Cũng là Bố Già nhưng hôm nay, mình sẽ nói về Bố Già - The Godfather - Một kiệt tác phim điện ảnh Hollywood, được bình chọn là bộ phim xếp thứ 2 trong danh sách 100 phim hay nhất của Viện phim Mỹ và đồng thời nắm giữ tượng vàng Oscar danh giá. 
Phim sản xuất vào năm 1972, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo và do Francis Ford Coppola đứng ra đạo diễn. 
Nếu bạn là một trong những tín đồ yêu thích phim ảnh hoặc đơn giản chỉ là muốn học hỏi, mở rộng tầm mắt hay tìm kiếm thông tin thông qua bài học được truyền tải qua những thước phim sinh động, hiện thực hóa (giống như mình) thì The Godfather nên được liệt kê vào danh sách “những bộ phim hay đáng xem”. 
Đây là bộ phim theo mình đánh giá là khi xem một lần thì chưa thể nào hiểu hết ý nghĩa, cũng như bài học mà tác phẩm điện ảnh này muốn truyền tải. Giống như một cuốn sách văn học kinh điển, ta sẽ nhận ra được những điều khác nhau hoặc cũng là điều đó, nhưng với góc độ sâu sắc hơn khi quay lại vào khoảng thời gian khác nhau. 
Sẽ là điều dễ thấy khi ta bắt gặp hàng tá những phân tích về bài học được rút ra, trích dẫn lời thoại của nhân vật sau khi kết thúc một bộ phim “bom tấn” và mang lại nhiều giá trị cho khán giả. Vậy nên, The Godfather cũng không phải ngoại lệ.
Chỉ cần lên Internet, gõ dòng từ khóa “bài học từ The Godfather”, chưa đầy 1s đã cho thấy con số 5.212 kết quả hiện ra, nào là những bài học bất hủ về cuộc sống, bài học trong kinh doanh thương mại, bài học rút ra cho người đàn ông... Thế nên, trong phạm vi bài viết này, mình sẽ không nhắc lại những gì đã được nói đến nữa. Thay vào đó, là một người tìm hiểu về tâm lý, mình sẽ đứng trên góc độ tâm lý học để phân tích hoàn cảnh và nhân vật có trong bộ phim.  
Lưu ý khi đọc bài viết này, các bạn nên xem The Godfather từ trước để hiểu hơn, cũng như tránh bị ảnh hưởng bởi một số chi tiết spoil trong khi mình phân tích nhé.

Tâm lý mang ơn

Mở đầu bộ phim, ta thấy hình ảnh nhân vật Amerigo Bonasera hiện lên, cầu xin sự giúp đỡ từ Bố Già để trả thù cho đứa con gái bị những tên khốn kiếp hành hung mà pháp luật không giải quyết một cách xứng đáng. 
Ban đầu, đối với Bonasera, tất cả đều chỉ như một cuộc giao dịch - Ông giết người, tôi trả tiền. Ngoài ra chẳng có gì hơn. Nhưng hành động hồi đáp của Don Vito Corleone (Godfather) đã biến đổi tình thế, khiến cho Bonasera từ thế chủ động chuyển sang bị động, khi không chấp nhận giao dịch trên tiền bạc mà bằng tình cảm bạn bè.
Chúng ta đã quen biết nhau từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên ông đến nhờ tôi giúp đỡ… Ông không hề cần đến tình bạn của tôi. Ông sợ phải mắc nợ tôi” hay “Nếu ông tìm đến tôi bằng tình bạn… Một người lương thiện như ông có kẻ thù, rồi chúng sẽ trở thành kẻ thù của tôi”. Đây là câu nói của Don Corleone đã phá vỡ khoảng cách, biến một người không quen thân trở thành bạn của mình. 
Tiếp đó, trên cương vị là một người nắm thế chủ động, không cần ra lệnh cũng khiến cho đối phương tự nguyện tôn trọng và đi theo. Trước đó, Bonasera không gọi Don Vito Corleone là Godfather như những người khác. Nhưng sau khi nhận được sự giúp đỡ từ chính tình bằng hữu mà không phải tiền bạc sòng phẳng, thì ông đã thay đổi thái độ sang thành kính và sẵn sàng phục dịch lần sau. 
Một ngày nào đó, ngày đó có thể sẽ không đến, ta sẽ nhờ ông làm giúp ta một việc. Nhưng từ giờ đến lúc đó, hãy xem việc này như món quà ta tặng ông nhân ngày cưới con gái ta
Don Vito Corleone
Đây quả là một nước cờ thông minh trong việc xây dựng và củng cố quyền lực, tạo mối ràng buộc và liên kết chỉ bằng cách giúp đỡ người khác và để họ cảm thấy “mình bị mang ơn”. 
Những người này sẽ sẵn lòng nghe theo bạn trên tinh thần tự nguyện, mà bạn không cần phải tốn quá nhiều công sức để dùng những biện pháp như bắt buộc hay thuyết phục.
Còn một câu thoại khác cũng dựa trên tâm lý này: “Nó đã không sợ chết thì con hãy làm cho nó tin rằng con là người duy nhất không muốn giết nó, mặc dù con làm được. Khi đó, nó sẽ thật sự là người của con” (Godfather khuyên con trai mình).

Thao túng tâm lý: Bạo hành không dùng bạo lực

Nếu để ý, mọi người có thể thấy một câu thoại thường xuyên xuất hiện từ đầu đến cuối bộ phim, từ Ông Trùm Don Corleone cho đến khi người con trai Michael trở thành Bố Già. “Ta sẽ đưa ra lời đề nghị mà hắn không thể khước từ”.
Ở đây, các nhân vật đã sử dụng hành vi thao túng tâm lý “đe dọa”, yêu cầu đối phương phải thỏa hiệp với đề nghị mà bản thân đã đề ra, đồng thời phớt lờ kỳ vọng của đối phương và cho anh ta lựa chọn duy nhất là “tự nguyện” đồng ý.   
Có nhiều cách để thực hiện hành vi đe dọa mà không cần đụng đến vũ lực hay bộc lộ uy hiếp trực tiếp nhưng vẫn khiến đối phương phải cả nể và quy phục. Đó là tác động lên sự vật/sự việc tượng trưng hoặc có liên quan đến đối tượng mà mình muốn thao túng.
Như trong cảnh khi Tom (luật sư nhà Corleone) thương lượng với Woltz (đạo diễn phim) cho Johnny một suất diễn trong bộ phim mới. Mặc dù đã biết tiếng tăm của Don Vito Corleone, nhưng ban đầu, Woltz vẫn ra sức phản đối và tỏ ý phẫn nộ. Sau đó, hình ảnh con ngựa giống nòi Hoàng gia mà mình yêu quý bị chặt đầu, ném vào giường ngủ với cảnh tượng máu me kinh hoàng đã khiến ông khiếp sợ và miễn cưỡng chấp nhận lời đề nghị. 
Có thể nói, Woltz đã trở thành nạn nhân của hành vi thao túng tâm lý bạo hành không dùng bạo lực. Người sử dụng thuật thao túng này không cần đụng đến một ngón tay của nạn nhân nhưng vẫn đạt được mục đích của mình. 

Gaslighting

Gaslighting hay còn có tên gọi khác là hiệu ứng “thắp sáng đèn ga”. Đây cũng là một trong những thủ thuật tâm lý dùng để thao túng suy nghĩ và hành vi của người khác, hay self-gaslighting - Thao túng chính bản thân mình. 
Gaslighting xảy ra khi một người cố tình bóp méo sự thật, dùng những lý luận, bằng chứng giả tạo để thuyết phục đối phương tin rằng họ là người sai, là người gây nên tội lỗi, vấn đề. 
Trong The Godfather, chi tiết Connie (Con gái Don Corleone) bị chồng đánh đập cũng thuộc một dạng Self-Gaslighting. Khi Sonny (anh trai) đến nhà, thấy em gái mình mặt mũi bầm tím, đoán ngay là bị chồng hành hung nên đã rất giận dữ. Nhưng cô vội vàng bào chữa cho Carlo - Chồng của mình và nhận hết trách nhiệm, cũng như lỗi lầm là do mình gây nên. 
Đừng, Sonny. Đừng làm gì anh ấy. Tất cả là tại em, chính em là người gây chuyện”.   
Hành vi của Connie vô tình đã biến cô trở thành nạn nhân bị thao túng bởi chính mình. Khi liên tục có những suy nghĩ tự vấn và cho rằng bản thân là người có vấn đề. Mặc dù sự thật, Carlo mới là người nên xem lại. Chưa kể, động cơ đằng sau đám cưới của anh ta chẳng phải xuất phát từ tình yêu.
Một người khi rơi vào trạng thái Self-gaslighting, đôi khi cũng không ý thức được hành vi hay suy nghĩ của bản thân. Đơn giản, vì cho rằng đó là những suy nghĩ xuất phát từ chính họ, mà không phải bị ai tác động. 
Ví dụ, bạn có cảm thấy nghi ngờ mình đang rơi vào trạng thái tự thao túng khi đặt ra những câu hỏi tự vấn này hay không? Có lẽ là không!
Mình có đang làm quá mọi chuyện lên không nhỉ?”, “Hay là mình nhạy cảm quá”, “Người bình thường chẳng ai nghĩ như mình!”... Tất nhiên, những suy nghĩ phải đi ngược sự thật hay xuất hiện với tần suất lớn thì mới tính ở trong trạng thái Self-gaslighting nhé.
Hiệu ứng tâm lý này cũng được sử dụng trong giới trí thức, người có mức độ hiểu biết nhất định để thao túng những kẻ “dưới cơ” hoặc ít hiểu biết hơn. Bởi vì, họ dễ dàng bóp méo sự thật và điều hướng người khác đi theo những gì mà họ muốn.
Một câu thoại trong phim góp phần làm rõ điều này: “Một luật sư với cái cặp của hắn có thể ăn cướp nhiều hơn một trăm thằng đàn ông có súng”.
Đánh lừa qua ngôn ngữ hình thể  
Chúng ta có thể đã biết, yếu tố quyết định sự thành công trong giao tiếp, phần lớn không nằm ở nội dung mà nằm ở cách ta sử dụng ngôn ngữ hình thể. 
Các bạn có thể tham khảo tỉ lệ vàng trong giao tiếp tại đây: https://www.toolshero.com/communication-skills/7-38-55-rule/
Nhưng sử dụng ngôn ngữ hình thể để đánh lừa đối thủ, bảo vệ bản thân khỏi hiểm nguy hay thành công trong một mục đích, cũng là một nghệ thuật tâm lý mà mỗi người nên trang bị. 
Trong phim The Godfather, cảnh Michael được Clemenza (trợ thủ nhà Corleone) dặn dò trước khi thực hiện phi vụ ám sát đã nói thế này: “Cứ để 2 tay bên mình, để súng tuột ra. Mọi người sẽ tưởng đâu là chú còn súng khác và vẻ mặt của chú sẽ khiến họ sợ. Hãy ra khỏi nơi đó thật nhanh, nhưng đừng chạy. Đừng nhìn thẳng vào mắt ai cả, cũng đừng quay đi. Chắc chắn họ sẽ sợ chú mày lắm”.
Nên nhớ rằng, đối thủ hay bất kỳ người cạnh tranh nào thường sẽ rất để ý đến nhất cử nhất động của đối phương. Vậy nên, trong mỗi cử chỉ, hành động chúng ta đều phải cân nhắc và thật cẩn thận. Tốt hơn là không để lộ suy nghĩ của mình cho người khác dễ dàng nắm bắt. Hình tượng nhân vật Sonny chính là một bài học cho tất cả chúng ta. 
Nhìn chung, qua một bộ phim mang lại nhiều giá trị ý nghĩa như The Godfather, dù đứng trên góc độ nào cũng đều sẽ để lại cho ta những bài học có thể áp dụng vào cuộc sống. 
Vừa rồi là 4 bài học tâm lý mà mình đã đúc kết sau khi xem xong kiệt tác Hollywood này. Nhưng thông điệp sẽ không chỉ dừng lại ở đó, có thể một khoảng thời gian, sau khi trưởng thành và va vấp, mình sẽ có những cảm nhận và góc nhìn mới hoặc sâu sắc hơn tính từ thời điểm viết bài phân tích này.