"Từng có người chỉ ra rằng Newton không phải người đầu tiên nhìn thấy quả táo rơi. Sự nổi tiếng của ông chủ yếu đến từ việc ông là người đầu tiên hiểu được ý nghĩa của nó."
Dưới đây là tổng kết ngắn gọn của tôi về Phần I cuốn Ba$ic Economics của Thomas Sowell (bản dịch tiếng Việt của Happy Live) nhằm giúp bản thân ghi nhớ những nguyên tắc "hiển nhiên" mà mình mới chỉ biết chứ chưa thực sự hiểu về giá cả và thị trường. Nếu có đọc được bài này, hy vọng bạn sẽ thấy hữu ích và tìm đọc trọn vẹn cuốn sách.
<1> Không hề có lượng cung hay cầu khách quan và cố định. Cung tỷ lệ thuận với giá cả, còn cầu tỷ lệ nghịch với giá cả.
VD1: Trong một vùng định cư ở Israel, người ta tự sản xuất thực phẩm và điện để cung cấp cho nhau mà không dùng giá cả. Lượng tiêu thụ ban đầu rất lớn, nhưng sau đó đã giảm mạnh khi hai sản phẩm này có giá.VD2: Khi giá dầu giảm xuống một mức nhất định, các giếng dầu có năng suất thấp sẽ bị đóng cửa để tránh việc chi phí khai thác vượt quá giá dầu có thể bán. Giếng chỉ hoạt động trở lại khi giá tăng.
<2> "Giao dịch kinh tế không phải là một quá trình có tổng bằng 0, khi mà mất mát của người này lại là lợi ích thu được của người kia." Không tồn tại cái gọi là giá trị thực hay khách quan. Khi bạn sẵn lòng trả 10 đồng để mua sản phẩm X, rõ ràng với bạn X có giá trị hơn 10 đồng, còn người bán sẵn lòng bán X vì với họ 10 đồng có giá trị hơn X. Giao dịch này chỉ thành công khi cả 2 bên nhận được giá trị xứng đáng theo cảm nhận chủ quan.
<3> Giá cả giúp nền kinh tế phức tạp tự động vận hành mà không cần bất kỳ trung tâm điều khiển nào.
- Trong thị trường tự do, một nhà bán có thể đặt bất cứ giá nào cho sản phẩm & dịch vụ của mình, nhưng chỉ bán được khi mức giá đó nằm trong giới hạn người mua sẵn lòng chi trả. Nếu bán một loại hàng hoá cụ thể với giá thấp nhất, người ta có thể bán được hàng trên toàn cầu. Bởi thế mà người ở một quốc gia có thể sử dụng các loại sản phẩm khác nhau từ khắp nơi trên thế giới.
- Giá cả tự động điều hướng nguồn lực. Khi đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm với những tính năng khác nhau, nhà sản xuất không thể biết chắc người dùng sẽ yêu thích tính năng nào. Khi nhiều người muốn dòng A, họ sẽ bán được với mức giá đủ bù đắp chi phí và có lãi. Còn với dòng B không bán ế ẩm, họ buộc phải giảm giá thanh lý dù phải chịu lỗ. Từ đó mà về sau nhà sản xuất ra quyết định ngừng đầu tư vào B để tập trung nguồn lực vào A.
<4> "Một nền kinh tế được lên kế hoạch hoạt động phù hợp nghe có vẻ hợp lý hơn một nền kinh tế mà trong đó giá cả điều phối hàng triệu quyết định riêng biệt liên quan đến các cá nhân và tổ chức khác nhau." Thực tế là, chẳng người đứng đầu nào có đủ chuyên môn để theo dõi và ấn định mức giá cho hàng triệu sản phẩm, hay quyết định chính xác số lượng nguồn lực cần sử dụng để tạo ra một sản lượng nhất định.Trong thời kỳ kinh tế Liên Xô, nguồn lực khan hiếm (trong đó có con người) do chính phủ quyết định, ước tính mỗi doanh nghiệp đều thừa 5-15% lao động. Để tạo ra một tấn đồng, họ sử dụng khoảng 1000 kWh năng lượng điện, trong khi Tây Đức (nơi có hệ thống kinh tế do giá cả điều phối) chỉ tốn 300 kWh. Sự lãng phí này khiến người dân Liên Xô phải trả giá rất đắt và sống mức sống thấp.
<5> Chính phủ có thể kiểm soát giá với ý định tốt là bảo vệ lợi ích của một nhóm đối tượng, nhưng hệ luỵ của việc làm này là vô cùng nghiêm trọng.
- Khi chính phủ muốn đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất, họ có thể mua lại một lượng lớn sản phẩm để giữ giá cao hoặc quy định giá sàn, nhưng nhiều người tiêu dùng lại không muốn/không có khả năng mua ở mức giá đó, gây hiện tượng dư thừa. Dư thừa ở đây không phải là thừa mứa dùng không hết, mà là thừa hàng hoá trên mức giá sàn.
VD: Đầu thế kỷ XXI, chính phủ Ấn Độ áp dụng chính sách trợ giá lúa mỳ và gạo, lượng dự trữ ngũ cốc cao gấp 4 lần dự trữ khẩn cấp cần thiết của quốc gia. Số lương thực đó nằm yên trong kho nhiều năm đến mức mốc meo, trong khi người nghèo Ấn Độ suy dinh dưỡng và chết đói do không có đủ tiền mua.
- Khi chính phủ muốn tạo điều kiện để nhiều người tiêu dùng tiếp cận được một loại sản phẩm ở mức giá "hợp lý" hơn, họ có thể đặt giá trần cho sản phẩm đó. Khi giá giảm, nhiều người muốn mua hơn, nhưng người bán lại không muốn bán do thấy lợi nhuận thu được không thoả đáng, gây hiện tượng "thiếu hụt". Thiếu hụt ở đây không phải là không có theo nghĩa vật lý, mà là thiếu hàng hoá dưới mức giá trần.
VD: Khi Mỹ áp dụng chính sách kiểm soát giá nhà, nhiều người để mặc căn nhà trống của mình thay vì bán hoặc cho thuê, trong khi số người phải ngủ ngoài đường hay chen chúc trong các khu ổ chuột ngày một tăng thêm.
<6> Phân biệt: Thiếu hụt vs Khan hiếm
Khác với thiếu hụt - một hiện tượng về giá cả, khan hiếm là hiện tượng số lượng hàng hoá ít hơn so với dân số, thường xảy ra do một nguyên nhân bất ngờ không lường trước.
VD: Khan hiếm nhà ở xảy ra khi một khu vực bất ngờ xảy ra thiên tai, khiến số người mất nhà nhiều hơn số nhà hiện có sẵn để bán. Đây là động lực thúc đẩy người ta xây nhà mới, tu sửa và cho thuê không gian trống.
<7> Mục đích của kinh tế học là phân tích hệ quả của những cách phân bổ nguồn lực hữu hạn, hướng tới tối ưu tính hiệu quả, và không có liên hệ đến các giá trị đạo đức.
- Nhiều người cho rằng việc tăng giá hàng hoá ở nơi xảy ra thiên tai là hành động tham lam, cơ hội của người bán. Tuy nhiên, tăng giá là quy luật thị trường tất yếu để bù đắp chi phí huy động nhân lực và vật lực chuyển hàng từ nơi dồi dào đến nơi khan hiếm. Nếu mức giá giữ nguyên ở mức thấp, người bán sẽ không có động lực chi thêm nguồn lực, còn người mua đến trước sẽ có xu hướng tích trữ quá mức, khiến những người đến sau không còn hàng mà tiêu dùng. Giá cả tăng cao buộc người ta phải suy xét và mua số lượng hợp lý.
- Người nghèo phải chi trả nhiều tiền hơn cho nhiều loại hàng hoá và dịch vụ so với người giàu. Ở những khu thu nhập thấp, chi phí kinh doanh thường cao hơn do phải trả phí đảm bảo an ninh, hay do giá trị giao dịch thấp hơn trong cùng một đơn vị thời gian, vv.
VD: Một công ty tài chính phải mất rất nhiều thời gian làm thủ tục cho 50 người nghèo vay $100, thay vì cho 1 người trung lưu vay $5000, bởi vậy mà họ có thể phải áp mức lãi suất cao hơn để bù đắp chi phí thời gian. Nguyên tắc kinh tế học này bị nhiều người gọi là "bóc lột" hay "bất lương" để giải toả cảm xúc cá nhân hoặc khoa trương đạo đức.
<8> Trong kinh tế học, không có giải pháp, chỉ có sự đánh đổi
Một nguồn lực khan hiếm có thể được sử dụng theo nhiều cách để đáp ứng những nhu cầu khác nhau. Nếu tập trung nguồn lực cho nhu cầu A thì sẽ luôn có những nhu cầu B, C, D chưa được đáp ứng.
VD: Nếu chọn giải quyết nhu cầu bãi đậu xe bằng cách phá bỏ các toà nhà để xây thêm ga-ra, chính phủ sẽ phải đánh đổi cơ hội xây thêm trường học và bệnh viện. Còn nếu chọn chi tiêu cho trường học và bệnh viện, họ buộc phải tìm biện pháp khác rẻ hơn cho vấn đề chỗ đậu xe, chẳng hạn cấm ô tô trong nội thành.
Chi phí thực sự ở đây chính là những cơ hội bị bỏ qua với cùng lượng nguồn lực, và nguồn lực sẽ luân chuyển theo từng thời điểm từ A sang B hay từ B sang C tuỳ vào độ quan trọng được gán cho mỗi nhu cầu.
<<Bài tiếp nối: (P2) Công nghiệp và thương mại>>
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất