Alice in Wonderland
Nhắc đến những bộ phim để lại dấu ấn tuổi thơ trong lòng mỗi người chắc chắn không thể không kể đến Alice in Wonderland. Câu chuyện...
Nhắc đến những bộ phim để lại dấu ấn tuổi thơ trong lòng mỗi người chắc chắn không thể không kể đến Alice in Wonderland. Câu chuyện về chuyến phiêu lưu của cô bé váy xanh Alice đến xứ sở thần tiên đã đồng hành cùng nhiều thế hệ trong suốt năm tháng thơ ấu ở những thế kỷ qua. Từ trang sách của tác giả Lewis Carroll, Alice in Wonderland lần đầu “bước lên" màn ảnh vào năm 1903 dưới hình thức phim câm do đạo diễn Cecil Hepworth và Percy Stow sản xuất. Nó tiếp tục được ra mắt trong những năm tiếp theo với các nhà sản xuất khác nhau, nhưng được yêu thích nhất có lẽ phải kể đến phần phim hoạt hình năm 1951 do hãng Walt Disney phát hành. Bước sang năm 2020, hành trình của Alice một lần nữa lại được tái xuất trên màn ảnh nhỏ dưới công nghệ 3D của đạo diễn Tim Burton.
Review phim Alice in wonderland
Alice in Wonderland của đạo diễn Tim Burton kể về Alice - lúc này đã là thiếu nữ 19 tuổi đang phải đối mặt với áp lực cầu hôn của một gã quý tộc cô không hề hay biết. Bối rối trước tình huống hiện tại, Alice phát hiện và đuổi theo một chú thỏ màu trắng quen thuộc rồi rơi xuống cái hố sâu - nơi dẫn cô quay lại xứ sở thần tiên với cuộc gặp gỡ những người bạn quen thuộc mà nay đã nhuốm màu u ám do nữ hoàng Đỏ cai trị. Với sự thay đổi tiêu cực ở mảnh đất vốn tươi đẹp trong quá khứ, Alice quyết định sẽ ở lại giải cứu tất cả, đem lại sự bình yên cho xứ sở này.
Với nội dung đơn giản xoay quanh chuyến phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên cùng phần hình ảnh 3D được đầu tư kỹ lưỡng, bộ phim đã đem đến cho không chỉ khán giả nhí mà khán giả ở tất cả các độ tuổi những phút giây thư giãn tuyệt vời. Qua đó, nó cũng truyền đi những thông điệp tươi đẹp về cuộc sống, về tình yêu gia đình, nhân loại và về cả hành trình tìm lại bản thân, tôn trọng quyết định của chính mình.
So sánh giữa phim và sách.
Được biết đến là đạo diễn của Corpse Bride (2005), Charlie and the Chocolate Factory (2005), Miss Peregrine's Home for Peculiar Children (2016),...Tim Burton đem đến cho khán giả những tác phẩm mang hơi hướng rùng rợn, kỳ lạ với màu sắc tối tăm nhưng ẩn chứa nhiều triết lý cuộc đời. Ở Alice in Wonderland, vẫn giữ nguyên phong cách làm phim ấy dựa trên hành trình phiêu lưu của Alice, Tim Burton đã thổi một làn gió mới vào tác phẩm kinh điển đã làm nên tuổi thơ của hàng nghìn con người.
Không theo đúng nguyên tác ban đầu của Lewis Carroll, Alice in Wonderland của Tim Burton đã có những thay đổi khác biệt, đem tới câu chuyện trưởng thành hơn, nhuốm màu kì bí hơn đến với khán giả.
Nếu trong nguyên tác của Lewis, Alice mới chỉ là cô bé mười tuổi còn vô lo vô nghĩ, nghe chị đọc sách dưới tán cây để rồi thiếp đi và lạc vào xứ sở thần tiên thì Alice trong phim của đạo diễn Burton lúc này đã là thiếu nữ 19 tuổi, phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc chấp nhận lời cầu hôn của một gã quý tộc nhằm xứng đáng với kỳ vọng của gia đình và tự quyết định cuộc đời của mình, cô bối rối để rồi theo chân thỏ trắng lạc vào xứ sở lạ kỳ. Sự khác nhau ở độ tuổi và tình huống gặp phải đã khiến cho câu chuyện về hành trình phiêu lưu của Alice trong sách và trong phim khác nhau hoàn toàn. Nếu Alice trong sách tiếp cận gần đến với khán giả nhỏ tuổi thì Alice của đạo diễn Burton lại tiếp cận khán giả ở độ tuổi trưởng thành hơn, với những vấn đề gai góc hơn, thoát khỏi thế giới tươi đẹp của trẻ thơ vốn có.
Bên cạnh sự khác biệt về độ tuổi và tình huống, thế giới phép thuật trong nguyên tác và phim cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nếu Alice mười tuổi lạc vào xứ sở thần tiên Wonderland trong sáng, mộng mơ, không có quá nhiều nguy hiểm và được những người bạn bất ngờ giúp đỡ thì ở trong tác phẩm của Burton, Alice lại lạc vào thế giới tăm tối, u ám gọi là Underland do nữ hoàng Đỏ cai trị với sự tức giận và lòng oán thù. Sự khác biệt này cũng khiến cho mục đích hành trình của Alice thay đổi. Nếu Wonderland trong sáng chỉ đơn thuần là vùng đất tạo ra chuyến phiêu lưu tìm hiểu mọi thứ mới lạ của cô thì ở Underland, Alice có sứ mệnh phải chiến đấu nhằm giải cứu vùng đất này khỏi sự cai trị khắc nghiệt của nữ hoàng Đỏ, trả lại sự bình yên vốn có cho nó. Điều này cho thấy mức độ trưởng thành trong tác phẩm của Burton, khi Alice giờ đây không còn là một đứa trẻ vô lo vô nghĩ nữa mà đã lớn, đã có trách nhiệm đang bước đi trên hành trình tìm lại chính bản thân mình.
Ngoài tuyến nhân vật được giữ nguyên như Thỏ Trắng, Sóc Chuột, Thợ làm mũ điên hay Sâu bướm,... Burton đã trực tiếp tạo thêm một số nhân vật mới để phù hợp với cốt truyện của mình như hai chị em nữ hoàng Trắng Đỏ, sinh vật phàm ăn Bandersnatch,... khiến cho chuyến phiêu lưu của Alice trở lên hấp dẫn và mới lạ hơn so với bản truyện gốc. Đồng thời, ông cũng tăng tình tiết và tạo thêm các sự kiện khác để đẩy mạnh cao trào giúp bộ phim không chỉ đơn thuần còn là một hành trình khám phá.
Cuối cùng, sự khác biệt lớn nhất trong tác phẩm của Tim Burton với nguyên bản gốc có lẽ chính là cái kết, sau khi Alice bằng sự dũng cảm và thông minh đã kết thúc hành trình giúp đỡ vùng đất Underland trở về với sự yên bình vốn có, nó đồng thời đã giúp cô tìm lại được chính bản thân mình, đưa ra những quyết định đúng đắn và nghe theo tiếng gọi của con tim. Từ đây, Alice đã hoàn toàn trưởng thành, thoát khỏi thế giới phép thuật lạ kỳ để có bước tới những con đường thực tế gian truân đang chờ cô phía trước.
Có thể thấy, nếu nguyên bản của Lewis Carroll là nền móng cho chuyến phiêu lưu của Alice thời thơ ấu thì tác phẩm của Tim Burton đã phát triển nền móng ấy để nó là hậu truyện của chuyến phiêu lưu đầy thú vị này. Dù có những điểm khác biệt, song, mỗi tác phẩm đều cho chúng ta những bài học và thông điệp đắt giá về tình yêu, tình bạn, cuộc sống, hành trình đi tìm bản thân và quyết định nghe theo trái tim mình.
Bài học rút ra từ Alice in Wonderland.
Chuyến phiêu lưu của Alice từ cuộc sống thực sang xứ sở diệu kỳ cho thấy hai thế giới hoàn toàn trái ngược. Nếu ở thế giới thực, Alice phải sống theo nguyên mẫu chuẩn mực, bị ép buộc vào những hoàn cảnh mà cô không hề hay biết và không được quyền lựa chọn quyết định của bản thân thì ở vùng đất phép thuật Underland, cô có thể thoải mái làm chính mình, có thể mộng mơ, làm những điều điên rồ mà ở thế giới thực cô không làm được. Hai thế giới trái ngược nhau, một thực, một ảo, nhưng trong hành trình của Alice, nó hoà làm một. Nhờ chuyến phiêu lưu về thế giới ảo, Alice đã tìm cho mình được câu trả lời của hiện tại, khi cô quyết định được sự lựa chọn của chính mình, theo đuổi ước mơ của bố và phá vỡ những khuôn mẫu người khác áp đặt cho cô. Nó cho thấy sự trưởng thành trong nhận thức và hành động. Qua đó, truyền đi thông điệp đắt giá về tuổi trẻ, về sự trưởng thành của mỗi người, rằng ai trong mỗi chúng ta cũng sẽ đều phải trải qua những khó khăn, thử thách để lên người. Thời thơ ấu là một quãng đường đẹp, nhưng đẹp đến mấy thì ta cũng sẽ phải từ biệt con đường ấy để đi trên một con đường khác, có thể con đường này sẽ rất khó khăn, nhưng nó sẽ cho ta những trải nghiệm thật tuyệt vời.
Bên cạnh đó, câu chuyện mâu thuẫn chị em giữa nữ hoàng Trắng và nữ hoàng Đỏ cũng mang nhiều ý nghĩa. Ngoài bài học đắt giá về tình cảm gia đình, lòng vị tha thì phim cũng lên án gay gắt sự dối trá, giả tạo, xấu xa sẽ bị diệt trừ. Người hiền lành, đức độ, chân thành sẽ chiến thắng. Bằng chứng chính là việc nữ hoàng Đỏ đã bị đầy ải và ngôi vị thuộc về nữ hoàng Trắng.
Cuối cùng, khi về thực tại, Alice đã có thể tự tin với quyết định của mình, từ chối lời cầu hôn của gã quý tộc ngốc nghếch, bước trên con đường mình đã chọn, hành trình tìm kiếm bản thân và trưởng thành của cô cũng bắt đầu từ đây. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, hãy luôn tự tin về lựa chọn của chính mình, tin tưởng bản thân là điều cần thiết để đưa bạn đến với thành công.
Dù là một bộ phim dành cho thiếu nhi nhưng dưới bàn tay ma thuật của Tim Burton, hành trình phiêu lưu của Alice đến xứ sở phép thuật đều khiến bất kì khán giả ở độ tuổi nào theo dõi cũng cần phải suy ngẫm. Đến với Alice in Wonderland, chúng ta sẽ vừa được trải qua những cảm xúc hoài niệm của thời thơ ấu vừa được chiêm nghiệm những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tình cảm gia đình và về hành trình tìm lại bản thân của chính mình
Nguồn tham khảo:
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất