"Ai rồi cũng chết”  được mình mua vào ngày 17/4/2016. Mình chỉ nhớ hôm đó mình đi đâu đó trên Hồ Tây. Lúc về, cũng không hiểu lý do gì đưa đẩy mình vào một hiệu sách ở đường Láng vì mình không có ý định mua sách hay thứ gì cả. Lang thang một hồi, mình tìm được cái tên nghe khá đặc biệt “ai rồi cũng chết”. Mình đọc thử một đoạn thì thấy rất thu hút. Bởi nó không phải sách dạy về kĩ năng mà là câu chuyện và trải nghiệm trong nghề của một bác sĩ phẫu thuật người Mỹ-  bác sĩ Atul Gawande.
Cuốn cách được mình đọc những hơn một năm. Thực tế là hơn 1 tuần. Bởi mình mua về và để đó rồi gần đây mới có thời gian tập trung đọc. "Ai rồi cũng chết" là một lựa chọn tuyệt vời của mình. Bởi mình nhận được rất nhiều bài học giá trị ở đây.

Toàn bộ cuốn sách là những trải nghiệm và góc nhìn của vị bác sĩ Atul về những bệnh nhân mà mình gặp. Hầu hết là những bệnh nhân cao tuổi, mang bệnh trong người và sắp phải rời xa cõi đời. Chỉ có những người trong nghề mới hiểu và rõ nhất - và những câu chuyện về những con người đó của bác sĩ Atul đã thực sự thu hút mình. Giúp mình được biết thêm rất nhiều sự thật về nghề bác sĩ và cái chết một cách chân thực nhất.

Theo những chia sẻ của bác sĩ Atul, tất cả những bệnh nhân cao tuổi và đang mắc căn bệnh hiểm nghèo rất khó qua khỏi. Họ luôn hi vọng những kĩ thuật tiên tiến nhất trong y học có thể chữa bệnh cho họ, hoặc kéo dài những ngày tháng còn lại càng lâu càng tốt. Nhưng theo tiết lộ của bác sĩ Atul, những loại bệnh hiểm nghèo đó rất ít có cơ hội chữa khỏi - họ vẫn phải tuân theo quy luật của tự nhiên. Thế nhưng những vị bác sĩ vẫn phải nói dối người nhà bệnh nhân rằng chúng tôi sẽ cố gắng bằng nỗ lực và kĩ thuật hiện đại nhất. Và kết quả là càng khiến những năm cuối đời của người bệnh nhân phải sống trên giường bệnh một cách cô đơn, tẻ nhạt với hàng loạt loại dây dợ lằng nhằng quanh người. Nhưng vì họ - những người bệnh nhân vẫn luôn hi vọng có một phép màu giúp họ khỏe mạnh như chưa có bệnh hoặc kéo dài tuổi thọ. Đó thực sự chỉ là sự dối trá của ngành y để phủ nhận cho một sự thật rằng chúng ta đều sợ đối mặt với cái chết.

Bác sĩ Atul cũng thừa nhận rằng, những vị bác sĩ bây giờ họ có thể có đầy đủ chuyên môn kĩ thuật nhưng cái quan trọng mà họ thiếu nhất đó là khả năng chia sẻ và trò chuyện với bệnh nhân về những tin dữ họ đang đối mặt. Rằng đâu là những điều mà bệnh nhân thực sự muốn làm nếu họ nhận được hung tin rằng căn bệnh của mình không thể chữa khỏi? Và làm sao để cải thiện tâm trạng, giúp họ thực hiện tâm nguyện những ngày cuối đời?

Ngoài ra, bác sĩ Atul còn chia sẻ một kiến thức rất thú vị về mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ, gồm ba loại quan hệ là:

Mối quan hệ gia trưởng
“Kiểu quan hệ truyền thống và lâu đời nhất giữa bác sĩ và bệnh nhân chính là quan hệ gia trưởng- “chúng tôi là những thầy thuốc quyền uy, được giao trọng trách mang lại cho bệnh nhân những thứ tốt nhất có thể”. Chúng tôi có kiến thức và kinh nghiệm. Chúng tôi có tiếng nói quyết định. Nếu trên bàn có một viên thuốc đỏ và một viên thuốc xanh, chúng tôi yêu cầu bạn “Hãy uống viên thuốc đỏ. Nó tốt cho anh/chị”. Sau đó chúng tôi có thể giải thích cho bạn nghe về viên thuốc xanh cũng như lý do vì sao bạn không nên chọn nó… hoặc chẳng giải thích gì cả. Vì chúng tôi là bác sĩ, chúng tôi có quyền chọn lọc thông tin và nói cho bạn nghe những gì mà chúng mình nghĩ bạn cần biết. Nói một cách nôm na, đây là mô hình bác sĩ là số một, mà trong đó, bệnh nhân chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là lắng nghe và làm theo những gì bác sĩ bảo và không thắc mắc”「...」

Mối quan hệ “cung cấp thông tin”
… “Chúng tôi truyền đạt cho bạn thông tin và số liệu. Phần còn lại là chuyện của bạn: “Đây là tác dụng của viên thuốc đỏ, còn đây là công dụng của viên thuốc màu xanh”... Anh chị muốn uống viên nào?”. Nó là quan hệ trao đổi giống như kinh doanh bán lẻ. Bác sĩ là người bán hàng, sở hữu kiến thức và kĩ năng chuyên môn. Bệnh nhân là khách hàng hay người tiêu dùng. Nhiệm vụ của bác sĩ là cung cấp cho bệnh nhân những kĩ năng và thông tin, cập nhật mới nhất về các phương pháp chữa bệnh. Nhiệm vụ của bệnh nhân là ra quyết định…”

Cả hai loại trên đều có những ưu và nhược điểm nhất định, nhưng nhược điểm thì nhiều hơn. Vì bệnh nhân cần thông tin và quyền tự chủ, nhưng đồng thời họ cũng cần được hướng dẫn. Do vậy có một loại quan hệ thứ 3, sẽ giải quyết những nhược điểm trên.

Quan hệ tham vấn
Bác sĩ có vai trò giúp cho bệnh nhân xác định được điều họ muốn. Người bác sĩ sẽ hỏi “đâu là điều quan trọng nhất đối với anh chị? Anh chị lo lắng về điều gì?. Sau đó, khi bác sĩ đã biết câu trả lời, họ sẽ nói cho bạn nghe về đặc điểm và công dụng của hai loại thuốc xanh và đỏ, chỉ dẫn cho bạn biết loại thuốc nào sẽ hiệu quả hơn trong việc giúp bạn hoàn thành được nguyện vọng của mình.

Đây chính là mối quan hệ tuyệt vời nhất, bởi quyền quyết định được gánh vác và chia sẻ bởi cả hai bên bệnh nhân và bác sĩ. Và một bác sĩ có tâm thật sự là một bác sĩ biết chia sẻ những điều này với bệnh nhân, giúp họ thực hiện mong muốn của bản thân chứ không chỉ đơn thuần là áp đặt ý kiến hay cung cấp thông tin.

QUAY TRỞ LẠI VỚI BỆNH NHÂN
"Ai rồi cũng chết" đặc biệt kể cho chúng ta câu chuyện về những người cao tuổi hoặc những bệnh nhân hiểm nghèo xấu số đang hằng ngày phải đối mặt với lão hóa, bệnh tật, và cái chết đến với họ gần hơn bao giờ hết. Họ vẫn ham mê sống và không phủ nhận cái chết. Họ không sợ chết, họ chỉ sợ tàn phế và mất tự do. Họ sợ khi phải nghe con cái sẽ đưa họ vào những viện dưỡng lão. Với họ, nơi đó không hơn gì một nhà tù. Họ không có cuộc sống cá nhân riêng tư, không được quyết định rằng hôm nay mình muốn nằm ngủ đến sáng muộn, mà phải theo giờ giấc sinh hoạt của cả nhà tù” đó. Có một đoạn mình rất ấn tượng là người bố của tác giả, khi ông gần mất đi sự minh mẫn và đi lại khó khăn, ông chỉ có mong muốn duy nhất là: “được ăn kem và ngồi xem bóng đá” là cảm thấy mãn nguyện  rồi. Hay có bà cụ cũng sống trong những ngày tháng nguy kịch, chỉ mong muốn được đến dự đám cưới của một người họ hàng. Thế mà những điều tưởng chừng rất nhỏ nhặt, thậm chí là không đáng để ý với người bình thường khỏe mạnh lại trở thành lớn lao ý nghĩa với họ. Và trong những ngày tháng này, điều họ mong muốn chỉ là thực hiện những điều đó bên cạnh gia đình yêu thương của mình chứ không phải nhà dưỡng lão hay bệnh viện.

Và có một điểm mình nhận thấy ở "Ai rồi cũng chết", là tác giả là người Mỹ và câu chuyện kể xung quanh xã hội Mỹ. Người Mỹ - họ luôn nói được điều họ muốn. Họ nhất quyết không muốn sống trong viện dưỡng lão họ sẽ tỏ thái độ gay gắt và quyết tâm không thực hiện điều đó bằng được với con cái họ cho dù họ già cả và mất sự minh mẫn đến đâu. Hay họ sẵn sàng ở một mình, lái ô tô cho dù đã 70, 80 tuổi. Không ai có thể tước đi những nhu cầu cơ bản nhất đó được. Và những đứa con của họ cũng luôn đồng tình, ủng hộ sự tự do đó sao cho cha mẹ mình được thoải mái nhất. Chứng tỏ họ là những người biết nghĩ cho bản thân và luôn thể hiện suy nghĩ đó ra bên ngoài. Trái lại với người Phương Đông, như người Việt ta, dù không phải tất cả, nhưng hầu hết rất khó để nói được ra mong muốn cá nhân của mình.  Dù còn trẻ hay đã có tuổi, ai cũng muốn sống một cuộc sống mà mình muốn, nhưng người già họ hay để cho gia đình đưa đẩy và thực hiện thay họ. Vì sợ ảnh hưởng đến con cái và cứ thế sống như một cái bóng. Nên đôi khi những người con, người cháu cũng không hiểu nổi ông bà, cha mẹ mình muốn gì nếu không thực sự đồng cảm, chia sẻ và quan tâm.

Đúng như chủ đề của cuốn sách "Ai rồi cũng chết"
Xoay quanh “cái chết”, là câu chuyện của những con người đang cận kề với cái chết, tuyệt vọng, với sự thật có thể mình không thể qua nổi ngày mai. Những con người cứ ngày càng già cỗi đi, con đường họ đến chỉ là ngày càng đến gần với nghĩa địa, đã khiến mình cảm thấy rất căng thẳng và sợ!... Nhưng đọng lại sau mỗi lần gấp cuốn sách lại là lòng ham sống, muốn trải qua một ngày trọn vẹn ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đó là động lực khiến mình càng thấm thía hơn việc trân trọng những việc mình làm, người thân mình có với cuộc sống tràn đầy tình yêu,.. Đây là bài học mình cảm nhận rõ nét nhất qua "Ai rồi cũng chết". Và nếu ai rồi cũng phải chết thì đơn giản là một một cái chết khi bản thân đã thực hiện tất cả những mình mong muốn, bên cạnh người thân mình một cách nhẹ nhàng và thanh thản.