Aristotle and Dante discover the secrets of the universe là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của tác giả Benjamin Alire Sáenz nói riêng, và thể loại Young Adult (YA) nói chung. Cuốn sách chạm đến rất nhiều vấn đề sâu sắc và khó lý giải của tuổi mới lớn như khủng hoảng danh tính (cả khía cạnh giới tính, sắc tộc, mục đích sống,...), sự gắn kết với người thân, nỗi đau chiến tranh trong gia đình. Nhưng nhờ lối kể chuyện theo ngôi thứ nhất của nhân vật chính Aristotle, cuốn tiểu thuyết vẫn mang một sắc màu đời thường, gần gũi, nhưng cũng rất thơ. 
Cuốn sách hiện chưa được xuất bản tại Việt Nam. Mọi trích dẫn trong bài viết này đều là do người viết tự biên dịch.
Mỗi lần đọc Aristotle and Dante discover the secrets of the universe là một lần mình nhận ra những điều thú vị mới.
Lần đầu tiên mình đọc cuốn sách là năm mình 18 tuổi. Khi đó, mình rất giống Dante.
Có lẽ đó là lý do mình cảm được cuốn sách này nhanh như thế. Trước đó mình chưa đọc sách ngoại văn bao giờ, cũng ít khi tiếp xúc với YA. Nhưng vì mình thấy chính mình trong Dante quá nhiều, nên với mình, câu chuyện này rất gần, và rất thực. Thấy mình trong cái lúc Dante vô tư làm quen với Ari trước. Thấy mình trong mọi lời Dante khẳng định chắc nịch về quan điểm và sở thích của em ấy, không quan tâm suy nghĩ của người ngoài. Thấy mình trong lời Aristotle mô tả Dante ở những lần đầu gặp mặt,
“Cậu ấy là một người bơi thực thụ, cậu hiểu mọi thứ về những chuyển động của tay, chân, của từng nhịp thở, hiểu cách cơ thể ta vận động ra sao khi ta đang chìm trong nước. Nước là một điều gì đó cậu ấy yêu, một điều cậu ấy tôn trọng. Cậu ấy hiểu vẻ đẹp và cả sự hiểm nguy của nó. Cậu ấy nói về việc bơi như thể nó là cách cậu ấy sống trên đời. Cậu ấy mới có 15 tuổi thôi. Cậu trai này là ai vậy?” 
Có một câu nói Dante đặc sệt mình-bản-18-tuổi luôn. Đó là khi Ari nói “Thế giới này là một nơi tăm tối.”, Dante đáp rằng, “Có thể thế giới của cậu thì vậy, Ari. Thế giới của mình thì không như thế.” Sự tự tin về tâm hồn mình của Dante khiến Ari choáng ngợp. Mình năm 18 tuổi chắc cũng khiến nhiều người sững sờ kiểu như thế lắm ha ha. Giờ nghĩ lại, mình cũng thấy khi đó mình quá tự tin, cũng hay đánh giá quá cao sức hút của bản thân mình.
Đến năm 2021, mình đã đọc lại cuốn sách lần hai. Thực ra khi đó, mình vẫn thấy mình giống Dante. Nhưng mình để ý đến Aristotle hơn nhiều so với lần đầu tiên đọc. 
Thoạt nhìn thì Aristotle chỉ là một thiếu niên 15 tuổi điển hình. Cậu tốt bụng, thông minh, nhưng bốc đồng và lạc lối. Và cô độc. Aristotle luôn ở một mình cho đến khi Dante xuất hiện. Lúc đó mình vẫn nghĩ, mọi suy nghĩ nhạy cảm và quý giá nhất của Ari đều là do Dante đến mà thành. Có thể là do cách ly toàn xã hội khiến người ta cô đơn, bỗng dưng mình đồng cảm với Ari nhiều hơn trước, dù vẫn không thực sự hiểu cậu. Chỉ là theo một cách tình cờ, mình cảm thấy mình cũng đang buồn những nỗi buồn của Ari.
Đến năm nay, 23 tuổi, mình đọc lại cuốn sách lần thứ ba và bất ngờ nhận ra là, mình hiểu được Aristotle một cách tường tận. Mình thấy từng suy nghĩ từng chạy qua đầu mình hiện lên trang sách. Mình thấy Ari như cách mình chưa từng thấy. Mình thấy Ari như thấy chính mình.
Từ sự siêu cấp hướng nội. (MBTI bảo mình hướng nội đến 84%).
“Không phải mình. Mình chẳng có gì để nói cả. Mấy thằng con trai trong phòng tắm công cộng. Không phải thứ thuộc về mình.”
Nhưng mà độc lập về nội tâm.
“Mình có một luật ngầm là thà mình chán khi một mình còn hơn chán lúc ở với người khác. Mình sống dựa vào cái luật đó.”
Giống ở sự thẳng thắn với cảm xúc của mình.
“Dante. Mình thích cậu ấy. Mình thực sự, thực sự rất thích cậu ấy.”
Cả nỗi sợ sự cô đơn sâu thẳm trong tim mình.
“Con luôn tìm bố mà.” Ari thì thầm.”
Năm 23 tuổi, mình đã biến thành Aristotle.
Mình nghĩ đây là bài học lớn nhất mà mình có được từ Aristotle and Dante discover the secret of the universe. Hoặc thậm chí là từ trải nghiệm đọc sách từ trước đến nay của mình nói chung.
Kiểu như khi mình còn ngây thơ, mình chỉ thấy là đây là một cuốn sách hay và cảm động. Có vậy thôi. Nhưng rồi khi mình lớn dần và trải qua nhiều thứ, bỗng dưng mình nhìn thấy cả những cơn đau, những nỗi buồn, những bi kịch mà mình của trước kia không có khả năng nhận biết và đồng cảm được. 
“Cuộc sống đâu chỉ có những điều tuyệt đẹp, phải không? Cái ngày mà bạn nhận ra và chấp nhận điều đó sẽ thay đổi tất cả mọi thứ trên đời.” Mình đã note lại như vậy, vào cái ngày mình đọc xong cuốn sách lần thứ ba.
Hóa ra đây là một cuốn sách vô cùng phức tạp. Không phải về cấu trúc câu. Mà là về ý nghĩa mà những câu từ giản đơn này diễn tả. Thực tế thì cách những nhân vật, những gia đình trong cuốn sách này đối xử với nhau với tất cả sự dịu dàng, tôn trọng và tràn đầy yêu thương, cách họ yêu nhau như cách họ thở hằng ngày, là một việc hiếm gặp ngoài đời thực. Bỗng dưng mình nhận ra điều đó. Dù nó không làm câu chuyện này bớt gần gũi hơn, nhưng nó khiến mình nhận ra rằng câu chuyện trên trang sách nào cũng sẽ có điểm ảo mộng của nó.
Nhưng, đó là chức năng của tiểu thuyết nói chung mà, đúng không?
Chúng sẽ vẽ cho ta những viễn cảnh có thể xảy ra, tốt hoặc xấu, để ta nhìn nhận và đối chiếu lại với cuộc sống của mình. Sau đó, nếu may mắn, có lẽ ta sẽ biết ta cần làm gì với câu chuyện cuộc đời mình để những diễn biến tiếp theo sẽ tiển triển như ta ngầm mong muốn.
Thực ra khi bình tĩnh lại và đánh giá tổng quan hơn, dù mình cảm nhận được nỗi buồn của Ari, nhưng sự tự tin của Dante vẫn còn đó. Dù mình hay buồn hơn, nhưng mình vẫn có can đảm để trao đi và nhận lại tình yêu qua từng lời nói, từng cái nắm tay hay cái ôm thật chặt. Mình nghĩ là mình cũng đã khám phá ra được một bí mật trong vũ trụ bao la của riêng mình rồi.
Và mình mãi biết ơn vì điều đó.
Cho dù mình 18, 21 hay 23.
Hôm nay đến đây thôi, một ngày nhẹ nhàng trôi.
Hẹn gặp lại Ari và Dante, sau 2 hay 3 năm nữa nhé.
Quỳnh