6 tháng sử dụng Iphone 6 10 năm tuổi, mình được gì?
Một bài viết về những trải nghiệm và suy ngẫm của mình sau quãng thời gian sử dụng chiếc Iphone của mình.
Đây là điện thoại của mình
Chào các bạn,
Sau 6 tháng kể từ bài đăng NÀY, mình đã sử dụng chiếc Iphone 6 10 năm tuổi (từ đây trở đi mình sẽ gọi tắt là “con sáu”) được 6 tháng. Quãng thời gian này đã cho mình rất nhiều chiêm nghiệm và bài học hữu ích. Hiện tại mình đã sử dụng 1 chiếc điện thoại mới rồi, nên bài viết này là nhằm đúc kết lại những gì mình có trong quãng thời gian vừa rồi.
1. Tại sao lại mua điện thoại mới?
Có 3 lý do để mình đưa ra quyết định này.
Đầu tiên là con sáu của mình đã bị hỏng bluetooth, nút home, nút tăng giảm âm lượng và nút gạt chế độ im lặng, không thể kết nối với tai nghe hay bộ đàm gì được nữa, trong khi 2 thứ này rất quan trọng trong các hoạt động thường ngày của mình như đi phượt, học tập, tập luyện và chiêm nghiệm.
Tiếp theo là nhờ con sáu mà mình đã thực hành 2 kĩ thuật của chủ nghĩa Khắc Kỷ (Stoicism) là Tưởng tượng Tiêu Cực (Negative Visualization) và Tự tiết chế bản thân (Self-Denial), qua đó giúp mình xác định rõ những nhu cầu thật sự cần thiết mà mình cần ở một chiếc điện thoại là gì. Chiếc điện thoại mới sẽ giúp mình thực hành kĩ thuật tiếp theo là Tam phân quyền Kiểm soát ( The Trichotomy of Control) cũng như học hỏi những thứ khác.
Lý do còn lại, là vì đợt tết vừa rồi mình gom góp được kha khá tiền lì xì và tiền đi làm, và chỗ mình biết cũng đang có một chiếc điện thoại second-hand rất phù hợp, thiên thời, địa lợi, nhân hòa, thế là mình chốt luôn.
2. Điện thoại gì?
Đây là chiếc điện thoại Iphone 12 pro dung lượng 512gb, mình mua ở tình trạng 95% pin và trầy xước nhẹ ở camera.
Những trải nghiệm trong quãng thời gian này
- Giai đoạn vừa rồi có thể được ví như một cuộc “hành xác” tự nguyện vậy, con sáu chậm, rất chậm, đã vậy còn không chạy được các ứng dụng cần thiết, và mỗi lần cần dùng Google Maps thì đúng nghĩa là cực hình.
+ Google Maps sẽ hiển thị vị trí của mình ở thời điểm 6 tiếng trước chứ không phải hiện tại, và khi di chuyển thì vị trí cũng không cập nhật liên tục, mà mình sẽ ở nguyên đó, không hề di chuyển, chỉ đến khi out ra vào lại thì mới chịu cập nhật vị trí. Đã nhiều lần mình đi lạc và bị trễ hẹn vì nó.
+ Với dung lượng quá khiêm tốn (16gb) bắt buộc mình phải cân đo đong đếm những ứng dụng nào thật sự cần thiết, và kết quả là điện thoại mình chỉ có ứng dụng Spiderum (hiển nhiên là phải có rồi), Messenger, Zalo, Youtube Music).*Các ứng dụng như Facebook, Instagram,... thì mình từ chối tải và sử dụng, đặc biệt là TikTok.
+ Các thao tác rất cơ bản như mở ứng dụng cũng cần rất nhiều thời gian, mình đã phải chờ 45 giây để mở được Zalo, 45 giây nữa để Zalo tự động cập nhật tin nhắn mới nhất, và 30 giây nữa để bàn phím xuất hiện khi vào chat box. Lúc bình thường thì không vấn đề gì, nhưng có chuyện đột xuất thì mình chỉ muốn quăng luôn em nó đi thật xa…
+ Mỗi khi có cuộc gọi đến thì mình gần như không thể trả lời được, vì dù có accept đi chăng nữa vẫn chẳng nghe được bất kì âm thanh gì, vậy nên mình phải từ chối và gọi lại thì mới nghe được.
Tuy nhiều phiền toái, nhưng nhìn chung mình vẫn hài lòng với con sáu của mình.
Những trải nghiệm với chiếc điện thoại hiện tại
Với chiếc Iphone 12 pro hiện tại, mình thật sự quá bất ngờ trước khả năng của nó.
+ Sử dụng Google Maps thì rất nhanh và chính xác, mỗi khi cần sử dụng đến thì không có gì để chê.
+ Với dung lượng 512gb thì vấn đề về dung lượng được xóa bỏ hoàn toàn, mình có thể thoải mái tải bất kì thứ gì mình muốn (tất nhiên là không, và sẽ không bao giờ có TikTok), mình không cần phải xóa bớt ảnh để có thêm dung lượng nữa, thật sự tuyệt vời.
+ Các thao tác thật sự rất mượt, độ trễ thao tác, mở ứng dụng hay reload thật sự rất ngắn, đến nỗi lần đầu tiên mình đã rất bỡ ngỡ khi sử dụng nó.
+ Có thể nó thật sự mượt, hoặc chỉ đơn giản vì mình xài điện thoại chậm quá, nên bây giờ với một chiếc bình thường thì lại trở nên siêu nhạy mà thôi.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ
Tưởng tượng tiêu cực - Negative Visualization
Tại thời điểm mình quyết định sử dụng con sáu, mình đã bắt đầu thực hành kĩ thuật Tưởng Tượng Tiêu Cực trong cuốn sách Stoicism - A guide to the good life của William B. Irvine. Mình đã chiêm nghiệm rất nhiều về chiếc điện thoại trước đó (iphone 8) rằng mình “đã rất hài lòng với nó, và khi mất đi thì mình không nuối tiếc, cũng như không quyến luyến gì hết”, và “không có gì tồn tại trên đời này mãi mãi cả”.
Hợp nhất, rồi sẽ kết thúc trong chia ly, Kiến tạo, rồi sẽ kết thúc trong lụi tàn, sự sống, rồi sẽ kết thúc trong sự chết Mọi vật, rồi sẽ hóa cát bụi, Riêng chỉ có ý tưởng và khái niệm là vĩnh cửu.
Con điện thoại này rồi cũng sẽ đến lúc không còn thuộc về mình, có thể bị hư, bị trộm một lần nữa, nên mình vui khi có nó từng ngày, và nếu ngày mà mình phải trả lại nó cho Tự nhiên, mình sẽ không nói câu “giá như” nào cả.
Cũng trong giai đoạn này, mình cũng học cách đơn giản hóa cuộc sống nhất có thể, nhưng khi thật sự bắt tay vào, thì câu hỏi “thế nào là một cuộc sống đơn giản?” mới thật sự rõ ràng. Một cuộc sống đơn giản là một cuộc sống mà ta biết và đáp ứng những nhu cầu căn bản mà thật sự bản thân ta cần đến.
Vậy những nhu cầu căn bản và thật sự cần thiết của mình là gì?
+ Chụp ảnh và quay video ổn định.
+ Nhiều dung lượng để không phải lo nghĩ về vấn đề thiếu dung lượng.
+ Không quá cũ để sử dụng lâu dài.
Cato ăn mặc rách rưới và lập dị vì ông muốn dạy bản thân “chỉ hổ thẹn với những điều thực sự đáng hổ thẹn, và phớt lờ những sự khinh miệt của thiên hạ về những thứ khác” (to be ashamed only of what was really, shameful, and to ignore men’s low opinion of other things). Nhờ quan điểm này mà mình tiến thêm một bước nữa, đó là “sẽ tự hào vì những thứ thực sự đáng được tự hào”, đó là kiến thức, phẩm chất, và quan điểm mà mình có, chứ không phải là những thứ hào nhoáng bên ngoài.
Nhưng, sống ở xã hội trọng vật chất hiện tại, nơi mà điện thoại, phong cách ăn mặc là thước đo của mỗi người, khiến mình đôi khi cũng hơi xấu hổ khi xài con sáu, dù sau đấy mình có thể dập tắt cảm giác này nhanh chóng, nhưng nó vẫn ở đó, âm thầm chờ đợi cơ hội để bộc phát.
Chắc chắn dù đã mua 1 chiếc điện thoại mới thì cảm giác xấu hổ này có thể sẽ trở lại, tạo thành một vòng lặp không hồi kết.
Tự tiết chế bản thân - Self-Denial
Theo Seneca, đây được xem là bước mở rộng của Tưởng tượng tiêu cực, là bên cạnh suy ngẫm về những việc tồi tệ sẽ xảy ra, đôi lúc ta cũng nên sống như thể nó đã xảy ra rồi… Thay vì đơn thuần nghĩ về cuộc sống sẽ ra sao khi mất đi của cải, ta nên định kì “thực hành sống kham khổ”. Musonius còn mở rộng kĩ thuật này hơn: “Ngoài việc sống như thể những điều tồi tệ đã xảy đến với chúng ta, thi thoảng chúng ta cũng nên chủ động tạo ra chúng.”
Có 2 lợi ích mà kĩ thuật này đã đem lại cho mình trong 6 tháng vừa qua.
Đầu tiên là việc chuẩn bị tâm lý trước và giảm thiểu nỗi buồn khi việc này xảy ra một lần nữa, rằng nếu trong trường hợp mình lại làm mất hoặc hỏng cái điện thoại mới, và phải xài lại 1 con cũ hơn thì cũng dễ thích nghi hơn trước nhiều.
Hai là, bằng việc chủ động “hành xác” bằng con sáu, mình có thể trân trọng, cảm thấy vui vẻ hơn khi sử dụng con điện thoại mới. Bằng chứng có thể thấy ở phía trên, có thể cái điện thoại mới này với các bạn là bình thường, hoặc thậm chí hơi “lỗi thời” thì với mình, một người đã xài một con rất rất cũ trong 6 tháng, lại thấy nó cực kì tốt với mình. Và niềm vui này không dễ dàng mất đi, bởi tự nguyện chịu khổ đã giúp mình khắc chế lại hiệu ứng Thích nghi khoái lạc - Hedonic Adaption.
Hiệu ứng này cũng được nhắc đến và được giải thích kĩ trong cuốn sách Nghệ thuật Tư duy Rành mạch - The art of Thinking Clearly của Rolf Dobelli. Hiệu ứng được mô tả là hành động xem nhẹ giá trị và cảm giác vui sướng, hạnh phúc nhanh chóng giảm dần với thứ mà trước đây mình khao khát nhưng giờ đây đã có được chúng. Hiện tại đã là tuần thứ ba và mình vẫn cảm thấy một niềm vui thầm lặng nhưng âm ỉ khi mỗi lần cầm con điện thoại mới này, và mình có thể sử dụng hết khả năng của nó.
Tam phân quyền kiểm soát - The Tritochomy of control
Đây là kĩ thuật tiếp theo mà mình đang thực hành và rèn luyện sau khi đã có trải nghiệm và kinh nghiệm ở 2 kĩ thuật phía trên. Việc liên tục nhận thức và tự vấn 3 câu hỏi: “Thứ gì ta có thể kiểm soát hoàn toàn, không thể kiểm soát hoàn toàn, và chỉ kiểm soát được một phần?”, “điều này nằm ở trong phần nào?”, và “mình ứng xử như thế nào với mỗi phần trên?” dĩ nhiên là sẽ khó và thử thách, nhưng với nền tảng và kinh nghiệm đúc kết được, hành trình học hỏi và rèn luyện kĩ thuật này sẽ dễ dàng hơn nhiều.
NHỮNG BẤT TIỆN MÀ CÁI ĐIỆN THOẠI MỚI MANG LẠI CHO MÌNH
Tính trì hoãn
Sau khi viết bài viết NÀY và được gợi ý cuốn sách “solving the procrastination puzzle” của bạn @Narcy Nguyen gợi ý, mình đã đọc và phát hiện một vài điều trong sự trì hoãn của mình.
Khi mình cảm thấy không muốn làm một việc gì đó, như rửa chén bát chẳng hạn, mình sẽ tìm kiếm một công việc khác để làm thay cho công việc cần phải làm (là rửa chén), và việc lướt story của bạn bè, xem video từ Youtube, rủi thay, lại là hành động rất nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện. Trước đây thì làm việc này bằng con sáu sẽ ít thỏa mãn hơn, vì nó lag, chậm và dễ gây ức chế khi đang lướt mà bị văng ra ngoài, nhưng giờ đây thì mọi thứ đều được tối ưu hóa, khiến cho việc trì hoãn trở nên dễ dàng và gây nghiện hơn bao giờ hết.
“Mình không nghiện trì hoãn, mà mình nghiện xem video ngắn”
Mình sở hữu nó, hay chính nó đang sở hữu mình?
Khi còn sử dụng con điện thoại cũ, mình thường không cần phải bận tâm về khả năng nó bị ăn cắp hoặc trộm mất, vì sẽ chẳng có ai lại bỏ công sức để lấy 1 thứ vừa không đáng giá vừa xấu như vậy, và mình cũng ít khi nghĩ về nó. Còn giờ đây thì “người ở đâu, điện thoại ở đó”, phải thường xuyên để ý tới nó, đảm bảo nó vẫn trong tầm tay, và vì cũng có giá trị nên chắc chắn sẽ bị nhiều người để ý, từ đấy mà nguy cơ bị trộm mất cũng cao hơn.
VẬY GIỜ CÁI IPHONE 6 ẤY ĐANG Ở ĐÂU?
Mình có một thằng bạn, âu cũng được gọi là tri kỉ, vì mẹ của 2 đứa đã thân với nhau hơn 30 năm, nghĩa là 10 năm trước khi mà tụi mình được sinh ra.Nó sinh tháng 5, mình thì 11, cách nhau 6 tháng.
Tháng 8/2024 mình rớt điện thoại, thì 6 tháng sau, tháng 02/2024, thằng đấy lại làm rớt điện thoại của nó, lần thứ n+1 của nó.Nên là mình phải đưa gấp con sáu đấy cho nó xài tạm, đến khi nào nó mua cái mới,
Hoặc là không?
Công nhận nó bền thật, đã 10 năm tuổi, trải qua 3 đời chủ rồi mà vẫn chưa được nghỉ ngơi, vẫn còn phải sống tiếp, +1 respect.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hoàng Uyễn
Đã từng mua tất cả, phải nói là gần như tất cả những món đồ apple hiệu vào đúng thời nó ra đời như macbook pro 2019 (mua năm 2019 giá 43tr), ipad pro 2022 (mua năm 2022 giá 25tr), iphone xs (mua năm 2018 giá 29tr), những thứ linh tinh khác như tai nghe airpods, bàn phím apple, chuột apple, bút apple.. và vừa rồi năm 2024 mua mới con iphone 15 promax giá 29tr. Bỏ cả đống tiền mua chỉ để trải nghiệm, thoả mãn nhu cầu công nghệ cho bản thân. Bây giờ không muốn bận tâm nhiều về những món đồ xa xỉ đó nữa, chỉ muốn xài đơn giản 1 cái iphone 12 gì đó thôi vì nó đủ mạnh và đủ nhu cầu của bản thân r trải nghiệm tương tác với cuộc sống nhiều hơn. Ghì đầu vào thiết bị điện tử làm bản thân tự thu mình lại quá rồi.
Cảm ơn chủ tus, bài viết hay và bỗ ích.
- Báo cáo

Vic-Da-Moi17
trước tiên cảm ơn chia sẻ bổ ích của bạn. qua câu chuyện trên mình có vài ý kiến cá nhân như sau:
thứ nhất: bạn không nhất thiết phải áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ vào trường hợp này. bởi điện thoại thuộc lĩnh vực công nghệ, công nghệ thì luôn đổi mới, nếu chủ nghĩa khắc kỷ giúp bạn sẽ quen với khó khăn nhưng ngăn cản bạn tới sung túc, vậy còn ý nghĩa gì khi bạn theo đuổi nó. mình xin lỗi nếu "chị sáu" là bạn được người thân trao tay, nhưng nếu là mình, hoặc thậm chí là phụ huynh mình mình(7x,6x) cũng sẻ từ chối chị sáu thôi bởi chị không thể đáp ứng được một số yêu cầu tối thiểu. hoặc bạn có thể nhìn một số người lớn phong cách giản dị xem họ bốc máy trong bao lâu.
Thứ hai: bạn vô tình tạo thói quen tânn dụng mọi tài nguyên. nói nôm na là có 10 ăn 10 có 1 ăn 1. đây là một thói quen rất phổ biến và vô cùng nguy hiểm. để hướng tới giản dị, tiết chế và kiểm soát, mình phải hướng tới trạng thái vừa đủ (lagom). biết như nào là đủ, lợi ích của lối sống giản dị bạn cũng đã đề cập, tuy nhiên để biết đủ và sống đủ là một câu chuyện cao hơn, đương nhiên hiệu quả nó mang lại cũng sẽ cao hơn nhưng mình sẽ không nói ở đây nhé.
Biết rằng chị sáu cũng đã giúp bạn tốt hơn, nhưng khó khăn mà chị mang tới cho bạn cũng không kém thách thức và giảm hiệu suất công việc của bạn, song nó cũng mang lại kinh nghiệm thú vị. hy vọng bạn đón nhận ý kiến một cách tích cực, chúc bạn sức khỏe
- Báo cáo

NhatMinhh
Đầu tiên, mình xin cảm ơn bạn vì đã chia sẻ ý kiến cá nhân của bạn, đúng như với tiêu điểm mình đặt cho bài của mình là “Quan điểm – tranh luận”.
Tiếp theo, mình xin phản biện - hoặc chỉ đơn giản là phản hồi – lại ý kiến của bạn theo 2 ý. Ý đầu tiên sẽ là những gì mình đồng ý. Ý tiếp theo là những gì mình không đồng tình.
Mình đồng ý với bạn rằng việc sử dụng “con sáu” trong 6 tháng vừa qua tuy có đem lại nhiều hữu ích, nhưng đa phần chúng là “không hiện hữu” (intangible), phải mất rất nhiều thời gian và công sức để chiêm nghiệm mới nhận ra được chúng. Ngược lại, những phiền toái, bất lợi mà nó đem lại thì rất rõ ràng và đôi khi, có thể “chạm được” (tangible). Hiện tại sử dụng con 12 mới đã giúp mình cải thiện hiệu suất một cách khủng khiếp nếu so với giai đoạn mình sử dụng con sáu; Và đây cũng là lý do chính mà mình quyết định mua con 12 mới mà không tiếp tục sử dụng con sáu nữa.
Phần tiếp theo, mình xin làm rõ rằng con sáu là do mình tự tiết kiệm và mua vào năm 2019, lúc đấy mình chỉ mới 14 tuổi mà thôi, và thời điểm đấy 4tr là một mức giá rất cao đối với mình, nhưng mình chấp nhận cái giá đó và giờ nghĩ lại thì mình không thấy nuối tiếc vì quyết định đó.
Mình nghĩ việc áp dụng Chủ Nghĩa Khắc Kỷ vào trường hợp này, hay lĩnh vực công nghệ nói chung như bạn đề cập, là một việc cần thiết. Chủ nghĩa Khắc kỷ được khai sinh đã cách đây hơn 2300 năm (Zeno khai sinh ra Soticism năm 300 BCE), và dĩ nhiên là thời đó không có lĩnh vực công nghệ, cũng tốc độ thay đổi chóng mặt của thế giới như ngày nay. Stoicism cũng không cứng nhắc như đá tảng, mà nó mềm dẻo, linh hoạt theo cột mốc và điều kiện thực tế. Vậy nên áp dụng nó vào lĩnh vực công nghệ giúp mình phải suy ngẫm rất nhiều để xem có thể áp dụng cái nào, áp dụng ra sao, tư duy như thế nào, và những thứ này mình đã đề cập rất kỹ trong bài. Nếu nó luôn đổi mới, thì chính người thực hành cũng phải đổi mới những thứ cần thiết để Stoicism phù hợp với cuộc sống.
Nếu bạn đề cập “sung túc” nghĩa là dư dả về mặt vật chất trong chuyện này, thì mình đồng ý. Nhưng chắc chắn một điều là Stoicism đã cho mình rất nhiều “sự sung túc” về mặt ý tưởng, kiến thức và trải nghiệm ở đây, và những thứ đó còn đáng giá hơn bất kì thứ vật chất nào, vì nó là nền tảng (foundation) cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống của mình, giúp mình phát triển bản thân một cách ổn định, tránh trường hợp “đập đi xây lại” hay “mất phương hướng, mục tiêu trong cuộc sống”.
Hi vọng bạn có thể chia sẻ thêm về “trạng thái vừa đủ” (lagom) và chuyện “biết như thế nào là đủ, lợi ích của lối sống giản dị”, vì theo những gì mình hiểu hiện tại, thì mình không thấy vấn đề gì khi tận dụng mọi tài nguyên cả, có 10 ăn 10, có 1 ăn 1. Trong tay mình khi đấy không có khả năng mua 1 con điện thoại mới, chỉ có khả năng sử dụng lại con sáu đã rất “rệu rã”. Mình cũng không có khả năng vay tiền để mua vì mình vừa mới có 1 khoản nợ kha khá. Dẫu biết là phải hướng đến lợi ích dài hạn, nhưng sống cho hiện tại, quan tâm tới các lợi ích ngắn hạn trước mắt cũng quan trọng không kém. Thay vì phải làm mọi thứ để có 1 con trâu cày bừa, trong tay mình đây có sẵn 1 cái cuốc. Vậy thì phải sử dụng cây cuốc đó đầu tiên đã, đến khi nào điều kiện cho phép rồi hãy mua con trâu đó.
Mình đã đón nhận ý kiến của bạn rất tích cực, hi vọng bạn cũng thế với mình nhé. 1 lần nữa, xin cảm ơn bạn đã dành thời gian chia sẻ ý kiến với mình, mình thật sự trân trọng nó.
- Báo cáo

Vic-Da-Moi17
@NhatMinhh chào bạn
Mình rất vui khi nhận được phản hồi của bạn. Vui hơn nữa vì mình nhận ra chủ nghĩa khắc kỷ và cách bạn áp dụng nó song song với sự linh hoạt mà vẫn giữ được tinh thần rèn luyện ý chí khi khó khăn, cái chính ở đây là từ mềm dẻo, mình vui vì thấy nó, cảm ơn bạn rất nhiều nhé.
Mình cũng muốn nói một chút về từ sung túc. Chữ túc có nghĩa là đầy đủ, ở tầng nghĩa này là vật chất đầy đủ. Tuy nhiên chữ sung lại nằm trong chữ sung sướng, có nghĩa là hạnh phúc. Và sung được đặt trước túc, tức hàm ý đầy đủ từ trong tâm ra bên ngoài. Chung lại, nó là kinh tế ổn định, tinh thần thoải maia
Mà nhắc tới con sau ở năm 2019, nỗ lực bên trong bạn là rất đáng khen, bằng tuổi bạn mình cũng chưa có điều kiện như thế, 4tr có lẽ cũng là mức lương một tháng của một ai đó tại thời điểm. Bạn đáng ngưỡng mộ !
Về chuyện sự dụng toàn bộ tài nguyên mà mình đang có, đó là một điểm trừ lớn, mình chỉ xoáy sâu vào con sáu cũng như linh vực công nghệ thôi nhé. Trong 6 tháng nghe gọi khó khăn, lỗi định vị, mở app chậm,... không ít lần cản trở công việc và sự phát triển của bạn, những nhu cầu chính đáng của bạn không được đáp ứng. Có thể thấy bạn đang vắt kiệt con sáu, nếu bán xác và mua con andriod 1 tr nào đó có thể giúp bạn giải được bài toán này. Mặt hại của việc vặt kiệt con sáu là bạn không thể đối phó biến cố bất ngờ, dự trù khó khăn như bốc máy các cuộc quan trọng, nhắn tin gấp, trả lời với đối tác, giao dịch tiền điện tử,... Hơn thế nữa việc thiết bị cũ sẽ không cung cấp cho bạn hiệu suất tốt trong công việc như app mới sẽ chạy hao pin hơn, máy cũ thì lại chai pin, dung lượng ít nên đắn đo, camera yếu, biuld máy cũ dễ hỏng hơn. Sau cùng các thứ trên, nó tạo tâm lí lo âu hồi hộp cho bạn, cản trở hiệu suất làm việc của bạn.
Về Lagom, mình sẽ có một bài viết riêng để giới thiệu cho mọi người, mình cũng mới vào spiderum thôi nên chưa có bài nào hết, cảm ơn bạn đã cho mình ý tưởng nhé!
Lagom là 1 lối sống của người Thủy Điển, tạm dịch là vừa đủ, đề cao sự hài hòa và cân bằng mọi khía cạnh trong cuộc sống từ công việc, ăn uống, tiêu dùng cho đến cách đối xử với thiên nhiên và xã hội
Lợi ích của lagom:
giảm căng thẳng, tạo sự thoải mái
tiết kiệm chi tiêu
cải thiện sức khỏe và chất lượng sống
bảo vệ môi trường bền vững
Tránh nhầm lẫm với minimalism:
với minialism bạn trả lời những câu hỏi có không như:
có cần thiết không?
có quan trọng không?
có tối giản không?
còn Lagom bạn phải tư duy theo hướng:
thế nào là cân bằng?
thế nào là hợp lí?
thế nào là tiện dụng?
câu trả lời phải dựa trên tình hình và trạng thái của bản thân, gia đình và xã hội. Nếu bạn xem những du học sinh làm vlog về Thủy Điển sẽ thấy rất rõ.
hy vọng bạn đón nhận khái niệm mới này cũng như một số giải đáp khác khách quan nhất nhé. Nếu được bạn có thể theo dõi mình và đợi mình làm 1 bài chi tiết hơn về lagom.
trân trọng
- Báo cáo