( Bài dài) Hỏi: Nếu 1 ngày được làm thủ tướng.... bạn sẽ thay đổi điều gì?? .... Đáp: Nếu em tiến hành điều đó, cả triệu người sẽ mất việc ngay lập tức
Giáo dục Việt Nam qua góc nhìn của 1 người trẻ. Mọi người ném đá nhẹ tay ạ.
Bài viết này xuất phát trên trải nghiệm cá nhân + quan sát thực tế kèm theo suy luận nên có thể có những ý đúng với mình nhưng không chắc đúng với các bạn. Nếu bạn cảm thấy không thích, có thể bỏ qua. Mình mong chờ ý kiến phản hồi, góp ý của các bạn.
Một buổi học bình thường trong trường đại học XXX nào đó, thầy giáo của tôi ( thực ra là 1 thanh niên trẻ lớn hơn mình có 4 tuổi) đã hỏi 1 câu rằng " Nếu 1 ngày được làm thủ tướng và thay đổi 1 điều, thì các em sẽ làm điều gì cho đất nước mình??". Các em có 5 phút để chuẩn bị lên ý tưởng và tìm minh chứng, 2 phút để trình bày và 3 phút để phản biện. Không giới hạn nhóm hay ý tưởng cá nhân. 5 Phút bắt đầu.
Sau 5 phút đã có lác đác vài nhóm đứng lên trình bày ý tưởng, thực ra cũng không có gì nổi bật lắm, quanh đi quẩn lại thì vẫn là kinh tế thương mại, rồi buôn bán các thứ. Chưa thấy ai phản biện lại cả, phần lớn thì đang chúi mặt xuống bàn, người thì chỉ muốn nghe, có người thì cắm mặt vào máy tính... Thầy giáo rất chú ý lắng nghe. Thực ra ở lớp này thầy mới hay lắng nghe ý kiến thực sự nên chúng tôi mới nói chứ như mấy thầy khác thì cứ thao thao bất tuyệt, cũng không hay nói đến tình hình thời sự nên chúng tôi kệ, nói cũng bị gạt đi thôi.
- Hàng triệu người sẽ thất nghiệp ngay lập tức chỉ sau quyết định của em.
Câu chuyện không hề to tát lắm cho đến khi đến tôi đưa ra ý kiến của mình, có lẽ vì nó quá là "dị" ( tôi cho là vậy) nên chả có ai chung ý tưởng với tôi và những bạn đến ghép nhóm với tôi sau khi nghe tôi trình bày sơ qua thì họ "dzọt lẹ". Tôi đứng lên bảng và trình bày rằng nếu 1 ngày tôi được làm thủ tướng hoặc các chức vụ tương đương cùng với quyền hạn được thay đổi, hiệu lực kéo dài chục năm thì quyết định của tôi sẽ sa thải cả triệu người cùng 1 lúc. Đến lúc này thì mọi người bắt đầu chú ý hơn đến cái thứ mà tôi đang thuyết trình trên bảng. Vài người bắt đầu đặt câu hỏi là lợi ích cho đất nước ở đâu khi mà tôi lại sa thải cả triệu lao động cùng 1 lúc. Thầy tôi điềm tĩnh lắng nghe và ra hiệu tôi tiếp tục, " anh thầy" muốn nghe đến cuối cùng và xem đoạn kết của cuộc tranh luận ấy.
Tôi trình bày rằng tôi muốn thay đổi lại nền giáo dục của đất nước này thành như dạng mô hình thị trường hóa và chuyên môn hóa ngay từ cấp 2 trở lên chứ không phải để đến đại học, cấp 3 mà học sinh sinh viên thật sự vẫn không biết mình đang muốn làm gì và trở thành cái gì. Nhưng để đạt được điều ấy thì việc đầu tiên là sẽ có cả triệu giáo viên sẽ mất việc chỉ sau 1 đêm khi quyết định ấy được ban hành ra. Một thực trạng đáng buồn mà tôi chỉ ra là ngay cả tôi, các bạn và các con số thống kê rồi phỏng vấn thể hiện là chúng ta không hề được hướng nghiệp, hay nhìn thấy hướng đi của mình từ cấp 3, rồi đến đại học.
Chắc là phần lớn các bạn cũng sẽ nhìn thấy mình ở đây, 1 thời không biết mình muốn gì, mình giỏi cái gì và bản thân muốn trở thành cái gì. Người thì theo hướng dẫn của bố mẹ, gia đình làm thầy giáo, cô giáo, người thì vào công an để sau này có chế độ này nọ... Tôi được định hướng sẽ trở thành giáo viên vì đó chính là ước mơ của mẹ tôi. Ngày xưa mẹ tôi học rất khá nhưng lại không được ông ngoại cho đi học, bắt lấy chồng ( chính là bố tôi bây giờ), cái lý do nữa chính là " ổn định". Ổn định theo nghĩa của mẹ tôi chính là lương 100k/ ngày. Sáng ra mở mắt ra có 100k dưới gối, có ngày chủ nhật không phải làm gì cả. Được xách cặp, quần áo chỉnh tề, giầy tây quần đen áo cổ cồn trắng ( không thấy có đề cập đến hạng mục kính cận).
Nhưng sau khi học được gần 1 kỳ tại trường sư phạm, tôi phát hiện ra mình chẳng thể nhét mình vào trong cái form của 1 thầy giáo truyền thống như đã mô tả ở trên, tính cách tôi cởi mở, giao tiếp mạnh và hướng ngoại nên lúc nào cũng phải chú ý từng lời nói, bước đi dáng vẻ làm cho tôi luôn cảm thấy áp lực đè nặng lên mình. Kết cục tôi nghỉ học, vì trước đó cũng có gửi hồ sơ lên trường quốc tế - ngành quản lý. Thật may mắn vì ở ngôi trường mới tôi tìm thấy thầy giáo mặc quần cộc, áo phông, đi dép lê lên lớp( chính là anh thầy mà tôi nói ở trên và nhiều thầy cô ngoại quốc, những người đi du học về).
Trường tôi là một ngôi trường mở, thầy cô nước ngoài đến rất nhiều và họ không giống với hầu hết thầy cô bên trường sư phạm sang trường tôi dạy. Ngay chính lớp tôi đã từng xảy ra mâu thuẫn khi mà thầy dạy Hóa học đại cương, bên trường sư phạm qua bên này dạy, đòi kỷ luật 1 bạn nữ chỉ vì bạn ấy mặc áo phông không có cổ và 1 bạn nam khác vì bạn ấy mặc quần ngố, dép quai đi học. Trời mùa hè còn thầy tôi vẫn cứ áo da cao cổ, kín mít. Chúng tôi phản bác là bên trường sư phạm của thầy khác với trường em, bên trường em không quy định về trang phục và bên này hầu như mọi người kể cả sinh viên hay giáo viên lên lớp cũng không quá quan trọng chuyện quần áo, làm sao cảm thấy thoải mái. Việc quan trọng là dạy và học, chất lượng đào tạo. Chúng em tôn trọng quan điểm rằng những nơi như trường học thì không thể ăn mặc kiểu hở hang khoe thân, lố lăng hợm hĩnh nhưng cũng không phải nhất nhất 1 kiểu nhàm chán hoặc là phải mặc đồng phục. Mong thầy thông cảm. Và rồi môn đó cả lớp tạch như sung rụng cơn mưa luôn. Tôi nói thế không phải là tôi thiên vị hay so sánh thầy Việt thầy Tây đâu nhé.
Cấp II- TRUNG HỌC HƯỚNG NGHIỆP
Quay trở lại với tiêu đề bài viết và buổi học sinh ra cái bài viết ngày hôm nay. Sau khi mọi người đều đổ dồn vào cái điểm cả triệu người mất việc thì chỉ có "anh" thầy hỏi: Thế cụ thể em định thay đổi nền giáo dục như thế nào? Tôi đáp: em sẽ kéo dài thời gian học cấp 3 lên 5 năm, và rút ngắn đại học xuống còn 3 năm, 2 năm đối với cao đẳng và các cấp đào tạo tương đương. Em sẽ cắt bớt đi vài môn, chỉnh sửa vài nội dung và thay vào đó bằng những môn mới kiểu như: sinh tồn, quản lý tài chính cá nhân, tìm kiếm và truy vấn thông tin, tài chính cá nhân, nữ công gia chính, pháp luật, luật giao thông, Kỹ năng tự vệ ... Em muốn cấp 1 chỉ tập trung vào nuôi dưỡng tình yêu nước, lòng yêu thương bố mẹ gia đình, không quá tập trung vào các môn học như bây giờ. Hôm lâu có đọc bài báo Đề xuất dạy xác suất thống kê cho học sinh tiểu học mà thấy sao nó hơi xa vời. Cấp 1 là nơi để hình thành và nuôi dưỡng nhân cách, nhân văn, tuổi thơ đẹp, hoàn thiện cùng với tình yêu thương để cho tương lai sau này. Các bạn có thể Google là ra ngay tỉ lệ tội phạm đang bị trẻ hóa, và Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Thủy - Giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, so với dạy chữ, việc “dạy người” tại các trường đang có phần bị xem nhẹ. Hiện nay, các trường học mới chú trọng vào việc cung cấp kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy cho học sinh kỹ năng sống. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để định hướng cho xử sự và hành vi của các em còn quá ít và thiếu thuyết phục.
Phần lớn các đối tượng vi phạm pháp luật rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế; bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc; gia đình thường xảy ra bạo lực, thiếu quan tâm đến trẻ, để trẻ em lang thang kiếm sống hoặc nuông chiều quá mức, để trẻ tiếp xúc với những thành phần xấu của xã hội, bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp.... Khi những bậc làm cha, làm mẹ nhận ra sự quá thờ ơ trong việc chăm sóc, giáo dục con em mình thì hậu quả đau lòng cũng đã xảy ra, con em họ còn quá nhỏ để gánh chịu những bi kịch ấy. Đến “lỗ hổng” trong giáo dục cùng với sự thiếu quan tâm, giám sát từ gia đình, nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên phạm tội gia tăng, theo các chuyên gia, việc giáo dục kiến thức pháp luật cũng như giáo dục trẻ về các kỹ năng nhận diện hành vi sống chuẩn mực theo pháp luật tại nhà trường chưa được coi trọng. Điều này dẫn tới thực trạng đáng buồn học sinh học quá tải các môn học, kỹ năng nhưng lại bị “đói” kiến thức pháp luật, không nhận biết được hành vi nào là sai trái.
Cấp 2 thì bắt đầu học lên cao hơn nhưng không quá nặng mà sẽ chuyển qua phân loại học sinh dựa trên các đặc điểm cá nhân để có những hướng đào tạo phù hợp để cấp 3 sẽ là giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị cho tương lai kết hợp với huấn luyện kiểu quân đội để lên đến hết c3 là chúng ta có 1 đội ngũ nhân lực có kỷ luật, đúng giờ, tinh thần kiên định biết mình phải làm gì, cần làm gì, làm việc nhóm tốt, và cốt nhất là có định hướng. Các trẻ sẽ được làm bài kiểm tra trắc nghiệm kết hợp với những nhận định từ giáo viên để định hướng cho trẻ, ví dụ: Bạn A vận động rất tốt, có tiềm năng trở thành 1 vận động viên điền kinh hay bóng đá chuyên nghiệp nên sẽ hướng bạn A theo chương trình vận động viên chuyên nghiệp hoặc huấn luyện viên thể thao sẽ được đề cập đến ở cấp 3 đồng thời vẫn đào tạo bạn A theo chương trình đào tạo kiến thức chung dành cho mọi học sinh.
Hiện nay có rất nhiều cách để biết bản thân mình mạnh cái gì thông qua khoa học, các bài kiểm tra năng lực, câu hỏi, quan sát cá nhân hoặc cao cấp hơn là sinh trắc vân tay. Giúp chúng ta định hình bản thân và biết rõ luôn là ta sinh ra có điểm nào mạnh- Đúng nghĩa là từ trong trứng nước luôn.
Cấp III- TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP
Cá nhân mình thấy chương trình học bây giờ quá nặng về lý thuyết mà thiếu đi các kỹ năng thực hành, đời sống, định hướng mục tiêu lập nghiệp cho sau này cho các bạn trẻ. Các thầy cô luôn dạy chúng ta tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, nhưng chả thấy ai kêu tiết kiệm não hay trí thông minh cả. Đó cũng là 1 loại tài nguyên quý giá cần được sử dụng và khai thác cẩn thận. Người Việt Nam cực kỳ giỏi, thông minh. Trong quá trình mình đi du học thì cứ nhóm nào có SV VN là nhóm ấy rất trội nhưng nếu có 2 VN VN thì lại kém luôn do chúng ta có kỹ năng làm việc nhóm kém và không chịu nhường nhau. Các giáo sư rất thích SV VN vì có kiến thức nền tốt, thông minh và chịu khó nhưng lại chỉ nhận 1 SV chứ nhận đông là không ổn ( nói hơi đau lòng chứ 2 3 bạn SV việt trong 1 nhóm là toàn kiểu t là nhất, phải nghe t thôi)
Trung học sẽ kéo dài hẳn 5 năm, nếu ở cái cấp 2 kia chưa áp dụng giờ giấc đào tạo kiểu quân đội, thiếu sinh quân thì sẽ áp dụng tại thời điểm này. Mình vẫn chưa quyết định sẽ áp kiểu đào tạo quân đội vào cấp 2 hay cấp 3 nhưng đang có ý định thiên về cấp 3. Nếu ai đọc Tony buổi sáng sẽ biết " Chuyện ở West Point". Mình muốn mở và áp dụng 1 mô hình như thế nhưng đơn giản và Việt hóa nhiều hơn để học sinh sau khi được định hướng ở cấp 2 lên đây sẽ có 5 năm để vừa học kiến thức phổ thông, vừa rèn luyện tay nghề luôn. Sau 5 năm cấp 3 chúng ta sẽ có 1 đội ngũ lao động có chất lượng, chuyên môn hóa luôn và cốt nhất là có tinh thần kỷ luật, làm việc nhóm tốt và có thể sử dụng luôn, tránh rơi vào tình trạng " Thừa thầy, thiếu thợ" như hiện nay. Nếu làm thợ, sẽ là thợ chuyên nghiệp, nếu làm thầy thì học hành đàng hoàng. Cánh cửa thực sự dành cho những người xứng đáng, có tố chất. Nếu 1 học sinh ở cấp 2 được nhận định là có khả năng truyền đạt tốt, sử dụng ngôn từ uyển chuyển, hấp thụ kiến thức tốt, nghiên cứu chuyên sâu, hoặc có sở thích đặc biệt với làm thí nghiệm, nghiên cứu khoa học này nọ vậy là có đủ tố chất làm giáo viên rồi. Việc bây giờ là hướng bạn ấy làm giáo viên hoặc nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp thôi. Đừng để bạn ấy mông lung trở thành vận động viên hay là thợ có khí này nọ, tất nhiên nếu muốn vẫn làm được nhưng chi phí và thời gian bỏ ra liệu có đáng so với kết quả thu được.
Giảm bớt các kiến thức phổ thông lại, tăng thời gian các môn khác lên, hoặc mở các trường trung học chuyên nghiệp theo định hướng ngành như sau:
Khoa học ứng xử và Lãnh đạo
Hóa học và Khoa học sự sống
Kỹ thuật Cơ khí và Xây dựng
Kỹ thuật Điện và Khoa học máy tính
Tiếng Anh và Triết học Ngoại ngữ
Địa lý và Kỹ thuật môi trường
Lịch sử
Luật
Các khoa học Toán học Vật lý và Kỹ thuật hạt nhân
Khoa học xã hội, nhân văn & Du lịch
Kỹ thuật hệ thống
Trung học Thể thao chuyên nghiệp ... Đấy là ví dụ thế.
Chúng ta đều biết rằng " I am built different, I am born different"- Chúng ta sinh ra đều là không giống nhau. Vậy hãy để sự khác biệt ấy thể hiện luôn trong chính nền giáo dục này. Sẽ có ý kiến cho rằng nền giáo dục toàn dân, nếu làm theo hướng này thì những vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, miền núi phía bắc hoặc những nơi thu nhập thấp, hộ nghèo sẽ không thể gửi con đi học tại những trường trung học chuyên nghiệp như này được. Điều này đúng, và đến giờ chính tôi cũng chưa biết làm sao để tối ưu được việc này. Nếu tôi tối ưu được chắc có lẽ lên làm bộ trưởng hoặc thủ tướng rồi, lấy đâu ra thời gian mà viết blog như này nữa, nhưng mà biết đâu được ấy khi mà ở ngoài kia có bạn nào đó đọc bài này và viết nên giải pháp tối ưu được thì sao nhỉ??
ĐẠI HỌC- CHUYÊN SÂU VÀ KHÔNG TRÀN LAN.
Hồi xưa ở Hàn Quốc, giáo sư của tôi rất giỏi về công nghệ sinh học, dược phẩm. Chủ yếu ông sống bằng làm nghiên cứu, và đăng báo khoa học. Đăng báo thì cũng chả được mấy tiền, lấy tiền đâu mà vận hành phòng thí nghiệm với cả trả lương cho nhân viên chứ. Chủ yếu là làm nghiên cứu cho các hãng mỹ phẩm, dược phẩm. Làm theo đơn hàng, nghiên cứu đánh giá sản phẩm cho họ hoặc là dựa vào kết quả nghiên cứu của mình, cố vấn cho các hãng dược, mỹ phẩm. 1 Dây chuyền gắn kết trực quan của giáo dục và thương mại, kinh tế. Hiện nay cũng có những mô hình tương tự ở Việt Nam. Các nghiên cứu được tài trợ và trả lại kết quả để phát triển 1 sản phẩm nào đó. Vậy nên tôi muốn nhân rộng mô hình này ra.
Và đại học sẽ không còn là dành cho số đông mà sẽ thực sự dành cho người xứng đáng và có năng lực. Hãy nhớ lại câu chuyện 3 môn thi đại học tổng được 10 điểm nhưng vẫn được chấp nhận vào học ở trường sư phạm năm 2017 đây chứ đâu - Đúng là 1 thảm họa. Nelson Mandela đã tuyên bố rằng :
“Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi”
Gian lận ??? Có chứ, Người phanh phui ra gian lận nổi tiếng nhất có lẽ là thầy Đỗ Việt Khoa ( vui lòng Google) hoặc gần đây hơn là nâng điểm cho thí sinh ở Hà Giang. Tuy đã được xử lý nhưng đó chỉ là phần nổi tảng băng mà thôi.
Các nhà máy điện rác vẫn đứng im, dậm chân tại chỗ dù được quảng cáo rất ghê chỉ vì 1 lý do rất đơn giản- Không phân loại rác tại nguồn. Hiệu suất hoạt động của các nhà máy đã hoàn thành cũng không đạt như kế hoạch đề ra cũng vì lý do tương tự. Rồi bây giờ hãy nhìn từ câu chuyện này sang góc độ của Giáo dục. Đúng rồi đấy, bạn nghĩ đúng rồi đấy.
Sau khi đã được phân loại, sàng lọc thì đại học sẽ chỉ dành cho những người thực sự ưu tú, xứng đáng chứ không ai ai cũng vào đại học, người người vào đại học. và Đại học sẽ gần như là trung tâm nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, chiến lược, chính sách... và những thứ ấy cần những con người thực sự giỏi. Tránh cái trường hợp như bây giờ: Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ- Thừa thầy thiếu thợ. Sinh viên ra trường vẫn không biết mình làm gì, vào doanh nghiệp lại phải đào tạo lại. Tại sao các trường không làm việc trực tiếp luôn với doanh nghiệp xem ông cần cái gì để tôi dạy sinh viên tôi cái đó, ra trường ông nhận đội ấy vào làm nhé??(Vấn đề này tôi sẽ có 1 bài viết khác kể về chính trải nghiệm và vấn đề mà tôi gặp phải khi tôi còn ở đại học cho mn đọc sau)Thiết nghĩ chắc bây giờ ngành sư phạm nên tuyển sinh như ngành công an, an ninh để đảm bảo đầu vào và được nhà nước bảo hộ như ngành công an, anh ninh quân sự thì chắc là cái giá của sư phạm sẽ được cải thiện nhiều đấy.
Thôi, tôi tạm gác bài viết ở đây. Mn ai đọc đến đây là cũng tâm huyết với giáo dục lắm đấy. Cảm ơn nhé !!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất