7 SỰ THẬT NÊN BIẾT ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT FOOD STYLIST.
Food Stylist là ai, họ làm gì ? Bảy sự thật nên biết nếu bạn muốn trở thành một Food Stylist.
Ngày nay, nhu cầu ăn uống của mỗi chúng ta ngày càng được nâng cao. Điều này dẫn đến sự nở rộ và tạo nên những cơn lốc trong ngành F&B (Food & Beverages). Rõ ràng, đi cùng thị trường với nhiều lựa chọn, mỗi khách hàng cũng bắt đầu khó tính hơn. Để lấy lòng họ, yếu tố ngon miệng thôi chưa đủ mà còn cần phải ngon mắt. Ví dụ dễ dàng nhận thấy, ở hầu hết điểm dừng đèn đỏ, bạn không thể bỏ lỡ một quảng cáo burger với phần bánh nướng vàng cùng lớp thịt dày mọng nước, để lộ miếng salad xanh mơn mởn phủ trên là sốt mè béo ngậy trông thật hấp dẫn. Bộ não chỉ muốn kéo bạn đến ngay nhà hàng đó và thưởng thức chiếc burger ngon lành kia. Đôi khi, bạn ghé vào nhà sách để chọn mua một quyển sách dạy nấu ăn nhưng tất cả những gì khiến bạn chú ý là hình ảnh tinh tế ở trang bìa mà chưa cần nhắc đến nội dung bên trong.
Từ quảng cáo ngoài đường, trên facebook đến sách dạy nấu ăn hay blog ẩm thực, chúng ta có thể thấy công việc của Food Stylist hiện diện mỗi ngày. Trên thực tế, một nhà hàng hay chuỗi thức ăn quảng cáo cho hình ảnh của họ trông thật cầu kì hấp dẫn để nhìn thôi thì khách hàng cũng phải mua ngay món ăn của bạn. Và đương nhiên, điều này không thể thiếu sự góp mặt quan trọng của một Food Stylist.
Vậy Food Stylist là ai, họ làm gì ?
Các Food Stylist là chuyên gia sắp xếp và biến đổi để món ăn được ngon mắt nhất, “chăm sóc” chúng suốt quá trình chụp ảnh có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ mà vẫn đảm bảo thực phẩm phải tỏa sáng trên khung hình. Đôi khi họ còn có trách nhiệm cả ở khâu chọn phụ kiện đi kèm như chén, đĩa, khăn trải bàn để bổ trợ thêm cho món ăn.
Các Food Stylist làm việc với đầu bếp, giám đốc sáng tạo và nhiếp ảnh gia để mang đến hình ảnh chất lượng nhất cho khách hàng. Trong tương lai, cùng với sự phát triển của cơn lốc F&B, đây chắc chắn là một công việc đầy hứa hẹn vì mức thu nhập không hề thấp và được làm việc trong điều kiện mơ ước. Tuy vậy, đối với ai quan tâm đến nghề này, tiếp sau là những điều quan trọng cần cân nhắc vì thực tế không phải lúc nào cũng hấp dẫn như các bạn đang nghĩ. Sau đây là bảy sự thật nên biết nếu bạn muốn trở thành một Food Stylist.
1. Sở hữu tư duy của một người làm việc tự do.
Các Food Stylist thường làm việc theo dạng hợp đồng (đôi khi các công ty lớn thuê họ làm việc full-time, in-house nhưng mô hình này thường không nhiều). Do đó, để phát triển họ sẽ hợp tác dự án với các studio hay nhiếp ảnh gia để thực hiện dự án. Vì vậy, họ cần phải trang bị những kỹ năng cơ bản và kiến thức của một Freelancer. Ngoài các dự án thực tế tham gia, họ còn đầu tư marketing cho bản thân bằng các dự án cá nhân nhằm thu hút đối tác.
Thời gian làm việc của các Food Stylist không cố định, điều này phụ thuộc vào khách hàng và đối tác của họ. Song nếu bạn ngại khi phải làm việc thâu đêm vì dự án gấp hay nó chiếm luôn những ngày cuối tuần quý báu thì chắc hẳn bạn cần suy nghĩ lại về việc dấn thân vào con đường này. Nhưng đừng vì thế mà nản lòng, với khung thời gian mở cũng chính là ưu điểm khi bạn tự do quyết định thời gian làm việc bất cứ khi nào bạn muốn.
2.Bạn sẽ nấu đi nấu lại một món trong hằng giờ.
Để có được món ăn hoàn hảo nhất xuất hiện ở một vị trí đẹp trên trang bìa, thật khó để hoàn thiện vào lần đầu tiên. Vì thế bạn sẽ phải thử rất nhiều lần để cho ra thành quả ưng ý. Điều này cần bạn phải hết sức kiên nhẫn vì có thể bạn sẽ phải rán đến 10 quả trứng cho một phần ốp lết nhìn có vẻ đơn giản. Nhưng đừng lo, cũng vì thế mà chắc chắn tay nghề của bạn sẽ được nâng lên một tầm cao mới đấy.
3.Food stylist phải đảm nhiệm các vị trí khác trong bếp.
Không phải khách hàng nào cũng đủ ngân sách để chi trả cho các trợ lý của Food Stylist. Do đó trong nhiều dự án, Food Stylist tự làm các công việc từ đi chợ, sơ chế, nấu nướng, dọn dẹp và mang đồ nghề đến studio. Vì vậy bạn nên biết cách sắp xếp công việc và thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất của mình.
4. Bạn không phải là đầu bếp duy nhất .
Bạn không làm việc đơn lẻ. Mọi người từ nhiếp ảnh gia, người chỉ đạo và giám sát hình ảnh, khách hàng sẽ đưa ra ý kiến với món ăn bạn làm. Và lúc này, nếu bạn không đủ minh mẫn, bạn sẽ choáng ngợp bởi các luồng ý kiến và chìm mất. Đôi khi phải gạt đi cái “tôi” để công việc được hoàn thành chuyên nghiệp. Sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau và khó thống nhất, vậy nên hãy nghe theo khách hàng người có quyền quyết định đến thành quả cuối cùng của buổi chụp. Điều mà các Food Stylist cần làm là thỏa mãn mong muốn của họ.
5. Một lượng lớn thực phẩm sẽ bị lãng phí.
Hiển nhiên khi các Food Stylist trải qua nhiều thử nghiệm với món ăn thì các nguyên liệu sẽ không sử dụng hết, gây tình trạng lãng phí. Giải pháp cho chúng là bạn cần phải tập trung và tính toán hợp lí nếu không muốn lãng phí những nguyên liệu mà mình chuẩn bị. Đôi khi có những nguyên liệu rất khó mua, việc này nhắc nhở ta phải nâng niu biết ơn thực phẩm dù chúng có giá thành đắt hay rẻ. Với thực phẩm còn sử dụng được hãy tận dụng làm món ăn cho team hoặc mang về.
6. Không phải món ăn nào cũng ăn được.
Đối với đầu bếp, nấu ăn là hành trình khám phá lãng mạng và món ăn chính là bữa tiệc của tất cả các giác quan. Nhưng với Food Stylist thì lại khác, những gì bạn cần quan tâm là món ăn trông như thế nào dưới ống kính máy ảnh. Một sự thật thường gặp là những món hấp dẫn bạn nhìn thấy lại có khả năng cao là không ăn được. Vì sao vậy? Một buổi chụp thường kéo dài 8 tiếng hoặc hơn, không những thế món ăn phải chịu sức nóng từ các ánh đèn chụp. Cho nên, dù bạn có chăm chút hết mức, một vài món dường như không thể giữ được vẻ đẹp của chúng. Để khắc phục những nhược điểm trên, các Food Stylist thường sử dụng các chất liệu khác để thay thế. Những viên kem tươi mát mà bạn nhìn phát thèm kia rất có thể được làm từ bông gòn hoặc khoai tây nghiền. Những vết xém cạnh hoàn hảo trên món bò beef steak được vẽ bằng bút kẻ mắt của các chị em. Thật bất ngờ đúng không?
7.Nếu quyết định dấn thân đừng ngại khó khăn:
Những bước đi đầu tiên sẽ không dễ dàng. Dù bạn bắt đầu từ con số không hay bước ra từ một căn bếp chuyên nghiệp, bạn vẫn cần học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Để thâm nhập và đứng vững trong thời gian đầu, bạn nên làm trợ lý cho các Food Stylist để được trải nghiệm và mở rộng các mối quan hệ. Sau khi đã cứng cỏi, công sức bạn bỏ ra sẽ gặt hái được nhiều điều xứng đáng. Vì vậy đừng ngần ngại thử, sẽ còn rất nhiều điều ngạc nhiên đang chờ đón bạn đấy.
Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây. Mình là Thục Trinh, hiện tại mình đang làm công việc của một freelancer, sắp tới mình sẽ viết các bài liên quan đến sở thích nấu ăn và hình ảnh. Nếu yêu thích các chủ đề này, hãy theo dõi mình để cập nhật thêm nhiều ý tưởng mới nhé.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất