"Cạnh tranh đã, và sẽ luôn gây rắc rối cho những ai gặp phải nó"
Tiếp nối Phần 1: Giá cả và Thị trường, tôi xin tổng kết ngắn gọn một số tiêu điểm trong Phần 2: Công nghiệp và Thương mại cuốn Ba$ic Economics - Thomas Sowell (bản dịch tiếng Việt của Happy Live). Ở phần này, sách tiếp tục giúp tôi đã khai thông những điều mình từng biết một cách mù mờ về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, thất bại và thành công trên thị trường.
<1> Doanh nghiệp thành công và thất bại
"Mối đe doạ thua lỗ luôn đeo bám mọi doanh nghiệp, kể cả những công ty lớn nhất và thành công nhất". Điều kiện kinh tế, xã hội, công nghệ và lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi không ngừng, bởi vậy chỉ có tri thức và hiểu biết đúng đắn để thích nghi mới quyết định thành bại.
- Thay đổi về điều kiện kinh tế- xã hội: Đầu thế ky XX, chuỗi A&P nằm dọc theo các con phố trung tâm nước Mỹ giữ vị trí chuỗi tạp hoá hàng đầu nhờ có giá bán thấp nhất. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, do dân số giàu lên, nhiều người sở hữu ô tô, tủ lạnh, và dịch chuyển ra vùng ngoại ô mua sắm lượng lớn tại các siêu thị khổng lồ như Walmart, nơi có giá bán còn rẻ hơn nữa. Ngành công nghiệp bán lẻ từ đó đã thay đổi hoàn toàn.
- Thay đổi về công nghệ: Năm 1976, 85% máy ảnh bán tại Mỹ là máy phim Kodak. Vài chục năm sau, máy ảnh kỹ thuật số và cả điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh ra đời, khiến Kodak thua lỗ liên tục và phải nộp đơn phá sản năm 2012.
- Yếu tố lãnh đạo: Những năm 1860 khi chưa có ô tô và đèn điện, dầu mỏ chủ yếu được dùng để sản xuất dầu hoả cho đèn đốt, và xăng chỉ là một sản phẩm phụ không quan trọng đến mức một số công ty còn đổ xăng xuống sông. Rockefeller đã cách mạng hoá ngành này bằng việc vận chuyển dầu bằng các toa xe chứ không phải trong thùng, đồng thời thuê các nhà khoa học tạo ra nhiều chế phẩm từ dầu mỏ như sơn hay vaseline. Công ty Standard Oil của ông nhờ đó mà không phải đặt mọi gánh nặng thu hồi chi phí lên dầu hoả, giảm giá bán hơn 7 lần trong vòng 10 năm, bán được 90% dầu hoả trên toàn nước Mỹ.
--> Thành công không chỉ là vấn đề lợi nhuận thu về nhiều hay ít, mà phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng nguồn lực khan hiếm và lợi ích kinh tế đem lại cho người tiêu dùng.
<2> Lợi nhuận và chi phí
Một công ty A mua sản phẩm X với giá $10 và bán với giá $15. Một nhà đầu tư tính toán rằng công ty A lãi $5 trên mỗi sản phẩm và quyết định đầu tư vào A.
Thoạt nhìn đây có vẻ là quyết định sáng suốt bởi nhà đầu tư đã chọn công ty có tỷ suất lợi nhuận rất cao (5/10 = 50%), tuy nhiên con số này mới chỉ là lợi nhuận trên doanh thu. Người này chưa tính đến tiền mà công ty A phải bỏ ra để duy trì hoạt động kinh doanh, cũng như chi phí xây dựng cửa hàng ngay từ ban đầu --> Điều thực sự quan trọng là lợi nhuận trên tổng số vốn đầu tư, không phải lợi nhuận trên doanh thu.
Một tiêu chí ảnh hưởng đến lợi nhuận trên tổng số vốn đầu tư là số vòng quay hàng tồn kho. Một mặt hàng bán hết chậm với mức chênh lệch giá (so với giá nhập) rất lớn có thể đem lại lợi nhuận đầu tư ít hơn một mặt hàng bán hết nhanh với mức chênh lệch giá nhỏ, bởi lưu kho là hoạt động rất tốn kém.VD: Chuỗi siêu thị nhập $10,000 bánh mỳ thu được tiền về nhanh hơn một cửa hàng bán piano với giá nhập $10,000 bởi bánh mì không để được lâu. Số tiền thu về sẽ quay được nhiều vòng hơn trong 1 năm đối với siêu thị, tạo ra nhiều khoản lợi nhuận cộng dồn. Vì vậy, để thu được lợi nhuận bằng siêu thị trên cùng khoản đầu tư $10,000, người bán đàn phải tính tỷ lệ phần trăm trên mỗi chiếc piano bán ra cao hơn tỷ lệ siêu thị tính trên mỗi ổ bánh mì.
(Lưu ý: Những doanh nghiệp trong cùng một ngành cũng có số vòng quay tồn kho/năm khác nhau)
*Chi phí sản xuất có ảnh hưởng quan trọng đến giá cả và lợi nhuận
- Một sản phẩm hay dịch vụ nhất định không có chi phí sản xuất cố định. Khi đầu tư máy móc đắt tiền thay thế con người, chi phí máy móc trên mỗi đơn vị sản phẩm sẽ nhỏ hơn rất nhiều nếu chia cho một số lượng sản phẩm lớn. Đây gọi là lợi thế kinh tế nhờ quy mô (the economy of scale). VD: Đầu thế kỷ XX ở Mỹ, nhà sản xuất lớn nhất cũng chỉ làm được 6 chiếc ô tô/ngày, nên chỉ những người thực sự giàu mới có thể sở hữu. Henry Ford là người tiên phong sản xuất hàng loạt giúp giá xe thấp hơn rất nhiều, từ đó mà những người bình thường đều có thể mua.
Điều tương tự áp dụng cho chi phí quảng cáo (một dạng chi phí khác được cộng vào chi phí sản xuất). Bia Budweiser tốn hàng triệu đô la quảng cáo mỗi năm, nhưng nhờ doanh số bán hàng khổng lồ mà chi phí quảng cáo trên mỗi thùng bia của họ thấp hơn đối thủ cạnh tranh.
Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao các hãng lớn trong cùng một ngành không sáp nhập để làm quy mô sản xuất lớn hơn nữa, sản phẩm rẻ hơn nữa, doanh thu và lợi nhuận cao hơn nữa? Trả lời: Tồn tại một điểm ngưỡng mà tại đây, chi phí sản xuất không còn giảm dù số lượng sản phẩm có tăng thêm bao nhiêu chăng nữa. Trên thực tế, nếu số lượng sản phẩm trở nên quá lớn đến mức không thể theo dõi, chi phí sản xuất còn tăng thêm do rủi ro sai sót trong khâu quản lý. Ngoài ra, doanh nghiệp quá lớn còn bị mất khả năng ứng phó với thay đổi trên thị trường do mỗi hành động phải được chấp thuận bởi nhiều tầng lớp hành chính trước khi thực hiện.
Các ngành khác nhau có quy mô đem lại lợi ích kinh tế khác nhau. Chẳng hạn, một nhà hàng có quy mô nhỏ hơn một nhà máy sản xuất bởi việc vận hành nhà hàng đòi hỏi kiến thức và khả năng kiểm soát ngay tại chỗ. Đây là lý do hình thức nhượng quyền nhà hàng cho các chủ sở hữu địa phương giám sát rất phổ biến.
- Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến chi phí sản xuất là mức công suất đang được sử dụng. VD: Trong mùa thấp điểm, một khách sạn vẫn phải duy trì số phòng và lượng nhân viên cố định, nên họ thường giảm giá để thu hút khách đến lấp đầy những phòng trống, tận dụng mức công suất dư thừa.
*Chi phí phát sinh và khoản phí tiết kiệm
Những chi phí doanh nghiệp phải trả thêm hoặc tiết kiệm được trong quá trình sản xuất được hoặc không được phản ánh trên giá bán, tuỳ thuộc vào tình hình cạnh tranh.VD: Nếu bạn vận chuyển sản phẩm đến khách hàng bằng đường sắt mà phí đường sắt đột ngột tăng giá, bạn chỉ có thể tăng giá nếu đối thủ của mình cũng đang vận chuyển bằng đường sắt. Còn trường hợp bạn áp dụng một công nghệ mới giúp chi phí sản xuất thấp hơn đối thủ, bạn có thể thu thêm lợi nhuận bằng cách giữ giá ngang với đối thủ, hoặc giảm giá để thu hút thêm khách hàng.
<3> Nền kinh tế của các tập đoàn lớn
Ở các doanh nghiệp nhỏ, người sở hữu doanh nghiệp thường đồng thời là người điều hành. Còn đối với một tập đoàn lớn có quá nhiều cổ đông, quyền sở hữu lại tách biệt với quyền quản lý. Hội đồng quản trị (đại diện pháp lý, không tham gia quản lý hoạt động hàng ngày của tập đoàn) là những người nắm quyền thuê và sa thải giám đốc điều hành (CEO). Một CEO thất bại sẽ nhanh chóng bị sa thải dù tập đoàn phải trả hàng triệu đô la bồi thường thôi việc, bởi cái giá phải trả cho những quyết định sai lầm của CEO vẫn đắt hơn rất nhiều (hàng tỷ đô la).
<4> Độc quyền
- Độc quyền xảy ra khi một số ít người bán thông đồng đặt mức giá cao cho một sản phẩm nhất định. Nếu không có công ty khác cạnh tranh khiến mức giá giảm xuống, người tiêu dùng có xu hướng mua ít sản phẩm hơn --> Lượng sản phẩm làm ra sẽ ít hơn, và nguồn lực còn thừa sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác, cho dù mục đích đó kém giá trị hơn (nói cách khác, nguồn lực bị sử dụng kém hiệu quả khi có sự độc quyền).
- "Hầu hết các doanh nghiệp lớn không phải doanh nghiệp độc quyền, và không phải tất cả các doanh nghiệp độc quyền đều là doanh nghiệp lớn." VD: Cửa hàng tạp hoá duy nhất trong một ngôi làng biệt lập có thể dễ dàng trở thành độc quyền. Trong khi đó, một chuỗi siêu thị lớn vùng ngoại ô thành phố có nhiều đối thủ cạnh tranh không thể độc quyền bán giá cao.
- Cuối thế kỷ XIX, chính phủ Mỹ phản ứng lại độc quyền bằng cách lập ra một uỷ ban điều tiết giá để quy định giá sản phẩm dựa trên một mức chi phí sản xuất "trung bình". Tuy nhiên, cách làm này không hợp lý do chi phí sản xuất luôn biến động, chẳng hạn chi phí sản xuất điện luôn thay đổi tuỳ thuộc vào phí nhiên liệu sử dụng như dầu, khí đốt, than đá, vv.
- Chính phủ Mỹ còn đưa ra luật chống độc quyền, nhằm vào những công ty có thị phần lớn trên thị trường. Đây cũng là cách tiếp cận sai lệch, bởi thị phần lớn không có nghĩa là không có cạnh tranh. VD: Năm 2013, nhà sản xuất bia Budweiser bị cho là đang "kiểm soát" thị trường với thị phần 46%. Thực tế là vẫn còn một lượng lớn bia cho các nhà sản xuất khác bán trong nước Mỹ, bằng chứng là đã có thêm 400 nhà sản xuất bia mới trong thời gian đó, nâng tổng số nhà sản xuất bia lên mức cao lịch sử là 2,751.
Thay vì bảo vệ sự cạnh tranh công bằng trên thị trường, luật này thực chất lại bảo vệ các đối thủ cạnh tranh của một công ty có thị phần lớn. VD: Microsoft từng bị kiện độc quyền ở châu Âu do tính năng phát nhạc Media Player trên hệ điều hành của công ty này đã hạ gục đối thủ cạnh tranh như RealPlayer. Toà kết luận Microsoft cần cung cấp thông tin cho đối thủ để phần mềm của họ chạy được trên máy chủ Microsoft. Cách làm này thực chất đang cản trở cạnh tranh công bằng.
- "Chìa khoá của độc quyền không phải thị phần mà là khả năng gạt bỏ những đối thủ khác." Dù sở hữu bao nhiêu % thị phần đi chăng nữa, sản phẩm của một công ty luôn có thể bị thay thế. ("Khi giá A cao hơn B khiến người ta mua B nhiều hơn, thì A và B là những mặt hàng thay thế nhau".)
Hai sản phẩm trông khác nhau và thuộc ngành khác nhau vẫn có thể thay thế cho nhau khi chúng cùng thực hiện một chức năng. Chẳng hạn, nhà sản xuất nhựa có thể dùng dầu từ dầu mỏ hoặc ngô để làm đồ nhựa. Ngay cả khi không tương đồng về chức năng, hai sản phẩm vẫn có thể thay thế cho nhau về mặt kinh tế. VD: nếu các sân golf tăng phí gấp đôi, người ta có thể chuyển sang loại hình thể thao giải trí khác như trượt tuyết.
-----
<<Bài tiếp nối: (P3) Làm việc và trả lương>>