Chỉ vào đống mỹ phẩm nằm ngổn ngang trong thùng carton cạnh chân bàn trang điểm, Linh - người đồng nghiệp lâu năm của tôi vừa cười hi hí vừa bảo đồ dư sau khi săn sale nhiều quá, muốn lấy gì về dùng thì cứ lấy khi tôi qua chơi ở nhà cô ấy.
Là đồng nghiệp thân thiết ngồi cạnh nhau, Linh là người luôn cập nhật các xu hướng mỹ phẩm từ chăm sóc da (skincare) đến trang điểm (makeup) mới nhất. Ấn tượng hơn nữa là Linh rất giỏi "săn deal" từ các nhà bán trên Shopee, Lazada và gần đây là Tiktok.
"Ê tao thấy mày mua nhiều vậy rồi sao xài hết" - tôi luôn hỏi Linh như vậy rồi nhíu mày.
"Mua để dành mày ơi. Với lại có sản phẩm mới, hot hit được nhiều review khen thì tao chốt luôn hoặc bỏ giỏ hàng, đợi ngày sale chốt. Không lỗ đâu mà lo" - Linh trả lời chắc nịch với tôi như vậy
Từ sau dịch Covid-19, mua sắm qua sàn TMDT như Shopee, Lazada và gần đây là Tiktokshop đã tăng mạnh.
Theo báo cáo SYNC Đông Nam Á 2022, 53% số người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam cho biết sử dụng nhiều nền tảng trực tuyến hơn trước để tìm kiếm các sản phẩm có giá trị tốt hơn.
Báo cáo đo lường hành vi mua sắm trong thương mại điện tử (TMĐT) của Nielsen được thực hiện vào quý I/2021 cho thấy, hành vi mua sắm tại Việt Nam đã thay đổi đáng kể khi dịch chuyển sang mua sắm trực tuyến thay vì các hình thức truyền thống. Theo đánh giá, tỷ lệ mua sắm trực tuyến đã tăng trưởng đột biến trong năm 2020.Hãng nghiên cứu thị trường này cho biết, tỷ lệ mua sắm trực tuyến năm 2020 đạt con số 32%, tăng cao so với tỷ lệ 18% của năm 2019. Không chỉ tăng trưởng mạnh ở tỷ lệ mua sắm trực tuyến, Nielsen cho biết, tần suất mua hàng trên TMĐT cũng tăng gần gấp đôi, từ 1,2 lần năm 2019 lên con số 2,1 vào năm 2020.
Suốt thời gian qua, cứ đến các ngày đôi như 9.9, 10.10 hoặc cuối tháng, Linh lại khoe tôi vừa săn được nhiều deal giá hời; có ngày shipper gọi xuống lấy hàng đến 3-4 lần. Linh bảo tôi rằng thực tế sản phẩm đó không cần thiết ngay bây giờ, nhưng vì tò mò và "có deal giảm sốc" nên phải chớp lấy ngay, sau đó vừa cười hi hí vừa lụi hụi lấy dao rọc giấy khui hàng.
Tôi tin là không chỉ mỗi Linh, còn rất nhiều người khác "đam mê" cảm giác từ hồi hộp lúc "vừa mở deal" cho đến vui sướng tột độ khi "chốt kịp" món hời này. Cộng hưởng thêm các chiến dịch quảng cáo liên tục từ sàn cho đến nhãn hàng, người tiêu dùng bị bủa vây bởi vô số chương trình khuyến mãi dồn dập. "Không chốt được thì tiếc lắm vì bình thường không có giá sale, còn sau này cũng không biết hãng có sale nhiều vậy không" - Linh thường rủ rỉ với tôi như vậy mỗi khi tôi khuyên nên suy nghĩ kĩ hơn trước khi mua hàng.
Việc dễ dàng thay đổi giá bán sản phẩm cộng với trợ giá từ sàn TMDT; đôi lúc trực tiếp người bán (sellers) cũng sẽ có mã giảm độc quyền cho người mua khiến cho giá giảm sâu không bao giờ dự đoán trước được. Chính vì thế mà người mua cũng không thật sự biết deal mình vừa mua đã là deal hời nhất hay chưa - hay chỉ là miếng phô mai người bán bày ra sẵn để chờ mình sập bẫy.
"Bỏ thì thương mà vương thì tội" - và vì thế người ta cứ mua vì cảm giác sợ mất đi món hời trước mắt.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tôi thật sự mong mỗi người cần suy nghĩ kỹ trước một quyết định mua hàng. Sự dư thừa khi tiêu dùng bằng cảm tính, cảm xúc nhất thời sẽ gây ra tình trạng lãng phí về tiền bạc cho bản thân; và nó sẽ vẫn tác động lâu dài đến tài chính cá nhân.
Bạn còn có nhiều thứ khác để khám phá, nên đừng sợ mất deal hời rồi xuống tiền vô tội vạ nhé.