#8. Quê nội
Chị mình có những mùa hè dài ở quê nội, còn mình thì không. Thậm chí có lẽ những ngày mình ngủ ở nhà nội đếm không hết một bàn tay....
Chị mình có những mùa hè dài ở quê nội, còn mình thì không. Thậm chí có lẽ những ngày mình ngủ ở nhà nội đếm không hết một bàn tay. Lần dài nhất hình như cũng chỉ vỏn vẹn hai đêm năm mình còn học cấp một.
Đó là một căn nhà cấp bốn lợp ngói gạch, chỉ có hai gian nhỏ xíu. Gian trước là phòng thờ, nơi có thứ to nhất căn nhà là tủ thờ lớn có bộ lư hương đồng thờ ông bà ở trên. Bên trái là tủ thờ nhỏ nơi đặt hình thờ cô Ba. Ngoài ra thì hầu như không còn đồ đạc gì khác, không có cả bàn ghế, nên khi ăn cơm mọi người chỉ có thể ngồi bệt dưới nền nhà lót gạch bông bụi bặm. Gian phòng ngủ có một chiếc giường gỗ nhỏ chiếm hết một phần ba, song song là một cái võng móc ở một phần ba gian đối diện. Nằm trên võng ngó lên trần nhà không có lớp la phong có thể thấy mớ xà ngang dọc, ở trên có gác hai cái thúng to, cùng những bao đồ linh tinh không rõ là gì. MÌnh thì không hứng thú gì với các món đó, nên nằm võng thường hay ngó qua ra ngoài cửa sổ hơn. Ngoài cửa số, nhìn ra bên ngoài khoảnh sân gạch đỏ là con đường đá chẻ dẫn ra cái giếng sâu hoắm đầy dương xỉ, nơi lấm tấm dưới chân là đám rau má tí hon lấm tấm. Đó là nơi mình thích nhất cả nhà nội, do lẽ nó xanh nhất, mát mẻ nhất cái gò khô cằn đó. Nhưng do con nít thì không được ra ngoài nắng, mà mình chỉ ở nhà nội vào những ngày nắng ráo, nên sau những bữa cơm nơi người lớn đi rửa chén, đi ngủ trưa, đi cho bò ăn, hoặc đi làm những việc của người lớn khác, thì mình chỉ có thể ngồi ngắm vị trí yêu thích đó qua khung cửa sắt có song uốn hoa đã rỉ. Khung cửa đó, vào buổi đêm sáng trăng bàng bạc, mình ngóng ra bụi tre đổ bóng xào xạc lên đám mình tinh nghe dế gáy râm ran. Ở thành phố thì chẳng bao giờ nghe được dế gáy cả.
Ngoài cái giếng và con bò (to và đáng sợ, và hôi) ra, hình như nhà nội không còn gì hứng thú với mình. Không sách truyện, không ti vi, không có những đứa nhóc ngang tuổi để chơi. Đến đứa trẻ đã quen chơi một mình như mình còn thấy buồn chán. Mình không được ở bếp nhiều nhìn bà nội nấu cơm ở gian bếp tách rời có ổ gà mái và cái bếp kiềng nhóm tàu dừa (vì khói và nóng), không được loanh quoanh gần cái giếng (vì sâu và nguy hiểm), không được chen vào bụi mình tinh cạnh cái giếng (vì không được dậm ngã cây, và vì ở đó nhiều rắn mối). Một đứa trẻ ngoan sẽ biết đi ngủ sớm khi vừa hết bữa cơm tối, sẽ không mè nheo khi bị đập dậy để ăn sáng (để rồi lại không làm gì) khi cái loa xã lè nhè nói gì không rõ lúc bốn rưỡi sáng, sẽ không đòi đi theo chơi khi người lớn ra đồng, cho bò ăn hay lui cui nấu bếp, sẽ không giang nắng đi ngó bầy gà chim chip trong vườn. Một đứa trẻ ngoan thì phải biết ngồi im khi người lớn làm chuyện của họ, nói những câu chuyện của họ. Nhưng hình như ngày đó mình đã là một đứa trẻ quá ngoan.
Ông bà nội có nói chuyện gì với mình không nhỉ? Ngoài chuyện phải ráng học lấy cái chữ và giữ sức khỏe, ông bà chỉ kể những câu chuyện vu vơ của người già: về những đứa cháu nội và cháu cố khác, về những người hàng xóm, về những họ hàng xa, về những câu chuyện thuở xa xưa cực nhọc. Và về những người quen đã lần lượt chết đi. Hình như ba mình cũng chỉ nói những chuyện như vậy với ông bà. Ông bà, theo cách nói của ba, là nông dân từ gốc rạ mà ra. Những câu chuyện ở cơ quan ông, những người bạn của ông, những mối quan tâm của ông, về cơ bản không phải là những thứ ông cho rằng không trao đổi được với ông nội. Những lần về quê, ông toàn chuồn đi chơi tới nhà những người bạn, những người anh em họ chứ chẳng mấy khi ở nhà. Có lẽ ba mình cũng thấy buồn chán.
Ông mình, ba mình và mình có thể là những đại diện tiêu biểu của thế hệ của mỗi người. Mình tốt nghiệp đại học, làm dân văn phòng, tập tành chơi chứng khoán. Ba mình đi K, thành thương binh, về lăn lộn qua những cơ quan nhà nước phá sản và giải thể, cuối cùng trụ lại ở một nơi, làm mấy chục năm không biết chán. Còn ông nội là nông dân từ gốc rạ mà ra, một đời dành dụm bao nhiêu vàng, bao nhiêu đất để hết vào tay con cháu tiêu xài, hơn sáu mươi vẫn còn hái mấy quả đu đủ xấu, cùng bà đẩy xe lên con dốc cao rất cao ra chợ bán. Ba thế hệ chuyển mình theo thời cuộc, không để lại cho nhau được quá nhiều di sản. Ngày ông nội mất đi, miếng đất và căn nhà đó không ai ở nữa. Một lần mình về, chỉ thấy cây cối um tùm, khoảng đất trồng mình tinh ngày xưa giờ một ông anh họ lấy trồng bạch đàn, gian nhà giờ nhìn cũng tiêu điều chẳng còn giống nơi người sống được nữa. Những người ở thế hệ của ông đã chẳng còn ai từ lâu, những câu chuyện ngày xưa ông hay kể, giờ đã đến lượt ba mẹ mình tiếp bước.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất