Sáng qua tôi dạm ngõ, chính thức mở lời với nhà gái để bàn chuyện lâu dài sau này với người yêu tôi. Tối đó mẹ tôi dạy "Con đừng có kể mấy chuyện của con với người cũ, không người yêu nó lại ghen tuông, hoặc ám ảnh tới tận sau này đấy". Tuy có ý tốt, nhưng lời khuyên của mẹ đã quá muộn khi ngay từ đầu mối quan hệ, tôi đã kể với em người yêu hiện tại mọi chuyện, cả những chuyện về hai mối tình cũ và phần góc tối mà ngay cả mẹ tôi - người gần tôi nhất trong gia đình - cũng gặp khó khăn trong việc chấp nhận. 
Mẹ tôi, cũng như không ít người quen xung quanh tôi, đều coi những sai lầm trong quá khứ là một điều gì đó đáng xấu hổ, và luôn làm mọi cách để tránh đề cập tới hoặc che giấu nó, để rồi luôn sống trong lo sợ rằng một ngày nào đó nó sẽ bị lộ ra. Tôi thì khác. Tất cả những sai lầm trong quá khứ, khi mắc phải tôi đều cảm thấy rất tệ. Nhưng sau này tôi lại thấy may mắn vì đã có những lỗi lầm đó, bởi có chúng thì mới có tôi bây giờ. Sau mỗi lần vấp ngã, sau khi gặm nhấm hết nỗi đau của sự nhục nhã, sự bất lực, tôi lại tự ngồi lại kiểm điểm chi tiết những gì mình đã làm sai để loại bỏ nó và chui ra vỏ bọc, trở thành một con người mới hơn, tốt hơn. Tôi vẫn nói với cô người yêu: " Với mỗi điểm em yêu ở anh đều có công của những người cũ của anh. Anh đã từng mắc nhiều sai lầm với họ, và sửa chữa chúng thành những điểm mà em yêu bây giờ. Nếu em bị ám ảnh với quá khứ của anh, tức là đã từ chối chấp nhận một phần làm nên anh ở hiện tại, và đồng nghĩa tình yêu của em chỉ là nửa vời". (Thật may, cô ấy là người hiện đại, tự tin, và đón nhận những chuyện cũ của tôi với một tâm thế tò mò hơn là đánh giá :D)
Tôi thấy rằng, kĩ năng chấp nhận sự không hoàn hảo của mình là một kỹ năng vô cùng quan trọng, có thể giảm tải cực nhiều stress cho bản thân, đặc biệt trong một xã hội đầy cạnh tranh như ngày nay. 
Image result for self laugh

Khi bạn biết chấp nhận những sai phạm - hay minh chứng của sự không hoàn hảo - của mình, bạn sẽ không còn phải lo nghĩ cách biện minh hay che giấu chúng. Hàng ngày bạn sẽ không còn phải cố diễn một vỏ bọc hoàn hảo không tì vết, ẩn đằng sau là nỗi lo sợ bị 'bóc phốt'. Và khi đó, hệ quả dẫn theo là bạn sẽ tự tin thể hiện bản thân hơn, tới mức nó thay đổi cả dáng đi đứng của bạn.
Khi bạn biết làm bạn với sai lầm của mình, bạn sẽ biết đón nhận những lời nhận xét, góp ý của người khác với một tâm thế khách quan và cầu tiến. Thay vì "Làm gì có chuyện tôi sai được?" thành "Trước kia mình từng sai lầm, biết đâu lần này mình cũng sai? Hãy thử cân nhắc lời nhận xét ấy xem nào".  Bạn sẽ triệt tiêu được sự tự ái không nên có, và tự trao cho mình cơ hội được học hỏi thêm, trở nên hoàn thiện thêm. Bạn sẽ thấy những người xung quanh bạn đầy ắp những bài học đáng quý, ngay cả ở một đứa nhóc 5 tuổi.
Khi bạn có thể thoải mái kể về những sai lầm của mình, việc nói câu xin lỗi cũng trở nên dễ dàng với bạn hơn, bởi bạn biết rằng mắc lỗi không còn là cái gì to tát và đáng xấu hổ. Bạn cũng trở nên bao dung với người khác hơn, vì bạn đã biết bao dung với chính bản thân mình rồi. 
Khi bạn đã hiểu được giá trị vô cùng đẹp đẽ của những sai phạm của mình, bạn sẽ không còn muốn bắt ép mọi người phải làm theo ý mình nữa. Bạn vẫn sẽ muốn đưa ra lời khuyên rút ra từ kinh nghiệm của mình, nhưng vẫn cảm thấy vui vẻ nếu người được khuyên lựa chọn làm khác đi. Bởi bạn biết rằng, kể cả người đó có mắc sai lầm vì không nghe theo ý bạn, thì đó vẫn là một điều may mắn, rằng người đó đã nhận được một món quà quý giá. Và bạn đâu muốn tước đi hết mọi món quà giá trị của người khác, đúng không?
Các chiến binh tự hào về những vết sẹo trong chiến tranh, vì những vết sẹo đó đã tạo nên nền độc lập cho đất nước ngày nay. Nếu bạn cũng có sự tự hào tương tự với những sai lầm, khuyết điểm của mình, thì bạn tôi ơi, bạn đang tỏa sáng rồi đấy :)
Tết Nguyên Đán sắp đến, tôi không chúc các bạn một năm mới bằng phẳng không một biến cố, vì như thế vừa phi thực tế lại vừa không hẳn là một điều tốt. Tôi xin chúc các bạn mắc những sai lầm vừa đủ, và có những lần phải nói câu "Công nhận lúc ấy mình sai thật, hehe" tương ứng :)