Hôm nọ, mình có share bài viết của Thái Hạo phản biện một giáo viên nào đó, trong đó mình có đặt ra câu hỏi “chúng ta có buộc phải chăm sóc bố mẹ không”. Bài viết này của mình làm mở rộng ý kiến này, kể cả khi bố mẹ chăm sóc ta rất tốt. Bài viết chắc chắn sẽ đụng chạm đến cảm xúc, nên trước khi tranh luận hi vọng các bạn hãy làm nguội cái đầu.
Truyền thống của người Việt là người trẻ trong gia đình sẽ chăm sóc cha mẹ của mình khi về già, vì ta nợ bố mẹ mình rất nhiều. Việc chọn đẻ con và nuôi dạy là một trách nhiệm rất lớn, họ hoàn toàn có thể nuôi dạy ta một cách tệ hại, nhưng họ vẫn cố gắng làm tốt nhất có thể. Và tình cảm gia đình là thiêng liêng, chúng ta có trách nhiệm gìn giữ giá trị này. Dần dần xã hội ngầm định đó là một dạng khế ước, một bản cam kết.
Vấn đề ở đây là một người không thể bị động bước vào một bản cam kết. Một bản cam kết chỉ có hiệu lực khi có sự đồng ý và chấp thuận của cả hai bên và khi cả hai có khả năng tự chủ năng lực và hành vi để đưa ra sự chấp thuận đó. Trong khi đó một đứa trẻ sinh ra trên đời, nó không có khả năng chăm sóc cho chính bản thân mình, hoàn toàn phụ thuộc vào đấng sinh thành, vì thế nghiễm nhiên bố mẹ của nó được đứng ở vị trí có thể ban cho nó những thứ cần thiết. Như vậy tự nhiên đứa trẻ lại phải mắc nợ cha mẹ nó khi nó không có sự lựa chọn nào cả. Mình nghĩ rằng thật không công bằng khi bố mẹ có thể chọn đẻ con nhưng đứa trẻ lại không có quyền được chọn có muốn sinh ra hay không.
Và nếu như tình cảm gia đình là thiêng liêng, vậy sao chúng ta cần phải quy ước “con cái phải chăm sóc bố mẹ khi về già”? Tình cảm gia đình thực sự là tình cảm và thiêng liêng, thì ngay từ đầu chả cần phải cần đến một thứ quy ước nào cả.
Về mặt luật pháp, hiện tại bạn có thể bị phạt lên tới 20 triệu đồng nếu bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi tại điều 53 Nghị định 144/2021. Ngoài ra điều 71 trong bộ luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái trong việc chăm sóc cha mẹ.
Có thể hiểu được tại sao cần luật can thiệp vào chuyện này. Gia đình là tế bào của xã hội, nếu giá trị này suy yếu thì sự đứt gãy thế hệ sẽ xảy ra, xã hội chắc chắn sẽ lung lay. Nhưng như mình đã nêu ra, nếu tình cảm gia đình đủ mạnh thì chả cần đến luật pháp và quy định để bảo vệ giá trị này. Và giả sử trong trường hợp bố mẹ đối xử không tốt với con cái, con cái đến tuổi trưởng thành và quyết định không chăm sóc bố mẹ, sau đó bố mẹ kiện con cái không chăm sóc mình, luật sẽ xử lý thế nào, phạt tiền bố mẹ xong yêu cầu con cái phải chăm sóc ông bố bà mẹ đó? Trong trường hợp bố mẹ đối xử và chăm sóc tốt với con cái, mình không thể nghĩ được là cần đến sự vào cuộc của pháp luật để con cái chăm sóc bố mẹ.
Tình cảm gia đình thực sự sẽ là một tình bạn. Bạn bè thực sự giúp đỡ nhau không cần cân đo đong đếm, tình cảm gia đình cũng nên như vậy. Một bậc phụ huynh thực sự sẽ nuôi dạy con cái mà không đòi hỏi bất kỳ điều gì. Nếu phụ huynh chọn sinh con và nuôi dưỡng nó chỉ đơn giản là muốn có người chăm sóc mình lúc về già thì đó không còn là tình cảm gia đình, đó là bảo hiểm nhân thọ.
Khi về già, bạn muốn con cái mình nói rằng “con chọn chăm sóc bố mẹ” hay “con phải chăm sóc bố mẹ”. Mình nghĩ rằng chúng ta đều muốn cái trước.