Người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến
Người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến
Đọc thêm:
Nhắc đến tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” thì không phải ai cũng biết nhưng hễ nói tên “Truyện Kiều” – Nguyễn Du thì chẳng ai lại không hay. Cái tên “Truyện Kiều” đã gắn liền với tác phẩm nổi danh này hàng trăm năm qua. Đơn giản bởi, cái tên này dễ nhớ lại gợi cho người đọc về người con gái đáng thương – Thúy Kiều. Phận nàng “bảy nổi ba chìm”, cả nửa đời lênh đênh với sóng gió, “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Nhắc đến Thúy Kiều nói riêng và “Truyện Kiều” nói chung, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến, có đức, có hạnh, có tài nhưng lại lắm truân chuyên. Tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” của bậc đại thi hào, đâu phải chỉ là tiếng khóc thương cho Kiều, đó còn là dành cho Hoạn Thư, cho nàng Vân, đó là lời thương dành cho phận đàn bà lênh đênh chìm nổi.
Lắm lúc tôi thấy người đời tranh cãi: “Thúy Vân cả đời sung sướng, khi nhỏ thì gia đình khấm khá, khi khó cũng chẳng bán mình chuộc cha, về già lại có một tấm chồng tốt. Phận đời như vậy, há còn có khó khăn?” Quả thực, so với Kiều, nàng Vân không phải chịu cái gọi là xô đẩy của dòng đời, cái tà ác của xã hội đồng tiền dơ bẩn nhưng liệu chỉ có ngưỡng ấy mới được cho là khó khăn? Cả cuộc đời Vân phải sống nơi “khuê phòng”, đó là cái thiệt đầu tiên của Vân và cũng là của người con gái sống trong gia đình khá giả, trong xã hội mà phận nữ nhi thì tam tòng tứ đức, đấng quân tử thì tam cương ngũ thường. Ngày ấy, chuyện phận nữ nhi không bước ra khỏi cửa có thể coi là bình thường nhưng so với xã hội hiện nay, đó khác gì là giam cầm. Cả đời nàng Vân “mục rữa” trong một góc nhà, nàng sẽ không bao giờ hiểu được xã hội ngoài kia ra sao. Một người đã từng nói: “Thật hạnh phúc khi ta được là trẻ con, nhưng thật bất hạnh nếu ta mãi mãi chỉ là một đứa trẻ”. Nàng Vân có thể lớn lên về mặt thể xác, phát triển hơn về tài năng nhưng nếu so với sự trải nghiệm thì có lẽ nàng vẫn chỉ là một nữ hài tử không có hiểu biết gì.
Đọc thêm:
Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai, nếu mọi người có để ý, tác giả Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều, ông mang một tư tưởng rất mới, một suy nghĩ táo bạo, phá tan gông cùm, xiềng xích thời cũ. Nếu như thời ấy, mọi người như một bản sao, nhân ra hàng triệu lần, chẳng thấy cá tính của từng người thì Nguyễn Du lại ủng hộ, ca ngợi nét riêng của nàng Kiều. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, ông công nhận cái gọi là tài năng cầm kỳ thi họa, ông trân trọng sự mưu cầu hạnh phúc của Kiều. Ấy nhưng Tố Như cũng đồng thời phê phán xã hội mục rữa ấy qua chuyện tình đời Vân. Cả cuộc đời Thúy Vân chưa một lần được phép đứng lên mà mưu cầu hạnh phúc cho chính bản thân mình. Cả đời nàng đều nghe theo sắp xếp của gia đình. Nàng nghe theo lời Thúy Kiều trao thân gửi phận cho chàng Kim, nàng nghe theo lời gia đình ủng hộ chị nối lại mối duyên với Kim Trọng. Mỗi ngày với nàng trôi qua không có dòng chảy của cảm xúc, của tình yêu mà chỉ có sự khuôn phép, sắp đặt. Nàng như con rối nghe theo lời của bậc bề trên bởi chính nàng có lẽ cũng hiểu, mưu cầu cũng đâu có nghĩa là được thay đổi số phận của chính mình. Vân chỉ một trong vô vàn cô gái bị áp đặt bởi khuôn khổ xã hội bất giờ, bị kìm hãm, trói buộc. Hình ảnh cô gái Thúy Vân mở cho chúng ta góc nhìn về một xã hội tăm tối, kìm hãm người phụ nữ, gò ép họ theo khuôn mẫu tam tòng tứ đức, khiến họ không thể nói lên suy nghĩ, cá tính của chính mình.
Chẳng chỉ Thúy Vân, phận đời của Hoạn Thư cũng không khá. Người đời trách móc, phận nàng Kiều đã lắm long đong, sao nàng nỡ lòng nào đày đọa. Nhưng nhân hỡi, nhìn đây mà xem, Hoạn Thư khi ấy đã khóc phận mình:
“Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”
Bậc đại thi hào hiểu chứ, thấu chứ, ông đâu chỉ thương, chỉ xót mình Kiều, ông còn thương cho phận đàn bà chỉ bởi cái ghen tuông vì tình mà bị người đời đày đọa, chửi bới. Thử hỏi trên đời mấy ai chịu được cái cảnh người mình thương âu yếm bên kẻ khác? Lời thơ còn là tiếng nói buộc tội của tác giả trước xã hội cũ kém phát triển, nơi người đàn ông thì được “năm thê bảy thiếp” còn người phụ nữ phải chịu cái “tòng phu” (*) Có lời thơ đã khóc thay phận Hoạn Thư mà rằng:
Dẫu gì cũng phận đàn bà
Trước nhờ cha mẹ, sau nhờ chồng con
Tình sau nghĩa trước vẹn tròn
Chuyện nhà lo liệu, chu toàn dưới trên
Ngờ đâu chàng có lòng riêng
Tao Khang nghĩa ấy chàng quên đi rồi
Trách gì cái ngưỡng Hoạn Thư, có chăng thì trách Thúc Sinh đa tình, trách xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, ban bố cho nam nhân quyền lực. Chàng ruồng rẫy thê tử bước vào từ cổng lớn, người kết tóc với chàng thuở hàn vi. Bao cái khó, cái nhọc cùng ăn chung thúng gạo đã bị chàng ta bỏ qua sau đầu. Nếu có một Thúy Kiều thì Thúc Sinh kia cũng phải có thêm cả hàng người con gái khác. Thói trăng hoa đã ăn sâu vào cốt tủy chứ đâu còn chỉ chăng là một sai lầm. Điều này, trách được Hoạn Thư chăng? Dẫu nàng có làm tròn cái bổn phận của một người phụ nữ thì đời nàng vẫn lắm chông vênh. Chữ “tình” thời ấy có lẽ chỉ là thứ gì đó chóng vánh, mau trôi, dẫu có níu cũng chẳng thể có kết cục gì khác.
Sau cùng, điều bản thân tôi muốn nói là gì? Tôi chỉ muốn mọi người có một cái nhìn khác hơn về văn học, về một cô gái “sung sướng” Thúy Vân hay một thân Hoạn Thư “ghen tuông mù quáng”. Bất kể là Kiều, Vân hay Thư thì đều là kết quả của xã hội phong kiến bất công, tàn bạo. Hình ảnh của họ đại diện cho cả một lớp người trong xã hội cũ, dẫu mỗi người một cuộc đời, một số phận song họ đều chung nhau cái cảnh ngộ nghĩ mà xót lòng. Tâm tưởng, hành vi của họ bị trói buộc kìm hãm trong gông cùm, xiềng xích của cái gọi là xã hội phong kiến, nơi mà người phụ nữ còn chẳng thể đem so bì với “tiểu nhân”. Tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” mang giá trị đời đời không chỉ bởi đó là tiếng khóc thương cho phận Kiều mà còn là tiếng kêu đứt ruột cho nỗi cùng cực của người đàn bà xã hội cũ. Tác phẩm là minh chứng rõ nét nhất cho một tấm lòng nhân đạo, một tuyệt bút của nền văn học nước nhà – Nguyễn Du.
Chú thích: (*): Đoạn thơ được trích trong bài “Nỗi lòng Hoạn Thư”, tác giả: Jenny Anh Lee
#Jannie
Đọc thêm: