Một buổi chiều đầu tháng 5 năm 2020, trên tuyến đường từ bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đến bến xe An Sương, có hai mẹ con nọ chở nhau trên chiếc xe máy trong cơn mưa lất phất đầu mùa. Cơn mưa đã ùa đến bất chợt như khóc thay cho nỗi lòng người con trai khi biết rằng mẹ bị ung thư vú giai đoạn 2.
Trước đó hai tuần mình và mẹ có đến khám tại chuyên khoa vú, Đại học Y Dược TP.HCM. Bác sĩ nói mẹ cần làm xét nghiệm sinh thiết để có kết quả chính xác cho cục bướu có đường kính tầm 1cm ở vú phải. Đó cũng là lần đầu tiên mình nhìn thấy mẹ đau đến như vậy. Mẹ nói khi bác sĩ đưa mũi kim rất to vào ngực thì mẹ đã như ngất đi vì quá đau, chưa bao giờ mẹ đau đến như vậy. Lòng mình thắt lại nhưng cố gắng nhủ mẹ ‘không sao rồi mẹ! chỉ xét nghiệm cho chắc thôi chứ con nghĩ đó chỉ là nang vú bình thường thôi’, và thật sự mình cũng nghĩ như vậy. Hai tuần tiếp theo cả mẹ và mình đều có chút lo lắng, nhưng mình nghĩ ở hiền gặp lành nên mẹ chắc chắn sẽ không sao.
Cô trợ lý bác sĩ bước ra gọi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân – chính là mẹ con mình – vào phòng để bác sĩ trả kết quả. Mình đã nghe rõ một tiếng nổ ‘bụp’ bên tai và thật sự khó thở như bị bóp nghẹt khi bác sĩ nói mẹ mình bị ung thư giai vú giai đoạn 2. Bước ra khỏi phòng, mình thật sự đi không vững, trong một thoáng chốc trong đầu mình xuất viện nhiều viễn cảnh đen tối mà ở đó mẹ không còn bên cạnh mình nữa. Mình nhìn sang mẹ, mặt mẹ méo xẹo, mẹ cứ luôn miệng ‘Vậy mà ông bác sĩ T (một bác sĩ dưới quê mình, thuộc chuyên khoa ung bướu bệnh viên Ung Bướu TP.HCM, có phòng khám tư ở quê vào cuối tuần) nói với mẹ chỉ là nang bình thường thôi!’.
Trên đường chở mẹ ra bến xe An Sương để về lại Tây Ninh, mình đã khóc nức nở vì căn bệnh quái ác này lại xảy đến với mẹ mình. Mình không dám hỏi mẹ, vì mình biết bất kỳ câu trả lời nào của mẹ bây giờ cũng đều sẽ rất buồn.

Đọc thêm:

Hai tuần sau, mình cùng mẹ quay lại bệnh viện Đại học Y Dược để làm hồ sơ mổ lấy cục bướu ra như phát đồ mà trước đó bác sĩ đã tư vấn. Sau một đêm ngủ lại bệnh viện để nghe hướng dẫn của bác sĩ, sáng hôm sau mẹ được đưa vào phòng mổ từ sớm nhưng đến trưa cuộc phẫu thuật mới diễn ra và phải mất 4-5 tiếng sau đó mẹ mới tỉnh lại để mình có thể vào chăm mẹ. Tạ ơn trời phật vì cuộc phẫu thuật diễn ra suôn sẻ. Nhìn mẹ nằm trên giường bệnh có cái mền trắng đắp ngang người mà lòng mình đau xót nhưng rồi cố trấn an bản thân cơn đau đã qua rồi, mà không hề biết rằng chặng đường chiến đấu với ung thư chỉ mới vừa bắt đầu.
Theo phát đồ điều trị, sau phẫu thuật sẽ là giai đoạn hoá trị và xạ trị. Mình trước đó đã tìm hiểu về hai hình thức điều trị này trên mạng và mình biết được cả hai đều có những tác dụng phụ rất nặng, gây ra những tổn thương cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh. Có những bệnh nhân không chết vì ung thư mà chết vì không chịu nổi được tác dụng phụ của hai hình thức điều trị này. Biết như vậy, nhưng mình đã cố gắng lựa lời để làm mẹ bớt lo lắng vì tinh thần lúc bấy giờ rất quan trọng.
Như các khoa điều trị khác, khoa hoá trị của bệnh viện Đại học Y Dược cũng rất đông. Mình tự hỏi số người bị ung thư nhiều một cách đáng sợ vậy sao? Mỗi lần tới đợt hoá trị là mẹ phải dậy từ 5 giờ sáng để bắt xe lên thành phố rồi sau đó 7 giờ mình từ Tân Bình qua với mẹ. Cũng phải mất 3-4 tiếng cho việc xét nghiệm và chờ đợi mẹ mới được truyền thuốc và thuốc truyền xong cũng đã 3-4 giờ chiều. Cứ cách 3 tuần mẹ lại quay lại bệnh viện để được truyền thuốc một lần, cứ như vậy 4 lần truyền thuốc đầu tiên của mẹ cũng xong. Mình còn nhớ mẹ đã thật sự khủng hoảng tinh thần trong lần truyền thuốc đầu tiên khi tóc mẹ cứ rụng dần mỗi ngày. Không để mình rơi vào tình trạng bị động, mẹ đã lựa chọn cạo đi mái tóc của mình trước khi sợi tóc cuối cùng rơi xuống. Mẹ đã thật dũng cảm dù rằng sau đó là một khoảng thời gian dài tự ti và mặc cảm vì mái tóc mà mẹ đã từng rất yêu thích bây giờ đã không còn nữa mà thay vào đó là một bộ tóc giả dù đắt tiền nhưng vẫn không phải là tóc của mình. Những ngày sau đó, dù đã cố gắng vui vẻ nhưng mẹ vẫn hay tiếc rẻ mái tóc của mình, còn mình thì chỉ biết an ủi mẹ cố lên rồi tóc sẽ mọc lại, rồi mẹ sẽ lại có một mái tóc đẹp sớm thôi. Điều mình lo hơn hết là sức khoẻ của mẹ. Quả thật, tác dụng phụ của thuốc hoa trị quá kinh khủng. Mẹ không thể ăn uống trong 1 tuần sau khi truyền thuốc, hai tuần sau đó thì tình hình có đỡ hơn một chút dù mẹ vẫn rất mệt mỏi, chóng mặt và mất ngủ vào ban đêm. Có lần mẹ nói: ‘Cứ thấy khoẻ khoẻ lại là biết chuẩn bị truyền thuốc đợt tiếp theo rồi’. Vì làm việc ở thành phố, nên mình chỉ có thể gọi Facetime cho mẹ mỗi ngày để hỏi thăm tình hình của mẹ. Mẹ vẫn kiên cường như trước giờ vẫn vậy dù bây giờ sức khoẻ đã không còn tốt nữa. Mẹ vẫn lạc quan và vui vẻ, chịu đựng nỗi đau thể xác như rằng nó phải xảy ra như vậy. Mình thật sự thán phục mẹ, và mình cũng tự hỏi nếu mình trong hoàn cảnh của mẹ chắc chắc mình sẽ bi quan và tuyệt vọng, không thể như mẹ được.
Sau 4 lần truyền hoá chất, bác sĩ chuyển mẹ sang bệnh viện Quân đội 175 để tiến hành xạ trị trong 5 tuần trước khi quay lại hoá trị thêm 4 lần nữa. Vì lịch xạ trị khá dày đặc, 5 ngày/tuần từ thứ 2 đến thứ 6, nên để tiện cho việc đi lại, mẹ đã qua chỗ mình ở rồi cuối tuần mới về quê. Mình cũng an tâm hơn khi ở cùng mẹ trong thời gian đó vì có thể bênh cạnh và nói chuyện với mẹ dù bản thân biết rằng thật ra mẹ mạnh mẽ hơn mình nhiều. Xạ trị có vẻ ít tác dụng phụ hơn hoá trị, một phần là do mình lựa chọn gói xạ trị đắt tiền hơn cho mẹ. Năm tuần gần như trôi qua một cách nhẹ nhàng cho đến khi còn lại hai lần xạ trị cuối cùng. Vì máy cao cấp (mình tạm gọi như vậy) bị hư nên mẹ phải xạ trị với máy thường trong hai ngày cuối và chính hai ngày này đã làm mẹ mình bỏng rất rặng. Vết bỏng đỏ xạm và loét ra cả vùng cổ và nách, khiến mẹ đau đớn vô cùng. Một lần nữa mình ước mình có thể san sẻ những cơn đau mà mẹ đã trải qua. Tuy nhiên, trong thời gian xạ trị có le lói một điểm sáng làm mẹ mình rất vui đó là mẹ thấy tóc bắt đầu mọc lại. Mẹ nói: ‘Mẹ ráng thêm 4 lần hoá trị nữa! Từ đây tới tết năm sau là mẹ có tóc tém rồi’. Thấy mẹ vui mà lòng mình hứng khởi vô cùng.

Đọc thêm:

Quay lại với bệnh viện Đại học Y Dược cho 4 lần hoá trị cuối cùng, mọi thứ vẫn vậy, vẫn đều đặn 3 tuần/lần. Trước đó mẹ cũng có nói: ‘Nói tới hoá trị mẹ ớn lắm rồi, nhưng thôi ráng chứ biết sao giờ!’. Thôi thì ráng lên mẹ hén. Vậy là 3 tháng trôi qua, lần hoá trị cuối cùng cũng xong. Cả hai mẹ con đều vui mừng vì phát đồ điều trị ban đầu đã hoàn thành, nhưng niềm vui không kéo dài được lâu khi lần tái khám 3 tuần sau đó bác sĩ nói ở cổ mẹ có một cục hạch nhỏ. Vì sợ di căn, nên bác đã đề nghị mẹ làm xét nghiệm sinh thiết để chắc chắn. Tay chân mình rụng rời vì mình không nghĩ tình huống này sẽ xảy ra, mình không thể tưởng tượng được cảnh mẹ mình rồi sẽ lại đau đớn và buồn bã. Mình hỏi bác: ‘Nếu đó là di căn thật thì sao hả bác? Là mình phải điều trị lại từ đầu, lại hoá trị và xạ trị hả bác?’. Bác trả lời: ‘Cứ bình tĩnh, chưa có kết quả mà nên không cần phải lo lắng đâu’. Nhưng mình biết tính mình, mình có xu hướng nghĩ quá và tồi tệ hoá mọi chuyện, nên yêu cầu sinh thiết lần này của bác sĩ cũng làm mình điêu đứng như khi nghe bác nói mẹ mình bị ung thư trước đó không lâu. Về phần mẹ, mẹ nghe hai chữ ‘sinh thiết’ thì mặt mẹ đã tái nhợt vì trải nghiệm xét nghiệm sinh thiết lần trước của mẹ quá khinh khủng. Tuy nhiên, may thay lần này lại khác, sinh thiết ở vùng cổ không đau chút nào. Vừa ra khỏi phòng, mẹ đã nói với mình như vậy kèm theo đó là sự phấn khích mừng rỡ như đứa con nít đi chích ngừa mà không đau.
Hai tuần tiếp theo là hai tuần mình tiếp tục sống trong sợ hãi, mình lo rằng nếu kết quả là ung thư di căn thì mình phải làm thế nào, mẹ mình sẽ ra sao đây. Nhưng, lần này ở hiền gặp lành rồi mẹ ơi, đó chỉ là một nang bình thường ở cổ theo lời bác sĩ. Mình cảm giác mình đã trút bỏ được gánh nặng trong lòng mình, và mẹ mình cũng vậy.
Hiện tại, mẹ đang uống thuốc nội tiết do bác sĩ kê đơn và có lịch tái khám đều đặn, tình hình vẫn đang rất tốt theo như kết quả xét nghiệm định kỳ. Tóc mẹ thì đã mọc dày lên, đen phủ hết cả đầu, cứ đà này thì không lâu nữa mẹ có thể tự tin bỏ đi tóc giả, tự tin chụp hình trong gió rồi mẹ nhỉ.
___
Một năm đồng hành cùng mẹ chống chọi với bệnh ung thư đã giúp mình ngộ ra nhiều điều mà có lẽ quý giá nhất là các bài học về tình cảm gia đình. Thứ nhất, nếu chúng ta may mắn có một gia đình để yêu thương thì xin hãy yêu thương hết lòng và không chờ đợi đặc biệt là với ba mẹ của mình. Có thể chúng ta còn rất nhiều thời gian để nghĩ cho tương lai sau này nhưng họ không còn nhiều thơi gian nữa, và chúng ta cũng không hề biết lần gặp nào sẽ là lần gặp cuối cùng. Thứ hai, nỗi đau thể xác là không thể san sớt. Ngoài việc đau lòng khi nhìn thấy người mình yêu thương lên cơn đau lúc nửa đêm hay những cơn chóng mặt bất ngờ, chúng ta không thể làm gì khác hơn, chúng ta không thể gánh cho họ dù là một chút. Thứ ba, chúng ta nên học cách an ủi người khác một cách không sáo rỗng và điều đầu tiên cần làm là hãy lắng nghe nhiều hơn. Mẹ mình đau và mình biết mẹ muốn kể cho người khác biết mẹ đã đau thế nào, đó là cách giúp mẹ đỡ đau hơn.
Mẹ ơi! Mẹ đã rất dũng cảm mẹ biết không?
___
Cho những ai có người thân đang phải chống chọi với ung thư: Hãy nhớ rằng bạn không cô độc trên hành trình này, rồi mọi thứ sẽ ổn thôi dù rất có thể ở hiện tại mọi thứ có vẻ không như vậy. 
___
Mình xin gửi lời cảm ơn chân thành tự tận đáy lòng đến những người thân, bạn bè đã đồng hành cùng mình và mẹ trong suốt chặng đường khó khăn một năm vừa qua. Nếu không có mọi người bên cạnh, hẳn mọi thứ sẽ gian nan hơn rất nhiều.
han.fearless (11/4/2021)