Tiếp nối Phần 2: Công nghiệp và Thương mại, tôi xin tổng kết ngắn gọn một số điểm mình thấy thú vị trong Phần 3: Làm việc và Trả lương cuốn Ba$ic Economics - Thomas Sowell (bản dịch tiếng Việt của Happy Live).
<1> Năng suất và tiền lương
- Yếu tố quyết định số tiền một người được trả cho công việc mình làm là cung và cầu. + Người giao hàng có mức lương thấp hơn kỹ sư bởi nguồn cung lao động là những người có khả năng giao hàng rất lớn, còn kỹ sư phải mất thời gian đào tạo.+ Mức lương mà người lao động được trả được xác định bởi khả năng giúp công ty tăng thu nhập. Một kỹ sư giúp công ty kiếm $200,000 không thể đòi hỏi mức lương $250,000. Kỹ sư đó có thể được thuê với giá $150,000, với điều kiện không ai khác có khả năng làm việc tương tự với mức lương thấp hơn.
- Năng suất quyết định mức lương cao nhất mà nhà tuyển dụng trả cho người lao động. Trong hầu hết các ngành nghề, năng suất không chỉ phụ thuộc vào bản thân công sức mà một người bỏ ra, mà chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố liên quan khác như chất lượng thiết bị, sự quản lý, và những người lao động xung quanh. VD: Một công nhân trong nhà máy công nghệ cao sẽ làm ra nhiều sản phẩm trong một giờ hơn công nhân ở nơi có máy móc lỗi thời.
- "Người giàu" và "người nghèo" thường được nói tới như hai tầng lớp khác nhau, nhưng họ có thể là cùng một nhóm người trong những giai đoạn cuộc đời khác nhau. VD: 3/4 lao động Mỹ thuộc nhóm 20% người thu nhập thấp nhất năm 1975 cũng nằm trong nhóm 40% dân số thu nhập cao nhất tại thời điểm 16 năm sau. Tăng thu nhập là điều dễ hiểu bởi người lao động đã có thêm nhiều năm tích luỹ kinh nghiệm làm việc và mở rộng tệp khách hàng.
- "Câu hỏi 'có hay không sự bình đẳng trong thu nhập giữa các giới' rất khó trả lời, bởi vì sự khác biệt trong việc lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn giáo dục, và có liên tục làm việc hay không đều ảnh hưởng đến thu nhập." VD: phụ nữ có mong muốn làm mẹ có xu hướng chọn nghề mà họ có thể tiếp tục làm sau vài năm nghỉ chăm sóc con nhỏ, chẳng hạn giáo viên. Còn nghề như kỹ sư máy tính kém hấp dẫn hơn bởi khả năng cao họ sẽ bị tụt hậu sau thời gian ngắn.
- Sản xuất cái gì cũng cần lao động, nhưng chỉ lao động không thôi là chưa đủ, mà phải có nguồn tư bản (capital) như máy móc, tư liệu, vv. "Tư bản bổ sung cho lao động, nhưng nó cũng cạnh tranh việc làm với lao động." Do sự khan hiếm của hai yếu tố này ở các quốc gia có sự khác biệt, các nước nghèo nhiều lao động hơn có xu hướng tiết kiệm tư bản, còn nước giàu nhiều tư bản thường tiết kiệm lao động.
Người ở nước giàu có xu hướng sử dụng một chiếc ô tô trong thời gian ngắn hơn người ở nước nghèo, bởi việc sửa chữa thường đòi hỏi người làm bằng tay, không đem lại lợi thế kinh tế nhờ quy mô, dẫn đến chi phí cao hơn khi mua mới một sản phẩm sản xuất mới hàng loạt. Việc nước giàu bán ô tô đã qua sử dụng cho nước nghèo có thể là một cách xử lý hiệu quả cho cả đôi bên.
<2> Luật tiền lương tối thiểu (ở Mỹ và một số quốc gia phát triển)
Ý chính: Tỷ lệ thất nghiệp tăng khi các quốc gia quy định mức lương tối thiểu cho lao động, hoặc tăng khoản trợ cấp bắt buộc mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động. Rất nhiều người cho rằng chính sách này giúp đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhưng thực chất nó chỉ có lợi đối với những lao động trình độ cao đang sẵn có việc làm. Còn những lao động thiếu kỹ năng đang thất nghiệp khó có thể xin vào một công ty sẵn sàng trả cho họ mức lương tối thiểu theo quy định. Hệ quả là những người nghèo nhất, ít kinh nghiệm làm việc nhất và sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn lại càng khó tìm việc và lâm vào tình cảnh khốn khó hơn nữa.
<3> Những vấn đề đặc biệt trong thị trường lao động
- Tỷ lệ thất nghiệp không bao giờ về 0 bởi luôn có tình trạng thất nghiệp tạm thời (khi người mới ra trường chưa thể tìm được việc ngay, doanh nghiệp chưa tìm được lao động phù hợp với vị trí cần tuyển, vv.)
- Mọi tiến bộ về công nghệ đều khiến một lượng lao động mất việc, nhưng đó chỉ là tác động ngắn hạn bởi việc làm không hề biến mất. VD: Khi ô tô ra đời, việc làm của người nuôi ngựa và sản xuất xe ngựa, yên ngựa, vv. chắc chắn bị ảnh hưởng, nhưng lại xuất hiện những ngành liên quan khác đòi hỏi rất nhiều lao động như sản xuất xăng, pin, dịch vụ sửa xe, vv.
- Nhiều công ty để lao động hiện tại làm thêm giờ thay vì thuê thêm lao động mới bởi số tiền lương ngoài giờ họ phải chi trả ít hơn chi phí cố định khác như phúc lợi cho nhân viên mới - những người họ có thể phải sa thải khi nhu cầu tiêu dùng giảm. Tuy nhiên, những lao động làm công việc đặc thù như phi công hay lái tàu bị giới hạn số giờ làm việc liên tục để tránh gây nguy hiểm.
- Ở các quốc gia nghèo nơi người lao động chấp nhận mức lương thấp hơn nơi khác hoặc môi trường làm việc tồi tệ, điều kiện làm việc và tiền lương sẽ được cải thiện khi có nhiều công ty đa quốc gia đặt nhiều nhà máy hơn ở nước này, bởi họ phải cạnh tranh với nhau để giành nguồn lao động ngày càng giàu kinh nghiệm.
- Xã hội công nghiệp ngày một hiệu quả nhờ luôn tìm kiếm những cách thức tốt hơn để sản xuất ra nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bởi vậy nên không thể duy trì một lượng lao động làm việc giống nhau theo cách giống nhau trong thời gian dài. Nhiều người đang chuyển nhiều công việc khác nhau thay vì dựa vào an ninh việc làm của một ngành nghề cụ thể. Ở một số nơi có luật an ninh việc làm chặt chẽ, doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro khi thuê lao động mới (tức phải bồi thường rất nhiều tiền nếu sa thải), nên họ có xu hướng cho nhân viên hiện tại làm thêm giờ, hoặc thay thế lao động bằng vốn tư bản (thiết bị, máy móc, vv.). Hệ quả là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Không có nhiều người dân hiểu được điều này, một số cực đoan còn bạo động khi chính phủ nới lỏng luật an ninh việc làm để đối phó với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao (Paris - 2006).
-----
<<Bài tiếp nối: (P4) Thời gian và rủi ro>>