Vâng mình làm trong nghề truyền thông đâu đó cũng đã được gần 4 năm, mình hiểu rõ mặt trái và phải của tất cả những vấn đề hay những thứ mà truyền thông tạo ra và theo đó mình cũng nhận ra rằng nạn nhân của truyền thông 1/2 chính là những người không biết/hiểu mình là ai?

Truyền thông 1/2 là gì?

Truyền thông 1/2 là cách gọi riêng của mình, hiểu đơn giản là việc truyền thông 1 nửa hay 1 mặt của sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp muốn khách hàng mục tiêu của họ nhìn thấy. Đứng trên góc cạnh doanh nghiệp thì điều này chẳng có gì là sai vì ai cũng muốn bán hàng, tăng doanh thu và những gì họ tạo ra đơn giản chỉ để đáp ứng nhu cầu của con người. 
Tuy nhiên điều này lại phát sinh ra 1 vấn đề đó là người tiêu thụ KHÔNG PHÂN BIỆT được cái gọi là NHU CẦU và cái gọi là CHẠY THEO SỐ ĐÔNG.

Thành công và lỗ hổng của truyền thông.

Ở đây mình lấy một ví dụ điển hình cho việc truyền thông 1/2 ngày nay.  Lưu ý: Ví dụ mình đưa ra không có ý chỉ trích hay lên án bất kỳ dịch vụ hay lĩnh vực nào.
Câu nói truyền thông "Đẹp nhân tạo hơn xấu tự nhiên" - Lĩnh vực làm đẹp - Ngành phẫu thuật thẩm mỹ.

Xét về góc độ truyền thông doanh nghiệp

Thành công: Lan tỏa và mang đến một dịch vụ giúp cho những người có khiếm khuyết về mặt ngoại hình hay thiếu tự tin về cơ thể có được vẻ đẹp như mong muốn và trở nên tự tin lên. 
Lỗ hổng: Thiếu sự cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra trong và sau khi làm phẫu thuật thẩm mỹ.

Xét về góc độ truyền thông đại chúng

Thành công: 
+ Giúp con người vượt qua được những mặc cảm về việc sở hữu một vẻ đẹp nhân tạo. 
+ Giúp thế giới có một cái nhìn bình thường hóa với những người phẫu thuật thẩm mỹ. 
Lỗ hổng : 
+ Thao túng, chạy theo tuyên ngôn của vẻ đẹp nhân tạo và tôn vinh một cách quá đà mà quên đi cốt lõi của cái đẹp là sự khác biệt của tạo hóa khiến những vẻ đẹp tự nhiên trở nên lu mờ. 
+ Khiến con người ngày càng lờ mờ về việc đẹp là như thế nào, đẹp thực sự có phải đi theo tiêu chuẩn không?

Xét về góc độ người dùng dịch vụ

Lợi ích: 
+ Không còn cảm thấy tự ti hay mặc cảm về việc thẩm mỹ của bản thân. 
+ Có thêm sức mạnh để thay đổi chính mình, sống tích cực và tự tin hơn với một ngoại hình mới.
Lỗ hổng: 
+ Không hiểu rõ bản thân, không đánh giá được vẻ đẹp của chính mình, biến ngoại hình trở thành lý do bản thân tự ti, chạy theo những khái niệm đẹp mà người khác đưa ra, quên đi cốt lõi của cái đẹp là sự khác biệt.
+ Lầm tưởng về những lợi ích mà phẫu thuật thẩm mỹ mang lại. 
+ Tìm kiếm những giải pháp làm đẹp nhanh thay vì nỗ lực với những giải pháp tự nhiên.
+ Không tìm hiểu rõ những rủi ro có thể xảy ra với cơ thể, sức khỏe và tâm lý.

Hiểu mình là ai để không trở thành nạn nhân và khiến truyền thông trở nên toàn diện hơn.

Ngay từ đầu những khái niệm mình đưa ra đều không lên án về vấn đề truyền thông hay bất kỳ một doanh nghiệp nào hết, vì như mình đã nói hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều sẽ truyền thông theo hướng có lợi của doanh nghiệp vì vậy muốn truyền thông trở nên toàn diện hơn, bản thân người tiêu dùng phải hiểu mình là ai? vì các yếu tố truyền thông doanh nghiệp hay đại chúng là những yếu tố khách quan khó có thể thay đổi.
Vì vậy khi con người càng không nhận thức rõ mình là ai thì truyền thông lại dễ dàng thao túng tâm lý người dùng mặc dù cốt lõi của truyền thông chỉ là lan tỏa những gì có ít cho con người và có lợi cho doanh nghiệp.
Ví dụ ở trên đưa ra chỉ để thể hiện rõ tầm quan trọng của sự hiểu biết bản thân trong thế giới mà con người dễ dàng chạy theo số đông. Để không trở thành nạn nhân của bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào, bạn hãy luôn hiểu mình cần gì và biết mình là ai?
Bài viết dựa trên quan điểm và góc nhìn cá nhân của Hí.