5 xung đột trong xu hướng làm việc xưa và nay
Liệu nếu con người làm việc ít đi (4 tiếng/tuần) thì trái đất sẽ bớt nóng hơn, con người sẽ phát triển chậm hơn nhưng an toàn và hạnh phúc hơn?
Mình nghĩ công việc và cách quản lý trong thời đại mới đã và đang khác xưa rất nhiều.
Là một người đã thâm nhập thị trường lao động được trên 10 năm, tham gia nhiều ngành nghề khác nhau, có thể nói là mình đã trải qua gần như đầy đủ các trải nghiệm của một người đi làm thuê, từ nhân viên quèn đến quản lý cấp trung, và quan sát những người xung quanh mình làm việc (quản lý cấp cao).
Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ viết về những thay đổi trong xu hướng công việc, cùng những bài học mình chiêm nghiệm được trong quá trình bị cuốn theo những xung đột về tư duy, định kiến và văn hoá làm việc nói chung và nơi công sở nói riêng.
Hy vọng bài viết sẽ giúp tất cả những ai đang bị cuốn theo công việc, định hướng của xã hội có thể zoom-out và lựa chọn những lối đi tốt nhất phù hợp với mình.
1. Mình đi làm là vì ai?
Ngày xưa, một cá nhân thường gắn liền với một tổ chức, nhiều người đi làm nhà nước, làm với một tập thể và công việc trong phần lớn thời gian. Họ thân với nhau đến mức, khi về hưu, nhiều người thấy hụt hẫng và nhung nhớ quãng đời "đương chức" với nhịp độ cân bằng, dù có ít nhiều chính trị thì cũng từng là đồng nghiệp thân thiết.
Ngày nay, doanh nghiệp không phải là gia đình, bạn làm lâu thì lương khi đỉnh nóc kịch trần cũng không bay kịp với sự phấp phới của lạm phát và giá nhà đất. Sự thăng tiến của cá nhân bạn không phải là vấn đề cốt lõi của công ty, nhiều nơi sẵn sàng tuyển người mới lương cao thay vì nâng lương đề bạt cho người cũ. Kinh nghiệm của bạn có khả năng bị thay thế bởi AI và người mới vừa trẻ vừa rẻ hơn.
Tầng lớp xưa sẽ khó hiểu để mà đánh giá sự phức tạp và khắc nghiệt của thị trường lao động bây giờ, vì trong tiềm thức nhiều người còn mắc kẹt vấn đề nếu giỏi thì đã chẳng nhảy việc nhiều. Giữa ổn định với mức lương tăng 2-3 triệu trong 5 năm ở một nơi và được bộ phận nhân sự trong xã hội đánh giá là ngoan hiền, và 15 -20 triệu nhưng nhảy >5 công ty, người lao động cần tự có câu trả lời cho mình.
2. Làm trái ngành, đúng nghề
Thời xưa, lý tưởng thì học gì làm đúng nghề đấy, học giỏi thì làm giỏi. Con nhà người ta giỏi vì hồi xưa học bác sĩ làm bác sĩ, học kỹ sư làm kỹ sư, được đào tạo bài bản. Theo tư duy đó, một người làm ông chủ giỏi thì trước đó phải học kinh doanh ở trường top, lớp chuyên từ nhỏ, con nhà nòi,... Ai làm nghệ sĩ thì gia đình mà có gen nghệ thuật thì mới thuận. Chuyên gia thì phải có bằng cấp, được dạy từ nhỏ,...
Ngày nay, ta thấy sinh viên trường top như FTU thiểu số làm xuất nhập khẩu, nhiều ngành nghề mới xuất hiện không có nơi đào tạo. Trường học định hướng cho sinh viên theo những hướng đi với tầm nhìn 15 năm của quá khứ, sự an toàn và chắc chắn nghề nghiệp chỉ còn mang tính tương đối. Dân học Ngoại ngữ Tiếng Anh không hẳn đã có lợi thế chuyên gia tiếng Anh, dân học kế toán chưa chắc đã được ưu tiên khi thi vào kiểm toán. Những ngành như Nhân Sự, Tư Vấn, Quản Lý Sản Phẩm,.. xuất hiện như những đại dương xanh, vẫy gọi những con cá "trái ngành" vượt rào tự bơi và khám phá.
Sẽ là ấu trĩ nếu ta vẫn cứ tư duy để làm chuyên gia, bạn phải có bằng cấp, chứng chỉ,... trong khi nhiều thứ đó đều có thể mua được hoặc lệch nhiều lý thuyết so với kinh nghiệm thực chiến. Bạn có học thuộc lòng 10 cuốn "Để học tốt tiếng Việt"cũng không đảm bảo viết được một tiểu thuyết văn chương, hay luyện chứng chỉ PSPO là có kinh nghiệm làm được một sản phẩm tốt có triệu người dùng.
Xuất phát điểm không nói lên bạn là ai, cũng như chiếc áo không làm nên thầy tu vậy. Quan trọng là động lực, đam mê và thái độ, thì dù ban đầu người ta có nhìn bạn như yêu quái, nhưng kiên trì cặm cụi trau dồi với cơ hội, thì bạn cũng sẽ có được kinh nghiệm và trải nghiệm để thành chính quả, lấy chân kinh và được thị trường công nhận là "Đấu Chiến Thắng Phật".
3. Yêu nghề, tử nghiệp có đáng không?
Cuồng si công việc, làm càng nhiều càng giỏi là những giai thoại mà nhiều cá mập hay tấm gương thành công, sách vở, phim ảnh, sách self-help vẫn dạy bạn. Quy tắc 10,000 giờ là một quy luật phổ biến gần như ai cũng trích dẫn, tinh thần Mỹ làm hết sức, chơi hết mình là bảo chứng cho thái độ kool ngầu mà ai cũng ca ngợi.
Học ở Mỹ, mình cũng nghĩ rằng người Mỹ cuồng công việc, sống nhanh và vội nó là phong cách của lãnh đạo thế giới. Châu Âu là lười biếng, Việt Nam cần học Trung Quốc, làm 9 9 6, thì mới đưa đất nước hoá rồng vượt vũ môn, sánh vai với các cường quốc năm châu. Càng làm nhiều, ta sẽ càng giỏi lên, lượng sẽ trao đổi thành chất, đá sỏi sẽ hoá thành kim cương.
Tuy nhiên, trong bài viết mình đọc dưới đây, đến chính người Mỹ cũng đang dần nhận ra sự ngu muội trong "đạo đức nghề nghiệp" của chính họ.
Ngay cả những nhà khởi nghiệp thành công nhất cũng bắt đầu nhận ra việc cày deadline 24/7 là một trò lừa bịp. Thậm chí tác giả còn dùng từ “phân bò” để mô tả nó (a bullshit concept).
Marc Randolph - CEO Netflix, từng trả lời phỏng vấn (CNBC) là:
“Bạn không thua vào lúc 2 giờ sáng vì bạn quên kiểm tra một font chữ trên slides. Bạn đã thua từ 4 tuần trước khi bạn không làm đúng ở một khâu cơ bản nào đó”.
Nguyên văn:
“You don’t lose the deal at 2 o’clock that morning because you didn’t check the fonts. You lost the deal four weeks ago when you didn’t have some fundamentals right."
Trên thực tế, nhiều việc hơn không đồng nghĩa là tốt hơn, nó thực chất chỉ là nhiều việc hơn.
Tác giả nói rằng một nghiên cứu chỉ ra làm việc trên 50 tiếng/ tuần sẽ làm giảm hiệu suất công việc. Người châu Âu đang tiến đến một tuần làm việc chỉ có 4 ngày.
Tác giả đã tự giảm tần suất làm việc xuống còn 25 tiếng/tuần và kiếm được nhiều tiền hơn hồi xưa làm 50 tiếng.
Một bài Ted talk tôi nghe cũng chỉ ra rằng lý thuyết 10,000 giờ là một sự phóng đại bị lệch đi bởi nghiên cứu cho các tay vận động viên muốn trở thành số một thế giới. Còn muốn học để yêu một cái gì mới bạn thực sự chỉ cần tập trung 20 tiếng.
Naval Ravikant đã viết trong 10 lời khuyên của ông:
“Làm việc chăm chỉ bị đánh giá quá cao, trong khi làm việc thông minh bị đánh giá quá thấp”
4. Làm việc cùng nhau và làm việc đơn lẻ
Khi mình mới đi làm, các công ty start-up bắt đầu nở rộ, và xu hướng các văn phòng mới đều là co-working, mở để mọi người dễ quen nhau, phối hợp và tương tác. Có những thời điểm, công việc của bạn cần phối hợp và trao đổi nhiều đến nỗi, bạn không thể tin rằng mình có thể làm việc một mình mà không cần hỗ trợ. Đặc biệt là khi mình đang còn junior, có thể nói, việc có đồng đội và mentor giúp đỡ là vô cùng cần thiết để trao đổi như một đội nhóm. Đã có những thời điểm mình cảm thấy thích đến công ty vì được làm việc với đội nhóm của mình.
Rồi khi Covid xảy đến, ai trong chúng ta cũng đều học cách giao tiếp qua Zoom và Google Meet. Tương tác với mọi người ít hơn, và bạn có nhiều thời gian để tập trung xử lý việc riêng (làm một mình) hơn. Tất nhiên những cuộc họp Meeting gối nhau vẫn có thể là một cơn ác mộng, nhưng nói chung, ở nhiều nơi việc vẫn có thể chạy được 80-100% mà không cần tất cả phải đến văn phòng.
Khái niệm làm việc có hai loại là manager time và maker time. Manager time là việc đi quản lý, bạn cần phải phối hợp, giao tiếp với người khác. Maker time là việc bạn có thể tự làm, khám phá, mà không cần người khác hỗ trợ.
Để lên chuyên môn senior, việc tự phát triển là rất quan trọng. Bạn cần biết cách sử dụng maker time hợp lý, biến những vấn đề cần giải quyết thành những phiên làm việc sâu hiệu quả, ở trạng thái dòng chảy.
Paul Graham, từng nói về thời gian theo chế độ quản lý (manager) và chế độ sáng tạo (maker) như sau:
"Một buổi họp thôi cũng có thể phá huỷ cả một buổi chiều làm việc, do buổi chiều bị chia thành hai khoảng thời gian quá nhỏ để có thể làm được cái gì đó lớn"
Về mặt lý thuyết, nếu tổ chức đều là những người tự giác, senior, thì việc kiểm soát chặt chẽ thời gian làm việc của họ là không quá cần thiết. Có những giờ mọi người phối hợp với nhau, nhưng cũng có những giờ mọi người cần tách nhau làm việc. Việc dùng Zoom nhìn màn hình cùng các ứng dụng tương tác như GoogleSlide, Google Meet, Figma, Miro,... giúp cho việc teamwork với nhau trở nên dễ dàng hơn rất nhiều dù không ngồi cạnh nhau. Sau khi diễn đạt ý tưởng xong, các thành viên cần phải có khả năng tự nghiên cứu và thực thi công việc để có thể tận dụng tốt những phiên làm việc tập trung của từng người một cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức thực tế vẫn áp dụng phương thức kiểm soát chấm công, vì không tin tưởng vào sự tự giác trong công việc của mỗi cá nhân. Việc nhốt tất cả thành viên vào một nơi làm việc sẽ đảm bảo sự có mặt về vật lý ở văn phòng, dù sự vắng mặt về tâm lý là thứ không có máy chấm công nào đo đếm được. Thay vì có những sự nghỉ ngơi, ngả lưng sau những phiên làm việc như khi ở nhà, người làm văn phòng thường vẫn chấp nhận sự kiểm soát và đánh đổi những vấn đề về sức khoẻ, cột sống cho tiếng lương ting ting đều đặn mỗi tháng.
5. Làm văn phòng và làm solo
Gần đây, mình mới học được một khái niệm nghề nghiệp mới, đấy là solopreneur. Khi bạn đủ vững về chuyên môn, bạn sẽ không cần có người nào khác phải quản lý mình, vì bạn chính là người quản lý mà bạn tin cậy nhất. Lúc đó, sẽ cực nhọc một tí để tự làm mọi thứ, nhưng bạn sẽ chẳng phải lo lắng có sếp nào phàn nàn, hay có đồng nghiệp nào đâm sau lưng bạn.
Bạn có thể tận dụng các công cụ để tạo thu nhập trong thời đại số, và tự động hoá các quy trình để tiền vẫn về dù bạn đang đi ngủ. Doanh nghiệp cũng không trả lương cho bạn, mà thay vào đó là khách hàng. Một số các sản phẩm hàng đầu trên thế giới như Mailchimp. ... được xây dựng bởi các công ty một thành viên - solopreneur.
Solopreneur khác với free-lancer và gig economy ở chỗ, đây là những công việc dựa vào thương hiệu, và có hướng phát triển đi lên cùng thị trường. Gig economy thường là những công việc ngắn, không có lộ trình thăng tiến, lấy số lượng bù chất lượng. Trong thời buổi của creator economy, chúng ta có một đường tự do tài chính bằng chính chuyên môn và thương hiệu của chúng ta.
Các bạn có thể thấy các Youtuber, tiktoker kiếm rất nhiều tiền so với đi làm thuê, và có cả một hệ thống đằng sau. Như Hieutv chẳng hạn, dù đang bị ném đá, nhưng Youtuber này cũng đã bỏ túi tận 150 tỷ, và đang vi vu nước ngoài.
Tất nhiên bức tranh không hoàn toàn màu hồng như thế. Nhiều solopreneur đã không chịu được cảnh làm riêng do không đủ khả năng kiếm thu nhập, và lại lặng lẽ xin việc trở lại.
Vĩ thanh
Một nghề cho chín còn hơn chín nghề
Câu nói này trước đây có ý phê phán những người không biết tập trung vào một nghề chính, thì giờ chỉ mang tính thời điểm. Có thể cùng một khung giờ thì bạn nên tập trung làm một việc, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể có nhiều vai khác nhau trong cuộc sống, nếu biết sắp xếp thời gian.
Chi Nguyễn Present Writer là một ví dụ hùng hồn của việc vừa làm tốt chuyên môn là giáo sư đại học, vừa có thể làm người truyền cảm hứng và duy trì cộng đồng của riêng mình.
Với thời đại hiện nay, thì bạn hoàn toàn có rất nhiều công ty và nghề nghiệp khác nhau trong cuộc đời.
Bạn rất có thể phải đóng vai một nhân vật phụ (NPC) trong trò chơi của người khác, cho đến khi được đóng vai là nhân vật chính. Và giống như một nhân vật trong game đi đánh boss, để lên trình, bạn rất có thể phải đánh đổi vài "mạng" để học các kỹ năng cần thiết.
Vì cuộc đời quá ngắn để bạn phải thành công theo định nghĩa của người khác, nhất là khi tất cả cũng đều đang lạc lối và mắc kẹt trong ma trận tư duy và xu hướng của các thời đại.
Một khi bạn biết mình muốn gì cho sự nghiệp và dám theo đuổi nó, thì cái bạn cần chỉ là thời gian.
Để Chín Muồi (Mùi là Mùi có ô ⛱️ ☔, mùi có ô ☂️)
Đọc đầy đủ bài viết tại đây , subscribe blog Substack của mình (cùng >1000 người khác) để không bỏ lỡ các bài viết tương tự mỗi tuần.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất