Ngày 2 tháng 8 
Bạn luôn luôn lựa chọn
***
  Hãy thử tưởng tượng rằng có một ai đó đang dí súng vào đầu bạn và nói rằng bạn phải chạy 43km trong vòng 3 giờ, nếu không hắn ta sẽ cho bạn và cả gia đình của bạn mỗi người một viên đạn vô đầu…
Nghe hơi hài hước và tệ nhỉ!
Giờ thì hãy tưởng tượng rằng bạn vừa sắm một đôi giày và bộ đồ chạy bộ mới toanh, bạn hăng hái rèn luyện suốt mấy tháng trời, hoàn thành được cuộc thi chạy Marathon đường dài đầu tiên trong đời mình trước sự cổ vũ của tất cả người nhà và bạn bè thân thiết nơi vạch đích. Wow! nghe tuyệt hơn hẳn.
Có lẻ đó sẽ là một trong những giây phút bạn thấy hãnh diện về bản thân mình nhất.
  Cũng cùng quãng đường 43km, cũng cùng một người thực hiện, cũng cùng những cơn đau nhức nơi hai bắp đùi, lưng và cả những ngón chân, nhưng khi bạn tự do lựa chọn và chuẩn bị sẵn sàng vì nó, nó trở thành niềm vui chiến thắng và là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời bạn. Còn khi bị ép buộc, nó trở thành trải nghiệm tồi tệ và đau đớn nhất trong đời bạn. (Hẵn là vậy!)
  Thường thì sự khác biệt duy nhất của một vấn để gây đau đớn hay có ý nghĩa tốt đẹp chỉ là cảm giác về việc ta lựa chọn nó, và ta phải chịu đựng trách nhiệm trước nó.
  Nếu như bạn thấy khổ sở với tình cảnh hiện tại, rất có khả năng là vì bạn cảm thấy có vài phần trong đó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn – rằng đó là một vấn đề mà bạn không có khả năng giải quyết, và theo cách nào đó, nó rơi xuống đầu bạn mà bạn không hề lựa chọn.
 Khi chúng ta cảm thấy rằng ta đang lựa chọn vấn đề của mình, ta thấy mình có được sức mạnh. Khi cho rằng các vấn đề xảy đến không như ta mong muốn, ta cảm thấy mình là nạn nhân và đau khổ.
----------
  Harland Sanders - ông chủ chuỗi KFC nổi tiếng khắp thế giới, cũng có những vấn đề. Những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Phải nó như thế vì cuộc đời của ông trải qua không biết bao nhiêu là thăng trầm và biến động.
Khi vừa lên 6 tuổi, cha của Harland Sanders qua đời nên ông phải tự lập cùng với mẹ chăm sóc cho hai người em nhỏ. Cuộc sống khốn khó khiến ông phải bỏ học từ năm 16 tuổi và bắt đầu với cuộc sống mưu sinh. Ông xin vào làm việc và liên tục bị đuổi việc 4 lần trong vòng 1 năm, đến năm 18 tuổi, ông gặp người phụ nữ của đời mình và quyết định kết hôn. Tưởng chừng sau khi lập gia đình, cuộc sống của ông và vợ sẽ sang trang mới, nhưng chỉ 2 năm sau, vợ ông đề nghị ly hôn và giành quyền nuôi con.
Vượt qua bi kịch khó khăn liên tiếp, Harland Sanders tiếp tục xin làm việc tại một quán cafe, vừa nấu ăn vừa kiêm luôn rửa chén, từ đấy, ông tìm thấy niềm đam mê của mình qua công việc nấu nướng, nó giúp ông thôi thúc nảy sinh ra các ý tưởng chế biến những món ăn nhanh với nhiều loại nước sốt hoàn hảo phục vụ các khách hàng dừng chân ở trạm xăng nơi ông đang làm việc tại Corbin, bang Kentucky. Khi ấy, vì chưa có nhà hàng nên những vị khách phải ăn trên những chiếc bàn đặt tại trạm xăng. Ngay sau đó, ông đã tạo ra “món ăn thay thế bữa ăn ở nhà” để bán cho những gia đình bận rộn. Ông gọi đó là “Buổi ăn tối ngày chủ nhật, bảy ngày trong một tuần”.
Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp thì đến năm 1950, do sự sụt giảm nghiêm trọng của nền kinh tế lúc bấy giờ khiến Harland Sanders phải bán lại toàn bộ tài sản ở Corbin với số tiền chỉ vừa đủ để đóng thuế và gia tài duy nhất còn lại chỉ là tờ séc 105 USD tiền trợ cấp xã hội!
Tưởng chừng như ở tuổi 65, khi người ta dành thời gian nghỉ ngơi, tịnh dưỡng thì Harland Sanders lại chọn con đường khởi nghiệp - sau nhiều lần thất bại. Ngồi dưới gốc cây định viết di chúc, nhưng ông lại viết ra được những dự định mình sẽ làm, chính tư tưởng đó đã giúp ông xây dựng nên một đế chế KFC vững mạnh như hôm nay. Ông nhận ra rằng, dù mất tất cả nhưng một điều duy nhất ông có thể làm tốt hơn nhiều người khác đó chính là nấu ăn.
Harland Sanders đã dùng toàn bộ tiền trợ cấp để tạo ra công thức chế biến gà rán và những gói gia vị đặc biệt, ông rong ruổi khắp nơi và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, gõ cửa từng nhà để bán công thức chế biến gà rán cho các chủ cửa hàng trên toàn bộ nước Mỹ
Với 1009 lần bị từ chối và 1009 lần rơi vào cảm giác hụt hẫng, thất vọng nhưng người đàn ông này chưa bao giờ có ý định từ bỏ niềm đam mê của mình. Và chỉ sau lần thứ 1009, ông mới nhận được cái gật đầu đầu tiên, như ngọn lửa âm ỉ cháy, đến năm 1964, ông đã có hơn 600 cửa hàng nhượng quyền kinh doanh thương hiệu gà rán của mình.
  Bên cạnh sự thành công của chuỗi cửa hàng gà rán KFC, Harland Sanders còn là Đại sứ của KFC – Kentucky Fried Chicken Corporation và được xếp là một trong hai người nổi tiếng được nhận diện nhiều nhất trên thế giới.
  Ngày nay, hệ thống KFC là nhà hàng phục vụ gà rán thành công và nổi tiếng nhất thế giới với hơn 10.000 nhà hàng tại 92 quốc gia.
***
  Có một nhận thức đơn giản giúp ta bọc lộ tất cả những tiến bộ và phát triển của cá nhân. Đó là nhận thức rằng chúng ta, với tư cách là mỗi cá nhân, đều chịu trách nhiệm trước mọi điều trong cuộc đời ta, bất chấp mọi ngoài cảnh là gì đi nữa.
  Chúng ta thường không thể kiểm soát những gì xảy ra đến với mình, nhưng ta luôn kiểm soát được cách mà ta lý giải chúng, cũng như cách thức mà ta phản ứng với chúng.
  Dù có ý thức về việc nhận biết nó hay không, chúng ta luôn chịu trách nhiệm cho những trải nghiệm của mình. Thật khó để không làm điều này. Lựa chọn không diễn giải các sự kiện trong đời ta vẫn là một cách để lý giải các sự kiện trong đời. Lựa chọn không phản ứng lại các sự kiện trong đời vẫn là một phản ứng lại các sự kiện trong đời. Ngay cả khi bị một chiếc xe xấu xí quệt phải, hay bực bội với chiếc xe buýt chen chúc nhau, lý giải ý nghĩa của sự việc ấy và lựa chọn cách phản ứng vẫn là trách nhiệm của bạn.
 Dù thích hay không chúng ta vẫn đóng vai trò chủ động trước những gì diễn ra với ta và trong ta. Chúng ta luôn diễn giải ý nghĩa của mọi thời khắc và mọi sự kiện. Chúng ta luôn luôn lựa chọn các giá trị mà ta dựa vào để sống và các thước đo mà ta dùng để đánh giá mọi điều xảy ra với mình. Thường thì cùng một sự kiện có thể là tốt hay xấu, lệ thuộc vào thước đo mà ta sử dụng.
 Vấn đề là, chúng taluôn luôn lựa chọn, dù bạn có nhận ra điều đó hay không. Luôn luôn là thế! (Đến đây thì bạn hãy nhớ đến lựa chọn của Harland Sanders ở tuổi 65 đã làm thay đổi cuộc đời ông như thế nào.)
 Và câu hỏi thật sự: Chúng ta lựa chọn quan tâm đến vấn đề gì?  Bạn lựa chọn hành động dựa vào những giá trị nào? Chúng ta lựa chọn thước đo nào để đánh giá cuộc đời mình? Và liệu đó có phải là những lựa chọn tốt – những giá trị đúng đắn và những thước đo đúng đắn?
 *****
- Bài viết được lấy ý chính từ Chương 5, phần 1: “Bạn luôn lựa chọn” trong cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm / The subtle art of not giving a f*ck (của Mark Manson) cùng với sự thay đổi ví dụ và một số điểm của người viết.
/ pacific rim /