhất mà 1 du học sinh mong muốn: được thể hiện quan điểm của mình, và tiếp nhận những luồng tư tưởng phương Tây để có cái nhìn đa chiều hơn về những vấn đề mình quan tâm, từ đó có sự nhận thức và tiếp cận đúng đắn hơn với sự nghiệp và quá trình phát triển của mình sau này.
Vậy, nếu không có được điều này, bạn sẽ gặp vấn đề gì? Đây có lẽ là mặt trái của du học và nhập cư. Những người không thể hay không muốn cố gắng trau dồi ngôn ngữ, thường luôn bị đối xử 1 cách khá phân biệt, kể cả nếu không phải là nụ cười mỉa thấy rõ sự khinh thường thì thái độ nói chuyện cũng sẽ rất khác (vì nói thực không có mấy dân bản địa tân tiến đâu, hầu hết vẫn ghét nhập cư, chỉ là họ có thực sự tỏ thái độ ấy ra hay không mà thôi). Càng bị như vậy, bản thân người du học (nhập cư) càng thu mình lại, và luôn nói chuyện bằng 1 thái độ phòng thủ, chứ không phải là thái độ mở lòng mình ra chia sẻ và đón nhận những luồng tư tưởng mới. Du học sinh trong thời gian ngắn ngủi thì không sao, chứ riết rồi thành ra bi kịch của cuộc đời tha hương, lúc nào cũng cô đơn, không thể hòa nhập với cộng đồng, dù cho điều kiện vật chất có thể luôn đủ đầy.
Vậy, những điều này có liên quan gì nếu bạn ở Việt Nam?
Đúng thật là nếu ở Việt Nam bạn sẽ không thể thấy được ảnh hưởng của vấn đề này, vì những điều mình nêu ở trên sẽ áp dụng ngược lại cho người nước ngoài khi họ đến Việt Nam. Nếu họ không thể hòa nhập với giọng Anh Việt, cố gắng hiểu quan điểm và suy nghĩ của người Việt, chính họ lại là người bất hạnh và sẽ không thể thành công ở nơi đây.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không nên chọn cho mình 1 giọng Anh mà bạn cảm thấy yêu thích nhất và mong muốn có được cho mình, vì như mình đã đề cập ở bài viết trước, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình luyện nghe nói về lâu dài của bạn.
*****
Ý cuối của bài này, mình chỉ muốn nhắc lại hai "yếu điểm" chính mà người nước ngoài thường nói (1 cách khá mỉa mai) khi họ nhận xét về Vietnamese accent: (1) người Việt thường coi việc nói nhanh là pro và (2) người Việt thường không phát âm rõ phụ âm ở cuối từ. Quan trọng nhất là nếu kết hợp 2 yếu điểm ấy lại thì bố thánh cũng không nhận ra được rất nhiều từ mà bạn nói.
(Thằng cha này bạn mình bảo rất nổi ở Canada, mặc dù mình nghe xong không ngửi nổi).
Mình nhắc lại ở đây không phải để phản biện gì cả, chỉ là vì muốn nhấn mạnh 2 yếu điểm này thực sự rất nghiêm trọng (rất nhiều người mắc phải, kể cả mình ngày trước), và bạn buộc phải sửa nếu muốn nói tốt tiếng Anh. Cái nói nhanh có dịp mình sẽ viết 1 bài, ở đây mình chỉ muốn bàn 1 chút về cái thứ hai. Rất nhiều bạn cảm thấy tự ti về phát âm tiếng Anh của mình, mà không hiểu được nguyên nhân sâu xa là sự khác biệt đơn thuần giữa 2 ngôn ngữ. Tiếng Việt không trọng phụ âm ở cuối từ, mà tập trung nhiều hơn vào nguyên âm, và chính vì vậy nên chúng ta mới có 1 loạt những từ nghe xong đã thấy mủi lòng, như thương, hương, nương, buông, ... Lấy 1 từ trong ấy ra thôi, bạn nghe "hương" có thấy hay không, trong khi dịch sang tiếng Anh, nếu dịch sát là scent, perfume, fragrance, nghe nó có thô thiển không.
Vì vậy, theo mình không nên thiếu tự tin về sự khác biệt tự nhiên này. Tiếng Việt rất hay, rất đẹp, theo cách riêng của nó. Chúng ta chỉ hơi đen đủi một chút khi chúng ta là những người duy nhất thấy được cái hay cái đẹp đấy, trong khi hầu hết thế giới thì không 😐 Vậy nên, theo mình mọi người nên có 1 thái độ khoan dung hơn, cởi mở hơn khi tiếp cận tiếng Anh, với những quy tắc riêng, và có thể là cái hay riêng của nó. Nếu làm được vậy, rất có thể bạn sẽ cảm thấy nói tiếng Anh không quá khó đâu nhé ;)
Vì vậy, theo mình không nên thiếu tự tin về sự khác biệt tự nhiên này. Tiếng Việt rất hay, rất đẹp, theo cách riêng của nó. Chúng ta chỉ hơi đen đủi một chút khi chúng ta là những người duy nhất thấy được cái hay cái đẹp đấy, trong khi hầu hết thế giới thì không 😐 Vậy nên, theo mình mọi người nên có 1 thái độ khoan dung hơn, cởi mở hơn khi tiếp cận tiếng Anh, với những quy tắc riêng, và có thể là cái hay riêng của nó. Nếu làm được vậy, rất có thể bạn sẽ cảm thấy nói tiếng Anh không quá khó đâu nhé ;)
A Dreamer
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)
Các bài viết khác của tác giả:
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất