Thay vì chia sẻ về những kinh nghiệm viết lách, phát triển bản thân, hôm nay, mình muốn dừng lại một chút để nhìn lại con đường đã qua và rút ra những bài học cho riêng mình. Và mình chia sẻ lại ở đây để biết đâu có thể giúp bạn một điều gì đó trên con đường xây dựng sự nghiệp từ viết lách.

#1. Viết lách nghèo lắm

Đây là câu nói mình nghe nhiều nhất từ ông bà, bố mẹ. Từ trước tới nay, trong suy nghĩ những người lớn tuổi và những người không làm trong lĩnh vực viết thì việc bán con chữ rất bèo và nhà văn thì chẳng ai giàu cả.

Thế nhưng, càng phát triển trên con đường này mình càng thấy những quan điểm trên hoàn toàn sai lầm. Bạn biết không, không cần trở thành giám đốc hay CEO bạn vẫn có thể kiếm được 100 triệu – 200 triệu từ viết lách. Đúng vậy! Bằng chứng là rất nhiều cây viết đã cho thấy họ có thu nhập cực kỳ tốt như: chị Linh Phan, Chị Xuân Lê (bút danh Leng Keng), bạn Chang Chó… Vậy nên, nếu hôm nay bạn vẫn nghĩ viết lách nghèo lắm thì bạn đã bỏ qua công việc có cơ hội phát triển thu nhập rất tốt đấy.

Đọc thêm:

#2. Làm giàu từ viết lách cũng không phải là điều dễ dàng

Bằng chứng là có những cây viết 5 – 7 năm kinh nghiệm vẫn chỉ có mức lương đâu đó 10 triệu trong khi phải viết 1 ngày đến 10.000 chữ. 

Đừng đọc những bài viết kiểu: “Mình đã kiếm 100 triệu từ viết lách trong 1 tháng…” mà cho rằng viết lách là con đường dễ dàng. Để có thể phát triển và tạo ra thu nhập tốt từ nghề viết, kỹ năng bạn cần có không chỉ là viết mà còn là:
- Marketing: biết cách quảng bá bản thân mình
- Nắm bắt tâm lý người đọc, tâm lý đám đông: tạo ra tương tác, tăng tỉ lệ chuyển đổi 
- Sales: tư vấn, đàm phán và chốt deal giá tốt
- Phát triển bản thân: Không ngừng hoàn thiện để nâng cao giá trị bản thân
 Và còn rất nhiều yếu tố khác xung quanh như: kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc, cân bằng cuộc sống… Nói chung, nếu bạn xác định đi theo con đường viết lách nghiêm túc, bạn có thể không nghèo nhưng muốn trở nên giàu có bạn phải hoàn thiện rất nhiều khía cạnh khác.

Đọc thêm:

#3. Hãy tận dụng cơ hội phát triển sự nghiệp viết trước khi có gia đình

Đây chắc chắn là lời khuyên mà các cây viết bắt đầu sự nghiệp khi đã có gia đình muốn dành cho bạn. Cho dù bắt đầu vào thời điểm nào cũng là một điều tốt, thế nhưng theo mình nghĩ, bắt đầu khi bạn còn độc thân, tự do, tự tại sẽ cho bạn nhiều thời gian hơn để tập trung phát triển trong công việc này.

Khi đã có gia đình, bạn không thể dành 100% mối quan tâm dành cho việc viết mà có hàng tá các ưu tiên khác vây quanh bạn như: vợ/chồng, con gái, gia đình 2 bên nội ngoại, chi tiêu gia đình… Nó khiến cho bạn hay bị phân tâm và đòi hỏi một sự nỗ lực cực kỳ cao.

#4. Khi mới bắt đầu đừng đặt nặng vấn đề tiền bạc

Đúng vậy, nó sẽ khiến bạn nhanh chóng cảm thấy chán nản khi không thể kiếm ra tiền hoặc chỉ kiếm được 1 con số quá ít ỏi. Cho dù, tiền rất quan trọng, nhưng ở giai đoạn đầu này, các bạn nên ưu tiên việc hoàn thiện kỹ năng, tư duy và xây dựng mối quan hệ trong công việc.

Tiếp theo, hãy bắt đầu học cách xây dựng một lộ trình bài bản cho bản thân. Bạn có thể tham khảo bài viết Xây dựng sự nghiệp viết lách nên bắt đầu từ đâu? Hướng dẫn chi tiết trong 10 bước áp dụng ngay, để hiểu rõ các bước xây dựng sự nghiệp từ viết lách là như thế nào. Sau đó, hãy nghĩ đến việc kiếm tiền, kiếm rất nhiều tiền. Và tất nhiên, nếu có thể tạo ra thu nhập từ những bước chân đầu tiên là rất tuyệt vời.
Nếu bạn cần thêm chỉ dẫn để bắt đầu viết thì hãy xem video này nhé!

#5. Hơn cả tiền viết lách sẽ mang đến cho bạn rất nhiều giá trị

Đúng vậy, viết lách không chỉ giúp mình tạo ra thu nhập tốt mà còn giúp mình thỏa mãn niềm đam mê ngôn ngữ, để vượt qua nỗi buồn, để ghi nhớ tốt hơn và viết cũng là động lực để mình không ngừng học hỏi mỗi ngày.

Viết còn cho mình cơ hội để có những mối quan hệ chất lượng, những người luôn ở bên động viên, chia sẻ và đưa ra lời khuyên cho mình. Và mình tin chắc rằng, càng bước đi trên con đường này, những điều bạn nhận được sẽ ngày càng giá trị hơn tiền.

#6. “Đừng từ bỏ thứ bạn làm tốt”

Đó là câu nói của chị Xuân Lê (bút danh Leng Keng) khi chia sẻ về hành trình viết lách của bản thân. Và mình thấy câu nói ấy cũng hoàn toàn đúng với bản thân. Hồi còn đi học mình đã ở trong đội tuyển thi HSG cấp tỉnh môn Văn. Chẳng hiểu sao đến khi thi đại học, mình lại chọn học chuyên về Toán. :))
Sau khi ra trường, niềm yêu thích với viết lách lại thôi thúc mình đi theo con đường này. Thế nhưng, rất nhiều lần mình đã chối bỏ nó để thử làm sales, account, MC… Và cuối cùng bạn cũng biết rồi đấy, tất cả đều thất bại. Quanh đi, quẩn lại mình vẫn quay lại với viết. 

Sau đó, khi xác định đi chuyên sâu vào con đường này thì chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm mình đã có thể tạo ra thu nhập gấp đôi so với thời gian trước. Cũng như gặt gái cho mình một số thành quả nhất định. 
Vậy nên, nếu ngày hôm nay, bạn vẫn chối bỏ niềm yêu thích, năng khiếu của bạn thì mình khuyên bạn nên bắt đầu nhìn nhận lại lựa chọn ấy. Như chị Xuân Lê đã chia sẻ: “Nếu bạn thật sự thấy bạn viết được, viết tốt thì đừng bỏ qua nó. Bởi nó hoàn toàn có thể giúp bạn kiếm tiền và tạo những đồng vốn đầu tiên cho những hạng mục đầu tư khác từ con số 0.”

#7. Nên dành thời gian làm việc tại công ty trước khi chuyển sang làm freelancer

Đúng là việc trở thành freelance writer tự do, thoải mái là niềm ao ước của hầu hết những cây viết khi xác định mục tiêu trên con đường này. Thế nhưng, với những người mới bước chân vào nghề viết, mình khuyên các bạn không nên đặt mục tiêu trở thành freelancer lên hàng đầu. Thay vào đó, hãy xác định cho mình một khoảng thời gian đủ lâu để trải nghiệm việc làm việc trong các công ty.

Tại sao? Thứ nhất, việc làm việc tại công ty sẽ giúp các bạn được thừa hưởng những quy trình trong công việc mà công ty đã xây dựng sẵn. Sau đó, thay vì phải tự mày mò, bạn sẽ được công ty training, được các anh chị đi trước chỉ dẫn và được công ty cử đi học thêm nếu cần. Tiếp nữa, bạn sẽ được học cách làm việc nhóm, làm việc dưới áp lực, được tham gia vào những dự án lớn để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
Và chắc chắn không thể thiếu yếu tố tinh thần. Làm việc trong môi trường công ty giúp bạn có thêm nhiều mối quan hệ thú vị, cùng nhau làm việc, chia sẻ và giải trí. Rất nhiều mối quan hệ thân thiết của mình cũng đã hình thành từ đây. Và biết đâu bạn có thể tìm được nửa kia của mình tại đây thì sai?

#8. Cuộc sống freelance writer không như mơ

Nhiều người nghĩ rằng, khi trở thành freelance writer họ sẽ có được một cuộc sống tự do. Ngồi trên bãi biển để viết bài, đi chơi, đi du lịch vẫn kiếm được tiền. Nhưng thực tế thì sao?
Bạn biết không, ý tưởng bài viết này của mình đến khi mà mình vừa khóc (do cãi nhau với chồng), vừa ngồi viết bài. Việc vừa chăm con, vừa lo công việc gia đình, vừa đảm bảo công việc viết lách đôi lúc khiến mình thấy cực kỳ áp lực. Khách đang giục bài thì con khóc, phải gác lại công việc để chăm con, đang tập trung ngồi viết thì con ị, dọn dẹp xong quay lại viết thì ý tưởng cũng bay mất tiêu, đang trao đổi với khách hàng thì lại bỏ đấy đi nấu cơm… Và còn ti tỉ thứ khác xung quanh cuộc sống của 1 bà mẹ bỉm sữa làm công việc tự do.

Vậy nên, đừng chỉ nhìn vào những mặt tích cực mà mọi người show ra, hãy chậm lại một chút nhìn sâu hơn những áp lực, vấn đề bạn sẽ gặp phải trên con đường này.

#9. Đừng nhìn vào sự phát triển của người khác, hãy nhìn vào sự phát triển của chính bạn

Việc nhìn vào sự phát triển của những cây viết khác để học hỏi, lấy động lực cho bản thân là điều tốt. Thế nhưng, nếu bạn biến nó thành việc so sánh, ghen tị thì điều ấy không tốt chút nào. Việc so sánh sẽ khiến bạn cảm thấy mất tự tin vào bản thân, cảm thấy bản thân thật kém cỏi, thậm chí, bạn còn có thể sinh ra trạng thái phẫn nộ, uất ức vì những người khác làm tốt hơn bạn.

Bill Gates đã từng nói rằng: “Làm như vậy là chúng ta đang tự xúc phạm mình đấy”. Việc so sánh sẽ không đem lại cho bạn lợi ích gì mà ngược lại nó còn khiến bạn bị mất động lực, muốn từ bỏ. Nó cho thấy bạn không hiểu gì về những giá trị của bản thân, không biết cách yêu thương chính bạn.
Thay vào đó, hãy nhìn vào sự phát triển của chính bạn. Chỉ cần ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua một chút thôi là tốt rồi đúng không nào?
Chà, viết xong bài này thấy vui ghê vì nó khiến mình cảm thấy như được giãi bày tâm sự vậy. Hy vọng những bài học này của mình sẽ giúp các bạn tư tin hơn khi bước chân vào viết và biết cách xây dựng sự nghiệp viết lách của bản thân.
Bài viết nằm chia sẻ về chủ đề "phát triển bản thân". Bạn có thể đọc thêm những bài viết hữu ích khác tại đây.
Thủy Trà