Đã gần 2 năm kể từ bài viết đầu tiên của mình trên Spiderum, cũng là hơn 1 năm kể từ khi kênh Youtube cá nhân Đàn Ông Học ra mắt. 59 Vlogs là 59 lần mình chia sẻ kinh nghiệm sống rút ra từ những kiến thức mình đúc kết từ sách vở, từ trải nghiệm thực tế cũng như từ những lần vấp ngã. Tất cả đều tập trung vào việc muốn các bạn nam tập trung hơn vào việc phát triển bản thân, tự trau dồi bản lĩnh của mình, tự lo được cho mình về mặt vật chất và vững vàng về mặt tinh thần rồi mới nghĩ tới việc bước vào một mối quan hệ tình cảm. Giờ đây, khi mình cảm thấy lượng kiến thức về chuyện tình yêu mình từng chia sẻ với các bạn cũng đã hòm hòm, bài viết này sẽ là bài viết đầu tiên mà mình sẽ đá sang chuyện kết hôn. Và chủ đề đầu tiên mình muốn nói về lĩnh vực này, đó là những hiểu lầm về hôn nhân mà nhiều bạn trẻ đang có. Những hiểu lầm này, nếu không được sớm giải thích, rất có thể sẽ khiến đời sống hôn nhân của các bạn gặp nhiều trục trặc, thậm chí là tan vỡ.
Thứ nhất, cứ yêu hợp thì cưới về cũng sẽ hợp. Điều này chưa chắc đã đúng. Riêng việc thế nào là yêu hợp thôi, nhiều người đã chưa xác định được đúng rồi. Với nhiều bạn trẻ bây giờ, nhiều khi cứ chung sở thích, đi chơi vui vẻ, không cãi nhau bao giờ là yêu hợp, mà không hề quan tâm tới sự hòa hợp, điểm chung về những giá trị cốt lõi như quan điểm sống mà mình từng nói ở các bài viết trước. Vì còn trẻ và ham chơi, kể cả họ có cãi nhau, họ cũng thường tìm cách để xuề xòa bỏ qua để lại có thể đi chơi vui vẻ, chứ không thực sự dùng những lần xung đột đó để ngồi xuống giải quyết nó triệt để, từ đó không thực sự hiểu được rõ đối phương hơn. Từ đó, khi bị đặt vào hoàn cảnh mà ngày nào cũng phải tiếp xúc với nhau, khi phải đối mặt với những vấn đề thực tế, nghiêm túc hơn là việc hôm nay đi chơi đâu, mâu thuẫn nhiều lên, một phần họ không biết cách xử lý mâu thuẫn, một phần vì nhận ra "ồ hóa ra người này, lúc yêu thì vui đấy, nhưng lúc cần hoàn thành vai trò trong gia đình thì không làm được", thì lúc này đã quá muộn. Bên cạnh đó, họ hay có suy nghĩ rằng “Vui thì yêu tiếp, không vui thì nghỉ” lúc yêu, và do không có thói quen vun đắp và điều chỉnh để hòa hợp hơn với nhau, nên khi lấy nhau về, thấy nhiều mâu thuẫn một cái là họ chán, sẵn sàng rời đi, ngay cả khi đã có con cái. Trừ trường hợp bị bạo hành ra, thì rõ ràng việc này là không tốt. 
Lầm tưởng thứ hai là, chuyện kết hôn là việc chỉ của hai người. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” vẫn hay được dùng như một lời dạy của các cụ thời xưa. Thêm cả việc các bộ phim tình cảm ngôn tình cũng hay nhồi nhét vào đầu các bạn trẻ cảnh hai người tiến tới với nhau bất chấp mọi khó khăn và có happy ending làm các bạn trẻ càng tin rằng chỉ cần hai người yêu nhau đủ nhiều là đủ cho một cuộc hôn nhân. Thực tế không đúng như vậy. Nếu hai bạn đã xác định về cùng một nhà, thì cửa ải đầu tiên và cũng là lớn nhất chính là bố mẹ của người kia. Nếu vì một hay một vài lý do gì đó mà bố mẹ người mà bạn muốn lấy không ưng bạn, thì ngay lập tức, cuộc hôn nhân của bạn đã có thêm một sức ép giữa vô vàn những sức ép khác khi hai bạn sống chung. Phải người văn minh thì dù người ta có không ưa bạn, người ta vẫn có thể tôn trọng quyết định của con mình, đồng ý cưới xin và vẫn luôn tỏ ra lịch sự, hoàn thành đúng nghĩa vụ của bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ. Nhưng không phải ai cũng may mắn có những người bố mẹ chồng hay vợ hoàn hảo tới vậy. Mà ngay cả khi ở trong hoàn cảnh đó, hai bạn vẫn sẽ cảm nhận được có gì đó lấn cấn trong giao tiếp. Còn nếu bố mẹ của một trong hai người kịch liệt phản đối việc kết hôn của hai bạn thì có thể nói khó khăn sẽ ngập tràn ngay từ chuyện cưới xin tới giao tiếp sau này. Nếu chẳng may họ là những người thể hiện sự bất đồng rõ ra ngoài thì cứ mỗi lần như vậy, bạn hoặc người kia sẽ phải chịu tổn thương, và rồi dễ dẫn tới những mâu thuẫn khác giữa hai người, làm rạn nứt tình cảm. Giả như hai người có ý định muốn tránh hẳn đi, kiểu như chuyển hẳn sang một nơi xa, một năm qua lại vài lần hỏi han thôi thì cũng vẫn sẽ phải chịu sự phản đối mỗi lần về. Cộng thêm việc đi lại, rồi việc ở xa không có ai bên cạnh giúp đỡ v..v…. Có quá nhiều khó khăn để hai người trẻ tuổi, cưới lần đầu tiên sẽ gặp phải nếu không được sự ưng thuận từ bố mẹ hai bên. Ngoài bố mẹ ra thì ảnh hưởng xa hơn gồm có họ hàng, bạn bè, nhất là bạn thân. Tính xa hơn nữa, thì một trong những người sẽ ảnh hưởng tới quyết định kết hôn của hai bạn chính là con cái của các bạn. Hai bạn có đồng quan điểm về việc có con không? Có cùng quan điểm về cách nuôi dạy con cái không? Có đồng ý với nhau về cách chia sẻ công việc và trách nhiệm chăm sóc chúng không? Và còn ti tỉ những thứ khác liên quan tới trẻ em mà bạn thực sự cần cân nhắc với người kia trước khi lấy họ. Đừng chỉ tập trung vào mỗi việc yêu thì lấy, rồi đẻ con ra như một điều hiển nhiên, điều mà ai cũng làm khi kết hôn, để rồi khiến con mình phải chịu đựng một tuổi thơ không hạnh phúc. Có nhiều người, nhất là các bạn nữ, dù đã nhận ra mình không còn yêu người kia nữa, nhưng muốn giữ cho con có đủ bố đủ mẹ nên sẵn sàng chịu đựng ở lại một mối quan hệ độc hại. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm đúng người để cưới. Yêu sai người cùng lắm chia tay là xong. Có con với sai người thì không những cuộc đời bạn khổ mà cả đời con cũng khổ.
Hiểu lầm phổ biến thứ ba khi các bạn trẻ nghĩ tới việc kết hôn, đó là một túp lều tranh hai trái tim vàng. Các bạn cho rằng mặc dù kinh tế không có nhiều nhưng cứ lấy về rồi hai vợ chồng cùng nhau vun vén là được. Câu này chỉ đúng với ba điều kiện. Một là hai bạn đang có thu nhập ổn định. Kể cả khi lương hai người chưa được nhiều, nhưng nó phải ổn định. Khi biết được CHẮC CHẮN tháng đó tổng lương hai người là bao nhiêu, thì hai người sẽ biết điều chỉnh việc chi tiêu tương ứng, từ đó vẫn có thể có kế hoạch tiết kiệm lâu dài. Hai là việc chi tiêu tương ứng đó phải đảm bảo hai bạn không sống trong cảnh đói kém kham khổ. Nếu cả hai người gộp lương lại rồi mà vẫn phải ôm bụng đói đi ngủ, tới chỗ làm thì xây xẩm mặt mày, ốm đau không có tiền mua thuốc, không dám đi khám thì quả thực ngay từ đầu, hai người đã không nên tiến tới, bởi rõ ràng hai bạn chưa tự lo được cho chính bản thân mình.  Tin mình đi. Người giàu mà bị đói hay hay bị bệnh đã trở nên cáu bẳn rồi. Thử tưởng tượng bạn thiếu tiền tới mức một ngày chỉ dám ăn 1 gói mì tôm thì tính tình của bạn sẽ thay đổi thế nào? Ảnh hưởng đó lên giao tiếp với người kia ra sao? Và điều kiện thứ ba để hai bạn vẫn có thể có một túp lều tranh hai trái tim vàng là hai bạn biết hiểu rõ hoàn cảnh của mình. Tức là, cả hai người không có những yêu cầu vô lý so với khả năng tài chính của mình, kiểu như vợ thì đòi chồng mua son xịn hàng hiệu, hay chồng đòi vợ mua cho đôi giày sang chảnh trong khi tiền nhà thì còn phải nợ. Chỉ cần một trong hai người có đòi hỏi vô lý so với hoàn cảnh hiện tại, mâu thuẫn chắc chắn sẽ nổ ra, và happy ending của túp lều tranh sẽ không còn nữa. Mà ngay cả khi hai bạn có đạt được đủ cả 3 điều kiện bên trên đi chăng nữa, có được túp lều tranh hai trái tim vàng đi nữa, thì hãy nhớ, đó vẫn chỉ là HAI trái tim vàng. Thế hai bạn không phải lo cho bố mẹ hai bên à? Kể cả hai bố mẹ vẫn còn tự lo được thì tới ngày lễ ngày Tết cũng phải có quà cho họ, rồi lỡ họ ốm đau thì cũng phải có tiền mua thuốc hay đưa họ đi bệnh viện.
Bên cạnh đó, nếu tài chính của hai bạn chỉ gọi là vừa đủ sống, có tiết kiệm thì cũng không được bao nhiêu, thì tức là khi có con, hai bạn sẽ còn chật vật hơn nữa. Có thể mình thuộc tuýp người tính toán an toàn và chắc chắn, nên mình luôn đảm bảo rằng nguồn thu nhập của hai vợ chồng không chỉ đủ để cho cả hai người sống thoải mái, không cần xa hoa nhưng vẫn có thể thích ăn gì thì ăn, thứ gì cần thì vẫn có thể mua được ngay, mà còn phải dư ra kha khá mỗi tháng để khi con được sinh ra, con cái sẽ có một cuộc sống đủ đầy và không thua kém bạn bè. Trước khi mình kết hôn, cả mình và vợ đều đang đi làm bán thời gian do cả hai còn đang hoàn thành bậc thạc sĩ. Mình chỉ dám kết hôn, mà bố mẹ vợ cũng chỉ dám gửi gắm con gái họ cho mình, khi biết rằng mình đủ điều kiện và khả năng để có được một công việc với thu nhập tốt và ổn định. Một phần mình lấy vợ mình cũng là vì mình biết rằng cô ấy cũng có khả năng tương tự chứ không phải thuộc kiểu ngồi nhà nằm không. Và sau khi cả hai tốt nghiệp thạc sĩ thì đều kiếm được công việc khá tốt và ổn định, đúng như những gì cả hai từng tính toán. Vì vậy, nếu hai bạn đã kết hôn khi vẫn đang xây dựng sự nghiệp, lương chỉ vừa đủ cho hai người chi tiêu, nếu không có sự giúp đỡ tài chính từ bố mẹ thì hãy cố dành ra thêm thời gian tìm một công việc với một mức lương kha khá rồi hẵng nghĩ tới việc sinh con. Nếu không thì sức ép về tài chính dễ làm rạn nứt hôn nhân lắm đấy. Mà tin mình đi, ngay cả khi những người không có điều kiện có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, ngay cả khi họ hiểu rõ hoàn cảnh của mình và hài lòng với nó, phận làm bố mẹ mà không có tiền cho con đi học thêm, hay mua cho con cái điện thoại để học online, chắc chắn họ vẫn sẽ cảm thấy rất chạnh lòng, thương con và có phần tủi thân nữa đấy. Chẳng qua là vì họ không tìm ra cách để thoát ra khỏi túp lều tranh đó thôi. Vì vậy, càng muốn đi tới hôn nhân thì càng phải có cái nhìn thực tế về bức tranh toàn cảnh sau này nhé.
Hiểu lầm thứ tư cũng phổ biến không kém, đó là người ta hay thay đổi sau kết hôn. Những ai khi được ngồi trà đá với những người đã kết hôn, rất có thể bạn sẽ nghe câu cửa miệng của họ như “Ngày xưa anh ấy hay cô ấy thế này, thế mà từ khi lấy về rồi thì lại thế kia”, từ đó khiến những người chưa kết hôn cảm thấy….sợ. Thực ra mình tin rằng không phải là do người ta thay đổi sau kết hôn, mà là kết hôn rồi, về sống chung một nhà rồi, hai bạn mới được sống thật với chính bản thân mình, hay nói cách khác là được nhìn thấy con người thật của nhau. Lúc mới chỉ là người yêu, hai bạn sẽ luôn cố gắng đưa ra mặt đẹp nhất, tốt nhất của mình trước người ấy, thậm chí là trước cả gia đình của người ấy, tỏ ra mình hoàn hảo không tì vết, bầu trời đạo đức, chứng tỏ với mọi người rằng mình là sự lựa chọn đúng đắn. Khi đã về chung một nhà, khi sống trong căn nhà của mình, các bạn trẻ mới được rũ bỏ vẻ hào nhoáng đó, không còn phải gồng mình nữa, vậy là không chỉ ưu điểm mà cả những nhược điểm cũng dần được phơi ra, và phá tan những mộng tưởng màu hồng của đối phương. Khi này, họ sống thật với bản thân hơn, và những lời hay ý đẹp mà họ nói trước đây sẽ được thay thế bằng những suy nghĩ thật của họ, và thế là bạn cho rằng họ thay đổi. Nào, việc muốn trưng mặt tốt đẹp của mình trước mọi người là hợp lý. Không ai lại muốn mọi người ghét mình cả. Và nếu đó là đối tượng mình đang yêu thì nhu cầu trưng diện đó càng dễ hiểu. Nhưng phần lớn các bạn trẻ ngày nay không hiểu được là, việc cho người mình yêu thấy cả những nhược điểm, những mặt trái, góc tối cũng quan trọng không kém, đặc biệt là trước khi hai bạn tính tới chuyện kết hôn. Chỉ bằng việc cho người đặc biệt ấy thấy hết con người mình, xem xem liệu người ấy phản ứng thế nào, thì bạn mới có thể đánh giá được xem người đó có phù hợp để mình kết hôn không. Bên cạnh đó, việc bạn phơi bày tất cả cho người ấy có thể cũng cho họ động lực để làm tương tự, từ đó chính bạn cũng sẽ thấy được con người thực của họ và có cái nhìn chính xác hơn ý định kết hôn của mình.
Bản thân mình và vợ mình khi mới đầu hẹn hò cũng lịch thiệp, dè chừng lắm. Nhưng khi bắt đầu thân thiết hơn, cả mình và vợ từ từ cởi mở hơn, chia sẻ từ những mối tình cũ, những vấp ngã, quan điểm sống cho tới cả những tính xấu của nhau. Sau khi chia sẻ những điều đó, cả hai thấy vẫn hòa hợp và không hề thay đổi tình cảm dành cho nhau, thì khi đó hai đứa mới quyết định nghiêm túc hơn với nhau. Nhờ việc mình và vợ sống thật với nhau ngay cả trước khi kết hôn như vậy, nên khi kết hôn rồi thì không hề cảm thấy có gì khác ngoại trừ việc thêm cái tờ giấy hôn thú. Những gì bọn mình từng chia sẻ với nhau trước khi kết hôn thì bây giờ bọn mình vẫn có những quan điểm đó. Ví dụ thế này, có lẽ thường thấy là khi còn là người yêu, các chàng trai thì vẽ ra là anh sẽ nấu những món thật ngon cho em ăn, việc nhà cứ để anh lo, em không phải động tay vào cái gì, còn các cô gái thì ra vẻ là Em sẵn sàng đứng đằng sau hỗ trợ anh, nhưng khi kết hôn về rồi thì vỡ mộng, đúng không? Trước kết hôn mình từng nói anh rất ghét việc nấu ăn, nhưng anh sẵn sàng rửa bát. Việc nhà thì nếu em ốm đau hay bận bịu gì, anh sẵn sàng dọn dẹp nhà cửa cho em. Nhưng nếu cả hai cùng rảnh thì phải cùng nhau chia sẻ. Cô ấy ổn với việc đó, và sau kết hôn mình vẫn làm đúng như vậy. Trước kết hôn cô ấy từng tuyên bố luôn "Em sẽ là nóc nhà". Sau kết hôn cô ấy làm đúng như vậy, còn mình thì buộc phải ổn với việc đó. Vì vậy, hãy phơi bày hết con người thật của nhau trước kết hôn thì bạn sẽ không còn bị shock sau kết hôn nữa đâu.
Hiểu lầm thứ năm, kết hôn rồi thì ngọn lửa tình yêu sẽ luôn bùng cháy. Các bạn trẻ hay mắc phải hiểu lầm này là bởi họ nghĩ rằng, được ở bên cạnh người mình yêu 24/7 thì lúc nào tình yêu cũng đong đầy. Thực tế là, kết hôn mới là lúc các bạn phải bỏ ra nhiều công sức hơn để làm hai người yêu nhau, hơn cả khi hai bạn còn là người yêu. Khi chưa kết hôn, hai bạn chưa về một nhà, cũng chưa phải gánh vác nhiều trách nhiệm, thì hai bạn vẫn còn nhiều thời gian đi chơi với nhau, khám phá chỗ này chỗ kia, mỗi ngày là một lần yêu mới, nhờ vậy tình yêu lúc nào cũng trở nên thú vị. Khi kết hôn về rồi, sống chung rồi, nếu không có ý thức về việc giữ gìn lửa tình yêu, rất nhiều người có thể sẽ biến tình yêu thành một vòng lặp nhàm chán. Thức dậy, ăn sáng cùng nhau, đi làm, chiều về nấu ăn với nhau, hoàn thành nốt công việc, đi ngủ. Hai người cảm thấy dường như đã biết hết về nhau rồi nên không còn gì để nói với nhau nữa. Những áp lực công việc và đau đầu tính toán tiền nong chi tiêu cũng đủ để khiến bạn mệt mỏi và lười thử cái gì đó mới nữa. Đi làm về chỉ muốn ăn cho mau, tắm rửa rồi đi ngủ. Cuối tuần thì chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi. Và thế là, dù hai người không ai làm điều gì sai trái với nhau, nhưng ngọn lửa tình yêu cứ thế mà nhỏ dần, cho tới khi vụt tắt.
Đây là lý do mà rất nhiều người rút ra kinh nghiệm rằng hôn nhân chỉ 2 năm đầu là hạnh phúc, từ năm 3 trở đi là bắt đầu chán nhau. Họ cứ coi hôn nhân là chuyện đã rồi, cứ đối xử với người kia ngày hôm nay giống như ngày trước, thụ động mong chờ rằng tình yêu nó cứ mãi bùng cháy như khi mới yêu mà không phải làm gì, để rồi khi tình yêu nhạt đi thì lại đổ lỗi cho đối phương. Nếu hai bạn có cái nhìn thực tế về vấn đề này ngay từ đầu, thì hai bạn sẽ có những hành động kịp thời, những kế hoạch ngay từ đầu hôn nhân để dù có bao nhiêu năm đi nữa, hai bạn vẫn giữ được ngọn lửa tình yêu ấy. Cá nhân mình thì mình luôn có những câu đùa để làm vợ mình cười ngặt nghẽo ít nhất 1 lần mỗi ngày, còn cô ấy thì luôn nghĩ ra những điệu nhảy mới uốn éo chả ra đâu vào đâu hay những bài ăn vạ mới. Hai ngày cuối tuần thì một ngày dành cho bạn bè, một ngày để hai đứa hẹn hò. Sau này có con, chắc chắn thời gian dành riêng cho nhau hay đi chơi với bạn bè sẽ ít lại, nhưng việc mấu chốt Luôn có cái gì đó mới vẫn sẽ phải giữ nguyên. Tóm lại, đừng coi người ấy là đương nhiên. Đừng coi tình yêu của hai bạn là đương nhiên. Hãy luôn bỏ công sức và tâm trí ra để duy trì nó. 
Trên đây là 5 hiểu lầm về hôn nhân mà các bạn trẻ hay mắc phải. Mong là bài viết này, cũng như hai bài viết Chọn vợ với Chọn chồng của mình sẽ giúp cho các bạn được ít nhiều trong việc chọn đúng người đi cùng mình tới cuối con đường nhé :D Nếu các bạn thích các bài viết về kĩ năng sống của mình, hãy subscribe Youtube channel Đàn Ông Học để có được những bài học mới mỗi tuần nhé :D Cám ơn mọi người ;)