Bạn muốn học như thế nào?
Tôi thường đọc các bài trên mục góc nhìn ở VnExpress. Có lẽ đây là chuyên mục thú vị nhất với tôi, bởi nó đem lại những góc nhìn mới...
Tôi thường đọc các bài trên mục góc nhìn ở VnExpress. Có lẽ đây là chuyên mục thú vị nhất với tôi, bởi nó đem lại những góc nhìn mới hơn, sâu hơn, từ những người có chuyên môn nói về lĩnh vực của họ. Và ở bài này thì tôi cũng có 1 vài góc nhìn của mình liên quan tới chủ đề này, trên lĩnh vực tôi đang làm (có liên quan 1 chút tới giáo dục).
Bài này nói về "cách học không đúng phương pháp". Chúng ta nên bắt đầu học bằng việc trả lời câu hỏi: "Bạn muốn học như thế nào". Với cá nhân tôi mà nói, với cách tiếp cận này có những cái được và không được.
Những cái được (lợi ích)
Khỏi bàn cãi, cách này chắc chắn có ích dành cho những ai đã có mục đích học tập rõ ràng. Dù học tiếng anh, tin học, học nghề, học hát, học tán gái... thì nếu có 1 mục tiêu rõ ràng và có phương pháp phù hợp, khả năng thành công là rất cao. Bởi bạn sẽ học theo phương pháp tốt nhất, phù hợp nhất để đạt được mục đích nhanh nhất, dễ nhất.
Lợi ích thứ hai là bạn dễ đạt mục đích nên bạn sẽ tự tin hơn, có hứng thú làm lại hơn. Với suy nghĩ "Cái gì đã làm được 1 lần thì sẽ làm được lần 2, lần 3, lần n..." thì chỉ cần giáo viên (người hỗ trợ) giúp bạn 1 lần thôi, biến từ 0 thành 1, còn lại bạn sẽ tự đi được từ 1 đến n.
Lợi ích thứ ba là bạn không cần phụ thuộc quá nhiều vào giáo trình, giáo án, giáo viên. Bởi hướng đào tạo này là cá biệt trên từng người; mỗi người sẽ áp dụng 1 cách dạy riêng, 1 phương pháp riêng, 1 giáo trình riêng... để phù hợp với họ. Thay vì 1 giáo án chung chung áp dụng với cả 60 học viên trong 1 lớp thì giáo viên cần phân loại, chia ra các nhóm (max là 60 nhóm), mỗi nhóm áp dụng 1 cách dạy riêng, 1 nội dung riêng... nên với học sinh mà nói, nó tốt và giúp ích nhiều cho họ. Ngược lại phía giáo viên thì bạn biết họ gặp bất lợi gì rồi đó.
Những cái không được
1. Cái đầu tiên có thể thấy là ít giáo viên làm được khả năng này (để đáp ứng lợi ích thứ 3). Tức là có khả năng dạy mà không cần giáo án từ trước, dạy mà duy trì được cảm hứng (công sức bỏ ra rất nhiều, nhiều hơn hẳn so với cách dạy thông thường nhưng thu nhập ko tăng), đủ trình độ để đưa ra nhiều phương pháp học cho nhiều đối tượng khác nhau mà vẫn đảm bảo được chất lượng trên mỗi học viên. Nếu áp dụng trên 1 lớp ít học viên, chất lượng đồng đều và chung 1 mục tiêu thì có thể được, còn áp dụng lớp đông, trình độ trải dài nhiều cấp độ, không cùng mục tiêu thì chắc chắn thất bại.
2. Cái thứ hai là không áp dụng được cho giáo dục chính quy. Chỉ có hình thức tư nhân, gia sư, huấn luyện viên riêng thì mới áp dụng được thôi. Bởi nó không (hay chưa) được nghiên cứu, đánh giá 1 cách đầy đủ, hầu hết là mang tính cá biệt và thử nghiệm. Do đó mức độ rủi ro cao, đồng thời nếu người học chưa ý thức được hình thức học này có lợi/hại gì, đến khi không thành công họ lại oán trách giáo viên coi họ như chuột bạch. Mặc dù giáo viên cho nó là tốt, nhưng bản thân người học không nhận ra, không cho nó là tốt thì đâu có ích lợi gì với họ.
Xét thử việc giáo viên cho học viên tìm hiểu về tiểu sử những họa sỹ thay vì tập trung vào học vẽ, nếu 1 người đã có khả năng vẽ tốt rồi họ sẽ có thêm nhiều tấm gương để học hỏi, để biết chặng đường phát triển thành 1 họa sỹ thì như thế nào, từ đó có thêm động lực và con đường rõ hơn để phát triển khả năng của mình (thay vì ảo tưởng là chỉ học thế là đủ). Nhưng với học viên có mục tiêu khác (như tác giả bài viết kia) thì sẽ không coi đó là điều thú vị.
Tôi hiểu mục đích bài viết là người dạy cần thống nhất với người học về mục đích trước và điều chỉnh cách dạy cho phù hợp (và không cho rằng tác giả bài viết nói sai, chỉ là góc nhìn khác), nhưng nó lại thiếu tính thực tế. Bởi phần lớn học sinh đều không có mục đích rõ ràng trong việc học (từ cấp THCS trở xuống). Từ cấp THPT trở đi chúng ta mới bắt đầu hiểu hơn về xã hội và có hướng nghiệp rõ ràng (học nghề ở cấp THCS chỉ là biết làm thôi, còn cấp THPT mới là nghề thực sự để đi tiếp lên các trường nghề - nếu muốn). Vậy thì rất khó (gần như không thể) áp dụng cách dạy trên cho cấp tiểu học và trung học. Ngay cả cấp Phổ thông cũng khó bởi mục tiêu học lúc này hầu hết là để thi đại học, không phải để phát triển tài năng hay nghề nghiệp ngay. Nó chỉ đúng khi học sinh đã đáp ứng được các kiến thức ở lớp và học thêm theo hướng này (chứ không phải học thêm để học lại hay học trước những cái trên lớp); hay chỉ áp dụng cho học sinh giỏi vượt trội so với mặt bằng chung cần có giáo trình riêng để tạo hứng thú cho họ học.
Giáo dục chính quy bị thanh tra, kiểm tra rất nhiều nếu chương trình dạy không sát với chương trình do bộ giáo dục đề ra. Do đó nếu phát triển những cách dạy khác, cập nhật những nội dung khác ngoài chương trình là rất rất nguy hiểm - về phía giáo viên. Bởi tốt thì chẳng ai biết, chỉ đi lệch 1 cm thôi là có nguy cơ nghỉ hưu sớm ngay. Vậy nên cái này những người làm giáo dục chính quy rất hiểu, có nhiều cái họ muốn làm nhưng không được phép làm. Dần dần nó trở thành lỗi hệ thống, không thay đổi được nữa, trừ khi thay đổi từ cấp trên trở xuống.
3. Không lấy kết quả thi để đánh giá cách dạy, cách học
Nếu nhìn điểm thi để đánh giá, nó không khác gì drama xé bằng IELTS cả. Điểm thi chẳng nói lên cái gì ngoài việc nó là tiêu chí xét tuyển. Nếu có thì nó chỉ phản ảnh là cách học (hoặc cách dạy) chưa đúng để đạt điểm thi cao. Hầu hết học sinh học theo phương pháp học, ôn, luyện... để lấy điểm cao trong bài thi, chứ mục đích của họ không phải là giỏi tiếng anh.
Có thể người viết bài công tác tại môi trường tiếng anh do người học tự đăng ký, khi đó họ có mục đích riêng. Mỗi lớp khác nhau (có phân loại trình độ và phân loại mục đích) do đó có thể dễ dàng đưa ra cách dạy cho những học viên này, nhưng ở môi trường khác (số đông) thì ngay cả bản thân học viên còn không rõ mình ngồi đây để làm gì, có lẽ là "không biết đi đâu thì ngồi ở đây". Họ học để qua môn, để điểm cao. Hết. Thầy dạy thế nào điểm em cao thì dạy, còn em cũng không quan tâm cách dạy của thầy.
Việc dạy và học là mối quan hệ cung-cầu. Học viên có cần học thì thầy mới dạy hay, còn học sinh không cần thì chẳng người thầy nào đủ tâm huyết và kiên nhẫn dạy cho người không cần. Có chăng thì đó là mối quan hệ trao đổi: bạn cần điểm, tôi cần tiền. Tôi sẽ dạy bạn cách kiếm điểm cao còn bạn trả tôi tiền. Tuyệt nhiên không quan trọng dạy cái gì, dạy như thế nào, học xong để làm gì... mối quan hệ chỉ dừng ở đây. Nên tôi cũng không biết xếp nó vào việc dạy-học không nữa.
Kết luận
Không chỉ ở tiếng anh, mà ở môn học khác tôi cũng gặp tình trạng tương tự. Tôi đã học vẽ, học võ, học tin học, học lập trình, học kế toán, học nhân sự, học yêu, học làm badboy... thì cũng đều xuất hiện những vấn đề trên. Khi người học không có mục đích thì họ không thực sự học. Họ chỉ đối phó mà thôi.
Bạn cũng chỉ giỏi khi bạn tự ý thức được là bạn cần học, bạn phải học và bạn cần phải khổ luyện. Chẳng cái gì mà có thể giỏi nếu không luyện, ngay cả việc đi, đứng, ăn, uống... bạn cũng từng khổ luyện rất nhiều (những năm lên 2, lên 3) mới thành thạo được, và dành cả đời để tiếp tục luyện những thứ tưởng chừng đã giỏi lắm rồi. Vậy thì chẳng có lý do gì những môn khác lại không. Nên việc chỉ dựa vào người dạy mà để giỏi là phi lý và bất khả thi.
Mỗi người thầy lại có 1 triết lý dạy riêng, một số phương pháp riêng dựa trên kinh nghiệm của cá nhân họ. Nếu thấy phù hợp thì bạn học, không hợp thì tìm thầy khác. Nhưng để tìm được thầy hợp, có lẽ bạn cần hiểu rõ mình phù hợp với cách dạy nào. Hiểu bản thân và có thể chia sẻ nó ra với người sắp dạy mình, đó là điều quan trọng để người thầy có phương pháp phù hợp cho bạn. Đừng im lặng, bởi nếu bạn không nói thì bố thầy cũng không biết để mà dạy. Lúc đó đừng kêu thầy dạy không hay.
Khi tâm có phật thì nghe tiếng gõ mõ thấy hay, còn không thì nghe chỉ thấy nhức đầu.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất