1 - Thần thức bị nghiệp dẫn vào tử cung mẹ. Ta lấy máu kinh nguyệt của mẹ làm chỗ ở và thức ăn. Các cụ thường nói : "Khi quỷ sứ đưa đi đầu thai, nó cho ăn cháo lú". Nay học Kinh mới biết: Quỷ sứ là Nghiệp Dâm Dục, cháo lú chính là thứ máu này. Đã chịu thân cách ấm thì Bồ Tát còn quên hết chỗ tu kiếp trước huống kẻ phàm tình. Tử cung mẹ toàn máu tanh. Quanh tử cung là những vòng ruột toàn phân thối. Một bọng nước tiểu khai. Tất cả các bộ phận này ở trong nước nhớp khắm. Chúng ta thành hình ở trong đó, từ nhơ bẩn mà ra. Ấy thế mà lớn lên trợn mắt cãi mẹ, tự cho mình là kẻ khôn giỏi tài hoa!
2 - Cả 7 năm đầu công mẹ phù trì nuôi nấng, nói sao cho hết những nhọc nhằn.
3 - Cho đến 21 tuổi, sáu căn bỡ ngỡ tập làm quen với sáu trần, trong cuốn phim đời chúng ta tự đóng trò và tự nếm ý vị.
4 - Tuổi thành niên là tuổi năm ấm xí thịnh. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Con mắt lưu dật bôn sắc". Dùng ba danh từ liên tiếp để nói sức mạnh của vô minh chạy theo trần cảnh. Lưu là nước chảy xuôi dòng. Dật là lửa bén rừng hoang. Bôn là vó ngựa tung trong cánh đồng. Ý nói những sức mạnh này, không phải là không ngăn cản được, nhưng đã tập quá quen từ vô thuỷ, ít ai để ý kìm hãm. Thế là rông rỡ Tham Sân Si… Thế là buông lung Sát Đạo Dâm Vọng…
5 - Từ trẻ đến già, thân là cái máy đòi ăn uống, áo quần, nhà ở v.v… trăm thứ cần dùng. Ta đã đem hết tinh thần cung phụng. Nó chuyên sản suất phân tiểu, mồ hôi, cáu ghét. Mắt ra ghèn, tai ra ráy, mũi miệng ra đờm dãi. Ngày này qua ngày khác, trọn đời lo tắm rửa. Tới khi tất cả gió trong người đồng dứt, cười, nói, cử động, nhất tề lạnh ngắt. Thây ma nằm im. Người ngoài tưởng thế là an nghỉ. Nhưng theo Kinh dạy thì khi hơi thở ngừng, tinh thần bức ngộp khổ vô cùng. Ta cứ thử lấy tay bịt mũi vài phút, sẽ biết chút ít sự khổ của người không được thở. Thiếu dưỡng khí, máu lạnh dần. Từng tế bào, từng thớ thịt, xương tuỷ như bị dao cắt kim châm. Khổ muốn phát điên mà thân không cử động được một tơ hào. Cứ thế cho tới lúc toàn thân lạnh ngắt, thần thức mới không hiện hành, tinh thần chìm trong mờ mịt… để sửa soạn một cuốn phim khác, bước sang đời sau.
6 - Từ trong bào thai đến khi vào quan tài, các thứ bệnh hoạn : Đậu mùa, ho lao, thương hàn, sốt rét, hủi cùi, ung thư v.v… lặng lẽ bất chợt đem đau đớn cho người ta như rắn bò dưới cỏ. Nó đến lúc nào không ai biết. Chợt nó phát ra thì già trẻ sang hèn đều bị nó ngự trị hoàn toàn. Da thịt xương tuỷ đau nhức kiệt quệ. Còn bao nhiêu tai nạn khác như hóc xương, trượt chân, ngã gẫy tay vỡ sọ, một viên ngói rơi trúng đầu, một luồng gió độc thoáng qua… Đời người là một chuỗi lo âu sợ hãi nhưng trí nhớ con người như dao chém nước, vừa nhấc lên đã mất vết. Không ai dám tự hào ngày mai tôi vẫn còn mạnh khoẻ. Ai cũng biết cuộc đời có lắm bất ngờ, hoạn nạn này, khốn khổ khác. Vậy mà thế gian vẫn vui cười, uống rượu, mê sắc, các thứ ngông nghênh kiêu căng đáo để, hành hạ lẫn nhau, xoay sở tàn hại nhau. Chỉ vì không thể nhớ rằng mình đã và sẽ khổ.
7 - Mục đích cốt làm thế nào thấy rõ sự thật ở mỗi con người, mỗi con chim, con cá… là Vô Thường, Vô Ngã, Khổ và Không. Thấy rõ để giải thoát ba độc Tham Sân Si, xót thương thành thật vạn loài, vui vẻ ở với ai cũng được và ở cảnh nào cũng được.Đức Bổn Bổn vừa giáng sanh đã nói ngay: "Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn". Thầy hiểu câu ấy nghĩa thế này: "Trên trời dưới đất chỉ có cái Ta chân thật mới đáng tôn quý". Vì muôn loài sống mê muội. Thân, tâm, cảnh đều hư vọng. Từ vô thuỷ lẩn quẩn mãi trong vòng Hoặc Nghiệp Khổ. Phật giáng sanh để khai mở cho nhân loại thấy và trở về sống với cái Ta chân thật.
Sư Bà Hải Triều Âm
Nam Mô A Di Đà Phật