Bài có tham khảo bài viết của nhóm Monster Box về chủ đề : KHỦNG HOẢNG TUỔI XYZ: TÔI LÀ AI, VÀ ĐÂY LÀ ĐÂU? Link bài: https://www.facebook.com/teammonsterbox/posts/2674466306167452

1.     Thế nào là khủng hoảng hiện sinh?

Không dưới một lần trong đời, ta tự vấn mình với những “vấn đề triết học” đại loại như “mình sống để làm gì?”, “ta là ai trong thế giới này?” hoặc đơn giản là suy nghĩ không biết tương lai mình sẽ đi về đâu. Tệ hơn nữa, ta còn phải đối mặt với những thứ khó chịu đi kèm như nỗi bất an, lo âu và hoảng loạn; sự cạn kiệt năng lượng và động lực; cảm giác cô đơn và tách biệt; hay là cả những suy nghĩ tiêu cực đến mức đáng sợ. Tình trạng mất cân bằng tâm lý mà nhiều người đã, đang và sẽ gặp phải này được gọi là “khủng hoảng hiện sinh”.
Khủng hoảng không chỉ dẫn đến những tác động nghiêm trọng về tâm lý và cảm xúc, chúng còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả sinh lý, thể chất và hành vi. Ví dụ, người gặp khủng hoảng có thể kèm theo biểu hiện thay đổi đáng kể giờ giấc, thói quen sinh hoạt; tâm trạng không ổn định; hiệu suất công việc và học tập suy giảm; hoặc thậm chí là bỏ bê bản thân.

2.    Quan điểm của mình về vấn đề khủng hoảng hiện sinh.

Khủng hoảng hiện sinh là kết quả của sự bất mãn trong chính chúng ta về bản thân mình. Vậy tại sao chúng ta lại luôn không hài lòng và tự ti với bản thân?
Mình nhận thấy có những nguyên nhân cụ thể cho việc này: nó đến từ các sai lầm trong cách tiếp nhận thông tin và định kiến của chúng ta, có một vài vấn đề cần xem xét ở đây:
-        Thứ nhất, Internet tạo điều kiện để chúng ta tiếp cận thông tin quá dễ dàng; đồng thời cũng gây hoang mang bởi rừng thông tin nhiễu loạn, bởi quá nhiều những khả năng, con đường và sự lựa chọn. Hàng ngày, chúng ta lên mạng, lên Facebook, lên Ins, lại thấy nhan nhản hình ảnh những thông tin giật tít móc mắt như :”20 tuổi làm kinh tế có hàng tỉ đồng trong tay, 18 tuổi, em đã tìm được đam mê của cuộc đời mình, một nữ sinh nào đó phát ngôn: “20 tuổi mà còn bám váy mẹ thì vứt”…” Đọc mỏi mắt quá, chuyển qua đi xem Ins một lúc thì toàn là hình ảnh các bạn trẻ đẹp, chụp hình tạo dáng bên siêu xe, nhà cửa, hoặc chụp tấm bằng đại học, quay video kể về tiến trình đi học ở trời Tây, hoặc câu chuyện nam sinh vượt khó … Cả một biển thông tin như thế làm bạn cho rằng cuộc sống này sao lắm người tài giỏi như thế,hoặc có cuộc sống đáng mơ ước như vậy. Dù biết bản thân cũng chỉ là một hạt cát giữa sa mạc bao la, nhưng so với những người kia, bạn tự thấy mình chẳng bằng một góc của họ. “Mình chẳng có gì cả, không có câu chuyện vượt khó, không có tiền, không có nhà, không được đẹp… BẰNG HỌ, hóa ra đời mình nó như vậy”. Công thức kinh điển ở đây là chúng ta luôn so sánh mình với họ, nên nếu mình không làm được như thế thì từ đây mặc cảm bắt đầu xuất hiện. Bạn vừa mắc phải một loạt các ngộ nhận,các thiên kiến và các lỗi tư duy tệ hại đấy.
Trước hết, bạn so sánh mình với người khác cũng được thôi, nhưng làm ơn, hãy SO SÁNH một cách công tâm. Bạn có biết bạn chỉ vừa tiếp xúc với mỗi tầng lớp những người tạm gọi là “tinh hoa” thôi hay không? Tự hỏi thế còn những người thất bại, hoặc những người bình thường, ít nhất là là những người cũng xem video và cảm thấy như bạn, đang ở đâu không? Câu trả lời là tất cả những người này vẫn sống trên Trái Đất đấy, và con số này lớn kinh khủng, nhưng chỉ là bạn chưa bao giờ để ý đến mà thôi. Họ, là bạn và là tôi, những con người thậm lặng, không được lịch sử nhắc đến, cũng không có một video, hình ảnh nào ghi lại cuộc đời. Và thế là bạn dễ dàng bỏ qua những con người này, như cái cách bạn bỏ qua hàng nghìn cá nhân thầm lặng đang nỗ lực và chỉ chú ý đến nhà vô địch của một cuộc thi chạy marathon. Điều này làm bạn lầm tưởng rằng, thế giới này hóa ra chỉ toàn là những người thành công, những người luôn tìm thấy đam mê và định hướng cho mình. Đây là vấn đề ngộ nhận đầu tiên,việc xem xét một tập hợp nhất định nhưng do thiếu vắng “bằng chứng thầm lặng[1], nên kết luận của bạn trở nên phiến diện. Bạn không nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh khi chỉ tập trung vào một góc của bức tranh đó. Bạn cứ nghĩ mình là trường hợp duy nhất trên thế giới này có một cuộc sống bình thường trong khi ngoài kia, ai cũng có một cuộc đời đáng mơ ước, nhưng hóa ra, cuộc sống luôn luôn có hai mặt và bạn mới chỉ đang nhìn vào viễn cảnh hồng tươi của nó mà thôi.
Tiếp theo, cũng khá quan trọng là vấn đề thiên kiến xác nhận và sự neo đậu, hay cái cách làm cho bạn trở nên “bảo thủ”, chỉ tập trung vào quan điểm của mình và rất khó có thể thay đổi được nó. Nó bao gồm hai ý, thứ nhất, đó là thiên kiến xác nhận, việc chỉ tìm các bằng chứng chứng thực cho những luận điểm của bạn, mà bỏ qua các thông tin ở chiều ngược lại. Thứ hai đó chính là sự neo đậu, ấn tượng đầu tiên của bạn về một thứ gì đó, có thể khó thay đổi hơn bạn tưởng đấy. Đây là một chủ đề tương đối rộng lớn, nhưng để tóm gọn lại, nó sẽ giống với ví dụ khi bạn đang đắm chìm trong một mối quan hệ tình cảm cháy bỏng với người mình yêu, bạn sẵn sàng bỏ qua hết những sai lầm (có thể rất lớn) và biểu hiện cho thấy anh ta không còn yêu bạn và đang cặp bồ với người khác. Đến khi sự việc đã vỡ lẽ, bạn tỉnh cơn mê, và nhìn lại những điều anh ta đã làm, bạn bắt đầu oán trách bản thân sao thật ngu ngốc không nhận ra những chi tiết to đùng này cơ chứ, ngu ơi là ngu.
 Bên cạnh đó, các thuật toán của Facebook,Google thường gợi ý cho bạn những thông tin liên quan đến thứ bạn tìm kiếm cũng góp phần hạn chế thông tin của bạn lại, làm bạn chỉ luôn trong một “môi trường” toàn những yếu tố củng cố cho quan điểm với mình, mà không còn để ý gì những thứ khác.Trong cùng một thông tin được tìm kiếm liên quan đến lợi ích của việc ăn chay trên Facebook chẳng hạn, người thích ăn thịt sẽ tìm thấy những bài viết bác bỏ quan điểm này, còn người ăn chay thì lại thấy những bài viết củng cố cho quan điểm của mình. Nhìn nhận rằng mọi thứ luôn có tính hai mặt là một điều cần thiết để bạn không trở nên quá phiến diện và tiêu cực đấy.
-        Thứ hai, sự đề cao quá mức những khái niệm như đam mê, khởi nghiệp, sự theo đuổi các thành tựu cá nhân và khả năng làm giàu. Một xã hội quá đề cao những điều này thì tự nhiên sẽ tạo ra áp đặt lên những cá nhân phải tuân theo nó, nếu không sẽ bị coi là lệch chuẩn, là dị biệt (giống như cách bố mẹ luôn đặt kỳ vọng của con cái phải trở thành bác sĩ, luật sư). Dư luận xã hội rất giỏi trong việc biến mọi người trở thành những cỗ máy giống nhau, xóa bỏ sự tồn tại của khác biệt. Bạn cần tỉnh táo nhìn nhận ra đâu là những thứ mình thực sự muốn và đâu là những thứ xã hội đang gắn mác cho mình, nếu không thì sẽ rất dễ bị hướng theo đám đông mà tự xóa đi căn tính của bản thân. Và một khi đã mất đi thứ tạo nên con người bạn, thì cuộc đời của bạn đâu còn gì ý nghĩa nữa. Giống như Albert Einstein đã nói: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, thì nó sẽ sống cả đời với suy nghĩ rằng mình thật ngu ngốc”. Chúng ta đều có thế mạnh và điểm yếu riêng của mình, việc quá kỳ vọng vào những điều mình không có thì chỉ làm bản thân thêm kiệt sức và chán nản mà thôi.
Ở chiều ngược lại,tuy rằng việc quá hạn chế cũng không tốt, nhưng việc quá mở rộng cũng có những vấn đề đối với cá nhân mỗi chúng ta. Chủ nghĩa hiện sinh vốn đề cao sự tự do lựa chọn trong cuộc đời mỗi người và chính sự tự do lựa chọn đó cũng tạo nên gánh nặng về trách nhiệm. Nó gây ra cảm giác lo sợ về việc bản thân chúng ta đã, đang và sẽ đưa ra quyết định sai lầm, từ đó dẫn tới khủng hoảng. Đơn giản hơn, việc nghĩ xem hôm nay ăn gì cũng đã tạo ra những áp lực cho bạn rồi phải không, nói gì đến những quyết định lớn trong đời mình.

Hiểu được những điều này, nhưng tại sao bạn vẫn không thoát khỏi cơn khủng hoảng của mình?

Bạn có thể đã biết rất rõ những điều đã nói ở trên, bạn biết rằng cuộc đời của mình là do mình lựa chọn, chẳng ai có thể quyết định thay mình cả. Nhưng nếu nửa đêm bạn vẫn vắt tay lên trán tự hỏi bản thân về ý nghĩa cuộc sống này,và chưa có câu trả lời thì bạn nên đọc tiếp về những điều mình sẽ nói sau đây.
Thể chế xã hội, định kiến xã hội là những thứ vô hình, không thể nào nhìn thấy được, nhưng bạn có thể tạm thời mường tượng ra nó thông qua số lượng những con người trong xã hội đó. Rất nhiều phải không nào. Các vấn đề xã hội, giống như vấn đề khủng hoảng hiện sinh, nếu đánh giá được nguồn gốc của nó, thường sẽ chỉ có hai cách để thay đổi. Hoặc là thay đổi vấn đề đó (tức là cả xã hội đó), hoặc là tự mỗi cá nhân tìm giải pháp thích nghi với hoàn cảnh mới. Vế thứ nhất, đó là một điều quá vô lý và bất khả thi khi thay đổi cả một xã hội sao cho phù hợp với con người của bạn. Vậy chỉ còn cách tự thay đổi bản thân mình thôi. Tuy nhiên, đây cũng vẫn là cả một bài toán khó nếu xét đến những vấn đề của bản thân mình. Những lúc như này, mấy lời khuyên kiểu: “Không ai có thể tự giúp bạn ngoài chính bạn đâu”. “Nếu bạn buồn vì không có đam mê, vậy hãy đi kiếm nó đi”… Nghe có vẻ rất vô nghĩa nhưng đó lại là những lời khuyên đúng đắn, nó chỉ đúng ra cái mấu chốt của vấn đề, chỉ là nó không chỉ bạn cách nào để đạt được điếu đó thôi. Mấu chốt chính là việc làm thế nào để kiếm được đam mê cho mình, hay không trở nên khủng hoảng nữa. Câu hỏi này mình cũng không có câu trả lời, và kể cả mình có đi chăng nữa thì nó cũng là vô nghĩa bởi nó chưa chắc đã đúng với mọi người. Nên mình sẽ chỉ dừng lại ở việc nêu lên cảm nhận đồng thời cũng thay lời kết:
Có lẽ, vấn đề của khủng hoảng hiện sinh, cũng như bao vấn đề từ trước đến nay mà con người gặp phải. Đó là luôn nhằm mục đích thúc đẩy chúng ta ta phải thay đổi, tiến về phía trước.
Thời đại nào cũng sẽ có những vấn đề của riêng nó, nên việc học cách thích nghi với nó gần như chiếm chọn thời gian của loài người chúng ta trên Trái Đất này. Thay đổi để có thể tồn tại, thay đổi để tiến lên,mọi thứ cảm giác thật là đều có lý nếu nghĩ theo hướng này. Nhưng tôi không tin lúc nào đây cũng là điều tốt, nhìn lại lịch sử phát triển của loài người, bạn có bao giờ tự hỏi tại sao Bom hạt nhân lại ở đó không? Chẳng phải cũng là vì sự tiến bộ của chúng ta đó sao. Nhưng thôi, đây chỉ là những vấn đề nói ra để mang tính chất khua chiêng, gõ trống tạo sự to tát của bài viết, những vấn đề lớn của thế giới (hay rộng hơn là của vũ trụ) chúng ta chỉ nên biết để hiểu (và biết đâu, có thể thay đổi nó thì càng tốt). Tôi sẽ lấy một ví dụ khác,chắc bạn cũng biết về những thanh niên Nhật bản tự tử tập thể, hay tôi có xem bộ phim "All the bright places" . Tôi đọc tác phẩm “Rừng Na-uy”, và ở đó, tôi thấy thương cảm cho những nhân vật trong truyện. Suy cho cùng, khủng hoảng hiện sinh chỉ là một phần nhỏ của bài toán lớn mà xã hội đặt ra cho chúng ta mang tên : “thay đổi hay là chết”. Vậy nếu bản thân bài toán đó có vấn đề, hay đơn giản hơn là những giá trị của xã hội đó không đáng để chúng ta đi theo, vậy ta sẽ phải làm gì đây?
Bạn đang tự hỏi đây lại là một câu hỏi mang tầm vóc vĩ mô giống như ở trên không? Tôi xin trả lời này câu hỏi này vừa có và cũng vừa không. Có là vì bạn có thể chưa giải quyết được khủng hoảng của mình đâu. Còn không là dành cho những bạn biết thì cũng biết rồi, bởi đây chỉ là một câu hỏi bạn phải giải quyết trong vấn đề khủng hoảng của riêng mình đấy.
P/s: bài hát Giấc mơ trưa của Chị Cả kết hợp với Pháo và Thùy Chi đấy. Bài hát truyền cảm hứng ghê gớm cho tôi trong việc viết ra bài này, bạn nên nghe nó vì nó phần nào truyền tải chủ đề trong bài viết của mình =))
[1] Tôi lấy từ cuốn sách Thiên Nga Đen của Nassim Nicolas Taleb