Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung không sinh ra bất cứ một nhà tư tưởng nào có tầm vóc, có lẽ vì chúng ta không có chỗ cho người đi bộ.
Cái vỉa hè rất quan trọng trong đời sống của một người lao động trí óc. Virginia Woolf, Einstein, Darwin, Beethoven, Nietzsche, tất thảy đều là những người thích đi bộ. Vì ngồi trong văn phòng hay trong nhà quá lâu bạn sẽ không nghĩ nổi cái gì nữa. Ngồi càng lâu bạn càng thấy giống ngồi trong tù. Lúc đấy bạn cần đi ra ngoài cho thư giãn, để thay đổi thứ bạn nhìn thấy trước mắt và để tiếp tục suy nghĩ. Lúc này lái xe không phải là lựa chọn, vì lái xe cần tập trung cao độ; nhất là ở thủ đô, nơi xe cộ đi ngoằn nghoèo không có quy tắc và sau các gốc cây luôn có những anh cầm dùi cui nhảy chồm ra bảo bạn đi sai luật rồi. Nếu bạn nghĩ đạp xe giúp thư giãn thì bạn đã nhầm. Đạp xe ở Hà Nội còn căng thẳng hơn lái chiến đấu cơ, vì xe cộ cứ lao vùn vụt như đang quay time-lapse và bấm còi điên loạn để cái thứ di chuyển lù lù như con rùa là bạn biết có phương tiện cơ giới đang ở đằng sau.
Cách tốt nhất để vừa thư giãn vừa trầm ngâm suy nghĩ là đi bộ, nhưng Hà Nội không có chỗ cho người đi bộ theo kiểu đấy. Bạn có thể đi bộ ra hàng tạp hóa, đi bộ ra ăn bát phở, nhưng bạn không thể đi bộ để suy nghĩ, vì bạn không có chỗ nào an toàn để làm việc ấy cả. Vỉa hè tất cả đều bị chiếm để làm hàng quán hoặc chỗ để xe. Bạn phải đi dưới lòng đường, nơi xe bus xe ô tô xe máy lao đến bạn từ sau đít và cả từ trước mặt (vì họ đi ngược chiều). Đi bộ kiểu đấy, bạn cần lo cho cái mạng sống mình nhiều hơn là lo những công việc trong đầu. Kể cả khi vỉa hè trống ra chỗ cho bạn đi, xe máy vẫn có thể bất thình lình nhảy chồm ra từ một ngõ ngách hay cửa hàng nào đấy và sẵn sàng chửi bạn là thằng mù. Với điều kiện sống khắc nghiệt như vậy, thinkers sinh ra ở Hà Nội chỉ còn cách cất óc của mình đi không dùng nữa mà thôi.
Vậy để cải thiện dân trí, có lẽ chúng ta cần làm ra những con đường có vỉa hè đi bộ đã, thay vì cải cách giáo dục và in sách giáo khoa mới vài năm một lần.