“Sao con lại nghỉ việc nữa rồi?”
“Vì con chán việc mẹ à ”
Đó là câu đối thoại ngắn giữa mình và mẹ. Đứa trẻ nào rồi cũng sẽ lớn lên trong vòng tay yêu thương của ba mẹ và mong muốn tìm thấy phiên bản tốt hơn chính mình của ngày hôm qua, hôm qua và hôm qua nữa. Nhưng đôi khi sự ảnh hưởng sâu sắc về định kiến của thời đại ba mẹ lên các con của mình đã khiến cho cái “ổn định” cái “an nhàn” trở nên được tôn vinh, hô hào như một kết thúc viên mãn cho một đời người.

1. Mâu thuẫn trong suy nghĩ của con cái và ba mẹ

Mình từng nói bố mẹ rằng mình chán công việc mình đang làm, chán cái nơi mà mình đang ngồi hằng ngày vì mọi thứ như đang dậm chân tại chỗ. Cái công việc mang lại sự ổn định mà bố mẹ mình hằng mong đợi con mình sẽ làm và làm mãi cho đến khi về hưu nay đột nhiên lại nghe con mình nói muốn rời bỏ nó. Ba mẹ cho rằng con mình thật khó hiểu, con thật bướng bỉnh và đi kèm với những chê trách rằng : “Làm công việc chân tay thì mới mệt, ngồi văn phòng mưa không đến mặt, nắng không đến đầu thì sao không cố gắng mà làm”, “Đến cái tuổi này bướng bỉnh như vậy thì lấy đâu ra sự ổn định cho tương lai”.
Mình hiểu được trong thời đại của ba mẹ đang sống ở độ tuổi của mình việc có công việc ổn định sớm và lập gia đình là thuận theo lẽ tự nhiên. Và thời ấy ba mẹ thường quan tâm về kết quả con đạt được hơn là quá trình con đã trải qua, rõ nét hơn ở chỗ khi đi học về mỗi ngày ba mẹ thường hỏi mình: “Hôm nay con đi học con được máy điểm?” chứ không phải là “Hôm nay con đi học có vui không?”. Và hiển nhiên, việc mình bỏ đi công việc có kết quả 10 điểm trong mắt ba mẹ thì sẽ tạo nên làn sóng thất vọng ngày càng dâng lên trong suy nghĩ của ba mẹ trong suốt vài tháng, đỉnh điểm của cơn sóng ấy là sự tranh cải nãy lửa giữa 2 thế hệ gia đình vì ba mẹ nào cũng muốn con mình được sống thoải mái, ổn định, an nhàn như vậy mới là không khổ sở. Nhưng đứa con lại cho rằng sự canh tranh mới làm con người ta phát triển đi lên bởi vì thay đổi luôn là quy luật của vũ trụ.

2. Ba mẹ cũng cần phải lắng nghe về những khát khao thay đổi của con mình

Đứa con ấy bắt đầu thay đổi cái sự ổn định bao người hằng mong ước để đổi lấy sự chông chênh ập tới vào một ngày không xa nữa. Nhưng máy ai hiểu được: “Đứa con đã mạnh dạng thay đổi vùng an toàn ấy chỉ vì không muốn mình bị chôn vùi dưới lớp đất đầy cỏ dại khi chưa từng chết đi một lần nào cả trong cuộc đời”.
“Chắc chắn, thay đổi không hề dễ dàng, nhưng điều đó không tệ bằng việc mình sẽ bị mắc kẹt một chỗ suốt cả cuộc đời”
Sự thay đổi nào cũng khiến cái ngột ngạt khó thở len lỏi trong con người ta hệt như một tiến trình lúc ban đầu của việc điều trị một căn bệnh. Căn bệnh của sự an nhàn, của sự trì trệ và hài lòng với thực tại sẽ khiến bản thân suy giảm đi miễn dịch vốn có trước sự thay đổi, mất dần khả năng chiến đấu trong từng tế bào, từng suy nghĩ và hành động.

3. Giải pháp để thuyết phục ba mẹ lắng nghe và tin tưởng vào con cái

Sự khác biệt và mâu thuẫn giữa các thế hệ với nhau là điều khó tránh khỏi trong một gia đình, ai cũng có điều đúng đắn và phù hợp ở từng thời điểm nhưng mỗi thành viên trong gia đình cũng cần nên chia sẻ về những khó khăn trong suy nghĩ, những ước mơ, hoài bão hay những mưu cầu riêng của bản thân mình. Như cái cách mà mình đã chọn để kết thúc tranh cãi với ba mẹ là chọn nói ra những suy nghĩ, nói ra những định hướng, con đường mà bản thân đang theo đuổi một cách thật nghiêm túc, mình chọn mình là ai, mình đang đứng đâu trên con phía trước để ba mẹ có thể lắng nghe, thấu hiệu và tôn trọng sự quyết định của con cái.
Bên cạnh đó, việc thay đổi suy nghĩ của ba mẹ cũng không hề dễ dàng ngay trong phút chốc mà cũng cần phải có thời gian để hiểu được điều con mình đang làm, hiểu được thời đại mà con mình phải trải qua. Điều chúng ta cần làm sau khi đã chia sẻ, lắng nghe là cho nhau một khoảng lặng để đặt mình vào vị trí của đối phương, cùng thấu hiểu những khát khao, những khó khăn của mỗi người và thời gian luôn sẽ luôn là liều thuốc chữa lành tất cả những vết thương. Để có thể đi đến những vùng đất mới trên hành trình ấy luôn luôn không thiếu đi việc chuẩn bị thật tốt tiềm lực về tài chính để bản thân có thể trở nên mạnh mẽ hơn trước những khó khăn. Và cuối cùng là sự kiên trì, tin tưởng vào năng lực, sự chấp nhận thất bại, thử - sai – sửa trên hành trình bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình như những sắc màu tươi đẹp điểm tô lên bức tranh thế giới rộng lớn ngoài kia có cây, có lá, có hoa và có cả những điều hạnh phúc.
“Tưởng người chông chênh nhưng lại hóa bình yên
Tưởng lòng yên vui nhưng lại là bão giông”
Ta chưa từng thử dù chỉ là một lần, ta chưa từng đối mặt trong bất kỳ thời khắc nào, thì làm sao hiểu hết được những khát khao thoát khỏi chiếc ao nhỏ bé mà vùng vẫy ra biển cả rộng lớn. Sự hối tiếc về những điều bản thân chưa trải qua trong cuộc sống sẽ trở thành mảnh khuyết trong cái gọi là trọn vẹn mà ai cũng đều mong mỏi. Liệu rằng bản thân có đủ bình yên để vượt qua hết mọi chấp niệm mà lòng không bão giông.
Hãy luôn mạnh mẽ thay đổi bản thân, từng bước từng bước ra khỏi vùng an toàn và lựa chọn đối mặt những điều thách thức để trở thành phiên bản tuyệt vời nhất của chính mình.