Ở Châu Âu, môi trường giáo dục đi theo 5 triết lý cốt lõi để vận hành. Những triết lý này cũng là động lực để thúc đẩy giáo dục ở Mỹ. Việc áp dụng các phương pháp học tập nước ngoài vào Việt Nam hiện nay đang trở nên phổ biến hơn, tuy vậy, chúng ta nên hiểu rõ và áp dụng chúng một cách linh hoạt sao cho thích ứng với môi trường, văn hóa cũng như tạo ra kết quả tốt hơn trong giáo dục.

1. Thuyết trường tồn - perennialism
Triết lí của thuyết trường tồn cho rằng giáo dục nên tập trung vào chân lý phổ quát được chuyển tải thông qua tư tưởng cũng như các tác phẩm kinh điển, sâu sắc tồn tại qua nhiều thế kỉ và quen thuộc với mọi thế hệ. Những người theo thuyết này tin rằng trường học nên nhấn mạnh việc nắm vững nội dung và phát triển các kĩ năng suy luận trong nghệ thuật cũng như khoa học và việc suy xét thận trọng các tác phẩm cổ điển chính là cách để đạt được mục tiêu này. 
Trong một buổi học, vai trò của học sinh là thảo luận, xem xét và nghiên cứu lại thông tin giáo viên đưa ra với mục đích cuối là nắm được nội dung bài học. Vai trò của giáo viên là tổ chức các buổi thảo luận chuyên đề và cho học sinh tham gia thảo luận kiểu Socrates  khuyến khích học sinh đọc các tác phẩm vĩ đại có sự chỉ dẫn của giáo viên, giải thích các nguyên lí và khái niệm, đồng thời giảng giải, thuyết trình bài học một cách sôi nổi.
Theo thuyết trường tồn, chương trình giảng dạy là do xã hội quyết định
Thảo luận kiểu Socrates ( Socratic Seminar ) là cuộc thảo luận dựa trên một văn bản cố định trong đó người điều phối sẽ đưa ra các câu hỏi mở. Trong buổi thảo luận, học sinh đưa ra ý kiến của mình, tư duy phản biện về quan điểm của người khác và lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người. 
2. Thuyết thiết yếu - Essentialism
Người theo thuyết thiết yếu tin rằng có những kiến thức, kĩ năng và hiểu biết cơ bản, cần thiết mà học sinh nên nắm được. Qua thời gian, xã hội có những kĩ năng nhất định như đọc, viết, tính toán, sử dụng máy tính , do vậy một số môn như toán học, ngôn ngữ, khoa học, lịch sử và công nghệ là cần thiết để dạy, học. Thuyết thiết yếu chú trọng vào kiến thức và kĩ năng nền tảng mà những lãnh đạo chính trị cũng như doanh nghiệp tin rằng các thành viên của xã hội cần biết để làm việc hiệu quả. Đây cũng là triết lý dẫn đường cho nền giáo dục Mỹ trong một thời gian dài.
Vai trò của học sinh là nắm được các kiến thức và kĩ năng được giảng dạy, đồng thời chứng minh được bằng các bài kiểm tra thành tích, thường dưới dạng kì thi chuẩn hóa. Vai trò của giáo viên là sử dụng các bài giảng, phương pháp học thuộc lòng, thảo luận, luyện tập và thực hành những tài liệu dạy và học khác nhau để đảm bảo học sinh nắm vững nội dung bài học. 
Theo thuyết thiết yếu, chương trình giảng dạy là do xã hội và giáo viên quyết định.
3. Thuyết tiến bộ - progressivism
Triết lý về thuyết tiến bộ cho rằng giáo dục nên tập trung vào học sinh thay vì nội dung giảng dạy và bất cứ điều gì dạy cho học sinh đều phải có ý nghĩa, hướng tới mục tiêu giúp cho học sinh trở thành những người học hỏi suốt đời trong một xã hội không ngừng biến đổi.
Một nhân vật chủ chốt ủng hộ thuyết tiến bộ là John Dewey. Ông cho rằng nếu học sinh cần phải học thứ gì đó, thì các em cần được tiếp cận với các vấn đề thực tế và những câu hỏi ý nghĩa, giải quyết vấn đề theo phương pháp khoa học, được tự do để tự phát triển học thuyết, khái niệm riêng, đồng thời cần được khuyến khích để kiểm chứng các kết luận của mình trong thực tế.
Vai trò của giáo viên là cho phép học sinh giải quyết những câu hỏi do chính học sinh nêu ra. Giáo viên đóng vai trò là người hỗ trợ, người hướng dẫn có chuyên môn, người cùng đặt câu hỏi với học sinh. Vai trò của học sinh là học hỏi lẫn nhau thông qua làm việc nhóm cộng tác, xây dựng hiểu biết bằng con đường tự tìm hiểu, khám phá. 
Thuyết tiến bộ chú trọng đến chương trình giảng dạy đáp ứng nhu cầu học tập, xã hội và thể chất của học sinh. Do vậy, nội dung giảng dạy sẽ do nhà trường, giáo viên và học sinh cùng phối hợp.
4. Thuyết hiện sinh - existentialism.
Thuyết hiện sinh nhấn mạnh con người phải chịu trách nhiệm xác định chính bản thân họ. Những người theo thuyết này tin rằng các nhà tư tưởng vĩ đại trước đây có cách tư duy riêng về cuộc sống và thế giới tự nhiên, những tư duy đó là của riêng họ, do đó, học sinh cần tự tìm cho mình cách tư duy và đưa ra kết luận riêng.
Trong lớp học của thuyết hiện sinh, học sinh có nhiều hoạt động đa dạng và học nhiều chủ đề khác nhau cùng lúc. Ví dụ, trong lớp khoa học, một nhóm gồm ba đến bốn học sinh cùng giải phẫu ếch, sử dụng mô hình , sổ tay hướng dẫn và bản vẽ để chỉ dẫn công việc; nhóm khác có thể xem video về hệ thống tuần hoàn ở người và nhóm khác nữa có thể ghi lại kết quả quan sát bầu trời đêm hôm trước dưới dạng biểu đò. Giáo viên di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác, tham gia hỗ trợ quá trình khám phá của học sinh, đặt câu hỏi thăm dò hiểu biết và thử thách kết luận mà các em đưa ra. 
Vai trò của học sinh là theo đuổi nghiên cứu của mình về chủ đề đã chọn cho đến khi quá trình học tập và tìm hiểu đạt kết quả mong muốn. Vai trò của giáo viên là người hỗ trợ, đồng hành với mỗi học sinh để giúp các em tìm kiếm tài liệu và phương pháp học tốt nhất.
Theo thuyết hiện sinh, học sinh quyết định nội dung cần học, với sự chỉ dẫn của giáo viên, nhằm mục đihcs giúp học sinh có được hiểu biết của riêng mình. Vì mỗi học sinh là cá thể riêng biệt, nên không thể có một tập hợp kết quả học tập duy nhất nào phù hợp cho tất cả học sinh. Giáo viên và trường học đưa ra các chủ đề được xem là phù hợp cho học sinh ở mỗi cấp, từ đó học sinh đưa ra các lựa chọn ý nghĩa của mình.
5. Thuyết tái kiến tạo xã hội - Social reconstructionism.
Thuyết tái kiến tạo xã hội khẳng định rằng xã hội cần phải thay đổi ( tái kiến tạo ) và trường học chính là công cụ lý tưởng để thúc đẩy sự thay đổi đó. 
Vai trò của giáo viên là giúp học sinh nắm được giá trị, tính cấp thiết của các vấn đề xã hội. Việc xác định vấn đề nào để dạy học sinh sẽ do học sinh quyết định với sự đồng thuận mang tính dân chủ tiến hành dưới sự chỉ dẫn của giáo viên. Học sinh lựa chọn các vấn đề xã hội để nghiên cứu và xác định các mục tiêu giáo dục cần đạt được. Học sinh và giáo viên cùng phối hợp để khám phá, giải quyết và đề xuất các giải pháp cho các vấn đề đã chọn. Giáo viên giúp học sinh tìm hiểu vấn đề, gợi ý các quan điểm khác nhau, hỗ trợ học sinh phân tích và hình thành kết luận. Phương pháp giảng dạy gồm có mô phỏng ( simulation ), đóng vai (role playing), làm việc nhóm (group work), thực tập ( internship ), chương trình vừa học vừa làm (work-study program) và các hình thức hợp tác với cộng đồng như thành lập, tham gia các dự án vì cộng đồng.
Kết luận: Rõ ràng, với mỗi tư tưởng triết lí về giáo dục đều có những điều cần thiết và cần được áp dụng. Điều quan trọng là cần áp dụng theo một cách linh hoạt để đáp ứng nhu cầu người học, môi trường học tập của mỗi nước và nhu cầu của xã hội.
Nguồn: Sách " Xây dựng đội ngũ nhà giáo - David Jerner Martin and Kimberly S.Loomis".