Ấn Độ ''thống nhất'' tới nhường nào trước khi người Anh đến? - Phần 2: Vương quốc của Ladakh và chiến tranh Sikh-Tây Tạng.
Ảnh: lãnh thổ Vương quốc Ladakh thời cực đại. Tiểu lục địa Ấn Độ vốn không phải là chuyện riêng của Hindu và Hồi giáo. Đặc biệt...
Tiểu lục địa Ấn Độ vốn không phải là chuyện riêng của Hindu và Hồi giáo. Đặc biệt ở các vùng phía Bắc xa xôi, Sikh giáo và Phật giáo vẫn chiếm ưu thế cho đến trước khi người Anh sáp nhập. Nổi tiếng nhất trong các nước Phật giáo ở Ấn Độ là nước Sikkim - vốn vẫn hiện diện trên bản đồ thế giới những năm 1975 trở về trước. Hôm nay, trong loạt bài cho thấy sự ''thống nhất'' của Ấn Độ, giới thiệu cho các bạn một vương quốc Phật giáo khác đó là Ladakh - mà lịch sử của nó gần gắn với Tây Tạng nhiều hơn. Cuối bài viết sẽ là về cuộc chiến tranh mà từ đó, người Sikh đã lấy Ladakh từ tay Tây Tạng để trở thành lãnh thổ Ấn Độ như ngày nay.
*Vương quốc Ladakh.
Vùng Ladakh (tiếng Trung: Lạp Đạt Khắc - 拉達克) có lịch sử từ lâu, và như đã nói ở trên, vì gắn lịch sử của mình với Tây Tạng mà Ladakh gần như không chịu ảnh hưởng từ những biến động trên đại lục Ấn Độ. Thành lập năm 930 (lúc đó lấy tên là Vương quốc Maryul), vùng đất Ladakh cứ thế tồn tại độc lập trong 9 thế kỷ. Vào khoảng năm 1460, triều đại Namgyal (Nam Gia) cai trị nơi này đổi tên nước thành Ladakh như ngày nay.
Vùng Ladakh (tiếng Trung: Lạp Đạt Khắc - 拉達克) có lịch sử từ lâu, và như đã nói ở trên, vì gắn lịch sử của mình với Tây Tạng mà Ladakh gần như không chịu ảnh hưởng từ những biến động trên đại lục Ấn Độ. Thành lập năm 930 (lúc đó lấy tên là Vương quốc Maryul), vùng đất Ladakh cứ thế tồn tại độc lập trong 9 thế kỷ. Vào khoảng năm 1460, triều đại Namgyal (Nam Gia) cai trị nơi này đổi tên nước thành Ladakh như ngày nay.
Từ thế kỷ 16 trở đi, lịch sử Ladakh có nhiều biến động giữa Hồi giáo và Phật giáo. Vào thời vua Tashi Namgyal (Trát Tây Nam Gia) và Tsewang Namgyal (Trạch Vượng Nam Gia), vương quốc Nam Gia trở nên hưng thịnh và tiến hành mở rộng lãnh thổ của mình. Cương vực mở rộng kéo dài từ Trung Á tới Nepal, từ Kashmir sang Tây Tạng. Nhưng đến thời vua Jamyang Namgyal (Tưởng Dương Nam Gia) thì Phật giáo bắt đầu suy và Hồi giáo mạnh lên. Người Hồi ở Kashmir đã xâm lăng Ladakh và buộc vua Jamyang Namgyal phải cải đạo Hồi. Ladakh sau đó trải qua một thời kỳ ''200 năm khổ nạn'', khi các di tích và tu viện Phật giáo bị phá hủy hàng loạt. Nhiều công trình kỳ vĩ Phật giáo ở Ladakh, được ghi chép trong thư tịch Trung Hoa đã bị phá hủy hoàn toàn vào thời gian này.
Đến năm 1616, thời vua Sengge Namgyal (Tăng Cách Nam Gia), Ladakh một lần nữa trở lại thời thịnh vượng và đạt tới đỉnh cao. Quân Ladakh đã chiếm lại Kashmir, và chinh phục thêm nhiều đất của Ấn Độ. Khi tiến vào Ấn Độ, quân Ladakh nhiều lần chạm mặt với Đế quốc Mughal hùng mạnh nhất lịch sử Ấn Độ. Kết quả có thắng có thua, nhưng đến thời con trai của Tăng Cách là Deldan Namgyal (Đức Đan Nam Gia) thì Ladakh đã chịu nhún nhường Đế chế Mughal. Từ đó, Ladakh không xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ của Mughal nữa.
*Chiến tranh Ladakh - Tây Tạng: hậu duệ Mông Cổ đối đầu nhau!
Cuối thế kỷ 17, những nhà cầm quyền ở Tây Tạng có ý đồ bành trướng định sáp nhập Ladakh. Ý định này đã dẫn đến một cuộc chiến tranh, mà sau đó đã kéo theo các đồng minh của họ là các hậu duệ của Đế quốc Mông Cổ xưa vào đánh lẫn nhau.
Năm 1679, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 của Tây Tạng ra lệnh cho quân tấn công Ladakh, viện cớ ''trừng phạt'' Ladakh vì ủng hộ Bhutan - nước đang có chiến tranh với Tây Tạng lúc đó.
Trong 3 năm đầu chiến tranh, quân Tây Tạng có ưu thế hơn nhờ quân đông và vũ khí do nhà Thanh cấp cho. Dù rằng chiếm được lãnh thổ rộng của Ladakh, nó không tiêu diệt được các pháo đài của quân Ladakh cố thủ trên núi cao. Sang đến năm thứ 4 (1683), để giải quyết bế tắc, Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng quyết định nhờ đến một đồng minh: người Mông Cổ.
Theo lệnh Đạt Lai Lạt Ma, các sứ giả Tây Tạng đã mang vô số của cải châu báu sang tặng các Hãn quốc Mông Cổ là Khoshut (Hòa Thặc Đặc) và Dzungar (Chuẩn Cát Nhĩ). Để đáp lại, các Hãn quốc Mông Cổ đã cử lực lượng khoảng 5000 kỵ binh của mình sang Ladakh để giúp Tây Tạng chinh phục quốc gia Ladakh cứng đầu.
Nhưng Tây Tạng có được phép mượn thêm đồng minh, thì Ladakh cũng thế. Năm 1683 vua Ladakh đích thân sang Kashmir cầu viện các vương quốc Hồi giáo dưới quyền Đế chế Mughal. Thủ lĩnh Hồi giáo vùng Kashmir cử con trai là Fidai Khan sang giúp Ladakh, nhưng đổi lại một yêu cầu: vua Ladakh phải cải sang đạo Hồi. Dù nhục nhã, nhưng vì họa mất nước đã ở trước mắt, vua Ladakh phải cắn răng chấp nhận cải đạo.
Mùa xuân năm 1684, quân của các hậu duệ Mông Cổ - Hãn Quốc Chuẩn Cát Nhĩ, Hòa Thặc Đặc lao vào quân Mughal trong một trận chiến ác liệt trên cao nguyên. Kết quả của trận chiến này, đến nay vẫn không ai biết được. Sử Hồi giáo thì nói Mughal thắng, sử Trung Hoa thì nói quân Tây Tạng thắng. Chẳng ai chịu nhường ai, nhưng cuối cùng ai cũng về nhà nấy. Chỉ còn quân Ladakh bị bỏ lại. Sợ rằng không thể chống lại quân Tây Tạng thêm một lần nữa, Ladakh đầu hàng Tây Tạng vào cuối năm 1684. Một lãnh thổ rộng lớn chiếm 2/3 diện tích Ladakh đã bị mất vào tay Tây Tạng. Đây chính là vùng Ngari (A Lý) ở Tây Tạng ngày nay, rộng tương đương nước Việt Nam. Ngoài ra, Ladakh hàng năm phải triều cống cho Tây Tạng, nên người ta sau đó gọi vùng này là ''Tiểu Tây Tạng''.
*Cuộc xâm lược của người Sikh - Ladakh vong quốc.
Sau khi Đế quốc Mughal sụp đổ, miền Bắc Ấn trở thành lãnh địa của Đế quốc Sikh. Năm 1841, quân đội người Dogra theo Hindu giáo theo lệnh vua Sikh mang quân xâm lược Ladakh, tiện tay định chiếm luôn Tây Tạng. Ladakh nhanh chóng bị diệt quốc và phải theo quân Sikh đi chinh phục Tây Tạng. Cuộc chiến đã leo thang dẫn đến việc nhà Thanh phải mang quân đánh quân Sikh, và đi vào lịch sử Trung Hoa với cái tên ''Sâm Ba chiến tranh'' (森巴戰爭). Sâm Ba (森巴) chính là tên của dân tộc Dogra, do người Trung Quốc lúc đó không biết rằng thực ra Dogra đã bị Đế quốc Sikh chinh phục.
Một vị tướng lừng danh của người Dogra là Zorawar Singh đã mang khoảng 15.000 quân Sikh, cùng thêm một số chư hầu chiếm Ladakh và nhanh chóng nghiền nát quân đội nhỏ bé của nước này. Theo lẽ lúc đó, Tây Tạng là nước bảo trợ cho Ladakh, phải mang quân giúp. Nhưng chưa kịp giúp thì quân của Zorawar Singh đã tràn vào Tây Tạng cướp phá. Quân Tây Tạng thua to, phải vội vã chạy tới Bắc Kinh xin vua Thanh giúp.
Tây Tạng vốn không phải ưu tiên hàng đầu của nhà Thanh bấy giờ đang bị phương Tây tấn công dữ dội. Họ chỉ cử chừng 5.000 quân do các tướng đang trấn giữ biên cương phía Tây là Mạnh Bảo (孟保) và Hải Phác (海樸) lên đánh quân Sikh. Tuy nhiên quân Thanh thiện chiến hơn nên dù quân số ít ỏi, họ vẫn cầm chân được quân Sikh. May mắn đến với họ vào ngày 12/12/1841, khi một kỵ sĩ Tây Tạng dũng cảm trong lúc giao chiến đã đâm chết được tướng chỉ huy quân Sikh là Zorawar Singh lừng danh. Quân Sikh như rắn mất đầu, dù thế đang mạnh vẫn bỏ chạy. Thế là quân Thanh dễ dàng đẩy được quân Sikh về nước.
Nhà Thanh và Sikh sau đó ký thỏa thuận hòa bình. Các lãnh thổ Tây Tạng vẫn giữ nguyên. Nhưng vùng Ladakh sẽ không chịu ảnh hưởng của Tây Tạng nữa. Nó được sáp nhập vào Kashmir của Đế quốc Sikh. Khi người Anh thôn tính Ấn Độ, Ladakh nghiễm nhiên trở thành lãnh thổ của Ấn Độ, và cho đến khi Ấn Độ độc lập nó vẫn ở lại đây.
Có thể nói, Ấn Độ có được Ladakh trong lãnh thổ ngày nay, phải cúi đầu tạ ơn người Sikh và người Anh. À nhắc luôn, Ấn Độ và Trung Quốc đánh nhau đợt vừa rồi là ở xứ Ladakh này.
Phần tiếp: Đế quốc Durrani - cơ sở nước Pakistan hiện đại.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất