Bác sĩ: “Mẹ cháu bị ung thư !”
Vào khoảnh khắc này hai tuần trước nó khóc như muốn ngất lịm đi, đầu óc của nó thật sự không muốn nghĩ nhưng cái viễn cảnh nhiều người...
Vào khoảnh khắc này hai tuần trước nó khóc như muốn ngất lịm đi, đầu óc của nó thật sự không muốn nghĩ nhưng cái viễn cảnh nhiều người đang đứng khóc thương một người nằm im bất động cứ lảng vảng bám lấy nó. Hai chữ “ung thư” có ma lực của tử thần hay sao mà khi bị gán lên mình hai chữ đó ai cũng trở nên suy sụp và bế tắc. Phải, ngay tại thời điểm đó nó đã tin là như vậy, nó khóc vì nó nghĩ rằng má sắp mất chứ không phải khóc vì má bị ung thư. Cả gia đình và hơn hết má của nó trong phút chốc suy sụp hẳn đi, cả một đời má than khổ cực muốn chết đi để giải thoát thế mà khi nghe bệnh án không thể tin mình sắp phải rời xa những người má yêu thương nhất. Nó thì thương má sợ má sẽ đau đớn, cả cuộc đời sống tròn vai người vợ đảm đang, người mẹ hết mực yêu thương con cái, và cả trụ cột vững chắc của gia đình, trên vai đè nặng bao nhiêu lo âu thế mà giờ cái cơ thể ấy còn phải vật lộn với những cơn đau và khó thở. Thật bất công!
Trong khoảng thời gian đầu tiếp nhận hai chữ “ ung thư “ nó thật sự không kiểm soát được cảm xúc và nhốt mình khóc mãi, mặc dù chẳng phải cơ thể mình chịu đau đớn, chỉ là dằn vặt và nghĩ về những lần phạm lỗi trong quá khứ, nghĩ về bản thân của hiện tại có phải đang mải mê lao đầu vào vật lộn với cuộc sống mà người ta gọi là trưởng thành. Đi học rồi làm đồ án rồi đi làm thêm rồi cứ mải mê suy nghĩ và đặt mục tiêu bản thân sẽ trở thành người thế này, sẽ trở thành người thế kia, sẽ phấn đấu đạt được một điều gì đó, nhưng chưa bao giời trong cái list mục tiêu ấy có mục dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.
Nó trốn về quên ngoại, chỉ là nó muốn trốn khỏi thực tại một ngày thôi, rồi nó sẽ trở lại và mạnh mẽ hơn nữa để chăm sóc má. Khi người lớn bên ngoại biết chuyện và thấy tâm trạng nó như thế, họ không khóc lóc than thở, họ nói cuộc đời của một con người sống chết là điều đương nhiên, chính sự suy sụp này của con khiến má con nhìn thấy mới đau lòng hơn, vả lại cả người bệnh lẫn người nhà cần phải lạc quan lên, nếu đã biết bệnh của mình rồi thì việc cần làm vẫn là sống chung với nó và chấp nhận nó thôi. Mọi người vẫn luôn ở đây để giúp đỡ, có cần gì thì cứ gọi nhé, mọi người sẽ cầu nguyện cho nhà con. Đêm hôm đó nó khóc thật to và thật lâu để ngẫm nghĩ, rồi sáng mai đối mặt với thực tại, đối mặt với việc bản thân nên bỏ lại sự suy sụp ấy đi mà dành chỗ cho sự mạnh mẽ để làm chỗ dựa, để chăm sóc một người bệnh.
Đọc thêm:
Ba ngày sau, má nhập viện, lần đầu tiên trong đời đi làm thủ tục nhập viện, một nơi đông người đến lạ thường, một nơi xa lạ mà bản thân sắp phải gắn bó. Bệnh nhân giường 33, sau này thành tên gọi mỗi khi y tá hay bác sĩ gọi ra đưa thuốc hay báo bệnh tình, và nó có cái tên là thân nhân giường 33. Phòng bệnh có 6 giường tương đương với 6 bệnh nhân, bệnh nhân giường 30, bệnh nhân giường 31, cứ thế tiếp tục cuối cùng là bệnh nhân giường số 35. Có phải khi lâm vào tình trạng bệnh tật và già yếu thì con người ta sẽ cởi mở hơn đúng không? Nó nghĩ vậy, mọi người ở đây tiếp đón và chào hỏi nhau cứ như đã quen biết từ lâu, mặc cho mọi thứ xa lạ và bỡ ngỡ là thế nhưng chí ít trong này có chút gì đó thân thuộc. Sau màn chào hỏi là màn hỏi han bệnh tình, bệnh nhân nào yếu thì người nhà hỏi han dùm nhau, và thế là trở nên quen biết. Có lẽ nếu một người yếu đuối mà thấy có người khác yếu đuối hơn thì ít nhiều họ sẽ cảm thấy bản thân còn chút may mắn hơn nhiều người. Sau khi vào đây và thấy xung quanh là những bệnh nhân gầy gò ốm yếu vì hóa trị nhưng tâm trạng họ không ủ dột nên tinh thần má tốt hơn, má lại nói chuyện được mà không còn khàn khàn nữa, má đi lại chầm chậm được. Không biết bằng một sức mạnh nào đó, chắc là sức mạnh của sự lạc quan, má dần lấy lại tinh thần, mặc dù trong đây bệnh nhân nào cũng gầy gò và ốm yếu vì hóa tị liệu, thoạt nhìn ai cũng sẽ nghĩ bản thân mình mà bị bệnh sẽ trở nên da bọc xương như thế ? sẽ đau đớn như thế
Một phác đồ điều trị ung thư hóa trị liệu sẽ có sáu chu kì, mỗi chu kì cách nhau hai mươi mốt ngày, cứ hai mươi mốt ngày sẽ lên “ dô thuốc “ hay đúng hơn là dô hóa chất, hóa chất này sẽ ngăn cản và tiêu diệt tế bào ác tính nhưng đồng thời cũng sẽ tiêu diệt các tế bào lành tính khác, hóa chất mà, làm gì biết phân biết nào lành nào ác kia chứ. Do đó cơ thể sẽ suy yếu đi trông thấy, rụng tóc và sụt ký, đó là lời giải thích cho ngoại hình những bệnh nhân phòng bệnh này. Mặc dù vậy họ vẫn sống và kiên trì điều trị, họ muốn được về nhà, họ muốn được kéo dài thời gian hơn với gia đình. Chú giường 32 đã dô thuốc lần thứ sáu, lần này xuất viện có lẽ sẽ hơi lâu mới vào lại, khi nào tái phát tiếp thì lại tiếp tục một chu trình khác. Trước khi xuất viện một vài ngày, chú bắt chuyện với nó, hỏi han việc học và rồi chú kể về con gái chú tài giỏi ra làm sao, thương ba mẹ cỡ nào, đi du học mà vừa đi làm vừa đi học thấy thương nhưng vẫn hay mua quà gửi về cho bố mẹ. Chú yếu đến nỗi mỗi hơi chỉ phát âm ra đươc hai tiếng, thế mà cứ vậy liên hồi mười phút chú dành hơi đó để kể về con gái chú. Chẳng một lời than thân trách phận, chỉ là sống chung với bệnh tật thôi, hy vọng khỏe lại để con gái còn về thăm, đó là lý do chú đang cố gắng, đó là hy vọng của chú. Hầu như mọi người ở đây đều là ngưởi tỉnh lẻ lên Sài Gòn chữa bệnh, cho dù nhập viện một tuần hay một tháng hay một năm thì cũng chỉ nhìn thấy một bệnh nhân và một thân nhân duy nhất. Mỗi bữa trưa thì cả phòng mỗi giường trải một cái chiếu xuống kế bên, mỗi nhà mỗi món, nói cho sang vậy thôi chứ là đồ ăn căn tin bệnh viện phát, bày ra ngồi xuống ăn.
Đọc thêm:
Về phần nhà nó thì mỗi ngày nó đều đi chợ nấu đồ ăn trưa và tối mang vào, nhờ vậy mà từ một đứa không biết nấu ăn dần dần tham khảo rồi nấu được, có khi nhờ biến cố này mà nó lại nấu ăn ngon cũng nên. Nó chỉ muốn chia sẻ về căn bệnh ung thư và hơn hết là cách nhìn của mỗi người về căn bệnh này, chấp nhận và sống tiếp hay suy sụp và chết đi trong lo âu. Thời gian trôi qua chú giường 32 xuất viện, ngồi trên xe lăn vẫy vẫy tay chào mọi người, “ ở lại cố gắng lên nhá, mau khỏi bệnh, mau khỏi bệnh” tươi cười vẫy tay, nhìn vào là thấy sự mừng vui trong đó. Mặc dù chỉ là xuất viện điều trị ngoại trú thôi mà những tưởng chú khỏi hẳn bệnh rồi ấy, lần lượt chú giường bệnh 31 cũng xuất viện, cô giường 34, cô giường 35 cũng sau đợt dô thuốc sẽ về nhà hai mươi mốt ngày sau lại lên tiếp nhưng cái cảm xúc phấn khởi mà hai từ “ xuất viện” nó có mãnh lực khiến con người trở nên vui vẻ hơn thì phải. Người đi rồi thì lại có người khác thay thế và lại bắt đầu làm quen “ hàng xóm “ mới, hỏi han giúp đỡ nhau, má cũng vui vẻ hơn, người thân biết bệnh tình gọi điện hỏi han nói chuyện, mọi người vẫn luôn bên cạnh má, mọi người cầu nguyện cho má.
Sức mạnh của hy vọng, sức mạnh của sự quan tâm chia sẻ nó không nghĩ lớn đến vậy, sự lạc quan và chấp nhận cứ như đó là một phần của cơ thể và sông tiếp. Đâu cần biết là giai đoạn mấy, đâu cần hỏi xem sống được bao lâu, chỉ cần mỗi ngày trôi qua không để lãng phí thời gian cho sự ủ dột, sầu muộn và âu lo. Khi mới biết bệnh tình chắc ai cũng sẽ có khoảng thời gian hụt hẫng và khủng hoảng, cứ khóc đi cứ buồn đi, bởi vì cảm xúc đâu phải cứ nói là sẽ nghe. Thế nhưng hy vọng sau thời gian khủng hoảng ấy những người mắc bệnh và người nhà hãy chấp nhận và lạc quan lên, không phải đối phó mà là đồng hành. Giờ nghĩ lại đây có lẽ là khoảng thời gian nó bên cạnh má nhiều nhất, trước đây nó cứ mải chạy theo yêu cầu của xã hội ngoài kia mà quên mất hỏi han sức khỏe của người thân. Nó vẫn luôn cầu nguyện cho ba má, cho gia đình mình luôn khỏe mạnh và sống thật lâu, sự thật vẫn là họ vẫn luôn ở đó, họ vẫn sống và bên cạnh nó chỉ là nó không dành thời gian nhiều cho họ mà thôi, lời cầu nguyện đó có ích kỷ quá không? Một cuốn sách với tựa đề rất hay dạo gần đấy nó đang đọc, “ ung thư không phải là bệnh, mà là sự chữa lành”, đúng thế, là chữa lành.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất