Dịch và biên tập lại từ bài viết "Deconstructing the Deconstruction: The True Scope of Northern Honor and Culture" được đăng trên trang web Wars and Politics of Ice and Fire vào ngày 22/4/2014 bởi tác giả somethinglikealawyer

Ngài thực là một con người trung thực và trọng danh dự, thưa lãnh chúa Eddard. Nhiều lúc tôi quên mất điều ấy, cũng bởi tôi gặp quá ít người như vậy trong đời... Khi mà tôi thấy việc trung thực và trọng danh dự đẩy ngài đến tình cảnh như thế này, rốt lại tôi đã hiểu vì sao có ít người giống ngài đến vậy" - Cuốn A Game of Thrones, chương Eddard XV
Khi nhắc đến hình tượng một người hiếm hoi trọng danh dự và trung thực, các fan của A Song of Ice and Fire nói chung và TV series Game of Thrones nói riêng đều ngay lập tức nghĩ đến Eddard Stark. Cũng vì thế nên nhiều người hay tư duy bắc cầu rằng dân phương Bắc cũng trọng danh dự như Eddard. Thế nhưng điều này không hẳn đã đúng. Lý do cho việc Eddard Stark trở thành một con người trung thực, trọng danh dự như vậy phần lớn là nhờ sự dạy dỗ của lãnh chúa Jon Arryn, chứ không phải do bản tính người phương Bắc. Khái niệm về danh dự của người phương Bắc không giống như những gì chúng ta thường nghĩ đến khi nói về Eddard Stark. Nhìn lại lịch sử các Vua Mùa Đông nhà Stark khi họ đối phó với các gia tộc chư hầu như Bolton, Manderly hay Umber, ta có thể chắc chắn rằng người nhà Stark nói riêng, hay dân phương Bắc nói chung, vốn chẳng lạ lẫm gì mưu kế đủ loại. 
Mặc dù vậy, cái gọi là "Danh dự phương Bắc" thực sự có tồn tại. Tất nhiên nó không giống như sự hào hiệp trượng nghĩa của hiệp sĩ vùng Reach, cũng không giống tinh thần thượng võ ở Stormlands, lại càng không phải sự cao quý của xứ Vale, và nhất là không giống kiểu danh dự trong những trận đấu thương. Danh dự phương Bắc là tổng hòa của những yếu tố sau: lòng dũng cảm trước mọi thứ, khả năng đương đầu với khó khăn và không đẩy trách nhiệm cho ai khác. 
Vậy cụ thể nó ra sao, hãy cùng đi sâu vào tìm hiểu.

I. TỔNG QUAN VỀ PHƯƠNG BẮC


Có vài lý do khiến cho văn hóa phương Bắc lại đặc biệt đến như vậy, lý do đầu tiên chính là ở vị trí và đặc điểm địa lý của vùng đất này. Phương Bắc là một vùng đất rộng lớn, chiếm đến non nửa diện tích lục địa Westeros, nhưng nó lại là một trong số những vùng đất có mật độ dân cư thưa thớt nhất. Đặc điểm thời tiết bất thường của Westeros (những mùa hè hoặc mùa đông dài nhiều năm liền) ảnh hưởng đến cả lục địa, nhưng không đâu chịu ảnh hưởng nhiều như phương Bắc. Mùa hè thì còn đỡ, nhưng mùa đông thì là cả một cơn ác mộng khi tuyết dày đến cả chục mét và cái rét vô cùng khắc nghiệt. Chính vì vậy nên việc canh tác trên mảnh đất cằn cỗi này rất vất vả, khó khăn và phương Bắc thường rơi vào cảnh mất mùa, không nặng thì nhẹ. 
Trong những mùa đông khắc nghiệt, dân chúng thường co cụm lại gần lâu đài của các lãnh chúa. Điều này khiến cho phương Bắc đã thưa thớt nay còn vắng bóng người hơn, một số vùng gần như bị bỏ hoang suốt mùa đông. Nhu yếu phẩm để tồn tại trong một mùa đông kéo dài nhiều năm cũng là một vấn đề thiết yếu, và với phương Bắc, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn nhiều so với các vùng đất phương Nam. 
Bản đồ địa lý của phương Bắc
Mùa đông ở phương Bắc cực kỳ khắc nghiệt và vì tính chất thời tiết khó đoán của Westeros, không ai biết chắc nó sẽ kéo dài bao lâu, 1-2 năm hay 4-5 năm. Chính vì vậy nên mỗi khi mùa hè có dấu hiệu kết thúc, mật độ dân cư bắt đầu tập trung đông dần ở khu vực xung quanh thành quách của lãnh chúa bảo hộ vùng đất đó. Việc tập trung đông người trong mùa đông tuy có làm phương Bắc trở nên hoang vắng hơn, nhưng là điều cần thiết để sống còn. Dân chúng sẽ có thể chăm nom lẫn nhau, chia sẻ nhu yếu phẩm. Các lãnh chúa cũng dễ dàng trong việc hỗ trợ dân của mình, bảo vệ họ trước thú hoang hoặc cung cấp thêm nơi ăn chốn ở. Thói quen này vô hình trung đã khiến khoảng cách giữa dân thường và quý tộc ở phương Bắc không quá xa cách như các vùng đất phương Nam. Chính vì vậy nên nền cai trị của các lãnh chúa ở phương Bắc thường rất vững chắc. Họ biết chính xác dân chúng cần gì, muốn gì. Ở chiều ngược lại, người dân biết và hiểu ai lãnh đạo họ. Hơn nữa, sự khắc nghiệt của mùa đông phương Bắc hẳn cũng kéo họ xích lại gần nhau, bởi vì đó là cách duy nhất để sống sót. 
Một ví dụ cụ thể chính là cách hai cha con Eddard Stark và Robb Stark cư xử với gia nhân cũng như các chư hầu. Những chi tiết này được thể hiện rõ hơn trong sách. Cụ thể, với lãnh chúa Eddard, mỗi một ngày ông mời một người hầu trong Winterfell đến ăn tối cùng gia đình mình. Ông dành cả bữa tối để nói chuyện về công việc, cuộc sống của họ. Làm như vậy, lãnh chúa Eddard hiểu rõ trong Winterfell có những ai, họ sống và làm việc ra sao. Con trai Robb của ông cũng học tập rất kỹ cách cai trị này của cha, kể cả trong chiến tranh. Robb, kể cả khi còn là lãnh chúa Winterfell hay sau khi đã được tôn xưng Vua Phương Bắc, đều thường xuyên cưỡi ngựa cùng với các lãnh chúa chư hầu của mình. Cậu nói chuyện, bàn bạc với họ những vấn đề từ quan trọng đến nhỏ nhặt, cậu nhận con cái họ làm người hầu, tùy tùng hay cận vệ. Robb cũng đối xử công bằng với mọi người, dù người đó là dân phương Bắc hay Riverlands, thờ Cựu Thần hay Thất Diện Thần. Chính cách cai trị và xử sự này đã khiến Robb có được lòng trung thành của rất nhiều lãnh chúa. Ta có thể thấy rõ điều này ngay cả sau khi cậu bị giết hại. Đa phần lãnh chúa phương Bắc đều bằng mặt chứ không bằng lòng với nhà Bolton và sẵn sàng phản lại để đưa nhà Stark trở lại nắm quyền. Thử hỏi, nếu như Robb, hay xa hơn là Eddard không đối xử cực kỳ thân thiết và có tình với những người dưới trướng thì liệu họ có được lòng trung thành tuyệt đối đó không?
Nhìn chung, hoàn cảnh địa lý đặc trưng của phương Bắc đã tạo nên một nét văn hóa đặc biệt ở vùng đất này. Ở đây, khoảng cách giữa dân chúng và giới quý tộc không xa cách như các vùng đất phương Nam. Đó cũng là lý do mà lòng trung thành của các gia tộc phương Bắc rất vững chãi, hơn hẳn so với các vùng khác. 

II. TÍN NGƯỠNG CỰU THẦN


Lý do thứ hai chúng ta sẽ xét đến quan trọng không kém so với đặc trưng địa lý, đó chính là đặc trưng về tôn giáo ở phương Bắc. Tôn giáo chính ở phương Bắc chính là thờ các Cựu Thần - những thần linh tối cổ, vô danh của rừng rậm. Đây là tôn giáo được truyền lại từ tổ tiên của dân phương Bắc là Tiền Nhân, và nó khác biệt hoàn toàn so với Thất Diện Giáo của dân phương Nam. Các vị thần của phương Bắc không có tên tuổi, không có diện mạo cụ thể, việc thờ phụng họ cũng rất đơn giản và lặng lẽ. Tôn giáo Cựu Thần không hề có các tư tế, nữ tu hay những điện thờ, những bài ca giống Thất Diện Giáo. Việc thờ phụng các Cựu Thần chỉ đơn giản là khắc hình mặt người lên thân cây weirwood, quỳ xuống cầu nguyện khi cần. Mỗi khi tổ chức một nghi lễ linh thiêng hay thề một lời thề trang trọng, người theo tôn giáo Cựu Thần cần có mặt trước cây weirwood để nhận được sự theo dõi và bảo hộ từ các vị thần của rừng rậm. Nhìn chung, tôn giáo Cựu Thần rất lặng lẽ và thiên về sự chiêm nghiệm của mỗi cá nhân nhiều hơn. Điều này được mô tả nhiều lần trong sách, ví dụ như khi lãnh chúa Eddard Stark ở Vương Đô nhận được tin con trai Brandon đã tỉnh lại sau cơn hôn mê, đêm đó ông dẫn SansaArya ra rừng thiêng và cầu nguyện cả đêm, nhưng trong im lặng. Tôn giáo Cựu Thần cũng không có những tổ chức thề nguyện phục vụ các vị thần cả đời như Thất Diện Giáo và đặc biệt là không tồn tại một cá nhân nào đóng vai trò lãnh đạo tôn giáo như Đại Tư Tế. 
Một cây weirwood
Những sự khác biệt giữa tôn giáo Cựu Thần và Thất Diện Giáo cũng nêu bật sự khác biệt giữa bản chất xã hội của phương Bắc với các vùng đất phương Nam. Ta có thể thấy rõ rằng xã hội ở các vùng đất phía nam Westeros mang những đặc trưng của xã hội phong kiến châu Âu thời trung cổ. Những sự phân chia giai cấp rõ nét, hệ thống hiệp sĩ rồi mối quan hệ gắn kết giữa giới tôn giáo và giới quý tộc. Ở các vùng đất phía nam, tôn giáo nhiều khi trở thành công cụ chính trị và bản thân những cá nhân như Đại Tư Tế nhiều khi cũng trở thành một tay chơi trong bàn cờ quyền lực. Ví dụ điển hình chính là cuộc nổi loạn của giới tôn giáo chống lại triều đình vào thời vua Aenys I và Maegor I. Cuộc nổi loạn đẫm máu này chỉ kết thúc khi mà vua Jaehaerys I phải nhượng bộ phần nào với Thất Diện Giáo. Điều này cho thấy mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa thần quyền và vương quyền ở các vùng đất phía nam Westeros.
Ở chiều ngược lại, tôn giáo Cựu Thần không thực sự giống một tôn giáo cho lắm. Nó giống một triết lý, một lối sống thiên về sự chiêm nghiệm nhiều hơn. Triết lý này đề cao mối quan hệ giữa mỗi cá nhân với các vị thần và dần trở thành văn hóa đặc trưng của toàn bộ vùng đất chứ không hẳn là một loại tôn giáo nữa. Bởi vậy, khi nói đến văn hóa phương Bắc, ta cần hiểu đó là sự tổng hòa của cả những đặc trưng lối sống do địa lý quyết định và được vun đắp, hoàn thiện bởi triết lý Cựu Thần. Triết lý này ảnh hưởng cụ thể đến cách sống và hành động của người phương Bắc ra sao, ta sẽ cùng bàn rõ hơn phần sau của bài.

III. TRÁCH NHIỆM VÀ BỔN PHẬN


Robb Stark xử trảm lãnh chúa Rickard Karstark
Đao phủ đã đứng chờ sẵn bên cái thớt, nhưng Robb đưa tay cầm lấy cây rìu từ tay người này và lệnh cho anh ta đứng tránh ra. "Đây là việc ta phải làm", thằng bé nói, "ta tuyên ông ta tội chết, và ta phải là người thực thi mệnh lệnh đó" - Cuốn A Storm of Swords, chương Catelyn III
Sự khác biệt lớn nhất trong lối sống và cách hành xử giữa người phương Bắc với người phương Nam đã được nhắc lại nhiều lần qua câu nói nổi tiếng "Ai ra lệnh thì người đó phải vung gươm". Ý nghĩa đằng sau câu nói này đã được lãnh chúa Eddard giảng giải cho Brandon, rằng "Một kẻ cai trị mà trốn sau lưng đao phủ rồi sẽ sớm quên đi cái chết là như thế nào" và ông cũng nhấn mạnh rằng việc này là trách nhiệm, là bổn phận, không phải điều gì đó thích thú. Với bản thân lãnh chúa Eddard, mỗi một mạng sống ông tước đi đều thuộc về trách nhiệm, và việc giết người chưa bao giờ làm ông thoải mái hay vui sướng. Mỗi lần lấy đi mạng sống ai đó, lãnh chúa Eddard đều cầu nguyện rất lâu trước cây weirwood trong rừng thiêng Winterfell. Giết người chưa bao giờ là điều dễ dàng, kể cả khi anh là một lãnh chúa cao quý hay một vị quân vương tối cao, nắm quyền sinh sát thì cướp đi mạng sống ai đó, dù kẻ đó có tội thực, vẫn chưa bao giờ là điều thoải mái. Đó là lý do sinh ra những tay đao phủ - những người dụng hình thay cho các bậc quân vương, để tránh cho họ khỏi những áp lực mà việc giết người đem lại. Đối với các vị vua ở phía nam Westeros, việc có một đao phủ là điều bắt buộc.
Nhưng ở phương Bắc, mọi chuyện rất khác. Không có khái niệm đao phủ ở vùng đất này, bởi lẽ "Ai ra lệnh thì người đó phải vung gươm". Đó là truyền thống ngàn đời của Tiền Nhân, nhưng bởi vì lý do gì mà họ chọn cách làm khó khăn như vậy?
Câu trả lời nằm ở 4 từ: bổn phận, trách nhiệm. Bằng cách để người ra lệnh thực thi chính mệnh lệnh ấy, truyền thống này của Tiền Nhân nhằm mục đích cho một lãnh chúa, một vị vua thấy được anh ta nắm quyền lực lớn đến thế nào. Song song với quyền lực đó là trách nhiệm, là bổn phận. Anh phải hiểu chính xác mệnh lệnh của mình sẽ đưa đến hậu quả nào, và dù tốt dù xấu, chính anh phải là người nhận lãnh lấy nó, không ai khác. Sâu xa hơn, điều này chính là minh chứng cho khái niệm về danh dự phương Bắc như đã nêu ở đầu bài: lòng dũng cảm trước mọi thứ, khả năng đương đầu với khó khăn và không đẩy trách nhiệm cho ai khác. Sẽ có những lúc một vị lãnh chúa phải đưa ra quyết định khó khăn, và nếu như anh ta không hình dung được nó sẽ ảnh hưởng đến những người khác thế nào, thì làm sao có thể quyết định đúng đắn? Đây là một truyền thống khắc nghiệt, thực vậy, nhưng nó tôi luyện được những con người cứng cáp, mạnh mẽ và hiểu rõ được cái giá của quyền lực. 

IV. QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI PHƯƠNG BẮC VỀ SỰ TRUNG THỰC 



"Con thấy thật có lỗi, nhưng con đã làm đúng, phải không cha? Vương hậu sẽ giết nó mất"
"Con đã làm đúng", cha nói, "và nói dối cũng có sá gì đâu nếu chúng ta vẫn giữ được danh dự của mình" - Cuốn A Game of Thrones, chương Arya II
Quan niệm đạo đức thông thường chỉ ra rằng dối trá là hành động xấu xa, thiếu danh dự và đáng bị lên án. Ở cả phương Nam lẫn phương Bắc, những lời nói dối chưa bao giờ được khuyến khích. Thế nhưng với người phương Bắc, vấn đề về những lời nói dối lại khác biệt đôi chút với phần còn lại của Westeros. Nói như vậy không có nghĩa ám chỉ người phương Bắc dối trá hơn, vì thực tế là ở chỗ nào trên Westeros mà không có ai nói dối bao giờ? Cái chúng ta cần làm rõ ở đây là mục đích lời nói dối đó.
Nhìn bề ngoài, người phương Bắc hay người phương Nam nói dối thì cũng chẳng khác gì nhau. Khi có điều muốn giấu không cho ai khác biết, chúng ta nói dối. Dù ở phương Bắc hay phương Nam thì ai cũng có cho mình điều gì đó cần phải che giấu. Lãnh chúa Eddard che giấu sự thật về em gái ông Lyanna Stark rồi sau đó lại nói dối vua Robert khi ông hấp hối. Cô bé Arya nói dối về con sói Nymeria của mình. Rất nhiều lãnh chúa phương Bắc giả vờ thề trung thành với nhà Bolton sau khi nhà Stark bị phản bội. Điểm chung của những lời nói dối này là gì, ngoài điều hiển nhiên là che giấu sự thật?
Những lời nói dối của lãnh chúa Eddard giúp ông cứu sống đứa cháu Jon Snow, giúp cho vua Robert ra đi thanh thản. Lời nói dối của Arya giúp cô bé cứu được con sói vô tội Nymeria. Các lãnh chúa phương Bắc nói dối để giữ mạng cho người thân của họ.
Họ nói dối là vì người khác, chứ không phải hoàn toàn vì bản thân họ. Mối liên kết giữa người với người ở phương Bắc vốn đã sâu đậm và bền chặt hơn phương Nam, như chúng ta đã nói ở phần thứ nhất của bài viết; vậy thì rõ ràng việc họ nói dối vì người thân của mình hoàn toàn có thể hiểu được. Cho dù việc nói dối có thể khiến họ day dứt, xấu hổ, thậm chí nhục nhã, nhưng vì lợi ích, vì sự an toàn của người khác, họ vẫn làm. Người phương Bắc tất nhiên vẫn trọng sự trung thực, nhưng họ hiểu rằng trung thực một cách quá cứng nhắc không bao giờ là điều có lợi. Biên kịch của TV series rõ ràng không thực sự nắm được bản chất của người phương Bắc nên đã khắc họa con người của vùng đất này khá sai lệch và làm người xem nảy sinh cái suy nghĩ "người phương Bắc trung thực đến cứng nhắc và khó chịu". Họ hiểu rõ rằng có những lúc nói dối là cần thiết để bảo vệ người thân, bảo vệ mảnh đất của mình, như lãnh chúa Manderly đã nói với Ser Davos Seaworth: "Khi đối phó với lũ dối trá, một người đàn ông trung thực nhất cũng phải dối trá theo". 
Vậy nhìn chung, quan điểm của người phương Bắc về dối trá và sự trung thực không quá khác biệt với người phương Nam. Họ quả có trọng sự thành thực, nhưng trong những thời điểm ngặt nghèo, việc nói dối là cần thiết và nó không đối nghịch với những giá trị sống của họ khi những lời nói dối ấy là vì người khác. Dĩ nhiên cái gì cũng có ngoại lệ, mà như chúng ta thấy rõ ràng là việc Roose Bolton dối trá để phản bội và đâm sau lưng Robb Stark. Nhưng cũng cần hiểu rằng hành động này đi ngược lại mọi giá trị và triết lý sống của người phương Bắc, bằng chứng là gần như mọi lãnh chúa phương Bắc đều sẵn sàng chờ thời cơ để trừng phạt nhà Bolton vì tội ác này.

V. VUA PHƯƠNG BẮC


Cuối cùng, chúng ta sẽ xét đến một khái niệm rất quan trọng đối với phương Bắc. Đây là một biểu tượng của sự tự chủ, quyền tự quyết và ý chí của họ: một vị Vua Phương Bắc.

"CÁC LÃNH CHÚA!" ông ta hét, giọng vang khắp sảnh. "Đây là điều tôi sẽ nói với hai vị vua kia", ông ta nhổ xuống đất, "Renly Baratheon chẳng là cái thá gì với tôi, Stannis cũng vậy. Vì sao họ lại được phép cai trị tôi và người của tôi từ một chỗ ngồi đẹp đẽ nào đó ở Highgarden hay Dorne cơ chứ? Họ thì biết gì về Tường Thành, về Rừng Sói và những nấm mồ của Tiền Nhân nào? Thần thánh của họ cũng khác chúng ta. Cầu cho lũ Ngoại Nhân tha hết đám nhà Lannister đi, tôi ngán chúng tới tận cổ rồi." Ông cho tay ra sau vai và rút thanh đại kiếm hai lưỡi ra. "Vì sao chúng ta không tự mình cai trị chứ? Chúng ta thỏa hiệp với những con rồng, mà những con rồng đã chết cả rồi!" Ông chỉ mũi kiếm vào Robb. "Tôi chỉ quỳ gối trước một vị vua duy nhất mà thôi, thưa các lãnh chúa," ông ta hét lên. "Vua Phương Bắc!" - Cuốn A Game of Thrones, chương Catelyn XI
Đoạn trích trên tái hiện lại một sự kiện chính trị rất quan trọng trong cuốn A Game of Thrones - Robb Stark được tôn xưng làm Vua Phương Bắc và Vua Sông Trident bởi các chư hầu dưới quyền, tuyên bố ly khai khỏi vương quốc. Đã gần 300 năm trôi qua danh xưng này mới được hô vang trên lãnh thổ Bảy Vương Quốc. Sự kiện này cũng chính là minh chứng cho việc chuyện gì sẽ xảy ra khi phương Bắc bị gây hại quá nhiều. Họ sẽ vùng lên chống đối theo cách mạnh mẽ nhất. Họ không chịu dưới quyền kiểm soát của bất kỳ ai, bất kỳ một vị vua miền nam nào nữa. Người phương Bắc chỉ thực sự tin theo và tôn trọng một vị vua duy nhất - Vua Phương Bắc, hay còn có tên gọi cổ xưa hơn là Vua Mùa Đông.
Bàn về sự kiện này, nhiều người cho rằng hành động chấp nhận làm vua của Robb Stark là dại, thiếu suy nghĩ và là nguyên nhân dẫn tới thất bại sau này. Thế nhưng rõ ràng ở thời điểm xưng vương, gần như mọi lợi thế của cuộc chiến đều thuộc về Robb. Thất bại của cậu đến từ nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan chứ không hoàn toàn nằm ở việc xưng vương. Các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn ở bài này:
Nhưng chúng ta hãy quay trở lại việc Robb được chư hầu tôn làm vua. Vì sao họ quyết định như vậy? Thực ra câu trả lời phần lớn đã có ở đoạn trích truyện đã dẫn ở trên - phương Bắc muốn độc lập, muốn tự chủ lần nữa. Họ đã chịu quá nhiều tổn hại đến từ Ngai Sắt và trong cả hai vương triều Targaryen - Baratheon. Trong vòng 15 năm, 3 người nhà Stark - những thủ lĩnh tối cao của phương Bắc đã bị bắt giữ và bị giết hại bất công ở Vương Đô. Thời mạt Targaryen thì hai cha con lãnh chúa Rickard Stark và Brandon Stark chết thảm, nay thì lãnh chúa Eddard cũng chịu chung số phận. Với những sự bất công quá đáng như thế, việc phương Bắc nổi dậy là điều sớm muộn, mà thực tế thì khi Robb kéo quân xuống Riverlands là họ đã công khai chống đối triều đình rồi. Việc các chư hầu tôn xưng Robb lên ngôi chỉ đơn thuần khẳng định quyết tâm tự chủ và ly khai của phương Bắc mà thôi. 
Bạn có thể thắc mắc, rằng nếu người phương Bắc muốn đòi lại công bằng cho lãnh chúa Eddard Stark, thì sao họ không thần phục Renly Baratheon hay Stannis Baratheon, những người cũng đã lần lượt xưng vương? Ở đây, chúng ta cần xét kỹ hơn việc xưng vương của Renly và Stannis. Renly tự xưng vương ở Highgarden, nhưng xét theo luật pháp, anh ta không có quyền thừa kế. Renly là em út của Robert, trên anh ta còn có Stannis và nếu như việc Joffrey không phải con vua Robert được chứng thực thì quyền kế vị phải là của Stannis. Việc tự xưng vương của Renly trong mắt người phương Bắc cũng không khác gì việc nhà Lannister tiếm vị hết. Còn về Stannis, ông là một chỉ huy dạn dày kinh nghiệm và có quyền kế vị ngai vàng, thế nhưng cuối cùng phương Bắc vẫn không ủng hộ Stannis. Với việc không theo phe cả Renly, Stannis lẫn nhà Lannister, việc tôn Robb lên ngôi là một bước đi hợp lý. Hơn nữa, Robb không "tự xưng vương" giống Renly hay Stannis, cậu được tôn làm vua. Mặt khác, Robb cũng không chiến đấu để kiểm soát toàn lục địa. Khát vọng của cậu, cũng như các chư hầu của cậu chỉ là giành lấy sự độc lập cho phương Bắc, sau này là vùng Riverlands mà thôi. Phương Bắc mới chỉ chịu quyền kiểm soát của các vị vua miền nam 300 năm, chưa là gì so với 8000 năm độc lập của họ thời các Vua Mùa Đông xa xưa. Chính vì vậy khát khao được tự chủ của họ có thể nói là lớn hơn so với các vùng đất phía nam. 
Tổng hợp những yếu tố ở trên: khát khao đòi lại công lý, khát vọng tự chủ và nhất là thời cơ chín muồi, các lãnh chúa phương Bắc đã đồng lòng tôn thủ lĩnh của họ lên ngôi vua một lần nữa. Đối với người phương Bắc, Vua Mùa Đông là một biểu tượng của sự độc lập, của nền văn hóa lâu đời, tách biệt hẳn so với phương Nam. Với việc làm sống lại một biểu tượng như vậy, người phương Bắc muốn khẳng định lại vị thế của họ ở lục địa Westeros - một vương quốc độc lập, không chịu quyền kiểm soát của ai. Lòng trung thành của họ với Vua Phương Bắc là thực sự đáng kinh ngạc nếu so với các vị vua phương Nam. Renly chết, toàn bộ chư hầu của anh ta tản mát hết, kẻ theo Stannis, người theo Lannister. Stannis bại trận, chỉ còn số ít người trung thành tin theo. Nhà Lannister thì càng không cần nói khi nền cai trị của họ ngày càng yếu ớt. Còn với phương Bắc, kể cả sau khi Robb chết, các hậu duệ nhà Stark tản mát khắp nơi, họ vẫn giữ lòng trung thành không đổi. Trừ một số trường hợp như Bolton, Dustin hay Karstark, còn lại tất cả các lãnh chúa của phương Bắc đều một lòng tìm mọi cách trung hưng nhà Stark - thủ lĩnh thực sự của họ. Sự trung thành này thật hiếm có, âu cũng là một nét đặc trưng của người phương Bắc.

KẾT


Nhìn chung, xét về mọi mặt, phương Bắc thực sự là một vùng đất đặc biệt so với phần còn lại của Westeros. Mọi khía cạnh từ địa lý, văn hóa, đời sống, xã hội, lịch sử của họ đều mang những nét rất riêng. Điều này có được là nhờ hàng ngàn năm vun đắp, xây dựng. Máu Tiền Nhân vẫn chảy trong huyết quản con người phương Bắc và chưa khi nào họ nguôi đi khát vọng được độc lập, thoát ly khỏi quyền kiểm soát của các vị vua phương Nam. Lòng trung thành của họ với nhà Stark cũng thật đáng ngưỡng mộ. Những yếu tố đặc biệt như thế đã làm nên một phương Bắc rất thú vị, hấp dẫn và tách biệt hẳn so với phần còn lại của lục địa. 
"Tôi biết về lời thề đó," cô gái khăng khăng. "Maester Theomore, hãy nói cho họ biết! Một ngàn năm trước thời kỳ Chinh phạt, một lời hứa, một lời tuyên thệ đã được thề trong Hang Sói trước các cựu thần và tân thần. Khi chúng ta bị bao vây và không có bạn bè, bị đuổi khỏi nhà và mạng sống bị đe dọa, loài sói đã bao bọc, cho chúng ta ăn uống và bảo vệ chúng ta trước kẻ thù. Thành phố này được xây trên chính mảnh đất mà họ cho chúng ta. Và để trả ơn, chúng ta đã thề sẽ luôn là chư hầu của họ. Mãi mãi là người của nhà Stark!"
Tới đây xin kết thúc bài viết, hy vọng tôi đã có thể cung cấp thêm cho các bạn một vài thông tin thú vị về phương Bắc - vùng đất đặc biệt bậc nhất của lục địa Westeros.