Đại dịch Covid-19 vẫn đang là một tâm điểm trên toàn thế giới. Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, giải thưởng Nobel lĩnh vực y - sinh học đã trao giải cho ba nhà khoa học - những người có công trong việc tìm ra virus gây bệnh viêm gan C. Đó cũng là một dịch bệnh do virus gây ra tuy thầm lặng hơn virus corona nhưng cũng có sức hủy diệt không kém. Việc phát hiện ra loại virus này cách đây 30 năm mà đến nay vẫn chưa tìm ra vắc-xin để thấy rằng việc tìm ra vắc-xin là một công cuộc khó khăn. Dưới đây là bài dịch về việc trao giải thưởng Nobel lĩnh vực y học cho công trình nghiên cứu virus viêm gan C. Bài viết gốc của hai tác giả Ewen Callaway và Heidi Ledford đăng trên trang tin tức của tạp chí Nature https://www.nature.com/articles/d41586-020-02763-x
Ba nhà khoa học, những người đã xác định và mô tả virus gây ra bệnh viêm gan- virus viêm gan C - là chủ nhân của giải Nobel lĩnh vực y - sinh năm 2020. Họ chính là Harvey Alter của viện quốc gia về sức khỏe Hoa Kỳ (US National Institutes of Health) tại Bethesda, Maryland; Michael Houghton của trường Đại học Alberta, Canada; và Charles Rice của trường Đại học Rockefeller, thành phố New York.  Nghiên cứu của họ về virus viêm gan C đã mở đường cho các phương pháp điều trị hiện nay chống lại sự lây nhiễm của virus. 
Left to right: Dr. Alter, Rice and Houghton, winners of Medicine or Physiology 2020 Nobel prize.
Harvey Alter, Charles Rice và Michael Houghton (từ trái sang phải), đã chiến thắng giải thưởng Nobel lĩnh vực y học cho nghiên cứu về virus viêm gan C. (Nguồn ảnh: NIH History Office, John Abbott/The Rockefeller University, Richard Siemens/University of Alberta)
Tổ chức y tế thế giới (WHO) ước lượng trên toàn thế giới có 71 triệu người nhiễm virus viêm gan C mãn tính, là nguyên nhân gây ra gần 400.000 ca tử vong mỗi năm, chủ yếu là do xơ gan và ung thư gan. 
Giải thưởng rất xứng đáng, Ellie Barnes nói, bà nghiên cứu về gan và miễn dịch học tại trường Đại học Oxford, Anh. "Nó nổi bật như là một biểu tượng của khoa học vĩ đại", bà phát biểu. "Chúng tôi đã đạt được đến điểm mà chúng tôi có thể chữa khỏi hầu hết các ca nhiễm bệnh". Những người thắng giải sẽ chia sẻ giải thưởng có trị giá là 10 triệu kronor (tương đương 1.1 triệu USD). 
Tác nhân gây bệnh thông qua đường máu
Trong thập niên những năm 70, Alter đã nghiên cứu nguyên nhân của sự lây nhiễm bệnh viêm gan là do quá trình truyền máu. Nghiên cứu trước đó đã xác định được hai loại virus viêm gan đó là virus viêm gan A (hepatitis A virus) và virus viêm gan B (hepatitis B virus), nhưng Alter đã chứng minh rằng, có một loại thứ ba, tác nhân gây bệnh thông qua đường máu có thể truyền bệnh cho loài hắc tinh tinh.  
Houghton, lúc đó làm việc tại tập đoàn dược phẩm Chiron tại Emeryville, California, và cộng sự đã nhận diện được chủng virus nay dựa vào vật liệu di truyền của những con hắc tinh tinh bị bệnh. Đó là một loại virus mới có vật liệu di truyền là RNA (axit Ribonucleic) thuộc họ Flavivirus. Họ đặt tên cho loại virus này là virus viêm gan C (hepatitis C virus). 
Nhóm nghiên cứu được phụ trách bởi Rice, lúc đó làm việc tại Đại học Washington tại St. Louis, Missouri, đã sử dụng kỹ thuật di truyền để mô tả một phần cấu trúc genome của virus viêm gan C chịu trách nhiệm giúp virus tái bản, chứng minh vai trò của nó trong việc gây bệnh ở gan.  
Tại buổi họp báo, Alter đã lưu ý rằng họ đã mất sáu năm tại Chiron để có thể nhân dòng một đoạn gene nhỏ bé của virus viêm gan C và thể hiện sự hoài nghi về rằng liệu ngày nay một nghiên cứu cần mẫn như vậy có thể được tiến hành. "Ngày nay nếu như bạn không đưa ra được đích đến rõ ràng, bạn không thể nhận được sự tài trợ" ông nói. "Thực sự ngày nay quá khó khăn cho các nhà khoa học, đặc biệt là những người trẻ, theo đuổi công việc nghiên cứu. Tôi nghĩ cơ chế phải ít nhiều thay đổi".
Hepatitis C virus (HCV). HDRI images from an image taken with transmission electron microscopy.
Virus viêm gan C được quan sát dưới kính hiển vi điện tử (Nguồn ảnh:Cavallini James/BSIP/SPL)
Một vài nhà nghiên cứu cho rằng nhà virus học Ralf Bartenschlager tại Đại học Heidelberg của Đức, sẽ là một ứng viên cho giải thưởng Nobel về công trình nghiên cứu virus viêm gan C, cụ thể là phương pháp nuôi cấy và nhân virus viêm gan C trong điều kiện phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, Bartenschlager nói rằng ủy ban trao giải Nobel đã có một lựa chọn hợp lý. "Thực sự đó là một quyết định khó khăn", ông cho hay. " Tôi nghĩ cái cách mà họ tiếp cận việc xét trao giải thưởng khá là dễ hiểu". 
Trong quá khứ, Houghton đã từng cất tiếng phê bình sự giới hạn số lượng người nhận giải thưởng khoa học; số người nhận giải thưởng tối đa cho một giải Nobel của một lĩnh vực là ba người. Năm 2013, ông từ chối Giải thưởng Canada Gairdner danh giá - đi kèm với giải thưởng là 100.000 đô la Canada (tương đương với 75.000 USD) - vì giải thưởng không công nhận các cộng sự của ông là Qui-Lim Choo và George Kuo tại Chiron. Thomas Baumert, một nhà virus học và gan học tại Đại học Strasbourg, Pháp, cho biết: "Ông ấy luôn muốn xem khám phá của mình là công sức của cả nhóm".
Houghton nói rằng ông đã hy vọng thuyết phục được quỹ Gairdner mở rộng danh sách giải thưởng để bao gồm các cộng sự của mình. Nhưng các cuộc thảo luận với quỹ trở nên kịch liệt, và Houghton quyết định rằng ông ấy không muốn nhận giải thưởng. Ông nói, giải Nobel là một vấn đề khác. "Tôi nghĩ tôi thực sự quá tự phụ nếu từ chối giải Nobel", ông nói trong một cuộc họp báo. "Các quy định và quy trình của họ dựa trên ý chí của Alfred Nobel và tôi không nghĩ rằng việc thảo luận về vấn đề đó với họ là một điều khả thi".
Những khó khăn trong việc tìm ra vắc-xin
Kết quả nghiên cứu của những chủ nhân giải thưởng và những người khác đã dẫn đến những cải tiến đáng kể trong việc xét nghiệm và điều trị bệnh viêm gan. Trong thập kỷ qua, các phương pháp điều trị khắc nghiệt và kém hiệu quả đối với sự lây nhiễm đã được thay thế bằng các loại thuốc ngăn chặn trực tiếp virus. Những loại thuốc này có tiềm năng chữa khỏi phần lớn các ca nhiễm viêm gan C, nhưng giá thành cao đã hạn chế khả năng tiếp cận ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Barnes cho biết việc điều trị đòi hỏi phải tuân theo một chế độ điều trị bằng thuốc từ 8 đến 12 tuần. "Nhiều người sống chung với bệnh viêm gan C vẫn ở trong những điều kiện dễ bị tổn thương hoặc là những người sử dụng ma túy thông qua tiêm chích, thực sự khá khó để đưa thuốc đến những nhóm nhười này".
Bartenschlager nói rằng ông hy vọng giải thưởng Nobel sẽ thu hút sự chú ý đến "đại dịch thầm lặng", bệnh viêm gan C trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt ra mục tiêu loại trừ virus viêm gan C vào năm 2030, điều mà Barnes nói là có thể đạt được. Nhưng để đạt được điều đó, bà ấy bổ sung, cần phải có vắc-xin. 
Tiến độ phát triển một loại vắc-xin quả là rất chậm, một phần do sự kém đầu tư và một phần do bản chất của chính virus. Bản chất di truyền của mỗi chủng virus viêm gan C rất khác nhau: Barnes ước tính rằng virus viêm gan C đa dạng gấp mười lần so với virus HIV và “vô hạn” hơn so với vi rút SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra COVID-19. Và rất khó để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở những quần thể dễ bị nhiễm virus viêm gan C.
Không có vấn đề nào trong số này là không thể vượt qua, Barnes nói. Bà cho biết thêm: "Loại virus này đã được phát hiện cách đây 30 năm và chúng tôi vẫn chưa có vắc-xin". "Chúng tôi vẫn có những người bị nhiễm và chết vì bệnh viêm gan C. Từ quan điểm đó, câu chuyện này vẫn chưa kết thúc". 
Baumert cho biết thêm chính sự sẵn có của các phương pháp điều trị hiện nay đã mang lại một quan niệm sai lầm rằng bệnh viêm gan C đã được giải quyết, và các nhà tài trợ và tạp chí dường như ít quan tâm đến căn bệnh này hơn. Giải thưởng Nobel có thể là một cơ hội để nhắc nhở thế giới rằng bệnh viêm gan C vẫn là một vấn đề. Ông nói: "Điều này sẽ thúc đẩy sự quan tâm trở lại và tập trung trở lại vào việc tìm vắc-xin".