Âm nhạc và cuộc sống truyền thống Ladakh
Những khoảnh khắc và suy tư từ chuyến đi học tập trải nghiệm trên dãy Hi Mã Lạp Sơn
[Kể chuyện qua ảnh] Ngôi làng ẩn sau vách đá
Được truyền cảm hứng từ quyển sách "Ancient Futures: Lessons from Ladakh for a globalizing world" của cô Helena Norberg Hodge, tôi đã nhiều lần đặt chân đến Tiểu Tây Tạng - Ladakh.
Nhận thấy nơi đầy còn rất nhiều điều quý báu và cũng đứng trước nguy cơ bị đứt gãy, tôi cùng những người bạn địa phương đã tổ chức một chương trình học tập được thiết kế để người học tiếp xúc sâu sắc với con người, văn hoá và vùng đất Ladakh.
Bởi vì những dân tộc bản địa và văn hoá truyền thống trên khắp thế giới là nguồn tham khảo giá trị để tư duy lại về định nghĩa "phát triển", giả định về cuộc sống hạnh phúc cũng như suy tư về khủng hoảng môi trường của xã hội hiện đại. Làng Tar là một nơi rất phù hợp để truyền tải thông điệp này: "một vùng trời đang chịu ảnh hưởng rất ít của quá trình phát triển kinh tế và vẫn giữ được trong mình rất nhiều tinh hoa và trí tuệ về một lối sống bền vững". Ngôi làng cũng hấp dẫn rất nhiều nhà nghiên cứu, tác giả và nhà làm phim tư liệu đến khảo cứu.
Dưới đây là tổng hợp câu chuyện về quá trình học tập và trải nghiệm của tôi diễn ra trong tháng 8 năm 2023
Mời quý bạn đọc thưởng thức.
Để vào được làng, người dân và bất cứ vị khách nào cũng cần vượt qua chướng ngại vật bằng cách trèo đèo lội suối một quãng đường khoảng 7km.
Con đường được lắp đầy bởi những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những loài hoa dại thơm ngát và không thể thiếu những dòng suối trong sạch chứa đầy khoáng chất.
Đối với một số bạn chưa từng đi trekking bao giờ, quãng đường này là một thử thách không chỉ về mặt thể chất mà còn là tinh thần. Trên đường đi, vô số lần người tham dự thở dốc và băn khoăn: "Mình đi được bao nhiêu phần trăm rồi?", "Bao lâu nữa thì đến nơi?", "Sắp tới chưa?",...
Tuy nhiên, sau khi đặt chân đến đích, ai cũng cảm thấy tự hào và tự tin về những nỗ lực không tưởng của bản thân. Có vẻ như tâm trí và cơ thể mạnh mẽ hơn chúng ta thường nghĩ.
Người tham dự được chia đều vào ở các nhà khác nhau trong làng. Các bạn được sinh hoạt và quan sát những người bà và mẹ quản lý căn nhà. Họ biết đặc tính của những loài động thực vật địa phương, nấu những món ăn ngon từ nguyên liệu sẵn có và ứng xử hợp tình với hàng xóm xung quanh.
Như Helena quan sát trong quyển "Ancient Futures", vai trò của người phụ nữ được tôn trọng và trong xã hội mẫu quyền truyền thống Ladakh. Người phụ nữ được trao nhiều tự do và quyền lợi hơn so với những xã hội phong kiến khác.
Những loại cây lương thực đều có nhiều mục đích và phương thức sử dụng khác nhau. Khi những cây mơ trĩu quả vào mùa hè, người dân tận hưởng những quả mơ tươi giàu vitamin C. Một số người thì làm nước ép uống giải khát hoặc mứt ăn kèm bánh mì. Một vài loại mơ được phơi khô để dùng trong mùa đông. Một số khác ngọt hơn thì được tách lớp vỏ bên ngoài và trữ hạt để ăn.
Trên một sa mạc lạnh trông có vẻ khắc nghiệt như thế này, người dân vẫn tận hưởng sự trù phú và giàu có từ những nguồn lực sẵn có của thiên nhiên.
Một trong những quan sát thú vị nhất của chúng mình đó là thái độ và niềm tin của người dân làng đối với "công việc" và "lao động". Tốc độ và nhịp điệu làm việc hoà hợp một cách tự nhiên với con người và môi trường xung quanh.
Chẳng hạn như cùng việc thu hoạch thì diễn ra lúc 10h sáng hôm nay sau khi đã nhâm nhi xong ly trà sữa buổi sáng, nhưng cũng có thể bất ngờ đổi qua 6h ngày hôm sau trước khi nắng lên.
Việc đập đậu tưởng chừng buồn tẻ nhưng lại được thực hiện một cách nghiêm túc, cùng với không khí vui tươi khi mọi người vừa làm vừa ngân nga bài dân ca "Lungspo Juju". Lý do công việc này không được tự động hoá bởi vì máy móc sẽ đập nát luôn cả những hạt đậu bên trong lớp vỏ mỏng manh.
Ngoài ra, làm việc không phải để cho xong mà đó là quá trình gắn kết cộng đồng, tìm thấy niềm vui và tận hưởng từng phút giây được sống. Đến cuối buổi, các ama-leh và abi-leh cười cảm ơn chúng mình vì đã cùng làm việc với họ, mặc dù chúng mình chỉ góp một công sức rất nhỏ vào công việc này.
"Sao người ở đây không tìm cách tăng năng suất lên nhỉ?" - một câu hỏi khá hay từ người tham dự
Tại sao lại phải cố găng tăng năng suất lên trong khi chúng ta vừa hạnh phúc khi làm việc, vừa đủ ăn cả năm cũng như dư thừa để trao tặng cho người khác?
Vậy, ý nghĩa của những công việc chúng ta làm hằng ngày trong xã hội hiện đại là gì nhỉ?
Trong những ngày làm nông thông thường, người dân sẽ gói ghém và mang theo bữa ăn ra đồng để thưởng thức giờ nghỉ trưa.Ngày hôm đó, một bà mang cơm đã nấu, một cô đem rau củ xào, và cô khác thì chuẩn bị cà ri đậu để góp thành bữa ăn chung với đoàn chúng tôi.
"Tối nay các con qua nhà bà tham dự buổi gặp mặt hàng xóm nhé!"
"Julley, tụi con qua liền, mấy giờ vậy ạ?"
"À thì vào buổi tối"
"Dạ?........"
Thời gian được đo một cách lỏng lẻo và tương đối theo quan niệm của người Ladakh. Từ ngữ miêu tả thời gian đều chung chung và rộng rãi. Thông thường, những cuộc hẹn của người dân không được xác định giờ giấc cố định cụ thể.
Chẳng hạn: từ "gongrot" có nghĩa là từ lúc trời chập tối đến lúc đi ngủ.
Vào cuối mùa thu hoạch, đặc biết là cuối tuần, tất cả thanh niên trai tráng và đàn ông trong làng sẽ tụ họp lại một cách đồng của một nhà bất kỳ để giúp họ xay xát đại mạch. Bột đại mạch là nguồn cung cấp dưỡng chất chính (bên cạnh bơ và sữa) cho người Ladakh từ mùa hè sang mùa đông.
Sau mỗi tuần, chiếc máy xay lại được kéo từ nhà này sang nhà kia cho đến khi đại mạch của cả làng đã được xay hết. Việc này đòi hỏi sự tương trợ và chia sẻ của những người trong làng với nhau.
Đổi lại, nhà được giúp đỡ sẽ chuẩn bị bữa ăn cho những người đã làm việc. Sau khi hoàn thành, chúng mình đã ngồi nghỉ ngơi và ăn sáng cùng người dân dưới gốc cây mơ cạnh dòng suối thơ mộng.
Ngoài bà chủ cánh đồng chuẩn bị món chính (đại mạch trộn với trà và chấm ăn cùng cà ri), cô hàng xóm khác còn mang thêm sữa chua nhà làm, cô khác thì chuẩn bị "chang" (bia thủ công) để tạo nên bữa ăn đầy tinh thần cộng đồng.
Trong tuần đàn ông thường đi làm bên ngoài, đặc biệt là trong khối quân sự. Còn thanh thiếu niên đi học ở những thành phố cách xa nhà. Do đó tạo nên tình trạng trong làng còn lại đa số người già và trẻ em. Các cụ các bà thường bảo rằng họ không thích cuộc sống tại Leh mà hạnh phúc hơn khi ở làng.
Đáng tiếc thay, những công nghệ nguyên thuỷ phù hợp với tự nhiên và con người dựa rất nhiều vào tính cộng đồng sẽ trở nên mất sự hữu hiệu của nó khi mạng lưới mối quan hệ bị đứt gãy
Làng Tar cũng không tránh khỏi lực tác động của tiến trình hiện đại hoá. Bên cạnh việc mạng lưới điện được kết nối trước đây 2 năm, tiến trình mở đường lộ cũng được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian gần đây bởi chính phủ Ấn Độ. Điều này tạo nên nhiều ý kiến trái chiều cũng như thảo luận đối với người dân.
Hơn ai hết, việc quyết định mở đường có lợi hay không chỉ có thể được quyết định bởi những người dân trong làng.
Người trẻ tại làng cũng đối mặt với những thách thức vô cùng lớn.
"Nếu như không nhập cư đến những thành phố lớn thì mình sẽ làm gì để kiếm sống đây?"
"Làm sao để mình vừa bảo tồn những giá trị thiêng liêng của cội rễ mình vừa đảm bảo cuộc sống tại làng quê?"
Đây là những câu hỏi lớn cần nhiều thời gian và thử nghiệm để tìm kiếm câu trả lời.
[Kể chuyện qua video] Âm nhạc Ladakh
Ắt hẳn khi nghe ai đó ngân nga giai điệu bài hát Lungspo Juju (tạm dịch: Gió ơi gió hỡi), bất kì người Ladakh nào cũng cảm thấy thân quen và thuộc ít nhất một vài câu từ lãng mạng trong bài.
Bài hát này được soạn nhạc vào năm 1991 bởi Tsering Angchuk Ralam, với lời được viết bởi Tsering Angdus Saspol Kalon.
Bài hát ra đời trong giai đoạn bùng nổ giao thương và du lịch tại vùng đất vốn khép mình với thế giới trước đó. Mặc dù vậy, bài hát đã trở nên quá phổ biến trong mọi tầng lớp nhân dân Ladakh, người ta hát khi nấu ăn, làm việc trên đồng hay gặp gỡ vui chơi cùng nhau.
Dưới đây là phiên âm và dịch lời bài hát (dựa trên bản dịch của Noe Dinnerstein ):
Namza Spidi
Spiza Sumpo
Skyase Lumspe
Wang-jig rShul dug
Lumspo Ju Ju
Thal rtsup Malang
Nga-yi Ngyeme
Zhaldong Nokzduk
(Ba tháng xuân thật đẹp đẽ
Nhưng cơn gió mạnh thổi bụi tung bay
Vì thế gió ơi xin đừng khắc nghiệt
Trên môi người tôi yêu)
~
Namza Yari
Yarza Sumpo
Ngyima Laksme
Ngyinzer Sante
rShin nak Ju Ju
Ngyizer Kobang
Nga-yi Ngyeme
Zhadon Tshig dug
(Trên núi ba tháng hè
Nắng rực nắng gắt
Xin mây đen che nắng
Để dịu êm trên môi người yêu)
~
Namza Stoni
Stonza Sumpo
Gospa Maskyod
Gorgor Rig zhugs
Ritang Lungsi
Spangtang Kunla
Nga-yi Ngyeme
Sem yang Len ngyin
(Mùa thu mát mẻ lúa chín
Thu ơi xin đừng đi mà ở lại
Trong những bông hoa nằm giữa núi và thung lũng
Hãy mang theo giai điệu của người tôi yêu)
~
Namza Rgungni
Rgunza Sumpo
Khaba Babste
Namza Grangmo
Ngyima Ju Ju
Ngyed zer Salang
Nga-yi Ngyeme
Sermo Skyodug
(Ba tháng mùa đông
Trời có tuyết rơi lạnh lùng
Xin mặt trời bắt đầu ban những tia nắng
Để người tôi yêu tươi tắn)
Video được ghép từ hình ảnh chuyến đi học tập trải nghiệm VCIL Travel School 2023.
Tham khảo thêm
Helena Norberg-Hodge. 1992. Ancient Futures: Learning from Ladakh
Alex Jensen. 2021. Appropriate Technology, Traditional Cultures and Degrowth
#LocalIsOurFuture #Mindfultourism #VCILTravelSchool #SustainableLiving #Rethinkingdevelopment #TrueHappiness #RuralRevitalization
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất