Trong phần 1, Subin đã chia sẻ 4 bước đầu của phương pháp chữa lành vết thương tâm hồn, nếu bạn chưa xem qua, mời bạn mở link này.

8 bước chữa lành vết thương tâm hồn

Bước 5: Chữa lành cảm xúc bằng hoạt động cụ thể

Hiện tại bạn có hai hộp quà, một là lời chúc mừng bị bạn đã dũng cảm nhìn nhận vấn đề và nỗ lực tìm giải pháp, món quà thứ hai là lời thách thức hành động.
Đối với các trải nghiệm thất bại, bạn đã nhìn nhận được vấn đề và tìm các giải pháp khắc phục. Trong bước này, bạn cần thực hành những giải pháp đã nghiên cứu. Nếu muốn hiệu quả, hãy tìm đến một cộng đồng hoặc nhóm bạn cùng thực hiện.
Ví dụ, bạn sợ đứng trước đám đông, hãy đăng ký khóa học ngắn hạn thuyết trình. Bạn nên thảo luận kỹ càng vấn đề của bản thân với người tư vấn để so sách kết quả khi hoàn thành khóa học.
Đối với những vết thương dài hạn, bạn hãy dành thời gian thực hành những giải pháp rút ra từ cá nhân, sách vở hoặc từ người khác, cố vấn tâm lý. Giai đoạn này đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng để bạn khâu lại vết thương tâm lý.
Một khuyến khích là bạn nên ghi lại nhật ký, có thể đặt tên là nhật ký chữa lành, và ghi lại sự thay đổi trong suốt quá trình.

Bước 6: Tập trung vào điều tích cực

Sau cơn mưa trời lại sáng, chúng ta thường sợ những cơn mưa đá rơi vào tâm hồn nhưng cũng chính những cơn mưa sẽ tạo ra cầu vòng đa màu trong tâm hồn bạn. Sau mỗi lần chiến đấu với tổn thương, bạn càng thêm một lần mạnh mẽ hơn.
Nguồn: <a href="https://www.canva.com/photos/MAEL1cmO1Pc/">canva</a>
Nguồn: canva
Một ngày rảnh rỗi, bạn hãy dành cho bản thân mười phút cuối ngày để ghi 30 điều may mắn đến với bạn. Lời mở đầu là “Tôi may mắn vì”, ví dụ như:
_ Tôi may mắn vì được ăn ngày hôm nay.
_ Tôi may mắn vì còn được đi học/đi làm.
_ Tôi may mắn vì có ba mẹ bên cạnh.
_ Tôi may mắn vì được uống ly trà sữa tôi thích.
Khi ghi đến điều hai mươi về sau, bạn sẽ bí ý tưởng. Hãy tặng bản thân một khoảng lặng và tìm kiếm những điều măn mắn nhỏ nhoi như “may mắn vì còn được thở”, “may mắn vì hôm nay không bệnh”, “không bị sếp la”,…
Hãy lặp lại điều này trong ít nhất bảy ngày, thời gian lý tưởng là 21 ngày để chuyển hóa năng lượng tiêu cực trong bạn.
Chu kỳ thứ hai là thu hút những điều tích cực xứng đáng với bạn. Sau ba ngày kể từ lúc viết 30 điều may mắn, bài tập thứ hai là viết câu khẳng định. Ví dụ là:
_ Tôi xứng đáng vượt qua tổn thương [ghi tổn thương của bạn]
_ Mọi người luôn yêu quý tôi
_ May mắn luôn đến với tôi đúng lúc
Hãy ghi những câu khẳng định dành riêng cho ước mơ, sự nghiệp của bạn. Sau đó, bạn đọc vào mỗi sáng và mỗi tối tối thiểu bảy ngày.
Một điều lưu ý là hãy ưu tiên những điều may mắn khác biệt mỗi ngày trước những điều thường xuất hiện. Bên cạnh đó, bạn có thể thực hiện song song bước 5 và bước 6.

Bước 7: Học cách tha thứ

Những vết thương cứ nhói mỗi khi bạn nhớ đến, nếu bạn mãi mở ra gặm nhấm nỗi buồn thì vết thương sẽ khó lành. Vì vậy, đã đến lúc học cách tha thứ cho những sai lầm trong quá khứ.
Nếu tổn thương tâm lý đến từ trải nghiệm thất bại, bạn hãy tập tha thứ để đón nhận dũng cảm vượt qua nó. Nếu bạn còn nhớ hình ảnh những người gây ra tâm lý đó, hãy cho phép bản thân cao thượng tha thứ cho họ.
Đối với những tổn thương đến từ người khác, bạn đã tìm kiếm giải pháp tránh ở bước 2 và hành động để vượt qua ở bước 3,4,5,6. Tha thứ cho họ không phải là bạn sợ họ mà vì chấp nhận cởi trói dây thừng mà họ đã buộc bạn. Họ có lẽ đã không nhớ đến ký ức làm tổn thương bạn nhưng sự ngọ nguậy càng làm dây thừng hằn vết thương. Nếu đã đủ đau rồi, vậy thì buông bỏ! tập cởi trói nhé!
Trong một lần, Subin nghe một người thầy nói rằng cuộc sống như một bức tranh nhiều màu sắc và có cả màu đen và xám. Hai màu này tô điểm những đường nét mạnh mẽ trong nội tâm của bạn. Chỉ khi buông bút, bạn mới có thời gian chiêm ngưỡng bức tranh tổng thể sống động, độc nhất đó.

Bước 8: Quan sát sự thay đổi trong tư duy

Khi bước đến bước này, Subin tin rằng bạn đã rất kiên trì và khao khát muốn vượt qua tổn thương. Trong bước cuối cùng, bạn cần những khoảng lặng để quan sát vết thương vừa được khâu. Bước cuối cùng để vượt qua là đối diện với vật cản đó. Lúc này, bạn đã có kiến thức, sức khỏe tinh thần tốt hơn.
Dĩ nhiên, vết thương càng lớn thì không thể khâu một lần mà cần kiên trì khâu đi khâu lại. Nếu đã kiên trì đến bước này, tại sao không cố gắng thêm một chút nữa? Subin tin bạn làm được!
Một vài vết thương được khâu, nó sẽ để lại sẹo. Bạn có thể an ủi đứa trẻ tâm hồn rằng vết sẹo đó không xấu xí. Ngoài vết sẹo thì những thứ khác của đứa bé thật đẹp nên hãy chuyển sự chú ý đến những điều tích cực. Nếu bạn vẫn không thể rời mắt khỏi nó, vậy tại sao không tô điểm bằng một hình xăm xinh đẹp hơn. Nghĩa là, hãy chuyển cách nghĩ về vết thương theo cách tích cực hơn.

Thực hành 8 bước chữa lành vết thương tâm lý

A. Làm bạn với những vết thương tâm lý

Môt vấn đề mà nhiều người thường gặp là không được sự tin tưởng của người khác. Subin lấy ví dụ thực tế của bản thân, việc ba mẹ mình từng tranh cãi nhiều lần với mong muốn mình phải có mặt trước 10:30 tối. Tuy nhiên, yêu cầu này giống như xiềng xích vô hình với một người thích đi làm, đi chơi và thường dẫn đầu các cuộc đi chơi với bạn bè.
Đến một ngày, chị của mình đã nói chuyện về vấn đề này. Trong suốt câu chuyện, chị mình nói một câu khiến mình nghĩ cần phải thay đổi hoặc thỏa hiệp vấn đề này, mình trích dẫn câu nói đó như sau:
Ai chẳng thích tự do, được đi chơi thâu đêm suốt sáng nhưng em đâu để ý cảnh hơn 10 giờ tối, ba ngồi trước hiên chờ em về mới vô nhà.
Mình hiểu được sự lo lắng, nguyên nhân của các cuộc cãi vã đến từ tình thương của ba mẹ, bởi vì ba mẹ sợ con gái ở ngoài ban đêm sẽ nguy hiểm. Do đó, mình đã phải phân tích vấn đề trong bước 1 và 2, giai đoạn SEE (nhận thức) diễn ra như sau:
Sau khi đã nhìn nhận vấn đề, Subin thực hiện những giải pháp để lấy lại lòng tin của ba. Mình thường báo trước với ba mẹ khi có công việc về trễ. Nếu thời gian trễ hơn dự định thì tiếp tục gọi điện thông báo. Mình cũng chia sẻ với bạn bè, may mắn là họ hiểu và không thấy phiền khi mình về nhà sớm. Dần dà, một vài người thường nhắc nhở nếu mình bị cuốn vào công việc, các cuộc trò truyện.
Sau vài tháng, ba mình không còn ngồi trước hiên chờ, những lần gọi điện xin về trễ cũng không còn nhận lời phàn nàn. Dĩ nhiên, mình vẫn thỉnh thoảng về trễ vì công việc quan trọng, ba mẹ chỉ dặn dò đi đường cẩn thận thay vì yêu cầu mình lập tức về nhà.
Một hành động nhỏ khác là mình chia sẻ về những việc mình làm, lý do mình không thể về sớm. Nhờ vậy, ba mẹ hiểu hơn về công việc cũng như yêu cầu thời gian từ công việc đó. Hiện tại, mình nhận thấy ba mẹ đã tin tưởng và ủng hộ những việc mình làm.

B. Khâu lại vết thương lâu năm

Trong giai đoạn mình hỗ trợ học viên trong một khóa học thuyết trình, mình vẫn còn nhớ một bạn học viên đặc biệt. Mình tạm đặt tên cho bạn là H. Bạn H có một tổn thương mà khi kể ra đều khiến mọi người sót thương. Đó là bạn từng bị xâm hại khi còn là một đứa trẻ bởi một người thân trong gia đình. Từ đó, bạn H nảy sinh cảm giác chán ghét với người đó.
Hậu quả từ tổn thương đó khiến bạn sợ hãi khi có người khác giới muốn tiếp cận, đặc biệt là người trung niên, lớn tuổi. Trong lúc chuẩn bị tốt nghiệp khóa học, bạn được giao nhiệm vụ kể về trải nghiệm bản thân trước hơn 100 người. Bất ngờ thay, bạn H đã chọn kể về đoạn ký ức này.
Trong giai đoạn hỗ trợ, bạn H và đồng nghiệp của mình dành nhiều giờ để lắng nghe – thấu hiểu. Giai đoạn này nằm ở bốn bước đầu nhằm giúp đỡ bạn H nhìn nhận rõ hơn vết thương. Dĩ nhiên, việc gợi nhớ và khai thác vết thương khiến bạn có cảm xúc mạnh. Sau đó, bạn H đã có hành động dũng cảm là tìm cách vượt qua tổn thương đó, hiểu bản thân cần tha thứ như một cách cởi trói chính mình.
Cho đến hiện tại, bạn không còn khóc khi kể về trải nghiệm đó. Vết thương không mất đi, nó để lại một vết sẹo nhưng nó không làm xấu vẻ đẹp nội lực của H. Bạn vẫn mở lòng, đón nhận tình cảm từ người khác và trang bị kiến thức tự vệ để tránh quá khứ lặp lại.
Kết lại, 8 bước chữa lành vết thương tâm hồn không làm vết thương đó hoàn toàn biến mất. Chiếc bình bị bể, khi dán lại vẫn còn những vết nứt. Tuy nhiên, sau mỗi lần nhìn nhận và vượt qua tổn thương, bạn lại hiểu sâu sắc về đứa trẻ nội tâm, biết cách nuôi dưỡng và chăm sóc nó.
Chìa khóa cho phương pháp này là tìm góc nhìn khách quan, hiểu được lý do cần thay đổi và tìm cách giải quyết vấn đề. Hy vọng rằng bạn sẽ thực hành tốt phương pháp này.
Đôi lời từ Subin: Chuỗi TDTCV gồm 9 bài viết, mỗi tuần hai bài. Với những vấn đề mà mình đã trải qua, mình sẵn sàng cùng bạn nêu quan điểm. Để mình có thể gói gọn vấn đề trong một bài viết thì mình cần nghiên cứu, vì vậy mình hy vọng bạn đọc đừng ngại đặt vấn đề để mình có thể tập trung nghiên cứu sớm hơn.