Việt Nam có một kiến trúc sư rất nổi tiếng là ông Ngô Viết Thụ. Hồi trẻ ông theo học ngành kiến trúc tại trường Mỹ thuật Quốc gia Paris – nơi hội tụ rất nhiều tài năng nổi tiếng trên thế giới. Năm 1955, ông tốt nghiệp đại học và được giải “Khôi nguyên La Mã", tức là đạt thủ khoa Giải thưởng lớn Rôma về kiến trúc. Mà kiến trúc của Ý nổi tiếng từ xưa đến nay, có thể nói là đứng đầu thế giới, những công trình họ xây dựng trở thành những kỳ quan. Ông trở thành người châu Á duy nhất đạt được giải thưởng danh giá này. Khi người ta hỏi ông bí quyết gì để đạt được thành tích ấy thì chỉ có một điều duy nhất là hai chữ “bắt chước”. Trong thời gian đi học, ông luôn luôn vào thư viện tìm lại những bản vẽ của các bậc tiền bối đi trước, cách đó có khi cả vài chục, vài trăm năm. Ông lựa ra những bản vẽ nào được chấm điểm tối đa, xem thật kỹ rồi bắt chước vẽ lại y chang toàn bộ, không để sót điểm nào dù là nhỏ nhất. Chép xong mỗi bản ông đều lưu giữ lại rất cẩn thận rồi mới tiếp tục bắt chước những bản vẽ khác. Có thể nói ngoài giờ học ra thì ông dành rất nhiều thời gian cho việc bắt chước này. Không ngờ việc bắt chước đã tạo cho ông một bản lĩnh kỳ lạ trong việc tạo hình, bố trí không gian, tạo hình nghệ thuật và kỹ thuật kiến trúc sau này. Ông chủ nhiệm rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng để đời như Dinh Độc Lập, Chợ Đà Lạt, Viện Đại học Huế, Trường đại học Y khoa Sài Gòn... lưu dấu ấn đầy giá trị cả về kỹ thuật và nghệ thuật. Nhờ việc bắt chước mà bỗng nhiên cái giỏi của những người khác trở thành cái giỏi của ông. Nên bắt chước điều tốt thật là hay như vậy.
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người thiết kế Dinh Độc Lập
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người thiết kế Dinh Độc Lập
(Trích trong sách CON ĐƯỜNG TÂM trang 117-118 do Tiến sĩ Luật học TT THÍCH CHÂN QUANG biên soạn)