Những vết sẹo kia, chạm tới có còn đau nhói không?
Cũng phải vết thương nào chảy máu mới đau, chúng ta càng cô đơn vết thương kia càng lâu lành, hoặc dùng thời gian gượng ép cho nó lành đi, vẫn ở đó, căng tức nhức nhói khi nhắc tới.
Chúng ta trẻ, chúng ta mộng mơ nhiều, chúng ta cho rằng yêu là cháy bỏng yêu là liều mình.
Chúng ta điên cuồng trong tình cảm, và rồi tổn thương cũng ở lại với ta.
Vết thương càng sâu, càng khó lành, vết thương càng sâu , càng khó quên.
Tui có rất nhiều vết sẹo trên người, nào lúc 3 tuổi gãy xích đu, nào lúc 7 tuổi tập chạy xe đạp , nào lúc cấp 2 thi chạy bộ, nào lúc cấp 3 à cấp 3 chẳng có té. Rồi lên đại học, những trận tự té xe máy, mới biết chạy, một tháng đầu tiên, tôi chả dựng xe nổi, cái xe hơn 100kg, tui 48kg đọ với nó, rồi hai đứa cùng nhau ngã. Mà có lẽ những vết thương ấy giờ đây liền sẹo, tui chỉ còn nhớ man mác vài cái có ấn tượng sâu với mình.
Trong tâm trí, tui đã chực khóc khi nhớ đến hình ảnh cha má tui cãi nhau, tui ngồi co ro trong một góc ở căn nhà cũ. Rồi cái hồi tui với cha cãi nhau, có lẽ rất nhiều thứ, nhưng những tổn thương trong lòng chưa từng thôi rớm máu.
Tui đã nghĩ mình quên, lấp đi những  tổn thương ấy bằng hạt giống tích cực, nhưng mà nhìn lại, nó vẫn ở đó, giống như khi ta chôn một mầm cây, kế bên nó vẫn có hạt giống cỏ dại. Ta diệt không sạch cỏ, không để ý tới cỏ, nó sẽ càng ngày phát triển, và rồi chen lấn đi chất dinh dưỡng, đến mức nào đó, nó nhấn chìm cái hạt gần tích cực mà mình đã khó khăn lắm gieo trồng xuống.
Thế đấy.
Cha già của tôi, một người đàn ông đúng chuẩn ông già miền tây, cao lêu khêu, thon dài, chẳng nói nhiều nhặng gì cho cam. À với tui hui, chứ ba với mấy chú mấy bác hợp cạ là cũng như mình nói chuyện với đám bạn mình vậy, chắc tại khoảng cách thế hệ nhỡ?
Cha nhìn tui lớn lên, tui nhìn cha già đi
Cha nhìn tui từ bé con thành thiếu nữ, tui nhìn cha từ  thanh niên biến thành trung niên.
Một ông già, ông già của tui.
Tui với cha, ngày nhỏ hay chuyện trò với nhau, chủ yếu là tui một bên líu ríu nói về chuyện trường, chuyện lớp, chuyện học hành , chuyện yêu đương của lũ bạn...Lúc ấy, cha tui kiên nhẫn nghe lắm, giờ ông chắc vẫn thế, mà tui dường như chẳng còn muốn nói gì với ông.
Tui biết ba tui biết ông ấy vẫn luôn yêu tui, có lẽ ngày lớn, tui càng hiểu gánh nặng trên vai ba.
Bạn có từng cãi nhau với ba mẹ chưa?
Tui đã từng!
Không phải một lần!
Tui có lẽ nghĩ mình chẳng giống ai, tui trước 18 không thích nói nhiều với ba má, sau 18 tuổi, đi học đại học, lại ngày ngày như bà già nhiều chuyện, phải gọi về nhà mới yên tâm được .
Tui biết ba luôn yêu tui, tình yêu của ông chẳng qua lời nói nào cả. Tình yêu của ông thể hiện qua bữa cơm canh chua nóng hổi lúc một giờ chiều khi tôi về nhà, tui biết ba chờ tui về ăn, dù rằng tui đã gọi về bảo ông cứ ăn trước, có khi tui sẽ về trễ. Là những ngày ôn đại học, nằm trên giường ngủ quên mất, rồi mơ mơ màng được cha ôm cẩn thận nhém vô mềm ấm ấm, tấn mùng lại cho khỏi muỗi. Là cái lần gần nhất về ngủ tới chín giờ, chú út đòi vô gọi dậy, ba chẳng cho. Tình cảm của ba tui, chính là như thế, nó không đao to búa lớn, đó là tất cả những gì ông có, ông cho tui tất cả sự cưng chiều và dịu dàng của ông,.
Còn tui? Tui chẳng hiểu ông là mấy, ông thích uống khi cuộc đời bế tắc. Mà ông hay quá chén, lúc quá chén ông chẳng còn là ông, chỉ còn con người vẫn vùng cùng trong giận dữ và đau khổ. Trước đây tui chỉ thấy mỗi giận dữ trong mắt ông, tui chẳng biết ông đang tuyệt vọng, ông bất lực trước những thứ đang diễn ra, ông cũng như tui, cô đơn và đau khổ đến tột cùng. Chẳng ai hiểu cho ông, ông đổ lỗi và rồi ông tự trách, rồi ông lại uống. Mâu thẫn thế đấy.
Tôi thật sự cảm ơn những năm tháng học điều dưỡng của mình, những năm tháng mệt mài đi bệnh viện, gặp biết bao người, nghe bao nhiêu hoàn cảnh, nhìn thấy bao nhiêu nỗi đau đớn, xác thịt thì nhiều thật đấy, mà dường như nỗi đau trong tâm khảm cũng chẳng ít hơn là bao.
Tôi chấp nhận ba tôi trong tui, tôi biết, một phần của tôi là ông, cô độc và khó hiểu.
Tôi hiểu ông đang trải qua giai đoạn khủng hoảng, ông đang bất lực, chẳng có việc gì khiến ông cảm thấy mình vui hơn, ngoài rượu bia.
Tui với ba tui, cãi nhau 10 lần thì có 9 lần liên quan đến rượu. Lần này thì không rồi, tui đã làm một việc khiến ông cực kì thất vọng. Có lẽ ông đang tự hỏi tại sao tui lại làm thế? Rồi chìm mình trong thuốc lá, rượu và những cơn mất ngủ. Tôi biết, ông vì quá yêu, nên càng sợ hãi tui đi sai đường.
Nhưng mà, tôi lại là tôi, một bản thể độc lập. Tôi đã quen sống với việc tự mình ra quyết định, chịu trách nhiệm , có sai thì sửa, có ngã thì lại đứng lên. Có lẽ, ba quên mất rằng, ba cũng chẳng hiểu tui, như tui chẳng hiểu ba vậy. Chúng ta là gia đình, nhưng lại không hiểu nhau, thật buồn.
Cha già của con, dù làm bất kì việc gì, con gái của ba cũng đã chấp nhận rủi ro cho nó rồi. Nếu có ngã, con gái vẫn có thể đứng lên ngay được, không phải vì con mạnh mẽ đâu, mà vì cha đã dạy ngày xửa ngày xưa “ mặt đất dơ lắm, không được ngồi lâu”.
Chẳng phải con đã lớn gì, con chỉ là có những dự định cho riêng mình. Những thứ ấy, có lẽ nói ra, lại càng là thứ vớ vẫn trong mắt cha. Chẳng sao cả, con hiểu việc mình làm là được. Cha chỉ cần thật mạnh giỏi, ở lại chửi con mỗi ngày cũng hay mà.
Có rất nhiều vết thương tưởng chừng kết vảy, lành lặn, mà phía dưới nó vẫn là hàng ngàn tế bào như con ong chăm chỉ xây tổ, lỡ tay chạm vào, là vỡ nát.
Có những lời nói, những câu từ trong cơn nóng giận, dằn một nhát xuống lòng, rồi có dùng hàng trăm thứ, cũng chẳng che lấp được.
Có những điều tưởng như vô tình, lại làm trái tim rỉ máu. Không ồ ạt, chỉ âm ỉ, nó vẫn ở đó, nhắc mình rằng, đã đau như thế.
Miễn là còn sống, tham sân si hỉ nộ ái ố, mình đều phải trải qua mà.
Cho nên, nếu vết thương chưa lành, hãy cho nó chút thời gian. Nếu đã là sẹo, để yên ở đó.
Sẽ chẳng đau khi mình không tự chạm vào, hoặc cho phép người khác chạm vào.
Muôn kiếp nhân sinh, vui vẻ cũng là một đời, đau khổ cũng là một đời.
Bạn có vết thương nào hay không?
#camcamhoanghoang.