Năm lớp Sáu, mười hai tuổi, tôi bắt đầu dùng mạng xã hội - Zingme. Được một năm, tôi nhảy sang Facebook, dùng từ đó tới nay, và càng lúc càng góp mặt trong nhiều mạng xã hội kết nối khác nhau. Cuộc sống của tôi chia làm đôi, sống một đời thực và sống một đời thực nữa trên mạng xã hội. Mối quan tâm và gắn bó của tôi cũng vì thế mà nhân lên, khi được bước chân vào thế giới ảo thứ hai rộng lớn và thú vị hơn những nơi mình đang sống.

Kể từ khi thế kỉ công nghệ bắt đầu cho tới nay, hai thập kỉ đi qua, chúng ta đã nghe nhiều lời cảnh báo về mạng xã hội. Và càng lúc những lời cảnh báo ấy càng hữu hình hơn bao giờ hết. Tôi từng nghĩ vấn đề sẽ chỉ ở đâu đó ngoài kia, xảy ra với một bộ phận nào đó đang giữ thông tin quan trọng cần bảo mật, nghĩ rằng chỉ người nổi tiếng mới gặp vấn đề với mạng xã hội. Nghĩ rằng là ai khác không phải mình, vì mình chẳng có gì để phải lo lắng, như kiểu "người nghèo thì không sợ mất gì cả".

Nhưng kể cả khi ta nghĩ ta không có gì để mất, vẫn có thứ đáng giá để phải đánh đổi.
Nguồn: Behance từ Pinterest

Đọc thêm:

1. Không phải cái gì cũng đăng lên mạng xã hội

Tôi đã từng coi mạng xã hội là một quyển nhật kí. Mỗi ngày, tôi đăng một bài về những gì tôi nghĩ, những gì đã xảy ra, rằng tôi hối hận điều gì. Tôi coi nó như một nơi trút hết mọi thứ mà khó kể với ai, nhưng cũng không hẳn là giữ cho riêng mình. Vì đâu đó vẫn có những người lắng nghe mình, những người không biết và mình cũng chẳng quen, không có quyền đánh giá bản chất mình như thế nào hay cấm cản mình được làm gì hay không. Tôi đã cực kì háo hức.
Nhưng sự háo hức ấy dần dần phai nhạt đi theo thời gian, khi tôi nhận ra mọi thứ đều có giới hạn của nó. Sức ảnh hưởng của mạng xã hội là khó có thể đo đếm được, chỉ với một nút share, một cú click, một chiếc ảnh screenshot cũng có thể khiến mọi thứ xảy ra. Ngay cả những điều ta tưởng như thật riêng tư, "chế độ bạn thân", "bạn bè ngoại trừ..." cũng không hoàn toàn nằm gọn ghẽ ở vòng tròn đó. Có lẽ đó cũng chính là lí do dẫn tới nhiều cuộc tranh cãi năng nề không đáng có, những câu chuyện đáng lẽ không nên xảy ra, như chuyện một số du học sinh châu Âu bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực về điều kiện khu cách li khi trở về Việt Nam vừa qua. Không ai cấm ta than thở, bất mãn với những gì từng mong đợi, nhưng nên lựa chọn kĩ cách bày tỏ cũng như suy nghĩ cẩn thận. Đặc biệt là trong những thời điểm nhạy cảm, khi tất cả cùng trải qua một giai đoạn khó khăn hơn so với ta đã từng, tất cả cùng chấp nhận hi sinh một phần vì tập thể.

2. Bảo mật an toàn thông tin cá nhân

Trên quan điểm của tôi, mạng xã hội và người dùng có thể coi là một mối quan hệ trao đổi. Tôi đã mất nhiều năm, có thể hơi lâu, để hiểu thứ đáng giá nhất của mỗi người dùng là thông tin cá nhân - những dữ liệu nền tảng và có thực có khả năng được sử dụng để chi phối chính người dùng. Phấn lớn hoạt động thương mại cạnh tranh thị trường là nhờ vào việc phân tích phân khúc khách hàng, dựa vào phân khúc tâm lí, nhân khẩu học, nhu cầu, địa lí, bối cảnh tình huống. Hay như cách mà Donald Trump đã từng sử dụng công nghệ thông tin để giành được lợi thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bằng Big Data - phân tích xu hướng của đối tượng, từ đó đưa ra những giải pháp và cách thể hiện bản thân của ông phù hợp và đầy sức thuyết phục.

3. Rác dữ liệu

Một buổi hồi năm nhất, tôi còn nhớ vị Giáo sư người Pháp chia sẻ trong một tọa đàm về truyền thông tại Trung tâm Văn hóa Pháp: rằng chúng ta đang sống trong một thế giới với nguồn trữ liệu rác khổng lồ. Không phải chỉ là nguồn rác sinh hoạt, đồ thải nhựa hay nilon khó phân hủy mà là nguồn rác dữ liệu thông tin được truyền tải mỗi ngày, thứ mà mạng xã hội đã đóng góp một phần không hề nhỏ. Và vấn đề giải quyết nguồn rác dữ liệu như vậy vẫn là một bài toán khó.
Nguồn: IG @portamalmar

Đọc thêm:

4. Một nơi thể hiện bản thân tuyệt vời

Nếu như trong quá khứ, để có thể quảng bá bản thân, sẽ có hàng trăm kênh tiếp thị khác nhau với chi phí khổng lồ và độ tiếp cận hơi khó khăn thì mạng xã hội đang thực hiện khá tốt vai trò làm bàn đạp cho mỗi cá nhân thể hiện mình. Một trong những lí do khiến cho mạng xã hội bùng nổ và trở nên phát triển mạnh mẽ tới ngày nay và trong tương lai là sự phù hợp với xu hướng cá nhân hóa (Personalization) của toàn cầu. Trang cá nhân Facebook có thể là một chiếc CV hiệu quả, Instagram feed thể hiện được cái nhìn thế giới khác biệt. Và có thể, càng ngày càng nhiều nhà tuyển dụng ưu tiên ứng viên gửi dường dẫn tới trang cá nhân, như một cách đánh giá các ứng viên tiềm năng và phù hợp.

5. Có giá trị kết nối

Bản chất của mạng xã hội là tạo nên sự kết nối giữa người với người, tạo nên một cộng đồng cởi mở sẻ chia với nhau. Có những người lạ mặt gửi lời chúc mừng sinh nhật hiếm hoi cho một người cô đơn giữa thành phố xa lạ, có những lời chia sẻ tiếp thêm niềm tin cho người mẹ trẻ nuôi con một mình, có những trái tim thắp lửa cho nhau, không cần nhận lại gì cả. "Vấn đề" của mạng xã hội ở đó, cho đi những điều tưởng như đã mất hay không bao giờ được nhận, và lan tỏa những giá trị đẹp đến những người xứng đáng.

Mạng xã hội sẽ là một cơ hội phát triển đối với những dùng thông minh. Và như tôi luôn nghĩ, đừng tin ai cả, hãy chỉ tin mình. Bất cứ thứ gì đều có thể xảy ra, lật mặt và phản bội một lòng tin đặt không đúng chỗ.