ANH CÓ CÒN THÍCH CÀ PHÊ KHÔNG?
Caffeine là một chất gây nghiện nhẹ, có mặt không chỉ trong cà phê, mà còn có trong trà, chocolate, kem, thức uống năng lượng, một...
Caffeine là một chất gây nghiện nhẹ, có mặt không chỉ trong cà phê, mà còn có trong trà, chocolate, kem, thức uống năng lượng, một số thuốc giảm cân, giảm đau,... Caffeine còn là một loại thuốc kích thích và là chất gây nghiện được bán không cần kê đơn, chỉ duy nhất không khuyến khích trẻ em, thanh thiếu niên sử dụng (à, trừ kem và chocolate nhé).
Trong phạm vi bài viết này, sẽ chỉ nói về caffeine trong cà phê, vì cà phê là thứ đồ duy nhất của quỷ Satan đã mê hoặc được cả giáo hoàng.
Cà phê cần có thời gian để phát huy uy lực, nhưng vô thức của chúng ta đã tạo ra quá nhiều nhận thức sai lầm với cà phê. Chẳng hạn, bạn muốn tỉnh táo, tôi cũng muốn tỉnh táo, và chúng ta làm một tách cà phê. Tuy nhiên, thực tế thì, đợi đến khi đã mệt mỏi, thì đã quá muộn để nạp caffeine vào cơ thể.
Nhưng làm cách nào mà caffeine lại giúp chúng ta tỉnh táo được, chưa kể là có thể thức thao láo xuyên màn đêm mà không cần phải cày phim để tỉnh mới ghê gớm chứ.
Nguyên nhân của ngủ là do trong não chúng ta có một chất hóa học có tên gọi adenosine. Adenosine tích tụ và tăng dần nồng độ theo mỗi phút chúng ta thức. Việc tăng nồng độ adenosine đi kèm với ham muốn ngủ ngày càng mãnh liệt. Về mặt hóa học, khi nồng độ adenosine đạt đỉnh, bạn sẽ không thể cưỡng lại và giấc ngủ sẽ nắm quyền kiểm soát. Ơn giời, trong khi chúng ta ngủ, nhờ sự thải độc của hệ bạch huyết, adenosine được giải phóng và chúng ta dần dần đoạt lại quyền kiểm soát cơ thể từ trong hỗn mang vô thức.
Adenosine sẽ rất hữu ích nếu bạn đã nằm trên giường vào buổi tối. Nhưng nó là một thảm họa cho đầu giờ chiều, khi chúng ta cố gắng chống lại cơn buồn ngủ để học, để làm việc, để chạy deadline và khủng khiếp hơn là để họp.
Và đây là cách mà caffeine làm việc. Ngay khi xâm nhập vào cơ thể, caffeine chạy lên não, nhờ vào hình thức rất giống adenosine, chúng giả dạng adenosine, chiếm vào vị trí của các thụ thể lẽ ra sẽ gắn với adenosine. Kết quả là, adenosine không gắn được vào thụ thể, bơ vơ, trôi nổi xung quanh một cách vô định và não bộ thì bị cú lừa kinh điển - không nhận được tín hiệu buồn ngủ.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ caffeine chỉ giúp ngăn chặn cơn buồn ngủ một cách tạm thời. Một khi caffeine biến mất, tất cả adenosine trôi nổi xung quanh chỉ đợi có thế để ào ào đổ về thụ thể của chúng. Adenosine vẫn luôn kiên nhẫn tích tụ dần dần trong khi caffeine tạm nắm quyền kiểm soát, nên vào thời điểm này, nếu không nốc thêm một cốc bự cà phê nữa, cơ thể bạn sẽ đổ sập.
Theo thời gian, giống như mọi loại chất kích thích khác, bộ não sẽ nhờn với hiệu ứng của caffeine, nó ra sức sản xuất ngày càng nhiều adenosine hơn để bù đắp sự tiếm quyền của kẻ lạ mặt. Và đây là lý do tại sao, chúng ta sẽ uống ngày càng nhiều cà phê hơn, hay sẽ cảm thấy thiếu tỉnh táo hoặc nhức đầu khi không có nó. Túm lại là CHÚNG TA TRỞ NÊN NGHIỆN CÀ PHÊ.
Ngoài ra, nếu bạn để ý, có những lúc bạn đã uống một cốc cà phê siêu đậm đặc, chắc cú là nó không giúp bạn ngăn nổi sự mệt mỏi, bạn lăn ra ngủ ngay lập tức. Vy diệu làm sao, lúc tỉnh dậy, bạn có cảm giác như cơ thể mình được tái sinh, tràn đầy năng lượng và sẵn sàng bắt tay vào đánh bay các thể loại deadline.
Giấc ngủ ngắn với cà phê có tên gọi Coffee Nap, và giấc ngủ này chỉ nên kéo dài trong 15-20p, đây cũng chính là thời gian để caffeine phát huy tác dụng và giúp loại bỏ một phần adenosine khỏi các thụ thể, ngăn chặn một cách hiệu quả cơn siêu buồn ngủ vừa hình thành.
Một tin xấu cho ai đó uống quá 200mg caffein vào buổi tối là: giấc ngủ sâu của họ bị giảm đi 20%, đồng nghĩa với quá trình lão hóa được kích hoạt, và nhan sắc của chúng ta đi xuống không phanh. Caffein cần 5-7h để tẩy rửa 50% lượng caffeine ra khỏi não bộ. Tốc độ đào thải sẽ phụ thuộc vào đặc điểm di truyền và sự lão hóa của cơ thể. Nên nếu thời điểm bạn uống tách cà phê cuối cùng trong ngày càng muộn thì có nghĩa trình đếm cừu của bạn sẽ càng mau tăng level mà thôi.
Với từng ấy lý do, thì khi adenosine đủ cao, tức là khi đã nhũn ra vì mệt, thì uống cà phê là vô nghĩa. Còn khi adenosine thấp, ví như sáng thức dậy chẳng hạn, uống cà phê là vì nhớ cái vị cà phê, nhớ cái hương cà phê và cũng là để chill hơn í mà.
Và bạn có còn thích cà phê nữa không, còn tôi, thì tại sao lại không cơ chứ, viết ra là để dọa nhau sương sương thôi í mà.
Nguồn tham khảo:
Bài viết cùng chủ đề: Anh có thích cà phê không?
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất