Xã Hội Hiện Đại Phản Chiếu Qua Art Deco
Art Deco là phong trào nghệ thuật và thiết kế, không chỉ xuất hiện trong hội họa, điêu khắc mà còn là những tác phẩm ứng dụng như kiến...
Art Deco là phong trào nghệ thuật và thiết kế, không chỉ xuất hiện trong hội họa, điêu khắc mà còn là những tác phẩm ứng dụng như kiến trúc, nội thất, đồ họa và cả thiết kế thời trang. Sinh ra khoảng đầu thế kỷ 20, Art Deco đánh bại Art Nouveau để trở thành phong trào thiết kế quốc tế thống trị suốt những năm 20s, 30s của thế kỷ mới. Xóa bỏ những đường cong mềm mại, những họa tiết mô tả thiên nhiên, Art Deco thay mới diện mạo thế giới bằng những thiết kế hình học, những đường thẳng, đường chéo đầy mạnh mẽ.
Khoảng giữa thế kỷ 19 việc phát minh ra bê tông cốt thép đã cách mạng hóa ngành xây dựng. Với khả năng tạo ra những kết cấu lớn, bền vững và chắc chắn hơn, bê tông cốt thép thay thế cho gạch, vữa để trở thành vật liệu xây dựng phổ biến nhất thế giới. Bê tông cốt thép giúp tạo ra các tòa nhà cao tầng với thời gian xây dựng rút ngắn, tạo ra một ngành xây dựng mang tính công nghiệp. Nhà cao tầng, chung cư được xây lên thay thế dần những ngôi nhà truyền thống và từ đó đô thị mới được hình thành. Quá trình đô thị hóa vào khoảng cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 không chỉ thay đổi diện mạo của thế giới mà nó còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới nghệ thuật. Những khối bê tông vuông thành sắc cạnh, những ngôi nhà với bề mặt trơn nhẵn, những ô cửa xếp hàng đều chằn chặn đã là nguồn cơn cho tư tưởng tối giản của nghệ thuật Hiện Đại.
Không nằm ngoài xu hướng ấy, Art Deco cũng được sinh ra với hình thái của sự tối giản. Từ bỏ những hình thức trang trí rườm rà đầy hoa lá của Cổ Điển, từ bỏ cả lối tạo hình uốn lượn của Art Nouveau, Art Deco được tạo nên với những hình khối như hình vuông, hình tròn, kết hợp với những đường thẳng, đường chéo tạo ra một tổng thể tối giản từ hình dạng cho tới họa tiết. Tinh thần này của Art Deco được phủ lên tất cả từ kiến trúc, nội thất cho tới đồ họa, hội họa và cả là thời trang.
Chúng ta có thể thấy được thời trang những năm 20s thay đổi một cách bất ngờ từ những chiếc corset, những chiếc váy cồng kềnh trở thành chiếc váy suông đơn giản. Nội thất là những bức tường trơn hoặc họa tiết đơn giản, các sản phẩm nội thất cũng là những bề mặt trơn láng, hình khối đơn giản. Còn hội họa, ta sẽ không chỉ thấy trong đó sự tối giản mà còn là hiện thân vô cùng rõ nét của xã hội những năm 20s, 30s.
Portrait of Mrs Boucard (1931) và Portrait de Mrs. Bush (1929) bởi Tamara De Lempicka
Tamara De Lempicka nữ hoàng của hội họa Art Deco, người đã vẽ những bức chân dung mang đầy sự mạnh mẽ. Dù các tác phẩm của bà theo lối tả thật nhưng tất cả hình ảnh đều được giản lược và hình khối hóa, các đường nét căng đầy, tương phản lớn, tạo hình này mang tới cho các bức họa một sắc thái đầy mạnh mẽ, dứt khoát. Ngoài ra Lempicka còn tạo hiệu ứng về chất liệu trên bức tranh của mình, bằng cách vẽ căng khối, bề mặt nhẵn bóng như được bọc bằng sắt thép.
Tương tự như Lempicka, chúng ta có Jean Dupas cũng là người khắc họa con người như những khối kim loại. Vẫn là những đường nét dứt khoát, những hình khối căng đầy nhưng ở Dupas còn là sự cường hóa cơ thể. Tỷ lệ cơ thể con người được Dupas kéo giãn, những chiếc cổ dài, những khối cơ bắp rõ nét, khiến cho nhân vật của ông không chỉ còn là giống mà thực sự là những ống kim loại ghép nối với nhau.
Bởi hội họa Art Deco không chỉ ảnh hưởng bởi những khối bê tông cốt thép mà còn bởi một xã hội công nghiệp với đầy những máy móc và công nghệ mới. Ngoài những công nghệ đã được sử dụng trong chiến tranh như máy bay, súng ống, những năm sau đó còn là việc đưa ô tô vào sản xuất hàng loạt, từ một mặt hàng xa xỉ trở thành một phương tiện di chuyển phổ thông trên khắp các con phố của phương Tây. Cùng sự phổ biến của radio - phương tiện phát sóng đại chúng đầu tiên của con người, cùng công nghệ thu âm bằng điện và phim ảnh cũng bắt đầu có âm thanh. Những thứ ấy tạo ra một môi trường sống mới cho con người, với không chỉ bao quanh là bê tông cốt thép mà còn là biết bao thứ máy móc, công nghệ.
Xã hội mới của máy móc, công nghệ không chỉ phản chiếu qua tạo hình hay chất liệu, mà nó còn xuất hiện trực diện ngay trên mặt canvas. Các bức họa của Lempicka thường có nền là thành phố với những tòa nhà cao ốc và khi bà khắc họa chính bà cũng là hình ảnh đang ngồi trên một chiếc ô tô. Hay ví dụ rõ nét hơn là Louis Lozowick, ông đưa đô thị trở thành chủ đề chính cho những bức tranh của mình. Với nhà cao ốc, những cây cầu, cùng ô tô, nhà máy,… Tương tự với những sản phẩm đồ họa, chúng ta sẽ thấy những chiếc phi cơ trong các tác phẩm của Theyre Lee Elliott, những con tàu khổng lồ, những hình ảnh của tàu hỏa, của cao tốc trong những tác phẩm của A.M Cassandre. Tất cả những thứ ấy đã cùng nhau khắc họa hình ảnh đô thị mới, cùng xã hội công nghiệp đầu thế kỷ 20.
Ngoài những bức họa 2D Art Deco còn là những công trình kiến trúc được coi là mái nhà của thế giới, đó là 30 Rockefeller Plaza với chiều cao 260m, Chrysler chiều cao 318m và Empire State là 443m. Với khuôn hình mới của bê tông cốt thép, kèm theo những họa tiết trang trí tối giản, kết hợp với kim loại, kính và các hệ thống đèn chiếu sáng, những tòa nhà này đứng hiên ngang với niềm tự hào về kiến trúc Art Deco.
Và khi bước vào bên trong chúng ta sẽ thấy chúng được phủ đầy nội thất bằng những chất liệu sang trọng, đắt đỏ. Ở tiền sảnh của Chrysler là những bức tường bằng đá Hoa Cương từ Châu Phi, lối vào được lát đá Travertine từ Siena, đèn phủ bằng Cẩm Thạch và Hổ Phách. Còn 30 Rockefeller Plaza, khi bước vào sẽ là 4 cột trụ lớn bằng Cẩm Thạch Trắng được gắn đèn chiếu sáng, tường của hành lang làm bằng Cẩm Thạch Champlain, các tầng lửng lát Đá Mài Đen. Bởi sự chịu chơi của những ông chủ bất động sản, khiến cao ốc trở thành những cung điện mới và kiến trúc Art Deco không chỉ là sự tối giản hay tính hiện đại mà nó còn là tiền bạc, là ánh sáng lấp lánh từ đá, từ kim loại phản chiếu sự vương giả, phồn thịnh của nền kinh tế đầu thế kỷ 20.
Qua những hình thái những chủ đề mà Art Deco hướng đến, ta có thể thấy ở đó là niềm tự hào về thế giới mới - thế giới nhân tạo được bao quanh là bê tông, sắt thép. Con người dường như chưa bao giờ lạc quan tới vậy, họ tiệc tùng, khiêu vũ thâu đêm, ăn mừng cho hòa bình sau Thế Chiến Thứ Nhất, cho nền kinh tế với sự tăng trưởng vượt bậc. Và họ đã có thể tạo ra những máy móc hiện đại, có thể bay nhanh hơn chim, chạy nhanh hơn báo, họ nhận ra Chúa không còn là đấng sáng tạo duy nhất và chính họ cũng có sức mạnh của riêng mình. Với sức mạnh ấy, con người nắm trong tay quyền năng của cả sinh và diệt, giờ đây không có gì là không thể, không có gì có thể cản bước con người. Và công nghệ đã không chỉ tạo ra sự phát triển, mà nó còn tạo ra cho con người một cái tôi mới sừng sững như mái nhà thế giới.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất