Đã đến cuối năm, chúng ta hãy cùng tới với danh sách những bộ phim tệ nhất của năm nay. Danh sách này dựa trên nhiều nguồn khác nhau, bao gồm xếp hạng của các trang đánh giá uy tín như IMDB, Rotten Tomatoes, và cả những trải nghiệm ngoài rạp trong cả năm vừa qua của đội ngũ Spiderum Cine nhé.
img_0
Hạnh phúc máu
Hãy cùng Spiderum Cine mở đầu với bộ phim chúng mình cho lạ điểm thấp nhất của điện ảnh 2022, không chỉ riêng Việt Nam mà còn trên toàn thế giới - đó là Hạnh Phúc Máu.
img_1
Trong danh sách này, có lẽ Hạnh phúc máu là ứng viên duy nhất giúp người xem cảm thấy hân hoan sau khi bước ra khỏi rạp. Cảm giác này không tới từ một trải nghiệm giá trị, mà từ một cái thở phào nhẹ nhõm, rằng sự bất ổn triền miên mà cả nhân loại đang phải hứng chịu không phải điều tồi tệ nhất năm qua. 
Phim lựa chọn chủ đề bùa ngải, vốn luôn gắn liền với văn hoá dân gian Việt, và với cả những bộ phim có số phận hẩm hiu. Và dẫu đã có rất nhiều case study để tham khảo, nhưng Hạnh phúc máu cũng không đủ khả năng để né tránh các vết xe đổ. 
Như thường lệ, kịch bản vẫn là mắt xích yếu nhất ở đây. Hạnh phúc máu tồn tại trong một vũ trụ riêng biệt, nơi thiếu vắng hoàn toàn logic căn bản. Các nhân vật bị tước lấy chiều sâu và sự cá tính cần thiết để lấy lòng người xem. Họ bước đi vô hồn từ cảnh này sang cảnh khác, như thể cũng chẳng rõ mình mục tiêu xuất hiện của bản thân là gì, đặc biệt là nhân vật chính. Nhờ vậy, những cái chết bất đắc kỳ tử cũng thất bại trong việc gieo rắc nỗi sợ vào tâm trí khán giả. Thậm chí, nó còn phản tác dụng khi giúp người xem bớt nặng đầu khi không phải tiếp tục nhớ tên nạn nhân. Cao trào của Hạnh Phúc Máu chìm nghỉm trong tham vọng, với hàng loạt những cú ngoặt thiếu hợp lý và các màn gào thét inh tai nhức óc, và được điểm xuyết bởi một cái kết không thể ngờ nghệch hơn. 
Nếu các bạn nghĩ nhược điểm của phim dừng lại ở đây thì các bạn nhầm to rồi. Một cách đầy ý đồ, câu chuyện u tối, nhiều uẩn khúc của Hạnh Phúc Máu đối ngược hoàn toàn phần hình ảnh bóng bẩy, màu mè, như một music video. Và mặc dù có tận 15 MV được tạo ra cho phim, nhưng bản thân phần âm nhạc của phim lại được lồng ghép một cách vô cùng cẩu thả, khi nhiều bài không những lệch tông phim, đã thế lại còn có âm lượng rất to. 
Hạnh Phúc Máu đích thị là một bước lùi của điện ảnh Việt Nam. Hơn thế, sự xuất hiện này còn báo hiệu một tương lai không mấy tươi sáng, khi nó khiến những người có tiền và có quan hệ lầm tưởng rằng chỉ cần vậy là đủ để làm phim. 
Don’t Worry Darling
Từ khi bộ phim còn chưa được công chiếu, đại chúng đã bắt đầu nghi ngờ về chất lượng của “Don’t Worry Darling” bởi tất cả những gì người ta biết về nó là các Drama bên lề. Hầu hết từ mâu thuẫn và những chỉ trích qua lại giữa các thành viên trong đoàn. Không rõ những Drama ấy là vô tình hay cố ý, nhưng nó cũng mang lại phần nào sự chú ý của dư luận tới dự án phim này. Ngỡ rằng nó có thể làm nên kỳ tích nào đó, như dự án ra mắt thành công “Booksmart” trước đó của nữ đạo diễn Olivia Wilde, nhưng không. Bộ phim là một thất bại thảm hại. Ý tưởng giật gân kỳ bí của bộ phim tương đối ổn định. Cốt truyện kể về một thực tại đặt ở mốc thời gian những năm 50 của thế kỷ trước, nơi mà các cặp vợ chồng được sống một cách hạnh phúc viên mãn. Nhưng sự lý tưởng vô thực ấy đã khiến nữ chính trở nên nghi hoặc về thực tại. Diễn biến của phim là hành trình của cô để thoát khỏi thực tại ấy, tìm tới một cuộc sống thực sự có ý nghĩa. 
img_2
Ý tưởng và phần mở đầu của phim tạo cho khán giả kỳ vọng tương đối lớn. Nhưng rồi ngay lập tức, khán giả cảm thấy bị lừa khi khoảng thời lượng của hồi 2 và hồi 3 là một viên thuốc ngủ liều cao. Nhà phê bình phim Richard Roeper của tờ Chicago Sun-Times thẳng thắn chỉ trích Don’t Worry Darling là một “trò lừa phỉnh rẻ tiền”. Nhận định của khán giả cũng không khá khẩm hơn khi so sánh bộ phim đang cố gắng để trở thành một “Get Out” phiên bản nữ nhưng thất bại một cách ngoạn mục. 
Với số điểm đánh giá thấp lẹt đẹt, có nhiều điều để giải thích cho thất bại này, nhưng yếu tố lớn nhất dẫn tới thất bại của phim là ở diễn xuất của dàn diễn viên. Florence Pugh đã cống hiến hết tất cả tài năng cho màn thể hiện của mình, nhưng đó là không đủ để cứu rỗi chất lượng của phim. Tất cả các nhân vật khác chỉ như những bình hoa di động. Nhất là đối với diễn viên tay ngang Harry Style. Phần nào đó khiến dư luận nặng tay chỉ trích nam ca sĩ là “đóng phim thì không lo đóng, đóng đạo diễn giỏi”. Có vẻ như mọi chuyện sẽ khác nếu Shia LaBeouf đủ kiên nhẫn để ở lại với dự án. Tất cả những yếu tố này khiến ấn tượng của đại chúng về “Don’t Worry Darling” chỉ còn là sử dụng các chiêu trò để câu tiền ra rạp của khán giả. 
Halloween Ends
Màn reboot của thương hiệu “Halloween” là một thành công khi đã đào sâu vào nội tâm và những khủng hoảng tâm lý của nữ chính Laurie Strode. Nhưng chỉ ở ngay phần tiếp theo, “Halloween Kills”, đạo diễn David Gordon Green dần khiến khán giả cảm nhận được sự hụt hơi và phần nào đó mất phương hướng trong việc tiếp tục đem lại cảm giác phấn khích cho khán giả thông qua gã sát nhân máu lạnh Michael Myers. Và cho đến phần kết thúc Trilogy reboot “Halloween Ends”, người ta mới thấm thía thêm câu “cái gì chết rồi thì tốt nhất nên để nó yên nghỉ”. 
img_3
Sau khi phần 2 kết thúc, Michael Myers vẫn đang lộng hành và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả thị trấn Haddonfield. Đáng lẽ phần 3 sẽ là lúc để gặt hái thành quả cho tất cả những gì mà khán giả mong chờ sau 2 phần phim, nhưng cách triển khai nội dung hời hợt khiến bộ phim như những cú đấm không được tung ra hết sức. Halloween Ends theo hướng mới lạ và thú vị, nhưng những “lối tắt” trong việc kể ra một câu chuyện là quá lớn để đánh đổi, khiến cho bộ phim trở nên rời rạc và không còn giữ được cái tầm đáng có của tay đồ tể khét tiếng nhất nhì dòng phim Slasher. 
Firestarter
Đây là một bộ phim chuyển thể mới nhất dựa trên nguyên tác của tiểu thuyết gia nổi tiếng Stephen King. Rõ ràng là những câu chuyện của Stephen King luôn mang tới những sự hấp dẫn nhất định, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng với bộ phim này. Câu chuyện kể về một cô bé bị thí nghiệm bởi một tổ chức ngầm thuộc chính phủ nên có cho mình những khả năng siêu nhiên, toàn bộ thời lượng phim là hành trình chạy trốn của cô bé và cha mình khỏi sự truy sát của những tay sát thủ của chính phủ, trong khi giúp cô bé kiểm soát được sức mạnh của mình. 
img_4
Hai điểm chính khiến bộ phim không thực sự cuốn hút là ở thời lượng và diễn xuất. Chỉ gói gọn trong vỏn vẹn 90 phút khiến mối quan hệ của cha con nhân vật chính không được phát triển đủ sâu sắc, hệ quả là khán giả sẽ không đủ quan tâm tới nhân vật và hành trình của nhân vật. Sẽ hợp lý hơn nếu triển khai phim thành một series dài tập. Điểm trừ còn lại là ở Zac Efron. Nam diễn viên đã có một màn thể hiện dưới sức trong dự án này, nhất là khi anh hoá vai nhân vật chính, có thời lượng lên hình đến 80% tổng độ dài của phim. Những điểm yếu nghiêm trọng trên đã khiến Firestarter không thể với được tới chất lượng của phiên bản chuyển thể trước đó ra mắt năm 1984, cũng không thể hiện được hết những gì mà Stephen King đã truyền tải trong tiểu thuyết gốc. 
Blonde
Đứng trên cương vị là một tác phẩm nói về biểu tượng gợi cảm Marilyn Monroe, Blonde không phải là một phim tiểu sử. Nó là bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết giả tưởng dài 700 trang cùng tên của nhà văn Joyce Carol Oates. Cuốn tiểu thuyết là một tác phẩm văn học xuất sắc mượn hình ảnh của Marilyn Monroe để thể hiện sự thao túng của truyền thông, giới giải trí tới những phụ nữ. Nói cách khác, bản thân nguyên tác không đề cao những sự kiện thực tế trong cuộc đời của nữ minh tinh mà chỉ mượn hình ảnh của bà để thể hiện thông điệp sâu sắc. Còn đối với bộ phim, có vẻ như đạo diễn kiêm biên kịch Andrew Dominik đang bỏ qua điều này và không truyền tải đúng tinh thần mà cuốn tiểu thuyết hướng tới. 
img_5
Nếu để mô tả thì phiên bản phim chuyển thể, đáng buồn thay, lại trở thành thứ mà nguyên tác muốn chỉ trích. Màn hóa thân thành Marilyn Monroe của Ana de Armas rất tuyệt vời. Cách sắp xếp góc quay và bố trí hình ảnh của bộ phim cũng thế. Nhưng câu chuyện của Blonde lại rời rạc, như thể cố gắng sắp xếp các tình tiết có giá trị gây sốc lại với nhau, bao gồm cả những sự kiện có thật và được hư cấu, để cho ra một bộ phim dài gần 3 tiếng. Bộ phim thậm chí còn quá chú tâm vào việc tái hiện lại những hình ảnh tư liệu gốc của bà vào trong bộ phim như để cố thể hiện rằng đây là một bộ phim tiểu sử về Marilyn mặc dù nó chỉ là một phiên bản hư cấu của bà. Hình ảnh của cố diễn viên bị huỷ hoại hoàn toàn mà không phục vụ cho thông điệp muốn truyền tải. Blonde giống như một bộ phim khiêu d*m nhẹ trong lốt của một tác phẩm nghệ thuật vậy. 
Texas Chainsaw Massacre
Góp mặt cùng Michael Myers năm nay còn có vị đồng nghiệp tới từ vùng Texas. Nhưng ít nhất, màn reboot của Halloween năm 2018 của nhà Blumhouse phần nào còn tiếp cận thương hiệu cũ một cách hoàn toàn mới. Còn Leatherface không được may mắn như vậy. Thậm chí, phiên bản làm lại không thừa kế được tinh thần của phiên bản gốc từ năm 1974. 
img_6
Texas Chainsaw Massacre 2022 là 84 phút của bạo lực và máu me. Ngoài ra, bộ phim không để lại ấn tượng nào quá đáng kể. Nhà phê bình Ben Travis tới từ Empire Magazine nhận xét “Thứ duy nhất bám sát với nguyên tác là tựa đề phim. Yếu tố máu me quá đà nhưng được thể hiện trong bầu không khí vui tươi là một điều cực kì ngu xuẩn”. 
Bộ phim là sự kết nối trực tiếp với phần phim năm 1974. Leatherface sau những sự kiện đã xảy ra đang phải sống ở một trại trẻ mồ côi, nơi mà những ham muốn giết chóc của gã được kiềm hãm bởi người chủ tại đó. Sự yên bình dừng lại sau khi người chủ trại trẻ qua đời bởi một cơn đau tim, bị gây ra bởi áp lực do các nhà thầu có ham muốn chiếm đoạt khu trại trẻ để biến thị trấn Harlow trở thành thiên đường cho các nhà đầu tư.
Sự sai lầm của bộ phim đến chủ yếu từ việc gián tiếp đánh đồng cả một thế hệ thông qua dàn nhân vật như một thế lực phản diện, còn Leatherface đóng vai phản anh hùng đang cố thực thi công lý một cách cực đoan nhất. Cách tiếp cận này khiến tất cả dàn nhân vật trừ kẻ sát nhân đều không nhận được sự quan tâm của khán giả, những màn chặt chém máu me giờ không còn gây sự sợ hãi nữa, thậm chí còn gây phấn khích cho người xem. Điều này khiến Texas Chainsaw Massacre phiên bản làm lại trở thành một trong những bộ phim kinh dị tệ nhất mọi thời đại, chứ không chỉ riêng trong năm 2022. 
Morbius
Chắc chắn không bất ngờ khi Morbius có tên trong danh sách này. Các bạn có thể thấy các mỹ từ mà các nhà phê bình cũng như đại chúng ưu ái dành tặng cho siêu phẩm này tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Câu nói “It’s Morbing Time” đã trở thành một trong những quote bất hủ và sẽ được lưu truyền đến mãi đời sau. 
img_7
Nhưng thôi hãy tạm gác những trò đùa liên quan đến Morbius sang một bên. Vấn đề chính mà Morbius gặp phải đến từ hầu hết những yếu tố cấu thành một bộ phim hoàn chỉnh. Không có nhân vật đủ thú vị, không có quy luật rõ ràng cho sức mạnh mà các nhân vật sở hữu, không tạo dựng được mối hiểm hoạ khiến khán giả phải quan tâm, kịch bản thì nực cười, và cũng chẳng có những phân cảnh hành động mãn nhãn. Jared Leto không phải một diễn viên tệ, nhưng màn thể hiện trong phim hoàn toàn chẳng thuyết phục nổi ai. Morbius trở thành một sản phẩm mà mục tiêu duy nhất chỉ là cố gắng đẩy nhanh doanh thu cho những dự án lớn hơn. Nhưng sự chủ quan của Sony đã tạo nên thất bại đầy đau đớn của những dự án mang tính nền móng, khiến tương lai đầy tham vọng của họ vỡ vụn và chẳng thể cứu vãn. 
Huyền sử vua Đinh
Chúng ta đã đi qua rất nhiều cái tên ở trên thế giới. Giờ chúng ta sẽ quay trở lại với thị trường phim nội địa. 2022 không phải năm tuyệt vời đối với phim Việt, số lượng phim hay chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn phim dở thì hằng hà sa số. Một trong số nhữn phim tệ nhất là “Huyền sử vua Đinh”. 
img_8
Chỉ công chiếu vỏn vẹn 10 ngày trên toàn quốc rồi bị rút ra một cách vội vã, doanh thu vỏn vẹn 43 triệu đồng, trở thành một trong những thất bại phòng vé nặng nề nhất lịch sử phim Việt. Đạo diễn Anthony Võ thừa nhận sai lầm trong khâu Marketing cho tác phẩm. Nhưng yếu tố quan trọng nhất cần phải nhìn nhận lại bị bỏ qua, đó là về chất lượng của sản phẩm. 
Khai thác đề tài lịch sử, lấy bối cảnh sự kiện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn và thống nhất đất nước. Để kể một câu chuyện hay dựa trên sự kiện lịch sử chưa bao giờ là dễ, và nếu đã làm thì cần phải thực sự tỉ mỉ và đầu tư cho xứng với tầm vóc của những sự kiện ấy. Kịch bản của phim quá sơ sài và nhiều lỗ hổng. Phần y phục, binh khí và hoá trang, một trong những yếu tố chủ chốt trong một phim lịch sử, cũng bị nhận xét bởi các nhà phê bình nội địa là quá giả và thiếu tự nhiên, không có đầu tư nghiên cứu kĩ lưỡng. Bối cảnh phim và kỹ xảo lộ ra nhiều khiếm khuyết. Dàn diễn viên bao gồm những cái tên không mấy tên tuổi và có phần xa lạ với khán giả, diễn xuất của họ cũng không thuyết phục được đại chúng. Tất cả những vấn đề quá nghiêm trọng khiến chất lượng của phim trở nên tệ hại, mà có lẽ phải may mắn lắm thì “Huyền sử vua Đinh” mới thu về được 42 triệu đồng. 
Cù lao xác sống
Đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam khai thác chủ đề xác sống. Nhưng có lẽ khả năng của các nhà làm phim trong nước chưa đủ tầm để tạo nên một “Train to Busan” miệt vườn, thay vào đó, chúng ta có Morbius miền Tây. 
img_9
Câu chuyện là motif thường thấy trong mọi bộ phim lấy đề tài Zombie. Một nhóm người sống sót trong đại dịch trên hành trình tới một địa điểm như sân bay, bến phà nhằm thoát khỏi hiểm nguy. Khai thác ý tưởng theo một hướng an toàn, nhưng kịch bản trải dàn và rời rạc đã phá huỷ mọi thứ mà bộ phim hướng tới. Lạm dụng quá nhiều những miếng hài rẻ tiền trong một bộ phim cần sự gay gấn và kinh dị khiến “Cù lao xác sống” trở nên lạc quẻ và sáo rỗng. Sở hữu dàn diễn viên nổi tiếng, nhưng có lẽ biên kịch không cho phép những tên tuổi như Huỳnh Đông, Ốc Thanh Vân, Hoàng Mèo… phát huy được hết khả năng của họ. Xây dựng nhân vật và phát triển tính cách hời hợt. Tạo hình của Zombie ngớ ngẩn và lỗi thời. Cách thức hoạt động của đại dịch cũng chẳng được làm rõ. 
Ấy vậy, bất chấp mọi điểm trừ như thế, “Cù lao xác sống” lại có doanh thu lên tới 12,86 tỷ đồng. Có lẽ chất lượng của bộ phim đã đạt đến tầm có thể so sánh với tuyệt tác của vị đạo diễn bậc thầy Tommy Wisaeu, khiến người ta sẵn sàng bỏ tiền để tận hưởng bộ phim vì sự tệ hại và ngớ ngẩn của nó. 
Trên đây là danh sách những bộ phim tệ hại nhất của năm 2022. Chúng mình có đang chỉ trích quá đáng bộ phim nào hay không? Hay còn cái tên nào cũng xứng đáng được góp mặt vào danh sách này nữa, các bạn hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận nhé.