Cuốn sách thứ 8 mình viết về trong chuỗi challenge này lại là một cuốn tiểu thuyết :)
Nhưng đây không chỉ đơn thuần là 1 cuốn tiểu thuyết, là một người thích đọc sách nên đôi khi mình hay được gợi chuyện là thích thể loại gì, rồi nếu người gợi chuyện không hay đọc sách hay không thích sẽ hỏi tiếp mình rằng, mình có thể gợi ý vài tựa đề cho họ không.
Và mình luôn thấy khó khăn trong việc đưa ra câu trả lời, vì thực ra mình chọn sách để đọc khá vô chừng, có lúc đọc vì cuốn đó đang thịnh hành (Lược sử loài người của Yuval Noah Harari chẳng hạn), có lúc đọc vì bìa sách quá đẹp, hoặc có lúc chọn sách chỉ vì rất ngẫu nhiên, hoặc có lúc đọc vì đang trong 1 cơn hứng chí một thể loại nào đó (có thời gian mình đọc 1 lèo các đầu sách trinh thám chỉ vì đọc xong Phía sau nghi can X và chưa thoả cơn ghiền), rồi đọc là vì người tặng nữa, đọc tạp chí hay lướt facebook thấy review hay trích dẫn hay hay cũng lẳng lặng mua về đọc, thành ra mình cũng không có một type nhất định về sách, mà thực ra, mình tin rằng biết 1 cuốn sách hay hay không cũng như món ăn, bạn phải tự mình trải nghiệm mà thôi. Và còn là cái duyên của mình với cuốn sách đó nữa.
Với Ánh sáng vô hình (tựa tiếng anh là All the light we cannot see) thì mình đọc có mục đích. Số là thời điểm đó mình muốn đọc và tìm hiểu thêm về cuộc sống cũng như những câu chuyện trong chiến tranh thế giới thứ I, và xuất phát điểm là vì đọc xong cuốn "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ", một cuốn vừa là sách vừa là khảo cứu của tác giả nữ người Nga Svetlana Alexievich, đọc xong mình bần thần cả ngày và thấy "chưa đủ", nên lên search tìm các đầu sách có bối cảnh chiến tranh, và cuốn này ở top review, vậy là rước ẻm về.
Và nó đã thành một trong những cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất mình từng đọc, bạn đã xem một bộ phim chiến tranh nào chưa? War of horse của Steven Spielberg, hoặc Dunkirk của Christopher Nolan chẳng hạn. Không phải ngẫu nhiên mà những câu chuyện được kể trong chiến tranh nó lại có sức lay động mạnh mẽ đến vậy, cảm giác của mình đọc All the light we cannot see cũng như xem xong 2 bộ phim trên, rúng động vì sự tàn khốc của những cuộc chiến vô nghĩa nhưng hoàn toàn đổ gục trước sự đẹp đẽ của câu chuyện, và thông điệp hoà bình thấm đẫm trong từng phân cảnh, có lẽ, chính trong những bối cảnh khốc liệt nhất, ta mới thấy được những điều lấp lánh nhân văn vượt trên cả sống chết, đạo lý, nhân nghĩa, lý tưởng, thứ trường tồn duy nhất trong thời loạn lạc, là những thứ vô cùng bình dị, nhưng lớn lao, là tình người, tình thân, tình yêu, và cuối cùng, là niềm hy vọng.
Mình đã đọc đâu đó rằng, trong cuộc chiến, thực ra không có phe ta hay phe địch, mà chỉ có mình chiến đấu với thần chết, mỗi giờ, mỗi ngày. Và những người phải chiến đấu với cái chết ấy không chỉ là những người tham chiến trực tiếp, mà còn là hàng triệu thân phận khác, sách viết về câu chuyện của 2 đứa trẻ đan xen, tưởng không hề liên quan gì đến nhau, nhưng cả 2 đứa đều có 1 điểm chung giao nhau, là chúng đều bị cuốn vào cuộc chiến tranh của người lớn. Bối cảnh diễn ra vào giai đoạn gần kết thúc của chiến tranh thế giới thứ Nhất, Marie Laure, người Pháp, cô bé mồ cô mẹ, sống với người cha hết mực thương yêu cô, và ông càng thương cô gấp bội vì khi sang 6 tuổi, cô bị bệnh và mất đi ánh sáng. Werner , cậu bé mồ côi sống cùng em gái của mình ở trại trẻ bần hàn, trong khu mỏ tồi tàn ở Đức, - 2 số phận được định sẵn ở 2 đầu chiến tuyến. Sách đưa chúng ta đi qua quá trình 2 em từng bước trưởng thành, mối tương quan của 2 em với thế giới hỗn loạn ngoài kia, nơi người lớn tha hồ tung hoành và giẫm nát những tâm hồn trong sáng thuần khiết như của 2 em.
Sách không cố mang đến những thông điệp lớn lao vĩ đại chúng ta thường được dạy về chiến tranh, tác giả chỉ kéo chung ta ngồi vào bàn ăn mỗi tối với Werner, nơi những đứa trẻ mồ côi dùng bữa tối nghèo nàn và cùng tránh nghĩ về một tương lai tăm tối, rồi sau đó chúng ta sẽ cùng lén trèo lên gác xép nơi anh em Werner ngủ, nín thở để nghe cậu Werner rà sóng radio và im lặng tận hưởng cái "âm thanh kì diệu" ấy, hoặc chúng ta ngồi cạnh Marie trong căn tháp của cô bé, rờ rẫm từng mô hình mà cha cô làm tặng cô, hồi hộp cùng cô lắng nghe tiếng máy bay, tiếng bom giật dội về đều đặn hằng ngày...Không biết từ lúc nào, ta bị cuốn đi vào chính cuộc sống của 2 em, ta thót tim mỗi lần Marie sợ hãi nghe tiếng máy bay dội bom đến gần nhà của em, ta rớt nước mắt cho những trận trừng phạt của Werner phải trải qua khi cậu gia nhập quân đoàn của Hitler - và bất giác ta thấy mình rưng rưng cho số phận của những con người nhỏ bé trước sự tàn bạo của đồng loại mình, ta thấy bất lực khi nhìn thấy 2 em từng bước từng bước bị tước đi gia đình, sự sống, niềm lạc quan, và với trường hợp của Werner, em bị tước luôn cái ý niệm về việc "làm người" khi em cùng đội của mình lang thang khắp Châu âu và làm công tác "chỉ điểm" cho quan đội Đức thông qua việc bắt và rà sóng radio của quan Đồng Minh, còn Marie, em bị tước đi người bố, sau đó là người ông, đến cuối, em chỉ còn một mình, quanh quẩn trong thế giới tối đen của chính mình và của thời cuộc ngoài kia...
Mình đã khóc vài lần trong suốt lúc đọc sách, vì câu chuyện trong sách được kể quá thật, quá chi tiết và đầy tính cảm quan nghệ thuật, bút lực của tác giả không chỉ dồi dào và sáng tạo trong cách kể chuyện, mà còn đầy tình người, tình thương, cảm giác mỗi đoạn ông viết về Marie hay Werner, ông đều truyền tải một tình yêu vô vàn đến 2 em, và tình yêu của ông đã lay động đến mình, (và mình tin là cũng đến rất nhiều độc giả khác), những biến động tâm lý của Werner khi em dần đi đến đoạn cuối của cuộc chiến, nó rất khốc liệt và dữ dội, nó là những biến động mà một người được sinh ra và hít thở tự nhiên trong thời bình như mình sẽ chẳng bao giờ hiểu được, thậm chí tưởng tượng cũng không. Chẳng ai trở về nguyên vẹn từ cuộc chiến cả, thậm chí, nhiều người có lẽ còn chẳng trở về bao giờ, dù họ vẫn còn sống...
Đau đớn là thế, khốc liệt là thế, nhưng điều mà mình nghĩ sách chiếm trọn cảm tình của rất nhiều độc giả trên toàn thế giới, lại chính là sự lạc quan và niềm hy vọng, dẫu mong manh, nhưng bền bỉ mà sách mang đến, là một cảm giác rất "người" khi khép lại sách, mình ngỡ mình đã sống rất lâu và rất dài, mình ngỡ mình vừa trải qua một cuộc bể dâu nhưng cũng thoảng nhẹ như cơn gió chiều, cảm giác mênh mông bảng lảng đó, mình nghĩ không phải nhà văn nào cũng đủ lực để mang đến qua tác phẩm của mình. Mình đang đọc lại sách bản gốc, và mình không khỏi bị "dội'" với "tường thành" ngôn ngữ ông dùng, mình không đọc nhiều sách tiếng anh, những những cuốn mình hoàn thành là vì mình "đọc được" với cách hành văn dễ hiểu và vốn từ khiêm tốn của bản thân, còn với All the light we cannot see, mình đã đọc 1 tháng rồi vẫn chưa qua nổi chương I, dù đã đọc bản tiếng Việt, chẳng trách được ông, ông viết cuốn sách này trong 10 năm :) và nó cũng mang về cho ông giải Putlizer danh giá vào năm 2014.
Mình biết mình đã viết rất dài, và lủng củng, nhưng mình vẫn muốn đánh lại ở đây một đoạn trong sách, vì nó rất hay (với mình). Đoạn này là đoạn cuối sách, thời bình.
"Mọi người đi bộ trên những lối đi trong vườn cây bên dưới, gió hát những bài ca vui tươi bên bờ giậu, những cây tuyết tùng cổ thụ to ngay lối vào mê cung kêu cọt kẹt. Marie - Laure hình dung những làn sóng điện từ đến và đi khỏi mấy trò chơi của Michel, lòng vòng xung quanh họ, như ông Etienne đã từng mô tả, ngoại trừ giờ đây chúng chồng chéo trong không khí gấp hàng nghìn lần lúc ông còn sống - có khi cả triệu lần. Những dòng tin nhắn, những cuộc điện thoại, những chương trình truyền hình, email, mạng lưới dây dẫn và sợi quang rộng lớn, chằng chịt bên trên và đi ngầm dưới thành phố, băng qua những cao ốc, tạo thành hình vòng cung giữa những trạm phát tín hiệu trong đường hầm tàu điện ngầm, giữa những cần ăng-ten trên nóc các toà nhà, từ các cột đèn với những trạm phát tín hiệu di động bên trong các biển quảng cáo cho Carrefour, nước khoáng Evian và bánh quy Pop-Tarts, truyền đi trong không gian rồi quay trở lại trái đất, thành những câu như Tôi sẽ đến trễ; Có lẽ chúng ta nên đặt chỗ trước chăng?; Hãy chọn bơ; Anh ta nói gì? và mười nghìn câu Anh nhớ em, năm mươi nghìn câu Em yêu anh, thư thù ghét, thư nhắc về các cuộc hẹn, thông tin cập nhật về thị trường, quảng cáo đồ trang sức, quảng cáo cà phê, quảng cáo đồ gia dụng, vô hình bay qua các ngõ ngách của Paris, bay qua chiến trường và các nấm mồ, bay qua Ardennes, bay qua sông Rhine, bay qua Bỉ và Đan Mạch, bay qua những vùng đất bị tàn phá và không ngừng thay da đổi thịt từng ngày mà chúng ta gọi là quốc gia. Và thật khó mà tin rằng những linh hồn cũng có thể chu du qua những con đường đó đúng không? Rằng cha bà, ông Etienne, bà Manec và chàng thanh niên Werner Pfennig có thể làm nhiễu bầu trờ thành từng đàn, như những con diệc bạch, nhạn biển, chim sáo đá? Rằng những linh hồn đó có thể bay lượn, âm thanh nhỏ dần nhưng có thể nghe thấy được nếu bạn lắng nghe đủ chăm chú? Họ bay dập dờn phía trên ống khói, lướt trên vỉa hè, luồn qua áo khoác, áo sơ mi, xương ức, phổi, xuyên qua phía bên kia, không khí trong thư viện, mỗi cái đĩa từng được ghi âm, mỗi câu được nói, mỗi từ được phát ra vẫn dội lại trong làn sóng điện từ ấy.
Bà nghĩ, mỗi giờ, ký ức về ai đó trong chiến tranh lại mờ nhạt dần trên thế giới.
Chúng ta lại sống trên những thảm cỏ. Trong những đoá hoa. Trong những bài ca."
Challenge viết review về 11 cuốn sách mình từng đọc, cuốn thứ 8. Còn 3 cuốn nữa, cố lên Giang êy :)