Bạn là kiểu quản trò nào trên Dẫn Truyện?
Mỗi quản trò lại có một phong cách dẫn dắt game khác nhau, giống như mỗi người chơi lại có một cách chơi khác nhau vậy. Đây là một...
Mỗi quản trò lại có một phong cách dẫn dắt game khác nhau, giống như mỗi người chơi lại có một cách chơi khác nhau vậy. Đây là một điều quan trọng chúng ta cần hiểu khi chơi Dẫn Truyện. Phong cách dẫn dắt câu chuyện khác nhau sẽ giúp bạn chạy được các loại game khác nhau. Và dưới đây là một số mẫu quản trò điển hình mà chúng mình thường gặp trên Dẫn Truyện. Chúng ta hãy cùng thử điểm qua và xem xem mình thuộc phong cách nào nhé!
RPG Game Master
Đây là phong cách quản trò giống như trong một game RPG tabletop truyền thống. Phong cách này có xu hướng kiểm soát NPC rất chặt chẽ, mong muốn người chơi sẽ chỉ điều khiển nhân vật của mình, và quản trò sẽ kiểm soát toàn bộ thế giới còn lại.
Quản trò phong cách này sẽ rất giỏi trong việc đặt ra những thử thách thực sự có rủi ro cao và có khả năng thay đổi diễn biến câu chuyện một cách mạnh mẽ. Và người quản trò này cũng rất giỏi trong việc đóng vai đủ các loại NPC với tính cách khác nhau.
Phong cách quản trò chặt chẽ này cũng sẽ giúp hạn chế tối đa những vấn đề về mâu thuẫn tính cách của NPC khi có nhiều người chơi cùng điều khiển NPC đó, đơn giản vì chỉ có quản trò mới được phép điều khiển NPC.
Tuy vậy, vì người quản trò này đã quen với cách hoạt động của GM trong các loại game RPG, nên có khả năng họ sẽ quên mất rằng khái niệm thử thách trên Dẫn Truyện không mang tính thử thách sức mạnh hay khả năng của các nhân vật, mà nó sẽ hầu như chỉ phục vụ việc tạo ra tình huống để những người chơi viết và đưa đẩy tình tiết sao cho câu chuyện được thú vị. Và sự khác biệt lớn ở đây là nếu như với các game RPG thì kết quả Yếu thường là một hình thức trừng phạt nào đó cho thất bại của các nhân vật, thì thay vào đó, kết quả Yếu trên Dẫn Truyện cũng chỉ là một cách để câu chuyện được tiếp diễn giống như các kết quả khác mà thôi.
Phong cách quản trò này cũng sẽ khiến cho các phân cảnh bị rải rác ra thành nhiều những bài post nhỏ, ngắn, hầu hết chỉ bao gồm những hành động và câu thoại đơn giản, qua đó khiến cho phân cảnh tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thành. Ví dụ, nhân vật chỉ được nói một câu, và sau đó lại phải đợi quản trò vào viết câu trả lời của NPC, rồi nhân vật đó mới được phản hồi lại. Như vậy khá là mất thời gian.
Theo ý kiến cá nhân của đội ngũ Dẫn Truyện chúng mình thì phong cách quản trò này chỉ phù hợp với những game tabletop chơi trực tiếp, tương tác mặt đối mặt giữa những người tham gia ở ngoài đời, chứ không quá phù hợp với mô hình chơi bằng cách viết qua mạng của Dẫn Truyện. Bởi vì nó sẽ khá là tốn thời gian và công sức của quản trò cũng như của người chơi. Nhưng tất nhiên, nếu như có đủ điều kiện và năng lực thì những phòng chơi với quản trò theo phong cách này thì trải nghiệm sẽ vô cùng tuyệt vời và thú vị.
Đạo diễn
Đạo diễn là một quản trò với một tầm nhìn khá rõ ràng cho game của mình. Họ có xu hướng phác thảo trước ra tổng thể những sự kiện hay các phân cảnh game. Họ biết câu chuyện sẽ đi đến đâu và sẽ trải qua những gì.
Quản trò Đạo diễn giỏi thường thì vẫn cho phép một số khác biệt nhỏ. Họ có thể lên trước các kế hoạch hay thậm chí là viết trước cả các tình huống mà người chơi có thể rẽ nhánh trong câu chuyện và cho phép những người chơi đưa đẩy câu chuyện theo các hướng khác nhau đã được định sẵn.
Trong khi đó thì người quản trò Đạo diễn khó tình thì thường sẽ chỉ có một câu chuyện cố định và không cho phép người chơi đưa ra những quyết định hệ trọng nào làm thay đổi tới mạch truyện.
Người quản trò này rất giỏi viết và rất giỏi vẽ ra được một câu chuyện rõ ràng, nhất quán, có kế hoạch kỹ lưỡng, có rất ít những lỗ hổng trong mạch truyện, và nhìn chung có giá trị đọc lại rất cao. Điều này là bởi họ luôn có một tầm nhìn rõ ràng cho câu chuyện và dành nhiều thời gian để chuẩn bị nó. Chính vì vậy mà các phòng chơi của họ thường được tiếp diễn rất nhanh và không gặp quá nhiều khó khăn.
Người quản trò này cũng có thể trả lời được mọi câu hỏi dành cho NPC của mình rất nhanh chóng.
Rủi ro của phong cách này là quản trò phải hết sức cẩn thận, tránh cho việc người chơi cảm thấy những quyết định của họ hầu như không có ý nghĩa với mạch truyện.
Đối với việc kiểm soát NPC thì người quản trò này thường dễ tính hơn phong cách RPG Game Master và cho phép người chơi điều khiển NPC của mình ở mức độ rất vừa phải.
Trong trường hợp người chơi cần sự giúp đỡ về cách xử lý nhân vật, hoặc có thể họ quên mất một chi tiết nào đó trước đó trong câu chuyện, thì người quản trò này cũng sẽ rất dễ dàng giúp đỡ được người chơi đó.
Hướng dẫn viên
Hướng dẫn là một người Đạo diễn với ít kế hoạch hơn. Họ bắt đầu một game với một bối cảnh cụ thể và một điểm đến rõ ràng cho câu chuyện, nhưng lại không có nhu cầu hay ý định kiểm soát những tình tiết cụ thể bên trong. Họ có thể đưa ra lời kể và những thử thách cho các nhân vật, nhưng họ sẽ không vạch ra trước lộ trình cho câu chuyện đó. Thay vào đó, mỗi khi thử thách được hoàn thành hay câu chuyện đã chạm đến một cột mốc nào đó thì họ sẽ tuỳ cơ ứng biến để câu chuyện đi tiếp dựa trên ý của người chơi. Về cơ bản thì họ chỉ có ý tưởng cho câu chuyện, và họ muốn người chơi của mình tương tác với ý tưởng đó.
Phong cách quản trò này sẽ gần giống với phong cách Đạo diễn, và mạch truyện thường vẫn sẽ có một ý nghĩa chung nào đó, nhưng quản trò theo phong cách Hướng dẫn viên sẽ luôn luôn cho phép người chơi được tự do định đoạt mạch truyện. Quản trò sẽ chỉ đưa ra những khả năng có thể xảy ra và cho người chơi toàn quyền quyết định.
Người quản trò này có thể sẽ khiến cho câu chuyện diễn tiến chậm chạp hơn vì họ không lên quá nhiều kế hoạch và sẽ cần thời gian để xác định được hướng đi phù hợp.
Một rủi ro lớn là với phong cách quản trò này, câu chuyện rất dễ bị mất đi một định hướng hay một mục tiêu chung cố định, vì chúng thường xuyên phải thay đổi theo kiểu “chín người mười ý” của người chơi.
Người chơi dễ dẫn đến bị choáng ngợp và không biết nên cho nhân vật hành động như thế nào, và qua đó có thể sẽ mất hứng với game.
Biên tập viên
Quản trò kiểu Biên tập viên là người muốn câu chuyện hoàn toàn được vẽ nên bởi người chơi. Điều duy nhất mà họ cung cấp là một bối cảnh thế giới cho game. Và vai trò chính của họ trong game sẽ là để đảm bảo rằng những gì mà người chơi viết ra được thống nhất với bối cảnh thế giới mà họ đặt ra. Về cơ bản thì họ chỉ có một bối cảnh, và họ muốn xem xem người chơi sẽ phát triển bối cảnh đó của họ như thế nào.
Các game có quản trò theo phong cách Biên tập viên này thường có diễn biến rất tự do, và quản trò ít khi can thiệp. Quản trò thường chỉ can thiệp để đảm bảo rằng các chi tiết trong nội dung người chơi viết ra được thống nhất với bối cảnh hoặc thống nhất giữa những bài viết của những người chơi khác nhau.
Các game này thường giống với kiểu chơi roleplaying (nhập vai) hơn là giống một câu chuyện có mạch truyền từ đầu đến cuối.
Các game này thường sẽ không có mạch truyện cụ thể nên rất dễ khiến cho người mới tham gia hay những người đọc cảm thấy khó hiểu, không nắm rõ được chuyện gì đang xảy ra trong câu chuyện.
Những nhân vật của các người chơi trong các game này thường có xu hướng không tương tác với nhau quá nhiều và hầu như chỉ quan tâm đến suy nghĩ và hành động của bản thân mình. Yếu tố tương tác nhìn chung sẽ thấp hơn.
Người phục vụ
Phong cách quản trò kiểu Người phục vụ thì cũng giống như phong cách Biên tập viên, nhưng không có chỉnh sửa gì cả. Họ sẽ chỉ thiết lập một sân chơi và để bọn trẻ chơi loanh quanh trong đó. Về cơ bản thì họ sẽ chỉ cung cấp cho game một chủ đề hay một tình huống nào đó và cho phép mọi người thích viết thế nào cũng được.
Những phòng chơi có quản trò theo phong cách này thường có số lượng người tham gia rất lớn, nhưng tỷ lệ tương tác giữa các nhân vật với nhau là rất thấp, hầu như là không có.
Nội dung các game này hầu như không có mạch truyện. Các bài viết của người chơi đăng lên hầu như chỉ giống như một bài viết tản văn hoặc một bài viết writing prompt.
Các hành động của nhân vật tại đây (nếu có) hầu như không mang tính kết nối và đồng nhất.
Các game kiểu này khi chơi thì sẽ rất vui và vô cùng thoải mái. Nhưng đổi lại thì sẽ hầu như không có giá trị gì khi đọc lại.
Kết luận
Vậy thì… phong cách nào là phong cách đúng nhất khi chơi Dẫn Truyện?
Trên thực tế thì phong cách nào cũng có thể chơi được với Dẫn Truyện cả. Mỗi phong cách nêu trên đều có thế mạnh riêng, cũng như những điểm yếu hay rủi ro mà bản thân quản trò cũng như những người chơi cần lưu ý để hạn chế tối đa.
Phong cách dẫn của quản trò liệu có phù hợp hay không còn phụ thuộc vào thế mạnh hay là thói quen của quản trò, và sâu xa hơn nữa là sẽ phụ thuộc vào chính bản thân phong cách chơi của những người chơi. Có người chơi thì thích chơi trong những game có bối cảnh và cốt truyện chặt chẽ. Nhưng cũng có những người chỉ có nhu cầu được viết, được hòa mình vào một khung cảnh tưởng tượng, được “xả” ra những gì mà mình đang nghĩ.
Nếu bạn là một người quản trò, hãy dành thời gian để suy ngẫm về phong cách dẫn dắt của mình nhé. Bạn có thể không phù hợp với phong cách này, nhưng rất có thể bạn sẽ lại quen thuộc hơn với một phong cách khác. Hãy suy nghĩ xem phong cách phù hợp với mình là gì, và nếu cần thiết thì bạn hoàn toàn có thể thử qua một hay một vài phòng chơi miễn phí trên Dẫn Truyện để biết mình dẫn dắt như thế nào và phù hợp với phong cách nào. Và dù thế nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là việc bạn phải nói rõ với người chơi của mình rằng phong cách dẫn dắt game của bạn sẽ là như thế nào để họ nắm được nhé.
Hãy tự đặt ra những câu hỏi cho mình. Bạn thích một câu chuyện kể có mạch truyện, có mở đầu kết thúc, có cấu trúc tổng thể và chặt chẽ, hay là bạn thích những sự tự do không gò ép, cho phép những người chơi trong game của mình được thực sự sáng tạo và đưa ra những quyết định quan trọng? Câu trả lời nằm ở bạn. Và nếu bạn tìm ra được câu trả lời thỏa đáng cho mình, thì trước tiên chính bạn sẽ là người được tận hưởng niềm vui từ trải nghiệm chơi Dẫn Truyện trước đó!
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất